TU LÀ THEO ƠN GỌI
Lời đầu:
Đi tu là theo ơn Chúa gọi..
Ở ngoài đời lập gia đình cũng là theo ơn Chúa gọi.
Đàng nào hơn?
Không đàng nào hơn cả. Phải tùy theo Ơn Chúa gọi mình.
Làm sao biết?
Khi Chúa gọi ai, Người ban cho các dấu hiệu.
Người ta thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”!
Không có nhất nhì . Phải tùy theo Ơn Chúa gọi mình.
Hãy tìm ra các dấu hiệu để biết Chúa gọi vào bậc nào Tu “Chùa” hay Tu “tại gia”
Cầu nguyện, bàn hỏi với các vị tu trì, với cha mẹ.
Giữ Ơn gọi, nếu có.
Nhiều khi nhìn bên ngoài, người ta nghĩ em nhỏ có ơn gọi đi tu, nhưng em không có, không thích.
Truyện vui: Người ta kể rằng:
Gia đình kia , bố là người tu xuất, ông ta có 3 con trai. Một hôm cha xứ tới thăm gia đình, cha muốn cổ động ơn gọi làm linh mục. Cha hỏi cậu trai cả:
– Con có muốn đi tu không?
Cậu ta trả lời tỉnh bơ:
– I want to be a doctor, a doctor get a lot of money.
Cha quay sang hỏi cậu thứ hai:
– Con có muốn đi tu không?
Cậu này vừa nhún vai vừa trả lời:
– Oh, oh, I want to become a superstar like Michael Jackson.
Nói xong cậu đi giật lùi, lắc lắc cái mông y như Michael thứ thiệt trên TV.
Không thất vọng, cha xứ nhìn cậu con trai thứ 3 cách âu yếm và hỏi:
– Lớn lên con có muốn đi tu không bé?
Cậu bé này trợn mắt hỏi lại:
– What is đi tu?
Cha xứ…
1. Đi Tu là gì?
Người Việt nam thường nói về tu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Đối với các bạn trẻ, tôi muốn giải nghĩa như sau:
– Tu tại gia là sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà, nhân nghĩa với anh em là sống bậc vợ chồng, bậc gia đình thông thường như mọi người. Đó là con đường chung cho nhân loại.
– Tu chợ là làm việc trong xã hội, giúp dân, giúp nước với tư cách liêm chính (không tham lam, hối lộ, nạt nộ, ức hiếp) theo quyền chức mình có, nhưng hết lòng cứu người, giúp đời.
– Tu chùa là bỏ đời, vào sống trong chùa, nương mình dưới sự phù hộ của Đức Phật, ngày ngày ăn chay, sám hối, tu luyện bản thân, sớm hôm tụng kinh, niệm Phật, mong được qua kiếp này rồi lên niết bàn.
Đối với người Công giáo, thay vì gọi là tu chùa, người ta nói là đi tu Triều hay tu Dòng.
– Tu Triều là làm linh mục giúp giáo dân trong các xứ đạo.
– Tu Dòng là xin vào một dòng nào đó, có hoạt động mình ưa thích, để thánh hóa bản thân theo 3 lời khấn dòng: vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo, giữ hiến pháp, kỷ luật để làm vinh Danh Chúa, học tập trở thành linh mục, thầy dòng hay nữ tu. Nữ tu còn gọi là dì phước, chị dòng, bà sơ (sister), giúp người giúp đời theo chủ đích riêng của mỗi Dòng. Có dòng giúp người nghèo, dòng dạy học, dòng giúp nhà thương, dòng đi truyền giáo cho người chưa biết Tin Mừng của Chúa.
Nói cách khác, đi tu bên Công giáo là theo ơn Chúa gọi (vocation). Không có ơn Chúa gọi và phù trợ liên tục, không thể sống trọn đường tu.
a/- Tu là Sống độc thân: Vì Tu bên Công giáo là chấp nhận “sống độc thân” để chỉ yêu Chúa, lo việc Chúa, lo cho các linh hồn.
Truyện vui:
Vì muốn cho con đi tu, nên mẹ của bé Khoa luôn luôn nhắc nhở: “Lớn lên con sẽ đi tu nhá.” Một buổi tối, sau khi đọc kinh xong, bé Khoa hỏi mẹ:
– Má ơi, con thấy má nấu cơm cho ba ăn. Vậy sau này con đi tu thì ai nấu cơm cho con ăn?
Suy nghĩ một chút, má Khoa trả lời:
– Mình đi tu, tức là mình dâng đời mình cho Chúa, nên con phải nấu cơm lấy mà ăn, đâu có ai nấu cho.
Bé Khoa ra vẻ buồn lắm:
– Má ơi, vậy con không thích đi tu đâu.
Nói xong, bé buồn bã đi ngủ sớm để mai đi học. Hôm sau, khi ở trường học về, bé Khoa rất vủ vẻ nói với má:
– Má ơi, con lại thích đi tu rồi.
Má Khoa ngạc nhiên:
– Ủa! Sao vậy?
– Vì có người cùng đi tu với con và sẽ nấu cơm cho con ăn.
– Ai vậy con?
– Thì cái Thu, con bác Tâm ở gần nhà mình đó.
b/. Tu là dâng hết mọi sự của mình cho Chúa: Dâng hết đây là dâng xác hồn, nhất là tình yêu của mình cho Thiên Chúa, để chọn Chúa là đối tượng tình yêu của mình thay cho mối tình ở đời mình đã từ bỏ.
Truyện vui:
Trong giờ giáo lý, sau khi sơ giải nghĩa về ơn gọi đi tu, một em thiếu nhi hỏi:
– Sơ ơi, đi tu là làm sao?
– Đi tu là dâng hết cho Chúa
– Dâng hết là làm sao?
– Là dâng, mắt mũi, chân tay, trái tim linh hồn và tất cả những gì em có. Vậy em có muốn đi tu không?
Thinh lặng.
