Ông cha ”Hố xí”

Thật ra, trong một tình huống chẳng đặng đừng, tôi phải xăn tay, nói theo thời sự đài truyền hình: Phải vào cuộc.

Thời cơ đến, điều mà tôi cũng như các nhà lãnh đạo xã hội mong muốn từ lâu, nếu tôi không lầm, trước cả chỉ thị 200/TTCP năm 2000, làm sao xóa bỏ “cầu cá” thay cầu tiêu vệ sinh tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là vùng nông thôn sâu, nơi tôi đang làm mục vụ. Nhà nước có chủ trương xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Thực tế, “cầu cá”(cầu tiêu trên ao cá vồ, cá tra) ở vùng nông thôn Nam Bộ, đã thành truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán từ rất xa xưa. Nguyên do: Có tiện lợi, đơn giản, rẻ tiền,cả không tốn tiền: Chỉ một hai tấm lá dừa nước, mọc chi chít, um tùm bên các bờ kênh rạch. Họ chặt xuống, phơi khô, kết lại thành tấm che chắn, vây lại ba bên, cao vài ba tấc là đủ che phần dưới thân người là được; còn mặt trước không có cửa, trống hoắc, chỉ cần một hai tấm lá khác càng thấp hơn. Kênh rạch, ao hồ chằng chịt, gọi vùng sông nước,cá dưới sông dầy đặc. Chẳng thế, đã có nhiều giai thoại vui kể về Bác Ba Phi, Cà Mau, đã có in thành sách. Một lần Bác Ba muốn múc nước, phải vất vả lắm xô vạt cá ra mới có chỗ trống đặt thùng xuống; vậy mà cũng bị một vài con lọt vô thùng. Còn rùa thì như xe tăng thiết giáp, Bác vừa gác mái chèo chiếc ghe lên bờ, trở ra, ghe đã ra giữa sông vì từng đàn rùa đã đẩy ghe đi mất.

Cây cầu ngồi càng không gì khó, chỗ nào cũng có cây tạp, mọc um tùm khắp nơi; cần chặt hai cây, róc nhánh sơ sài, đặt xuống đã thành bàn cầu ngồi thoải mái. Lại thêm gió mát trăng thanh, đêm ngồi ngắm trăng sao lấp lánh trên trời, người ta đã thi vị hóa thành “khách sạn ngàn sao”; thi vị cả loài cá tra, cá vồ bằng câu đố dí dỏm thời đại trúng thưởng: “Con gì vừa xơi bánh mì vừa xem phim sex?”

Hơn thế nữa, tâm tính người Nam Bộ, từ ngàn xưa, đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi, đất đượm phù sa, đồng lúa bạt ngàn, thẳng cánh cò bay, thể hiện qua những câu ca Vọng cổ lâm li, Dân ca Nam Bộ… Tình yêu, tình cảm nhẹ nhàng, chơn chất như những cảnh chiều tà êm ả. Thậm chí nhà ở, còn nhiều nhà lá, nhà kê, nhưng vẫn nền đất gồ ghề từ nhiều thế hệ gia đình…

Trong bối cảnh đó, tới nay vận động người nông dân xóa bỏ “cầu cá” không đơn giản chút nào. Người ta còn hồn nhiên, vô tư: Vừa ngồi cầu, vừa tâm sự hàn huyên chuyện trên trời dưới đất; có người lớn đi qua vẫn chào hỏi lễ phép, không ngại ngùng, e lệ, kể cả trai thanh gái lịch…

Tôi đã đọc đâu bài viết, chủ đề: “Cầu cá miền Tây – một nét văn hóa đặc trưng:

Từ lâu đời, người dân miền Tây Nam Bộ đã quen với loại cầu tiêu ở mé sông, mé rạch, ao hồ trong sân nhà. Phân là nguồn thức ăn cho cá trong tự nhiên. Do bắc trên sông rạch nên gọi là “cầu” và đi tiêu trên cầu này thì gọi là “đi sông”.

