Mục vụ giữa vùng phần lớn dân cư theo đạo Hòa Hảo xen lẫn với Cao Ðài, Phật giáo, đồng hành đức tin giúp giáo hữu thêm yêu Nhà Chúa và đỡ nâng cuộc sống bà con nghèo là những nỗi trăn trở của cha Antôn Nguyễn Ngọc Thâu từ khi nhận xứ Chợ Mới, An Giang.
9 giờ sáng, chúng tôi đến nhà thờ. Ngôi nhà Chúa thiệt đơn sơ, nằm lọt thỏm giữa khu chợ đông đúc. Phía trong khuôn viên nhỏ hẹp, mấy người đàn ông loay hoay sửa sang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Cha xứ cũng lót dép ngồi một góc ngay đó, bên đống sắt thép. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nếu ai không biết là linh mục hẳn sẽ lầm cha với ông nông dân nào đó rất năng việc đạo. Nhiều người bảo suốt 12 năm qua trong thánh chức, ở đâu cha cũng bình dị như thế. Mà có lẽ dễ hiểu, bởi cha cũng là người con của đồng bằng, lớn lên ở ngay vùng đất Cái Đôi của Long Xuyên, thành thử sự chân chất nhiệt tình cũng đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ…
Buông việc đôi chút, cha Thâu dẫn chúng tôi tham quan nhà thờ. Một vòng chỉ thoáng là hết. Cung thánh bài trí tôn nghiêm, trang nhã. Dãy bàn ghế ước chừng đủ hai trăm người ngồi xếp ngay ngắn. Cha nói mấy hôm rày cùng ban hành giáo làm hang đá, giới hiền mẫu thì tụm vô trang trí hoa hòe. “Nhà thờ tuy nhỏ nhưng mọi thứ cũng phải làm cho tươm tất”, vị mục tử nhấn ý. Bên hông nhà thờ, cha dành làm chỗ nghỉ ngơi cho các sơ dòng Chúa Quan Phòng giúp xứ ở lại, khỏi tới lui cực nhọc như trước.
Tính ra, cha về Chợ Mới này chưa lâu. Chịu chức xong, cha làm phó xứ Mỹ Luông rồi làm chánh xứ Chợ Thủ suốt 8 năm ròng. Biết bao nhiêu công sức cha đổ ra cho giáo xứ này. Chợ Thủ cũng là một họ nhỏ nhưng lâu đời, với khoảng 700 giáo dân, nhà thờ tồn tại hơn trăm năm, trải qua thời gian xuống cấp trầm trọng nên ông cố trẻ vận động ân nhân xây mới để có cơ sở khang trang hơn cho bà con cả vùng yên tâm kinh kệ. Năm 2011, nhà thờ mới hoàn thành. Dấu ấn cha để lại với đoàn chiên nơi đây còn là sự thân tình, nhiệt huyết. Cha khơi lại các sinh hoạt của thiếu nhi, giới trẻ và hẳn nhiên trong bao nhiêu bận rộn mục vụ, chuyện làm bác ái vẫn được ưu tiên.
Về Chợ Mới, cha cũng tiếp nối mục vụ bác ái. Bởi sự gần gũi của ông cố trẻ nên dân nghèo miền quê bớt đi ngại ngần mỗi lần tìm cha chia sẻ những khúc mắc chuyện đạo, chuyện đời. Lân la với mấy chị em đang phụ việc nhà xứ, chúng tôi còn nghe nhiều điều về cha. Nhắc đến cha Thâu, dân quê bày tỏ lòng cảm mến và kính trọng, như lời chia sẻ chân tình của bà Út Thủy, một giáo dân cao tuổi: “Cha mới về xứ chưa được ba năm mà chuyện gì cũng lo. Cha có tiền của gì đâu nhưng mà xoay sở, tìm đầu nọ đầu kia giúp người nghèo. Bất kể ai khổ quá cần giúp thì cha cho. Ở đây nhiều nhà xập xệ, con cái đi làm ăn tuốt trên Sài Gòn để lại ông bà già sống một mình cô đơn không ai nương tựa. Hằng tháng cha cho gạo, cho tiền để họ trang trải. Dọn lễ Noel này, xứ nghèo góp được chút đỉnh, còn bao nhiêu cha bỏ ra lo hết”. Tiếp lời bà Thủy, chị Năm Phỉ, vừa quét sân nhà thờ vừa nói thêm vô: “Lúc nãy mấy anh tới đây thấy cha mặc đồ giản dị không? Chẳng hề cầu kỳ phân biệt gì cả. Hễ làm chuyện nào chung là cha xắn tay, xắn chân ra làm. Không ngại. Cha vui vẻ nhiệt tình vậy cho nên dân xung quanh dù người ta theo đạo khác mà cũng thương cha. Họ nói ông cố hiền. Mấy ngày lễ sắp tới đây, thấy nhà thờ trang hoàng đẹp họ cũng lại coi, dẫn con nít chạy giỡn trong sân thoải mái…”. Mà thiệt, chính cái nết hiền hậu, vui vẻ tự trong tính cách của cha toát lên làm nhiều người trân quý. Hơn nữa, những công việc mục vụ của cha giúp người đói khổ tại địa phương cũng được nhiều người biết đến, vì thế dân miệt vườn càng dành tình cảm cho ông cố trẻ.
Ở vùng Chợ Mới đi đâu cũng toàn gặp tín hữu Hòa Hảo hoặc Phật giáo, Cao Đài…, dân Công giáo xứ này chỉ vỏn vẹn 70 gia đình, chưa đến 300 giáo dân. Đoàn chiên của cha sống quanh chợ, tản mát trong khu giáo của người đạo khác. Có việc gì cần thì tất cả hội tụ về nhà thờ trao đổi. Dẫu ít ỏi, khó khăn là vậy nhưng lòng đạo của bà con nhiệt thành. Gặp chúng tôi, nhóm bà Thủy còn tự hào khoe: “Tụi chị đạo gốc!”. Nói về những thách đố trong mục vụ, cha Thâu hạ giọng trầm ngâm: “Tôi nhớ rất kỹ những lời của Đức cha GB Bùi Tuần, mỗi lần có dịp chào thăm. Ngài hay căn dặn về cách sống của người mục tử ở vùng này. Đức cha nói chỉ cần làm sao cho người theo tôn giáo khác thấy được sự chân thành của mình để tất cả cùng hòa hợp, thiện cảm với nhau thì cũng là bước đầu của truyền giáo. Các Đức cha đương nhiệm bây giờ cũng nhắn nhủ vậy và tôi cố gắng cùng bà con giáo dân mình giữ hòa khí với anh em làng xóm…”.
Chợ Mới về chiều, khi những quầy hàng dọn dẹp xong chỉ còn mùi hỗn tạp của đất cát, thịt mỡ, cơn gió bấc nhẹ thổi ngang cũng làm người ta đủ lạnh. Và buồn. Trong sân nhà thờ, mấy đứa nhỏ chạy quanh coi hang đá chớp đèn xanh đỏ. Mùa này có giải bóng đá, mấy anh con trai còn kéo vô nhà xứ coi cùng cha. Vị mục tử thì nhiệt tình pha trà mời sẵn. Họ vừa xem vừa bàn bạc tất tần tật những câu chuyện trên đời… Giữa nhịp sống thường nhật, con người xứ sở này bất phân khác biệt tôn giáo, nghĩa xóm tình làng níu họ lại với nhau thiệt khắng khít!
Anh Nguyên