– Em không đi tu đâu. Lạnh lắm, dâng hết quần áo cho Chúa rồi thì lấy gì mà mặc???
c/.Tu phải chăm chỉ: Chăm chỉ là một đức tính tốt của mọi người, nhất là người đi tu theo Chúa, lo mở mang Nước Chúa và phần rỗi các linh hồn, mở mang Giáo hội.
Truyện vui:
Bé Hoàng 8 tuổi nói với mẹ là em muốn đi tu làm linh mục, nhưng em lại có tật lười biếng, ít khi giúp mẹ làm việc gì trong nhà. Một hôm mẹ em bảo em đưa bao rác ra ngoài cho họ lấy đi. Em trả lời:
– Con mệt quá.
Mẹ bảo lau đĩa cho mẹ, em trả lời:
– Con mệt quá.
Mẹ bảo quét nhà, em trả lời:
– Con mệt quá.
Mẹ Hoàng nói:
– Hoàng, con không thể đi tu làm linh mục được, con lười quá. Làm linh mục thì phải làm việc chăm chỉ và cực nhọc chứ.
Hoàng trả lời:
– Con cũng nghĩ vậy, nên bây giờ con phải nghỉ ngơi trước.
d/. Tu cả cuộc đời: Không phải đi tu một tháng, một năm, nhưng là đi tu cả cuộc đời. Điều này nghe thấy dễ sợ và khó khăn, làm nhiều bạn trẻ tự hỏi: không biết mình có tu đến cùng được không, hay là tu ít lâu rồi lại ra, lúc ấy sẽ lỡ làng cả cuộc đời !!! Thực tế đã xẩy ra như vậy, nhưng Chúa có cách quyến rủ và Chúa có cách giúp đỡ cho những người không tu được trọn đời, họ sẽ đem những gì đã được học hỏi trong nhà tu để giúp đời.
Truyện vui:
Bạn thằng Tèo rủ:
– Tèo ơi, mày đi tu không?
– Không tao không thích.
– Sao vậy?
– Đi tu chán thấy mồ, không được chơi game.
– Mày không nghe cô giáo nói: một ngày ở trong nhà Chúa bằng cả ngàn ngày ở ngòai đời sao, mày ngu quá.
Sau một thời gian, Tèo ngỏ ý muốn đi tu.
– Bố ơi, mai con đi tu.
– Tốt.
Tèo đi tu được đúng một ngày rồi xách áo đòi về.
– Chào bố con đã về.
– Sao mày không tu được à.
– Con đi rồi, bố bảo tu một này bằng cả ngàn năm sống ở đời mà. con được ngàn năm rồi.
Mấy câu chuyện vui trên cho bạn một ý niệm về tu trì bên Công giáo, đi theo Ơn Chúa gọi.
2. Tại sao lại gọi đi tu là Ơn gọi?
Ơn gọi là lời mời gọi âm thầm của Thiên Chúa Tình yêu. Từ đời đời trong ý định của Chúa, Chúa đã nhắm gọi ai làm việc gì sau này. Ơn gọi dần dần nảy nở trong thời gian, cho tới một lúc thuận tiện, Chúa làm cháy bùng lên, và Người đem họ vào nơi Người muốn. Linh mục Colin, dòng Chúa Cứu Thế viết về Ơn gọi như sau:
Giữa đám người hằng hà sa số sẽ được sinh ra trong thời gian, Chúa đã để ý tuyển chọn một số người. Rồi Chúa tách biệt họ ra khỏi đám đông, dành riêng họ cho công việc Tình yêu của Người. Chúa yêu họ cách riêng. Chúa phán với họ như xưa Người phán với các môn đệ: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con…(Tin mừng theo thánh Gioan 15,16)
Nói cách khác: Hạt giống Ơn gọi được gieo vào tâm hồn một trẻ em (nam hay nữ), bị chôn vùi ở đấy nhiều năm không ai biết đến, nhưng rồi một ngày kia, hạt giống sẽ mọc lên và vươn mạnh theo hoàn cảnh Chúa thúc đẩy. Trong âm thầm của tâm hồn người được Chúa để ý tới, Chúa khẽ gọi:
“Con hãy đến theo Thầy…
Và, nếu muốn, với tình yêu, linh hồn sẽ ngoan ngoãn đáp lại:
“Lạy Chúa, Này con đây…
Và người trẻ chỉ còn đợi ngày đại diện Giáo hội Chúa chấp nhận, và lên đường.
(Rev. P. Colin, Cssr. Đức Mẹ Với Đời Tu, trg. 14)
Như thế, Ơn gọi thật đẹp và dễ thương, vì nó phát xuất từ tình yêu Chúa, và sự đáp trả phát xuất từ tình yêu con người. Tất cả đều là việc của tình yêu thánh thiện và quảng đại.
Truyện vui:
Một cô gái có người yêu khác tôn giáo, cha mẹ cô bảo:
– Ba má không chê thằng bồ của con điểm nào cả, chỉ có nhà mình đạo gốc mà nó thì không đạo. Vậy con nên khuyên bảo anh ấy theo đạo thì mọi việc đều êm đẹp.
– Nhưng thưa Ba Má, con đã khuyên anh ấy rồi mà anh có nghe con đâu.
Thấy con ủ rủ, bà mẹ bèn nói:
– Hay là con đem anh ta đến với Linh mục để Ngài thêm ý kiến cho con trong việc này.
Cô gái nghe lời mẹ liền đem anh bồ đến với linh mục để nghe khuyên bảo. Từ sáng đến tối mới về, vừa vào nhà cô gái đã òa lên khóc:
– Mẹ ơi, anh ấy đã thấm nhuần đạo Chúa rồi, bây giờ chẳng những anh ấy chịu theo đạo mà còn nhất định đi tu luôn chứ không chịu cưới vợ nữa!
Mẹ Têrêsa Calcuta nói về Ơn gọi:
“Ôi, Ơn gọi làm linh mục cao trọng chừng nào! Thiên Chúa đã đến sống cuộc sống của loài người, Người cần linh mục để tiếp xúc với lòng Thương xót và sự tha thứ của Chúa. Người cần thừa tác vụ linh mục để tẩy sạch tội lỗi, để xóa bỏ tội lỗi trong Máu Thánh Người.
Hỡi các bạn trẻ được Chúa Kitô kêu gọi, được Chúa Kitô chọn làm của riêng Người, hãy quan tâm đến lời mời gọi này như chiếc cầu liên kết linh hồn với Thiên Chúa. Chúng ta đừng yêu bằng lời suông, nhưng hãy yêu đến bị tổn thương. Yêu đắt giá như Chúa Giêsu yêu ta, Người yêu đến chết vì ta.
Giờ đây đến lượt ta cũng phải yêu nhau như Chúa đã yêu ta. Bạn đừng sợ thưa “yes” với Chúa Giêsu, vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của Người”.
…Ta có một người mẹ trên trời, Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng hướng dẫn chúng ta, một niềm vui to lớn, và là nguồn mạch quan trọng niềm vui của ta trong Chúa Kitô. Hãy cầu xin Người trước Nhan Chúa. Hãy lần hạt Mân côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn bạn, che chở, gìn giữ bạn như người mẹ…
Lời cầu của tôi cho bạn là xin cho bạn hiểu biết và có can đảm trả lời lời mời gọi của Chúa Giêsu bằng tiếng “xin vâng” đơn sơ.
Bây giờ, mời các bạn cầu nguyện với tôi lời cầu mà các nữ tu thửa sai Bác ái cầu hằng ngày: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con đáng phục vụ anh chị em chúng con rải rác khắp thế giới, những người sống và chết trong nghèo khó, đói khát. Qua sự phục vụ của bàn tay chúng con, xin ban cho họ bánh ăn hàng ngày, và qua tình yêu hiểu biết của chúng con, xin ban cho họ bình an và niềm vui.
Lạy Chúa,xin cho con trở thành khí cụ bình an,
để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem tin kính vào nơi nghi nan,
đem hi vọng vào nơi thất vọng,
đem ánh sáng vào nơi tối tăm,
đem niềm vui vào chốn u sầu,
Ôi Thầy chí thánh, xin ban cho con biết:
tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,
vì khi cho đi là khi nhận lãnh,
khi tha thứ là được thứ tha,
khi chết đi là khi sống muôn đời.
Amen.
(Mother Teresa, One heart full of love).
Làm sao biết có ơn gọi đi tu?
3. Tu là cõi phúc?
Đi tu là theo Ơn gọi vào bậc riêng để làm việc Chúa, cũng như lập gia đình là một ơn gọi vào bậc chung của loài người để yêu thương nhau, sinh sản con cái, dạy chúng biết thờ phượng Chúa, để đời sau, chúng được hưởng phúc Thiên đàng muôn đời.
Người ta nói: “Tu là cõi phúc, Tình là giây oan”. Có đúng không?
Thực ra tu là cõi phúc, mà tình cũng là cõi phúc. Tu là giây oan, mà tình cũng là giây oan. Tùy lối sống đường tu, đường tình, nếu tu ra tu, tình ra tình. Nhiều người đi tu lâu năm rồi cũng bỏ ra (xuất), vì họ không thấy tu là cõi phúc. Nhiều người lập gia đình lâu năm rồi cũng li thân, li dị. Họ không thấy đường tình là cõi phúc.
Sao vậy?
Chỉ tại chữ “YÊU”. Vì tình yêu là yếu tố chính không còn tác động trong họ nữa. Họ tu mà không còn yêu Chúa, yêu các linh hồn hăng say. Họ tình mà không còn yêu vợ, yêu chồng mặn mà, nên một bên không đi trọn đường tu, một bên không đi trọn đường tình.
Kết quả là rã đám: Anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi, Do đó người tu hay người tình rất cần “Làm mới lại Tình yêu” luôn luôn. Người tu có những phương thế là cầu nguyện, tĩnh tâm, hi sinh…còn người tình cũng cần làm mới lại tình yêu như thuở ban đầu mới yêu nhau bằng trau dồi, chia sẻ, thông cảm…
4. Làm sao biết có Ơn gọi tu?
Chúa Giêsu không hiện ra gọi bạn như Người đã gọi chàng thanh niên xưa:”Hãy về bán những gì anh có, rồi đến theo tôi… (Mt 19,21), nhưng Người cho bạn những dấu hiệu:
a- Người thúc đẩy lòng ham muốn:
Chúa xui khiến rất hay. Một em bé đang vui chơi, vô tư nhảy nhót, một ngày nào đó, tự nhiên thấy muốn đi tu.
“Hồi còn nhỏ, tôi và thằng bạn trong Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (ngày trước gọi là Nghĩa Binh Thánh Thể) đi dự đám táng linh mục chánh xứ chúng tôi mới qua đời. Chúng tôi theo người lớn kiệu thi hài cha xứ đi quanh làng trước khi đưa về chôn cạnh nhà thờ. Mọi người trong xứ đi vào hàng ngũ hết. Tôi chợt nói với thằng bạn: ” Đi tu khi chết được chôn táng long trọng quá mày ơi, lớn lên tao cũng đi tu.”. Tôi nói cách bâng quơ mà không hiểu đi tu là thế nào. Thế rồi lòng tôi cứ ngày càng muốn đi tu hơn. Trong gia đình ông nội tôi, có 4 chú đã đi tu. Sau này 2 chú đã làm linh mục. Tôi thích đi tu đến nỗi, tôi có một ông anh họ, ông ấy thử tôi:
“Nếu mày muốn đi tu làm cha thì để cho tao véo đùi, không được kêu khóc, tao sẽ chắp tay chào “Lạy cha”, nếu mày khóc thì không đi tu được”. Ông ấy nói và làm thật, tay người lớn véo đùi con nít, miếng thịt đùi tôi bầm tím lại, nước mắt tôi dàn dụa, nhưng tôi nhất định không kêu, không khóc. Thua cuộc, anh phải chắp tay lại chào em theo kiểu trọng kính thời trước: “Con xin phép lạy Cha ạ”.’
Thế rồi tôi đi tu thật.
Chú tôi làm linh mục được cử về làm phó xứ Lạc đạo (gp.Bùi chu). Xứ này cách xa xứ tôi gần một ngày
đi xe đạp. Thời đó, các linh mục coi xứ nuôi ơn gọi bằng cách cho con trai đến ăn học tại nhà xứ. Gia đình không phải tốn kém tiền nuôi ăn cho con em, vì xứ nào cũng có tài sản là ruộng lúa của nhà thờ.
Bố tôi cho tôi đi ở với cha chú Giuse Đoàn Ngọc San. Một ngày đẹp trời, ngày tôi đi tu lúc lên 8. Buổi sáng mẹ tôi nấu cơm cho tôi ăn bữa từ giã, mẹ tôi luộc trứng, ăn vào sao nó nghẹn ngào, đút lấy cổ không nuốt được, một nỗi buồn man mác vì sắp xa gia đình. Bố tôi chở tôi bằng xe đạp từ Xuân hà tới xứ Lạc đạo.
Tôi ngồi đàng sau bố tôi, đường dài thật dài, bố tôi cũng buồn không nói gì, giống như ông Abraham dẫn con đi sát tế!. Tôi khóc, và khóc nức nở. Nhớ mẹ và các em kinh khủng, lần đầu tiên xa gia đình.
Ở tại nhà xứ xa xôi, không bà con quen thuộc, ăn uống khem khổ, cơm thì có, nhưng thức ăn thì thường thấy quả sung kho với nước muối, các thứ thịt cá để dành cho các cha, các cậu đứng quạt hầu cơm, chỉ nuốt nước bọt.
Tôi là con cha phó, thường bị các cậu lớn con cha xứ bắt nạt, (ăn hiếp). Đời tu không có gì vui, nhưng không hiểu tại sao tôi không bỏ về, không có một ý nghĩ bỏ về. Như vậy có phải là ngu không?
Sau này vì chiến tranh, chú tôi bỏ xứ An bài đi vào Nam (1953).
Tôi về lại với gia đình.
Vào miền Nam, năm 1955, gặp ông thầy quen rủ đi, tôi lại đi tu DKT ở An hồ, tỉnh Mỹ tho.
Cũng lại bố tôi dẫn tôi đi, nhưng lần này tôi đã 15 tuổi, nên ít nhớ nhà hơn. Cuộc sống tu cũng nhiều khổ cực, nhưng cũng không có lần nào tôi định bỏ về.
Chúa Đức Mẹ dìu dắt cách âm thầm và thật lạ lùng.
Thời gian làm đệ tử và tu sĩ tại DĐC, ở Thủ đức, tôi tu thật kỹ, mười mấy năm dài, không màng chi những cảnh trôi nổi chung quanh…
Sau khi qua Mỹ, làm linh mục, tiếp xúc với nhiều người, nhiều dịp cám dỗ…
Lúc này tôi mới thấy phải chiến đấu để bảo vệ đời tu.
Không thiếu những lần mồ hôi nhễ nhãi, trái tim nghẹt thở, có khi rướm máu để trung thành với Ơn gọi.
Có những lúc phải bước đi trong dáng điệu mệt mỏi, đôi lần ngã sấp mặt xuống đất, thánh giá văng ra bên cạnh. Nhưng ơn Chúa thật dồi dào, nhìn gương Thầy Chí thánh khi xưa, tôi lại chỗi dậy, đi nốt con đường tu trì.
Đầy dẫy những tha thứ, những khuyến khích, những lời cầu, những quí mến, những nâng đỡ từ Trời cao, từ nhiều người, từ nhiều dịp…
Nhiều khi trong đêm tối, trong căn phòng im lặng, một câu hỏi thầm kín bừng bừng nổi dậy: Tại sao tôi đi tu? Tại sao tôi không bỏ?
Nhưng lời an ủi của Chúa đến ngay trong đầu:
“Không phải con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn con, và sai con đi, để con mang lại hoa trái, và hoa trái của con tồn tại, để những gì con xin cùng Cha nhân Danh Thầy, thì Người ban cho con. Thầy truyền cho con thương yêu tha nhân”(Gioan 15, 16-17).
Sóng gió, bão táp đã im lặng, tâm hồn lại được sưởi ấm.
Vâng, cảm ơn Chúa đã chọn con, dìu đắt con cho tới ngày hôm nay, đưa con đi bình an cả trong tai nạn, đau khổ, để con có thể nói: Chúa Mẹ thương yêu tôi cách đặc biệt hơn bao nhiêu bạn bè cùng trang cùng lứa. Giêsu Maria Giuse con tin cậy, con mến yêu. Xin làm những điều Các Ngài muốn. Xin cứu rỗi các linh hồn.
Trong đời tu, tôi sẽ không “cô đơn”, vì có 3 Đấng phù trợ trên đường lên núi Canvê, có Chúa trong Thánh Thể tăng sức mạnh giúp tôi đi đến cùng.
b- Người ban cho những tư cách cần thiết:
Để làm linh mục, Giáo luật khoản 241 đòi hỏi như sau: “Giám mục chỉ nên nhận vào Đại chủng viện những người nào, xét theo các đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và trí tuệ, sức khỏe thể lý và tâm lý cùng ý muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ khả năng hiến thân trọn đời cho các tác vụ thánh”.
Những tư cách để đi tu có thể gồm trong 7 chữ T sau đây:
T1/ Thể xác: Khỏe mạnh, không tật nguyền.
T2/ Trí khôn: Thông minh và chăm chỉ.
T3/ Tâm hồn: Thật thà, khiêm tốn, dễ vâng phục, thích cầu nguyện.
T4/ Tôi: Bỏ mình, vác thập giá đời tu qua nhiệm vụ.
T5/ Tình: Yêu Chúa, yêu các linh hồn, sống đời độc thân. Tình Chúa thay tình đời.
T6/ Tiền: Ham nghèo hơn ham giầu.
T7/ Tiếng: Không vinh danh mình, nhưng vinh Danh Chúa.
5. Tu Triều (Giáo phận) hay tu Dòng???
a/ Tu triều:
Nếu là nam giới, có ý định làm linh mục, bạn có thể vào Chủng viện (Seminary) để được huấn luyện làm linh mục giúp giáo dân trong các xứ đạo thuộc giáo phận nào đó. Vào Chủng viện gọi là tu Triều, ngày nay thay vì gọi là Triều, người ta gọi là làm linh mục Giáo phận (Diocesan priest). Thời gian học hỏi mất chừng 5-7 năm (học triết học, thần học, mục vụ…và nhiều môn khác).
Nếu đã tốt nghiệp đại học rồi, thời gian học sẽ được rút vắn hơn một hai năm, tùy giáo phận.
b/ Tu Dòng:
Bạn cũng có thể đi tu Dòng và học hỏi làm linh mục, nhưng thời gian có thể kéo dài hơn, vì còn phải vào Tập viện, khấn tạm một hai ba tới năm sáu năm, tiếp theo là khấn trọn đời, hay khấn cho đến chết. Bạn cũng có thể không làm linh mục mà chỉ làm thầy dòng (nam tu sĩ). Dù là linh mục hay thầy dòng, thong thường là khấn 3 lời khấn, có dòng thêm một lời khấn nữa, tùy Tục lệ dòng.(Dòng Tên Chúa Giêsu khấn thêm: vâng phục Đức Thánh cha)
Ba lời khấn: (từ bỏ mình)
1- Khiết tịnh (sống đời độc thân),
2- Vâng phục (vâng lời giám đốc, bề trên truyền dạy), và
3- Khó nghèo (từ bỏ quyền làm chủ của cải riêng mình, muốn cho, nhận, chi tiêu, vay trả tiền nong, sản vật…phải xin phép bề trên mỗi lần).
Trước khi nhập Dòng, cần phải tìm hiểu mục đích riêng của mỗi dòng, coi có hợp với sở thích của mình không:
Có dòng chuyên giáo dục trẻ em qua việc dạy học tại các trường Tiểu, Trung, Đại học.
Có Dòng chuyên việc truyền giáo cho người ngoài Công giáo.
Có Dòng chuyên giúp bệnh nhân trong các bệnh viện.
Có Dòng chuyên in và phổ biến sách báo, băng nhạc, video giáo dục.
Có Dòng chuyên việc cầu nguyện như Dòng kín Carmelo.
Nếu không biết rõ mình muốn làm gì, và không hiểu rõ mục đích riêng của Dòng mình định vào có hợp với mình không, mà cứ đi thử hết chỗ nọ tới chỗ kia, sau cùng cũng sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng tu được hay chẳng tu bền được.
Mời các bạn đọc câu chuyện “Tôi chọn người Tình Ẩn mặt” sau đây để so sánh với sự chọn lựa của bạn, nếu có, đã một lần làm bạn day dứt.
(Trích trong Thắp Sáng niềm Tin số 37 tháng 7 1999)
Vén nhẹ bức mành nơi cửa sổ hướng ra phía bờ hồ sau nhà, sơ Thoan giật mình vì trời đã nhá nhem tối. Trải dài tầm mắt hướng về phía trước, sơ thấy cả một hoàng hôn bao trùm vạn vật, ánh trăng lên cao mỗi lúc một sáng thêm thênh thang. Không gian như ngừng thở để trân trọng những giây phút linh thiêng, tĩnh lặng của đất trời. Không một bóng người, thỉnh thoảng lâu lắm mới có làn gió nhẹ đến rồi đi một cách vô tình
không để lại dấu vết. Sơ Thoan thích những giây phút như thế này, vì tâm hồn sơ dễ chìm đắm trong bình an, hoan lạc. Sơ cảm thấy tình yêu Chúa hiện hữu và thì thầm dạy bảo sơ. Hôm nay trước ngày vĩnh thệ, cuốn phim cuộc đời dần dần hiện ra trước mặt…
…Ngày đó với tuổi trăng tròn 16, bao nhiêu mộng đẹp phơi phới như áng mây hồng. Thoan thấy mình ngày ngày vô tư cắp sách tới trường, áo trắng tung bay với hoa phượng thắm. Không có ai ngờ rằng, trong tuổi hoa niên tràn đầy sức sống và yêu đời, cô bé đã nghe được tiếng gọi hiến dâng với Chúa Kitô cho nhân loại.. Thời gian không bao giờ ngừng trôi, chẳng bao lâu ngày chia tay đã đến…bạn bè, thầy cô, trường lớp bỏ lại sau lưng. Sau bao nhiêu năm tháng miệt mài đèn sách, cuốn lưu bút ngày xanh được chuyền tay để gửi gắm và gói ghém biết bao yêu thương nồng nàn, như hành trang chất chứa nhiều kỉ niệm của lứa tuổi học trò, để rồi ngày mai bao ngả cuộc đời mà mỗi người phải lựa chọn. Hôm đó lớp tổ chức buổi đi chơi cuối năm, đến giờ khởi hành:
Nhật Uyên, phó trưởng lớp thông báo:
– Ngọc Thoan hôm nay mắc kẹt chuyện gia đình không thể tham dự buổi du ngọan cuối năm của chúng ta được, nhưng trưởng lớp của chúng ta hứa rằng sẽ có cuộc hội ngộ một ngày không xa.
Vài khuôn mặt lộ vẻ không vui, nhưng tất cả đoàn lại vui vẻ khởi hành sau tiếng hô của thầy chủ nhiệm.
Suốt đêm, tâm trí cô bé ngổn ngang và trĩu nặng bởi ba má khóc hết nước mắt vì ý định “đi tu thử” của cô bé.
– Con à! Ba má chỉ có mình con là con gái, ba má và các anh của con không muốn xa con, vả lại thấy con phải cực khổ ba má đau lòng lắm!
Làm sao để ba má hiểu rằng ơn gọi dâng hiến không phải chỉ để làm việc mà là để hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa mà thôi.
Ngoài trời tối như mực, mọi người đã yên giấc từ lâu. Thoan vẫn còn trằn trọc. Cô bé thầm thĩ với Chúa thật nhiều tựa một Samuel trong đêm vắng thổn thức ước vọng lên đền và sẵn sàng để đôi môi hồng mấp máy:”Này con đây xin Chúa hãy phán”.
Thánh lễ sáng hôm sau nhiệm mầu làm sao, trong bài giảng cha xứ nhấn mạnh đến Ơn gọi. Ngài nói đến nét cao quí trong lý tưởng hiến dâng của đời người tu sĩ, và ngài kêu gọi các bậc làm cha mẹ hãy quảng đại hiến dâng con cái mình cho Thiên Chúa và Giáo hội. Ơn Chúa không bao giờ vô ích với những tâm hồn thành tâm tìm kiếm Ngài.
Và…
– Con gái cưng của ba má, ba má đã suy nghĩ lại: cho dù có phải mất mát, nhưng vì thương con, ba má để con tự do chọn lựa lý tưởng mà con hằng ôm ấp, ba má chấp nhận tất cả, miễn con vui là ba má lấy làm mãn nguyện. Con luôn nhớ rằng, dù ở phương trời nào ba má vẫn luôn cầu nguyện hằng ngày cho con.
Hạnh phúc dâng tràn, mặc dù phải sống xa gia đình’ nỗi đau đớn khôn vơi, bao nhiêu là nhớ nhung xa cách, thương cho ba má những khi trái gió trở trời không người cơm bưng nước rót. Nhưng Thoan hiểu rằng Chúa sẽ lo tất cả, thế là cô bé chia tay với quá khứ để bước vào một chân trời mới…
Năm năm dài sống ngụp lặn trong tình Chúa, sơ Thoan cảm thấy hạnh phúc ngập tràn: đời đệ tử, năm tập, thấm thoát cô bé đã ký giao kèo với “Người ẩn Mặt” nhưng lại hiện diện mọi nơi mọi lúc. Lúc này Thoan thấy cuộc đời thật ý nghĩa khi sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, tâm hồn thanh thoát để đem trái tim phục vụ tất cả mọi người’ đau khổ cũng có mà niềm vui cũng đầy, nhưng niềm xác tín hiến dâng chưa một lần phôi pha. Không có ngôn ngữ nào diễn tả đủ cạn niềm tin yêu ấy. Sơ Thoan chỉ biết dâng trọn cho Ngài, chỉ ước mơ vòng tay nhỏ bé của mình ôm ấp lời thề nguyền, lời thề mà Thoan khắc đậm hai chữ “ngàn năm” lên trên, để được mãi mãi trung thành với đời hiến dâng.
Nhưng cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ! Giông tố nổi lên giữa buổi chiều hoàng hôn đẹp! Thật khó hiểu! Khấn chưa được bao lâu, tự nhiên sơ Thoan thấy sức khoẻ thay đổi lạ thường và sau cuộc thử nghiệm của bác sĩ:
– Sơ cần một thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi để dưỡng bệnh, bằng không…
Như một cú sét đánh ngang tai, nhưng sơ Thoan không hề thất vọng, sơ trình bày tất cả lên bề trên, ý Chúa sẽ thể hiện, dù có phải hi sinh lý tưởng mến yêu này, sơ Thoan cũng xin vâng, miễn Chúa vui lòng là sơ Thoan vui. Bề trên đồng ý tạm cho sơ Thoan vắng mặt một thời gian để dưỡng bệnh tại gia…Sau bốn năm sống bên sự thương yêu chăm sóc của những người thân yêu, ai cũng ngờ rằng sơ Thoan sẽ chọn con đường khác.
Phần sơ Thoan, sơ chưa một lần có ý nghĩ như thế. Lời đoan hứa ngày xưa chưa một lần vơi cạn. Lời ước nguyện dâng hiến vẫn mạnh mẽ như thủơ nào. Chỉ còn vài ngày nữa là “cô bé” lại trở về Dòng để bước tiếp
quãng đường dâng hiến vẫn đang mở rộng như muốn thu hút Thoan hiến trọn cho Đấng Tình Quân “Ẩn Mặt”.
Một buổi trưa hè nóng nực, sơ Thoan đang một mình say sưa với bài thánh ca quen thuộc của ngày tuyên khấn, thì cánh chim nào đó đã đem đến cho sơ Thoan một cánh thư. Cầm lá thư trong tay nhưng không rõ điều gì sẽ xảy ra? Nhìn nét chữ quá quen thuộc của người bạn những ngày kề cận trong lớp học, chưa kịp đọc, cô bé đã đoán được nội dung của bức thư:
Ngọc Thoan thương mến,
…Bao lâu rồi chưa một lần H. không dám nói thẳng, vì H. thấy lòng mình bị chao nghiêng, bị thuyết phục bởi nét đoan trang và nếp sống điềm đạm, vui tươi của Thoan (…) và H. đã hiểu được thế nào là chia tay, vì những gì có tiếc nhớ là có biệt ly và biệt ly của tiếc nhớ là biệt ly đã yêu thương rồi đấy…
Chuyện tình cảm của người bạn trai cùng lớp ngày nào đã làm cho sơ Thoan cảm thấy tim mình cay cay! Trầm ngâm một phút ngọn lửa tin yêu vẫn cương quyết không phai, sơ Thoan thầm thì ” Chúa à! lại một lần nữa con xin được làm người tình của Chúa dù bất cứ giá nào…”
Cuốn phim tạm ngưng tại đây, vì đêm đã khuya, vả lại ngày mai là ngày trọng đại của sơ Ngọc Thoan, ngày làm “giao ước ngàn đời”. Sơ sẽ ký “bản án chung thân” với Chàng Giêsu, lời khấn trọn đời mà sơ Thoan sẽ đọc để nói lên “xin mãi mãi chọn Người làm gia nghiệp, nơi Dòng nữ Đaminh này”.
Sơ Thoan sẽ trao thân gửi phận để chỉ theo một người đã chết vì yêu, nhưng sống mãi muôn đời.
Sr. Phi Yến, OP. 1999
6. Phần thưởng lớn lao:
Chúa công bằng vô cùng, không ai làm gì cho Chúa mà không được thưởng, dù chỉ cho kẻ hèn mọn một chén nước lã. Chúa Giêsu hứa cho bất cứ ai bỏ nhà cửa, anh em,chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất, vì danh Chúa, sẽ được bù gấp trăm ở đời này, và được sự Sống đời đời:
“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?
Đức Giêsu đáp: Thầy bảo thật anh em, anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. Và bất cứ ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em , cha mẹ con cái hay ruộng đất, vì Danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm lần và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.(Mt 19,27-30)
Truyện vui:
Trong giờ Tân Ước, cha Gioan giảng về những đòi hỏi của ơn gọi làm tông đồ, trong đó có: đức tin, cầu nguyện, sẵn sàng chịu khổ vì Tin mừng, và phần thưởng sẽ được gấp trăm ở đời sau. Một em giơ tay hỏi:
– Thưa cha, cha bảo đời sau sẽ được gấp trăm, vậy nếu bây giờ con bỏ người yêu của con để đi tu, đời sau Chúa có thưởng cho con một trăm người yêu khác không?
– Cha Gioan: ???? Chắc được chứ.
Mời bạn đọc câu chuyện Niềm Vui Theo Chúa sau đây như một chứng tích cuộc sống tu trì được ân thưởng đời tạm này:
( Trích trong Thắp Sáng Niềm Tin số 36 tháng Tư năm 99)
Vào hè 1998 tôi được về thăm gia đình sau một thời gian dài xa cách bước theo tiếng gọi tình yêu của Chúa vào Dòng nữ Đaminh thử tu. Tôi vui mừng khôn xiết khi gặp lại ba má và các anh em tôi. Tôi hằng cảm nghiệm được sự quan tâm, lo lắng và yêu thương của ba má ngày càng thêm đậm đà tha thiết. Còn anh và em gái tôi thì tỏ ra rất ưu ái, mến yêu và tôn trọng tôi một cách đặc biệt hơn trước kia nhiều.
Có một điều xảy ra mà tôi không ngờ. Đó là cuộc gặp lại một bà hàng xóm ở cạnh apartment với tôi. Thường ngày bà và tôi gặp nhau chỉ gật đầu chào xã giao. Chúng tôi gần nhưng không thân thiết lắm. Vậy mà trong dịp hè vừa rồi bà đã sang nhà tôi chơi.
Vừa bước vào nhà, thấy tôi bà chạy tới ôm lấy rồi hỏi han mọi điều. Tôi rất ngỡ ngàng tự hỏi: “Ủa bà này xưa kia đối với mình xa lạ lắm cơ mà? Sao bây giờ thân thiện thế?”
Cho dù nghĩ ngợi thắc mắc, nhưng tôi vẫn tỏ ra lễ độ thưa gửi mỗi khi bà hỏi chuyện. Bà đã khen tôi rất giỏi, đã tự tìm cho mình một con đường ngay chính, và rồi bà kể cho tôi nghe biết nhiều chuyện ngược xuôi ở đời.
Sau khi bà ra về, tôi liền chạy tới hỏi má tôi về sự khác lạ của bà hàng xóm.
– Má ơi, má có quen thân với cô Thu lắm không má?
Má tôi mỉm cười và nói:
– Từ khi con vào Dòng, cô Thu đã sang nhà mình chơi hoài con ạ. Đôi lúc cô còn đem hết quà này quà nọ đến cho nữa.
Khi nghe má tôi trả lời như vậy, tôi chợt hiểu rằng sở dĩ cô Thu tỏ ra thân mật như thế là vì cô thường qua lại với gia đình tôi.
Nhưng từ khi tôi về nhà và sau cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, hầu như không có ngày nào mà cô Thu không làm bánh, nấu chè hay cầm theo những trái cây thơm ngon sang tặng cho tôi. Lắm lúc cô còn hỏi tôi thích ăn gì để cô nấu cho. Tôi đón nhận tất cả những gì cô đem đến là để cô được vui lòng.
Trong thâm tâm tôi chứa đựng một niềm vui hòa lẫn với nhiều điều thắc mắc và ngạc nhiên. Tuy rằng cô quen gia đình tôi thật, nhưng việc quen tầm thường đâu đến nỗi tỏ ra thân tình đến thế.
Cũng trong dịp hè đó, tôi được quen hai ông bà cụ cùng chung trình trạng với cô Thu. Bà cụ đã ôm lấy tôi, không những ôm mà còn hôn lên trán tôi nữa.. Thêm một lần làm cho tôi bỡ ngỡ thẹn thùng. Tôi với bà cả hai đều không quen biết nhau, thế mà bà đã cho tôi cảm nhận được tình thương ấy như bà ngoại của tôi đang mong mỏi ôm cháu vào long sau một thời gian lâu không gặp. Bà tỏ ra yêu mến tôi không kém cô Thu. Bà khuyên răn, khen ngợi và chúc mừng tinh thần tận hiến của tôi.
Tôi không có dịp gặp ông cụ cho tới đêm hôm cuối cùng. tôi còn ở với gia đình. Tối hôm ấy cả hai ông bà cụ sang nhà tôi. Tôi cứ tưởng ông bà sang chơi bất chợt thôi. Nhưng nào ngờ, ông bà sang để gặp tôi lần cuối trước khi tôi trở lại Dòng. Lòng tôi bỗng xúc động và nghĩ rằng tôi là gì mà hai người đáng bậc ông bà lại đưa tiễn một cô bé non dại. Đã vậy bà rút ra trong túi áo tờ giấy $100 trao cho tôi. Trong khi tôi biết bà chỉ là người đi lượm lon, và ông là người đi cắt cỏ để đủ tiền nhà cũng như gửi về giúp cho các con đang ở Việt nam nên tôi không nhận. Trái lại bà bảo tôi:
– Bác cho cháu để mua đồ dùng khi đi đường. Ít lắm, cháu nhận cho bác vui lòng.
