Trả lời :
1- Khi học, đọc và nghiên cứu Kinh Thánh thì trước tiên phải nói đến Ơn linh ứng ( Inspiration) tức là ơn đặc biệt Chúa Thánh Thần ban để thúc giục và soi sáng cho các tác giả con người để họ viết ra các Sách trong toàn bộ Kinh Thánh ( Cựu và Tân Ước) trước hết bằng ngôn ngữ Do Thái và Hy lạp. Và từ các ngôn ngữ nguyên thủy này Kinh Thánh được dich ra tiếng Latinh trước và sau này ra các ngôn ngữ khác cho mọi người trong Giáo Hội đọc ngày nay.
Toàn bộ Sách thánh được gom lại thành một bộ Thánh Kinh = Holy Bible bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Biblia có nghĩa nhiều Sách được gom lại thành một bộ sách có tên chung là Thánh Kinh.
Sở dĩ Sách được gọi là Sách Thánh vì có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần đã ban cho các tác giả loài người để hướng dẫn họ viết ra những gì Thiên Chúa muốn cho con người biết và thi hành để được chúc phúc, và nhất là được cứu độ nhờ c ông nghiệp cứu chuộc vô giá của của Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người và đã “hy sinh mạng sống mìnhlàm giá chuộc cho muôn dân.” ( Mt 20 : 28)
Giáo Hội tin các Sách trong toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước phải có Ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần là tác giả chính của Kinh Thánh, đã soi sáng và hướng dẫn các tác giả con người viết ra Lời Chúa từ thời xa xưa trong Cựu Ước và cho đến ngày Sách cuối cùng của Tân Ước là Sách Khải Huyền ( Revelation) của Thánh Gioan ra đời vào cuối thế kỷ thứ nhất sau khi Chúa Kitô hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại và về trời..
Về bằng chứng có lời Thiên Chúa nói cho các tác giả con người, ta có trước hết, lời Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê trong thời Cựu Ước như sau :
“ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “ hãy ghi chép những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và với Israel.” ( Xh 34: 27)
Có thể nói ông Mô-sê là người được ơn linh ứng đầu tiên để viết ra 5 cuộn gọi là Ngũ Kinh hay Pentateucos tức Năm cuốn Sách đầu tiên trong Cựu Ước là :
Sách Sáng Thế
Sách Xuất Hành
Sách Lêvi
Sách Dân Số
Sách Đệ Nhị Luật
Mặt khác, Sách ông Gióp, cũng cho ta biết về ơn linh ứng giúp cho con người hiểu biết lời Chúa như sau :
“ Nhưng thực ra sinh khí trong con người –
Tứchơi thở của Đấng toàn năng , mới làm cho hiểu biết.” ( Gb 32:8)
Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tin lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) đã nói như sau về Ơn Linh Ứng :
“Những gì Thiên Chúa mạc khải và Thánh Kinh chứa đựng và bày tỏ, đều
được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Thực vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ Sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần, đều là Sách Thánh và được ghi vào bản chính lục Kinh Thánh bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa ThánhThần, nên tác giả của các sách ấy là chinh Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy.” ( Dei Verbum , no. 11)
Trước Công Đồng Vaticanô II, các đức cố Giáo Hoàng Leô-XIII, trong Thông điệp Providentissimus, ban hành ngày 18-11-1893, Đức cố Giáo Hoàng Benedictô XV với Thông diệp Spiritus Paraclitus ngày 15-9-1921, và Đức cố Giáo Hoàng Piô XII với Thông Điệp Divino Afflante ngày 30-9-1943, đều quả quyết là toàn bộ Thánh Kinh có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần nên được gọi và tôn kinh là Sách thánh vì thực sự chứa đựng lời Thiên Chúa nói với con người suốt từ thời Cựu Ước cho đến thời Tân Ước.
Cụ thể, Ngôn sứ Ê-de-ki-en đã nói như sau về lời Chúa muốn nói với dân của Người:
“Phần ngươi, hởi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết: Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : “ hởi tên gian ác, chắc chắn người phải chết” mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó. Còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” ( Ed 33: 7- 9)
Khi đến trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại, Chúa Giêsu cũng nói rõ là Người chỉ nói và dạy những gì đã nghe từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người:
“ Đạo lý Tôi dạy không phải là của Tôi, Nhưng là của Đấng đã sai Tôi.” ( Ga 7: 16)
Thánh sử Gioan chắc chắn đã được ơn linh ứng khi thuật lại lời Chúa Giêsu trên đây để cho chúng ta tin rằng những gì ngài viết trong Tin Mừng thứ 4 là lời Thiên Chúa đã được linh ứng cho ngài viết, chứ không phải tự ý ngài viết ra những điều đó.
