Ông đã truyền giáo như thế!

Giáo điểm này được Nhà nước cho phép linh mục dâng Thánh lễ từ lễ Giáng sinh năm 2007. Nơi đây có một ông cụ hiền lành, thật thà. Tên của ông là Lê Văn Lai, sinh năm 1942, là ông trùm của giáo điểm, rất nhiệt tình với công việc truyền giáo của Giáo điểm. Vậy ông đã truyền giáo như thế nào?

Ông Tư, là tên gọi thân quen mà nhiều bà con dùng để gọi ông trùm của Giáo điểm Tràm Mù. Ngay từ buổi đầu tiên, vùng đất Tân Phước còn hoang sơ với những rừng tràm, đất đai bạt ngàn nhưng chưa quy hoạch, trồng trọt. Ông Tư đã vất vả cọc cạch đạp xe gõ cửa từng nhà có đạo Công giáo. Thời điểm năm 1997 thật khó khăn và vất vả đối với ông Tư bởi lẽ ông bị chính quyền để ý, phải chạy xe đạp hàng chục cây số mỗi ngày. Ông đến với từng gia đình có đạo, ngồi uống nước trà với họ, bàn chuyện xây cất và phát triển giáo điểm Tràm Mù, bàn chuyện giới thiệu Chúa cho những bà con nông dân trồng khóm nơi xứ sở này. Cho đến nay số gia đình Công giáo của giáo điểm đã hơn 90 hộ gia đình. Ngôi nhà nguyện của giáo điểm thật đơn sơ, mát mẻ và ấm cúng.

Ông Tư kể lại: “Có những doanh nghiệp nước ngoài đòi tôi cho mướn ngôi nhà đang ở nhưng tôi không đồng ý vì sợ phải xa nhà nguyện, xa bà con nông dân chân chất thật thà nơi xứ sở này”. Quả thật, ông đã đặt tình Chúa và tình người lên trên tiền bạc; Cả cuộc đời ông Tư dành trọn cho việc phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội. Ngoài ra, ông còn đảm trách nhiều công việc khác ngoài mặt xã hội. Nhìn vào tấm gương phục vụ và đời sống hiền lành của ông Tư, nhiều người vô cùng cảm kích và thán phục.

Ông Tư đã truyền giáo như thế, một cách thức truyền giáo bằng tấm lòng yêu thương và hy sinh. Ông đã không nghĩ đến bản thân nhưng luôn biết quan tâm đến người khác; Ông không học đại học, nhưng tấm lòng và tinh thần phục vụ của ông thật đáng để chúng ta thán phục trong lòng. Có lẽ Chúa dùng ông Tư làm người khai phong cho việc truyền giáo hình thành Giáo điểm Tràm Mù. Chúa dùng ông Tư như là khí cụ bình an và yêu thương để nhiều người nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi xứ sở Tràm Mù còn hoang vu này. Những ai đặt chân đến giáo điểm này đều cảm nhận được một sự yên bình, mát mẻ, cảm nhận được tấm lòng hiếu khách của nhiều bà con.

Chúa Giêsu đã từng phán dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Thông thường chúng ta nghĩ những người thợ gặt ở đây là những linh mục, tu sĩ. Họ là những người có trọng trách truyền giáo, đem Chúa đến với mọi người. Thế nhưng, qua câu chuyện đời thường kể về ông Tư, có lẽ mỗi chúng ta sẽ hiểu khác hơn: những người thợ gặt ở đây không chỉ là những người đang sống ơn gọi linh mục mà còn là những người giáo dân. Chúa và Giáo hội cần những người giáo dân gương mẫu và nhiệt tâm truyền giáo như ông Tư. Đó là cách truyền giáo không chỉ ngồi đọc kinh “chu chu chấm chấm” trong nhà thờ, mà ra đi đến với những người chưa nhận biết Chúa; Đó là cách truyền giáo không chỉ nói bằng lý thuyết hay và suông nhưng bằng chính việc làm bác ái hy sinh. Ông Tư đã đến để sống với bà con; Đến để sống cùng bà con; Đến để yêu thương và chia sẻ với họ những túng thiếu và khó khăn trong cuộc sống thường ngày của bà con như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi thì êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).


(Raphael Trần Dương Tuyển , WGP.Mỹ Tho 28.02.2014)

Exit mobile version