Tuy thường rách nát nhưng cầu tiêu ở Nam Bộ rất thân thuộc với mọi người, nên có câu đố: “Cái nhà rách rách nhưng rất đông khách {là cái gì?}”. Đồng dao Nam Bộ có nhiều bài xoay quanh chiếc cầu tiêu cá như là một phần cuộc sống:

Một cục vàng rơi, nước tóe tung,

Một đàn cá đói tới tranh hùng…

( Tú Kếu )

Theo những nghiên cứu của các nhà Y tế và môi trường, cầu cá (loại hình nhà vệ sinh trên kênh rạch) mang lại những hậu quả môi trường xấu và bất lợi cho người sử dụng, kể cả những người sống chung quanh khu vực.

Nhiều người dân miền Tây cho rằng cầu cá có nhiều hữu dụng như tận dụng phân người để nuôi cá. Tuy nhiên, vấn đề môi trường nông thôn và khu vực đã và đang phản bác việc này.

Hiện nay Nhà nước có chủ trương xóa cầu cá và thay vào đó là những cầu tiêu hợp vệ sinh. Bất lợi cầu cá: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đường ruột, là những bệnh mà hệ thống vệ sinh môi trường không được cải thiện. Nguyên nhân chính là do cầu cá trên ao, kênh , rạch.

Thêm vào đó cầu cá thường được làm tạm bợ cây lá ọp ẹp, sơ sài, bằng vài khúc cây tròn, vài tấm lá vây chung quanh, trống trước trống sau, lại xa nhà, nên rất bất tiện và nguy hiểm cho trẻ em, người già, người khuyết tật… Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra không đáng: Lọt xuống cầu… Hơn thế nữa, vấn đề vệ sinh cá nhân cho người sử dụng rất bị ảnh hưởng, vì hẳn như họ không rửa tay sau khi sử dụng.

Cầu cá: Loại hình nhà vệ sinh không an toàn cho môi trường và xã hội mà người dân thường sử dụng tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế: Tại Đồng bằng sông Cửu Long ước tính 35% hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nếu cứ kéo dài, vấn đề vệ sinh môi trường và sức khỏe ở những vùng dân này rất đáng báo động. Trong đó trẻ em, phụ nữ và người già là những đối tượng dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất. Hiện nay ở nhiều vùng nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Nhà nước đang có phong trào xây dựng nông thôn mới, một cơ hội mới, tập trung toàn lực thực hiện cho được chương trình xóa cầu cá này. Trong 19 tiêu chí để được công nhận nông thôn mới, tôi có xem qua, mặc dù có tiêu chí thứ 9 phải có hố xí. Tuy nhiên, nếu Nhà nước địa phương chỉ phát động, thống kê mà không tuyên truyền sâu ý thức cho người dân am hiểu về hậu quả môi trường xấu của thói quen sử dụng cầu cá và không tích cực hỗ trợ một phần tài chính, e rằng cuộc vận động sẽ rơi vào quên lãng.

Chính quyền có đến nhà thờ, nhờ tôi thông báo cuộc vận động này cho giáo dân sau Thánh lễ Chúa nhật trong nhà thờ. Các Linh mục chúng tôi không mấy khó khăn trong việc giáo dục giáo dân về mọi lĩnh vực nhân sinh. Bởi vì bản chất của người có đạo, như câu đầu tiên trong sách giáo lý đã dạy: “…cùng hau xây dựng một xã hội tốt đẹp để mọi người cùng được hưởng hạnh phúc” ; hoặc một câu đã trở thành châm ngôn từ Thư chung của HĐGMVN 1980 trên các diễn đàn, báo chí Nhà nước và tổ chức xã hội tôn giáo: “… Giáo hội đồng hành cùng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào…”

Tuy nhiên, tôi mạn phép góy ý chính quyền và trong nhiều hội nghị nơi khác: “Đừng đánh trống bỏ dùi”. Tôi nhớ hình như đã có chỉ thị từ Chính phủ mãi năm 2000 rồi. Chúng tôi rất sợ “thế giá” của lời tuyên bố, ngôn hành “bất nhất”. Thế mà theo số liệu của Bộ Y tế, còn 35% hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôi đã thông báo, tuyên truyền vận động bà con trong ấp có đông đồng bào Công Giáo, nhưng tôi nghe nói chính quyền có hứa hỗ trợ bà con năm trăm sáu chục ngàn đồng mỗi hộ hoàn thành hố xí, sau đó cán bộ ấp thông báo không có khoản hỗ trợ này.