Nói rõ hơn, những lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong suốt 3 năm Người đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ và làm nhiều phép lạ, đã được ghi chép rất nhiều trong 4 Tin mừng của Matthêu. Maccô, Luca và Gioan. công thêm với các thư mục vụ của các Thánh Phaolô, Phêrô, Gioan, Gia-cô-bê, Guida , và Sách Khải Huyền của Gioan hợp lại thành trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước. Tuy nhiên, theo Thánh Gioan thì những gì ngài viết ra trong Tin Mừng thứ 4 không ghi chép lại hết mọi lời Chúa Giêsu đã nói và việc Chúa đã làm , bởi vì :
“ Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” ( Ga 21: 26)
Dầu vậy, những gì đã được viết ra trong 4 Phúc Âm và các Thư Mục Vụ hay Thánh Thư ( Epistles) phải là những điều Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả trên viết ra bằng ngôn ngữ loài người , thông dụng thời đó là tiếng Hy Lạp và Do Thái cổ (Aramaic, Phúc Âm Thánh Matthêu) .
Các Sách thánh mà Giáo Hội nhìn nhận có Ơn linh ứng gồm có 46 Sách Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước. Thư qui này đã được Công Đồng Trentô ( 1545-1564 ) đóng lại nghĩa là từ đó đến nay không có Sách nào được nhận thêm vào tổng số các Sách thánh trên đây.
Nói về ơn Linh ứng, Thánh Phaolô đã có lời chứng như sau:
“ Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” ( 2 Tm 3: 16-17)
Thánh Phêrô cũng dạy như sau về Ơn Linh Ứng của Chúa Thánh Thần :
“Nhất là anh em phải biết điều này : không ai được tự tiện giải thích một
Lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lai do ý muốn của người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” ( 2 Pr 1: 20-21)
Tóm lại, chính Chúa Thánh Thần là tác giả chính của toàn bộ Thánh Kinh, nhưng Ngài đã dùng các tác giả con người để viết ra lời Chúa bằng ngôn ngữ nhân loại để loan truyền lời Chúa cho mọi dân mọi nước được biết thánh ý của Thiên Chúa, tình thương và kế hoạch của Người trong việc sáng tạo và cứu độ loài người nhờ Chúa Kitô.
2-Bản LXX và Vulgata là gì ?
Như đã nói trên, Kinh Thánh là toàn bộ lời Chúa nói với con người được Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả con người viết thánh sách cho chúng ta đọc ngày nay. Trong thời Cựu Ước, vào thế kỷ thứ 3 trước Chúa Giánh sinh, có 70 nhà thông thái đã dịch các Sách thánh Cựu Ước viết bằng tiếng Do Thái ra tiếng Hy lạp để giúp các tín hữu Do Thái không nói được tiếng Do Thái có thể đọc Kinh Thánh dich ra tiếng Hy Lạp. Công việc dịch thuật lần đầu tiên này đã diễn ra tại Alexandria ( Ai Cập) dưới triều hoàng đế Ptolemy II Philadelphus ( 285-246 B.C) trước Chúa Giáng Sinh.
Bản dịch Kinh Thánh đầu tiên này có tên là Septuagint bắt nguồn từ ngữ căn Hy Lạp và có nghĩa là số 70, vì thế được mang số La mã LXX để chỉ Bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp trong thời Cựu Ước.
Sau này , Thánh Jerome ( 340-420 A.D), một Kinh Thánh gia rất thông thái đã dịch tất cả các Sách Thánh Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp và Aramaic= Do Thái cổ (Tin Mừng Thánh Matthêu) sang tiếng La Tinh là tiếng thông dụng của giới bình dân thời đó. Bản dịch này có tên là Vulgata=Vulgate có nghĩa là bản dịch phổ thông Kinh Thánh Tân Ước của Thánh Jerôme. Bản dịch này được chính thức sử dụng trong Giáo Hội từ thời đó cho đến nay.
Tóm lại, là tín hữu trong Giáo Hội, chúng ta chỉ đọc những Sách được Giáo Quyền công nhận là có ơn linh ứng mà thôi. Thư qui Kinh Thánh chỉ gồm có 46 Sách Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước như đang được đọc, học và nghiên cứu để biết lời Chúa muốn nói với con người ở khắp mọi nơi, trong mọi nền văn hóa và ngôn ngữ nhân loại. Kinh Thánh và Thánh Truyền ( Sacred Tradition) là các kho mạc khải Lời Chúa và giáo lý của Người cho ta biết và thi hành để được cứu độ, tức được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa là Cha trên Nước Trời mai sau.
Chúng ta cùng cảm tạ Chúa về hồng ân này và siêng năng đọc Thánh Kinh để nghe và sống lời Chúa hầu được cứu độ, như lòng Người mong muốn.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn