Ông cha và những túi quà

ong cha va nhung tui qua - Ông cha và những túi quà

Ðối với trẻ nhỏ, linh mục Antôn Padua Trần Liên Sơn lúc nào cũng giống như một ông già Noel, bởi cha không ít lần nhập vai ông già tuyết vai mang vác bao quà trĩu nặng vào những dịp Giáng Sinh. Còn với người lớn, cha luôn để lại cho họ cảm nhận về sự ân cần khi không nề hà gói ghém từng chai nước mắm, lon sữa bò… đem đến cho những người cùng khổ.

Trước khi làm chánh xứ một họ đạo miền núi là Cây Rỏi (giáo phận Qui Nhơn) và phục vụ từ hơn bốn năm qua, cha Sơn đã có quãng thời gian hơn mười năm gắn bó với một giáo xứ nơi phố thị. Có lẽ cũng chính điều này khiến cha thấy được nhiều điều còn thiệt thòi với bà con giáo dân thôn quê và bắt tay vào gầy dựng nhiều hoạt động. Cây Rỏi vốn là một giáo họ khá lâu đời, trải qua nhiều thăng trầm đến năm 2001 mới xây dựng được nhà thờ và được nâng lên hàng giáo xứ từ năm 2009. Cha Sơn là cha sở thứ hai, tiếp nối cha Gioakim Nguyễn Đức Quang.

Khi xắn tay vào công việc mục vụ, cha chú ý ngay đến các sinh hoạt cộng đoàn ở giáo xứ. Để giáo dân đến nhà thờ nhiều hơn và nán lại lâu hơn, ngài “đầu tư” thêm vào phần “hội” cũng như tạo điểm nhấn hơn về phần nội dung và chiều sâu của mỗi chương trình. Những lần tổ chức diễn nguyện đêm Giáng Sinh hay liên hệ mời gọi chương trình “Tiếng hát vì người nghèo” của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Sang đến với giáo xứ, cha đều xuất phát từ ước mong giáo dân có đời sống tinh thần phong phú, đồng thời để người nghèo có thêm sự hỗ trợ vật chất… Cha cũng khơi gợi cho các bạn trẻ về sân chơi bằng cách đẩy mạnh hoạt động của xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Những ngày tổ chức “Sa mạc huấn luyện” sôi động, cả giáo xứ đã có thêm chất keo gắn kết khi nhiều tín hữu được kêu mời cùng góp sức vào, người thì lao vào đi chợ, làm bếp; người khác thì nhanh tay sắp xếp, trang hoàng… Các ban sôi nổi lo việc chung. Dịp giáo phận Qui Nhơn mừng Năm Thánh vừa qua, ngài lại thêm phần bận rộn khi tổ chức cho thiếu nhi trong xứ hành hương về nguồn tại Trung tâm Thánh Thể giáo phận.

Nhận thấy sự nhanh nhạy, sức lan truyền của mạng xã hội, từ 5 năm trước, cha mày mò xây dựng trang Facebook cá nhân và sau này thêm trang của giáo xứ để lan tỏa Tin Mừng, tạo mối liên kết với nhiều thành phần. Những bạn trẻ hay người lao động xa quê, qua những chia sẻ cập nhật của ngài, có thể biết rõ về các hoạt động ở quê nhà. Không chỉ vậy, cha thường giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn, những sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn nơi vùng quê nghèo. Mang tâm niệm “chỉ là người gieo” nên bao thời giờ dành cho hình thức truyền thông xã hội hiện đại này, cha dùng đầu tư nội dung qua từng câu chữ, bài viết.

Âm thầm, kiên nhẫn mang Lời Chúa cho tín hữu ở khắp nơi để họ đọc và hiểu thêm đã trở thành một công việc hằng ngày của cha. Những phần suy niệm và cả những câu chuyện, hình ảnh nhiều ý nghĩa được vị mục tử đăng tải dần dà nhận được sự phản hồi tích cực. Những người theo dõi trang của ngài bắt đầu có những mối liên kết gắn bó. Cũng từ đây, cộng đồng biết hơn về những số phận kém may mắn, hoàn cảnh khó khăn mà cha có dịp tiếp xúc giúp đỡ ở xứ đạo. Nhiều bàn tay đã góp thêm vào, chia sẻ công việc bác ái của cha. Nhớ lại quãng thời gian mới về nhận xứ, vị linh mục kể lại: “Mình bắt tay vào việc đi thăm các gia đình trong giáo xứ, không phân biệt lương giáo. Và ngay lập tức nhận thấy nơi đây còn nhiều người già neo đơn, nhà nghèo không ai chăm sóc. Mình nóng ruột lên ngay chương trình và kêu gọi làm việc bác ái nhưng lúc đầu chỉ giúp được hơn 20 gia đình vài trăm ngàn mỗi tháng. Sau này, với sự hỗ trợ từ xa của nhiều người hảo tâm, công việc thiện nguyện đã triển nở hơn rất nhiều…”. Vào những dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết, Phục Sinh, Trung Thu, số lượng quà chia sẻ đã tăng lên thành 100 rồi 200 và có khi đến 300 phần.

Nhận mình chỉ là người “giữ giùm”, “mua giùm”, “phát giùm” từ tiền góp ủng hộ của ân nhân, song vị mục tử xóm núi thường xuyên phải “bù đầu” vì còn phải cân đong tính toán để ngày càng có thêm người được quan tâm. Những phần quà nằm ngay ngắn trong nhà xứ luôn được cha Sơn kiểm tra lại lần cuối để chắc rằng đã đủ mắm, tương, gạo, đường, sữa, mì… Đây là công việc quen thuộc vì hầu như đã diễn ra đều đặn hằng tháng từ nhiều năm nay nhằm phục vụ cho chương trình “Nối dài vòng tay Giêsu”.

Giáo xứ chỉ có khoảng 1.000 giáo dân nhưng ở giữa rất đông bà con ngoài Công giáo, nên công việc bác ái không thể chỉ co cụm trong cộng đoàn. Vậy nên cứ Noel, người ta lại thấy “ông cha” hóa thân râu tóc thành ông già Noel hiền hòa, khệ nệ túi quà đến tận các lớp học phát quà cho trẻ nhỏ. Vài trăm phần quà xinh xắn của “ông già tuyết” mang lại làn gió tươi mới cho bao đứa trẻ vùng quê ít khi biết đến quà Noel là gì. Vì hay thăm viếng nên vị mục tử vốn luôn cảm thông với người nghèo đã phát hiện không ít cảnh khổ và quyết định hỗ trợ dài lâu. Như trong chuyến đi thăm và gặp trường hợp 3 anh em bại liệt, mồ côi cha mẹ không ai chăm sóc, nuôi nấng, cha đã kêu gọi gây quỹ giúp đỡ. Hiện nay, mỗi tháng các em đã có thêm 3 triệu trang trải cuộc sống… Cũng bởi hay tìm hiểu nên khi có dịp đi Quảng Ngãi và đến thăm các cháu cô nhi ở Phú Hòa, thấy chúng thiếu thốn tinh thần và vật chất nên ngay khi về, cha liền viết bài kêu gọi lòng hảo tâm.“Bắt đầu bén duyên với các em vào cuối năm 2017, nay vẫn đang đồng hành với các sơ. Với các bệnh nhân trại phong Quy Hòa cũng thế, xin được ở đâu, ai cho gì lại gom góp chia mỗi nơi mỗi ít”, cha Sơn giản dị kể mối duyên của một trong số những nơi cha thường “gởi gạo”

Mùa bão lũ, khắp miền quê không yên ả bởi những thiệt hại sau thiên tai, cha lại thêm gánh nặng vì đời sống bà con vốn lam lũ nay càng vất vả. Mùa nắng thì kéo theo hạn hán thất bát mùa màng… Giấc ngủ của “ông già Noel miền quê” lại thêm trằn trọc, nặng gánh vì túi quà cần phải tính đến các yếu tố thiết thực. Mắm, mì, gạo, dầu ăn… là những nhu yếu phẩm được cha chọn. Chúng luôn nặng tay người mang và cũng còn nặng thêm vì tấm lòng của ngài.

Minh Hải

Exit mobile version