Nói theo bình luận viên Bóng đá: “Để cứu một bàn thua trông thấy”, tôi yêu cầu bà Trưởng ấp cho tôi danh sách hộ nghèo, cận nghèo, cần xây dựng Hố xí. Thế là tôi xách bị đi xin, gõ cửa thân nhân, bạn bè. Dù có phải như Thánh Philipphê Nêri đi xin trúng ổ mấy tay anh chị đang sát phạt nhau trên sòng bài, chẳng những họ không cho, còn phun mấy bãi nước miếng vào mặt ngài. Ngài vui vẻ vuốt mặt sạch sẽ, rồi ngẩng mặt lên, cám ơn các ông, đó là quà các ông cho tôi, còn các em mồ côi, khuyết tật các ông chưa cho. Thế là mấy tay đang hồi sát phạt nảy lửa, đứng dậy xin lỗi và trút hết tiền trên chiếu, còn móc túi thêm cho Thánh nhân và từ giã cuộc chơi! Tôi chưa được như ngài, chỉ vỏn vẹn khiêm tốn được hai mươi mốt triệu đồng VN. Dầu vậy tôi vẫn cảm thấy vui ghê, như con nít được kẹo.

Trên xe, cứ thấy xe chạy chậm, nếu chạy bộ được đã chạy ù về rồi khoe với làng xã bà con có tiền hỗ trợ rồi. Hai mươi mốt triệu chẳng là gì với một chầu “mát mẻ” của các đại gia, nhưng lớn lắm với bà con một nắng hai sương, ngày ngày phơi mặt cho đất, phơi lưng cho trời ở nông thôn vùng sâu vùng xa này, ba cọc ba đồng cũng chẳng có !

Trong danh sách có một số hộ bà con người lương, rất thân thương, người này chuyền tai người kia, cứ đến kiếm ông cha Hố xí là được năm trăm ngàn liền.

Sao tôi tự hào, mình có tên “sốc” chứ ! Ngày nay tốp nào cũng thích “nổ” lắm!

Hố xí cũng có dơ bẩn gì đâu. Chúa Giêsu đã nói trong Kinh Thánh kìa: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt. 15, 11).

Tôi còn nhớ cả một chuyện thánh về cây chổi nè:

Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, chị Bernadet xin vào tu viện một dòng kín ỏ Nevers. Một ngày Chúa Nhật kia, vào năm 1876, một nữ tu đưa cho Bernadet xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào.

Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Bernadet hỏi:

– Người ta dùng chổi để làm gì hả chị?

– Để quét nhà.

– Quét xong họ để chổi ở đâu?

– Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ “cư trú” thường lệ.

– Đời em cũng thế chị ạ. Đức Mẹ đã dùng em, rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm, và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi.

Với số vốn nhỏ nhoi, tôi chia đều cho 42 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ năm trăm ngàn đồng. Một hố xí cơ bản, xây hầm tự hủy và một bàn cầu, chi phí khoảng triệu tám trăm ngàn. Tôi đã nhờ thợ hồ trong giáo dân thiết kế thi công để giảm chi phí cho mỗi hộ. Dù sao, tôi muốn hướng dẫn, giáo dục người nông dân góp phần vào trách nhiệm mình với gia đình và cộng đồng xã hội.

Như trên đã lý giải, vì sao tôi tích cực tham gia vào cuộc vận động xóa “cầu cá” thay hố xí, vì thời cơ đến, xây dựng, phát triển nông thôn mới ở địa phương trong đó đòi hỏi một trong các tiêu chí này. Hơn nữa, theo BS. Lê Đại Trì, Trung tâm giáo dục sức khỏe Long An, vận động về vệ sinh là khó hơn cả, vì không phải hễ hôm nay tôi đi tiêu trên cầu cá là ngày mai bị bệnh. Vậy tối thiểu là những người đi vận động phải được trang bị kỹ năng nói chuyện về vệ sinh: Các địa phương vùng sâu vùng xa thiếu hẳn khả năng này.

Vì thế, công việc tầm thường của tôi chỉ là để góp phần nhỏ phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân và thể hiện trách nhiệm mục vụ bác ái xã hội địa phương.

Lm. Sơn Đoài

Exit mobile version