Ông Cố

ongCo - Ông Cố
Ngày ấy bọn con nít tôi, không nhiều khoảng chừng bảy tám đứa, cứ hay rong ruổi hết bờ mương, mò cua bắt cá, rồi bày lắm những trò vua Chúa, vương niện hoa hậu,nhà chòi nhà tranh tất bật, ngày nào cũng bận bịu với những kế hoạch những trò, chẳng để yên cho những dãy cây sau vườn, cứ túm lấy lá già, lá non vun vén cho nhà chòi hoặc mão vua, hoàng hậu. Cái khu vườn sau nhà thờ thường là nơi “tác nghiệp ” của bọn tôi, vì của nhà chung con cái được xài một tí, ông cố sở thì già lắm rồi sắp về hưu, mà chắc cũng quắc tuổi về hưu rồi, nhưng do Giáo Hội thiếu Linh Mục thì để Ngài lại chỉ chỏ cho ông Cha trẻ việc nọ việc kia, cả đời có ai bước ngắn bước dài ra tới khu vườn này. Thế là nó thuộc quyền sở hữu của bọn trẻ chúng tôi, gầy dựng thì ít nhưng vì mục đích vui chơi” tối thượng” chúng tôi tận dụng triệt để.

Ấy thế mà đùng một cái “Ông Cố” được chuyển về đây thế chỗ hai Người trước, ngày ấy nhiều người xa lạ sang trọng đến đưa đón ở họ đạo, khung cảnh nhộn lên, bọn tôi cũng len lén đến xem. Nhiều người vui ra mặt, mà cũng không ít các bà các cô nước mắt ngắn nước mắt dài tiễn đưa nắm níu, xuống xuồng về mà mặt còn ngoái lại dụi dụi con mắt đỏ hoe. Thế là “Ông Cố” đến đây, Ông cố không quá già, mà cũng không còn trẻ đẹp trai như mấy anh thanh niên trong làng, nhưng ông cố nhanh nhẹn, vui vẻ, nhà thờ có ông cố như sống lại cái không khí mới.

Bọn tôi, sau những giờ lặn lội mò cua bắt cá thường thích mon men đến chỗ ông cố chơi, lúc đầu thì đứng xa xa nhìn, dần dần thì lân la làm quen, mà ông cố “hào phóng” thật mỗi lần đi đâu xa về là bọn nhóc tôi được ông cố “chiêu đãi” mỗi đứa một cái bong bóng to đính kèm mấy cái kẹo. Chỉ cần thế thôi là bọn tôi sướng mê tơi, là ngưỡng mộ ông cố hết lời. Đến chơi nhà ông cố vui thật nhưng bù lại là chúng tôi phải siêng năng dậy sớm đi lễ mỗi sáng, đi lễ xong thì mỗi đứa được ông cố cho bong bóng, đứa nhỏ không thổi được thì ông cố cũng “há mồm, phùng mang” thổi giúp, con nít ở quê được cái bong bóng chơi là thích thú lắm rồi, là cứ vây vào mà tán tụng ông cố tốt bụng, dễ thương, là thương ông cố đặt hết lên đầu.

Cái thằng Tí lúc đầu nó ghét ông cố lắm vì nó quen thói chửi thề bị ông cố “ cấm cửa” không được đến chơi cho đến chừng nào không còn chửi bậy nữa. Mà cái bệnh chửi bậy đã ăn vào tận xương tuỷ nó, vì nhà nó ai cũng xài những từ như vậy nên nó bị nhiễm từ lúc chập chững, khi nó biết nói tiếng đầu tiên là chửi thề vậy mà cả nhà nó hí hửng vỗ tay cổ võ cho nó, nên nó thuộc diện “hết thuốc chữa”. Nghĩ cũng tội nghiệp nó khi chúng tôi được vô chơi trong khuôn viên nhà xứ thì nó chỉ được đứng ngoài rào thòm thèm, có lắm lúc chán nó thang lang ngoài khu vườn cũ mà nhớ lại một thời vàng son được đóng vai quân lính đi bắt người, cầm gươm giáo, giờ có mình nó buồn thiu, lủi thủi nơi góc vườn. Thấy nó tội nghiệp bọn tôi khuyên nó bỏ chửi bậy đi để được đến nhà thờ chơi rồi bọn tôi dẫn nó vô trình ông cố:

-Thằng Tí nó không còn chửi bậy nữa, ông cố cho nó vô đây chơi với bọn con nghen ông cố!.

Ông cố xoa xoa đầu nó:

-Ừ vô chơi không chửi bậy nữa nhe con!.

Thế là nó được nhập hội trở lại, cả bọn mừng hí hửng.

Ông cố ở có một mình nên việc nấu nướng giặt dủ phải tự làm, nhiều khi giáo dân thấy đem lòng thương nên có trái cà trái ớt của ngon đầu mùa là cứ mang biếu ông cố, nhiều quá ông cố ăn đâu có hết thế là bọn nhóc chúng tôi cũng có phần. Những ngày thường, thì bọn tôi là nhất, nhưng lâu lâu có các bà sang trọng từ đâu đến, mang cho ông cố nhiều của ngon vật lạ, những ngày như thế ông cố vui ra mặt, còn bọn tôi thì bị dạt ra rìa nên lòng cứ muốn đừng có ai đến nhà xứ để bọn tôi được “độc quyền” tình thương ông cố.

Có nhiều sự kiện mà cứ được chụp lại nguyên hình trong đầu óc tôi, rõ ràng đến như mời diễn ra hôm qua. Hôm đó bọn tôi có tám đứa, được ông cố cho ở chơi rồi nấu cơm cho cả bọn ăn, tôi nhớ rất rõ 4 cái trứng vịt kho thịt, ông cố lần lượt cắt ra làm đôi, rồi xới cơm cho từng đứa, chúng tôi được ngồi chỉnh tề trên một cái bàn tròn rất trịnh trọng được ông cố dạy làm dấu đọc kinh rồi mời ông cố,mời nhau trước khi ăn, xưa nay ở nhà tôi có ai bảo phải làm thế đâu thậm chí lên ăn cũng đâu đã làm dấu, mâm cơm ấm cúng tình Cha Con, nhìn ông cố như người Cha chăm sóc từng miếng ăn cho bọn chúng tôi lòng tôi cứ khắc mãi cái giây phút ấy, bữa cơm ngon và những bài học đầu tiên vì tới bây giờ tôi mới được học là phải cho rác vào sọt rác, phải cám ơn Chúa trước và sau bữa ăn…Ông cố kiên nhẫn với bọn tôi từng giây từng giờ, vẫn chờ đợi sự quay trở lại đổi mới con người cũ của chúng tôi.

Vì muốn ươm mầm, chăm sóc những cây non như chúng tôi ông cố làm rất nhiều việc mà những người lớn luôn “xầm xì” chê trách, lạch cạch với tre nứa búa đinh vài ba tuần thì bọn chúng tôi được tròn xoe mắt lên và lòng đầy khâm phục, chiếc nhà rong, cây cầu dây, mấy dãy cầu thang trên cao,cầu tuột, xít đu được treo rất cao,nhìn đẹp như trong film. Đó là cái công nghệ mà ông cố hay khoe học được từ bên Mỹ, cái gì của ông cố cũng có mác Mỹ.Hay thật!. Bọn chúng tôi là được ông cố thương nhất, ông cố cho leo lên trước khi công trình chưa được nhiệm thu và dặn rằng không được nói cho ai biết là được ưu tiên. Ấy vậy mà thằng tèo nó lanh mồn lanh miệng vừa mới ra khỏi cổng khoe ngay với bọn mấy đứa con gái, nó xì cho một hơi dài…..hôm qua ông cố cho bọn tao leo rồi lelelele… Ông cố cũng dặn đừng cho bọn mày biết mà ganh tỵ. Nghe đến đây lòng tôi ấm ức ông cố dụ khị bọn tôi chứ bọn tôi có là số một đâu!?. Thôi cũng được số mấy cũng được miễn được leo lên là sướng rồi.

Bẵng đi một thời gian chúng tôi vì đời sống cơm áo gạo tiền theo Bố Mẹ trôi dạt đi xứ khác làm ăn, cái ngôi làng ngày bé thơ ấy dần dần mờ trong tâm trí tôi nhưng hình ảnh ông cố vẫn đậm nét vẫn như mới hôm qua đôn hậu ngồi xới cho bọn tôi từng bát cơm và lồng trong bữa ăn là những lời dạy dỗ chân thành.

Cào Cào

Exit mobile version