– Dạ, cháu cám ơn bác, nhưng cháu đã đủ. Xin hai bác giữ lại.
Tôi nghẹn ngào và lòng thấy lâng lâng niềm vui và hạnh phúc vì cảm được lòng quảng đại yêu thương quí mến của ông bà cụ dành cho tôi như một người hiến thân cho Chúa. Nằm trên giường đêm đó, tôi đã rơi đôi dòng lệ vì thấy mình quá sung sướng. Qua hình ảnh của ba má và các anh em trong gia đình, cô Thu cũng như hai ông bà cụ mà Chúa đã mặc khải cho tôi một chân lý:
“Không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ hay anh em vì Nước Thiên Chúa mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30).
Ngài đã cho tôi thấy rằng kẻ được Ngài lựa chọn luôn luôn tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc mà sẽ không bao giờ thiếu thốn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ôi, khi nghĩ đến đây, tôi càng nghiệm thấy rõ long yêu thương vô biên của Thiên Chúa đã dành cho những ai bước theo tiếng gọi của Ngài.
Cũng chính đêm đó Chúa đã ban cho tôi ơn can đảm, niềm phấn khởi và lòng ước ao được tiếp tục tiến bước theo Ngài.
“Lạy Chúa, xin thực hiện nơi con những gì Chúa đã khởi sự”.
Tuyết Nhi.
7. Giữ ơn gọi tu trì, nếu có.
a/ Cầu xin ơn Chúa
– Bạn chưa lấy chồng cũng chưa đi tu. Bạn đang ở ngã ba đường. Điều cần là Cầu nguyện nhiều để tìm ra Ý Chúa. Bạn nên cầu xin mỗi ngày như sau: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Nếu Chúa gọi con theo Chúa trong bậc tu trì, con sẵn sàng “Xin vâng”
b/Giữ sức khoẻ, học hành, luyện tính tốt… Tiếp đến, bạn gắng giữ sức khoẻ, học hành chăm chỉ, trau dồi tư cách, giữ gìn tình yêu, giữ linh hồn và thể xác luôn trong trắng, sống trong ơn thánh Chúa, không tội trọng. Nên tránh dịp “ở” riêng với một người khác phái, bất kì ở đâu, kẻo lỡ…
c/ Hơn nữa, rất cần gia đình, cha mẹ, anh chị em cùng cầu nguyện và giữ ơn gọi cho con em.
Trong thực tế, nhiều cha mẹ rất tốt lành, muốn cho con em đi tu và khuyến khích giữ gìn Ơn gọi cho con em. Ngược lại nhiều cha mẹ đã ích kỉ, chỉ muốn giữ con cho mình, theo ý định tương lai mình định đoạt, làm ngăn trở, và mất đi Ơn gọi của con em. Họ không biết rằng con cái đi tu sẽ góp phần vinh dự và ích lợi cho gia đình họ nhiều hơn, nhờ những lời cầu nguyện của con cái họ. Để con ở ngoài lập gia đình theo ý họ, chưa chắc họ đã được nhờ, hay phải “ngậm đắng nuốt cay”, vì dâu, vì rể, vì ngay cả con trai hay con gái.
d/ Cộng đoàn, xứ đạo cũng được mời góp phần cổ động và giữ gìn Ơn gọi tu trì bằng lời nguyện, nâng đỡ.
Lời nguyện giáo dân của Cộng đoàn hàng tuần nên có lời cầu cho ơn gọi, nhất là vào Ngày cổ động Ơn gọi (Vocation Sunday) hàng năm.
Truyện vui: Trong cộng đoàn kia có một bà mới đi tham dự Ngày Thánh Mẫu tại Missouri về, trong khi chờ đợi phiên họp “các Bà mẹ”bắt đầu, bà nói:
– Tôi có đứa con trai học giỏi lắm, tôi sẽ cho nó đi tu làm cha, người ta sẽ gọi nó là cha, người ta sẽ chào nó là: Chào cha.
– Bà khác nói: Ngày xưa người ta còn phải Con xin phép lạy cha ạ, mà bây giờ mấy đưá con nít nó cứ nói tên cha ra…
– Bà thứ hai: Xin lỗi bà chị cái nhé, chào cha thì ăn nhằm gì, thằng con tôi nó nói nó đi tu làm đức cha. Cha còn phải ở dưới đức Cha mà.
– Bà thứ ba: Em không dám khoe với các chị, em có thằng con trai, em sẽ cho nó đi tu để nó làm đức ông, đức ông là bố đức cha cơ mà, các chị nghĩ có phải không?
– Bà thứ bốn chấp luôn mấy bà kia: Thằng con tôi ấy à, nó mới có 10 tuổi mà nó nặng 150 pao. Mỗi lần dẫn nó đi Mc Donald là nó đòi ăn một lúc 2,3 cái big mac. Sữa tươi uống cả bình, cà rem ăn cả hộp. Biết nó mới
9 tuổi, ai cũng phải nói: Lậy Chúa tôi, Oh My God.
đ/ Lòng Kính Mến Đức Mẹ
Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo hội, Mẹ linh mục, Mẹ tu sĩ. Mẹ lo cho Con Mẹ, cho Giáo hội Con Mẹ, Mẹ lo cho các linh hồn, Mẹ lo cho Ơn gọi tu trì cách riêng để có những người con tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu.
Muốn giữ Ơn gọi, phải chạy đến cùng Mẹ.
Muốn đời tu hạnh phúc, phải chạy đến cùng Mẹ.
Muốn công việc tông đồ nơi các linh hồn kết quả, phải chạy đến cùng Mẹ.
Truyện:
Thánh Philip Nêri, một ông thánh vui tính, thường hỏi các thiếu niên:
– Con có yêu mến Đức Mẹ không?
– Vậy con hãy đi tu noi gương Đức Mẹ đồng trinh.
Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 nói: “Yêu mến Đức Mẹ là phương thế tốt nhất để giữ đức khiết tịnh”.
Lm. Đoàn Quang, CMC.