Ở hiền thì sẽ gặp lành

Tôi sinh trưởng tại vùng thủ đô Paris. Thân phụ tôi là bác sĩ tại Meudon nơi tôi mở mắt chào đời ngày 30-1-1968. Thân mẫu tôi – bà mẹ nội trợ – dưỡng dục chúng tôi gồm 2 anh trai, 2 chị gái và tôi.

Xuất thân từ gia đình Công Giáo đạo đức, tất cả chúng tôi thường xuyên tham dự Thánh Lễ. Tôi được Bà Ngoại dạy giáo lý theo lối xưa dưới hình thức hỏi thưa. Bà kể cho chúng tôi nghe chuyện Kinh Thánh, dạy chúng tôi Kinh Tin Kính và các mầu nhiệm của đạo thánh Công Giáo. Tôi tin mình vẫn giữ nguyên Đức Tin mặc dầu có một thời kỳ tôi lơ là trong việc sống đạo.

Năm 1992 là bác sĩ thú y trẻ tôi đến làm việc tại Craponne-sur-Arzon. Nơi đây tôi gặp Caroline và cưới nàng làm vợ vào năm 1997. Chúng tôi có 4 con trai. Sau khi thành hôn, Cha Pierre Badon đề nghị hai vợ chồng tôi dấn thân trong ủy ban chuẩn bị hôn nhân. Mặc dầu bận rộn với công ăn việc làm và gia đình, chúng tôi vẫn chấp nhận. Khi các con đến tuổi đi học giáo lý chúng tôi bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc thực thi những điều chúng tôi đòi hỏi con cái. Chúng tôi liền đều đặn tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện chung trong gia đình. Tắt một lời, chúng tôi dành một chỗ rộng lớn hơn cho THIÊN CHÚA trong cuộc đời chúng tôi.

Thế rồi sau lễ Thăng Thiên năm 2007 Cha Pierre Badon lại xin tôi suy nghĩ về việc trở thành phó tế vĩnh viễn. Ngay lúc ấy, cả hai vợ chồng đều tỏ ra bỡ ngỡ bởi lẽ chúng tôi không hiểu thế nào là chức phó tế vĩnh viễn. Riêng tôi, tôi cảm thấy mình không xứng đáng.

Thật ra chúng tôi do dự về thời gian cần thiết cho việc huấn luyện và việc tôi có khả năng tận hiến để thi hành chức thừa tác phó tế hay không. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chấp nhận suy nghĩ về sự kiện đưa ra. Sau đó chúng tôi gặp gỡ nhiều phó tế cũng như gặp Cha Henri Demars và tìm hiểu rõ hơn về chức vụ phó tế vĩnh viễn.

Kể từ đó, cầu nguyện bắt đầu chiếm chỗ đứng quan trọng hơn trong cuộc đời tôi. Chúa Thánh Linh giúp tôi làm cuộc phân định đúng đắn: tôi tức khắc nghĩ ngay: ”Nếu Chúa gọi, tôi không được từ chối!” Tôi cũng hiểu rằng Chúa ban ơn cần thiết khi Người trao phó sứ vụ và nỗi lo sợ mình không xứng đáng chỉ là điều vu vơ, bởi lẽ xét cho cùng, không ai có khả năng lãnh nhận một sứ vụ cao cả như thế, nhưng chúng ta được Đức Chúa KITÔ trợ giúp, và với Chúa, tất cả đều có thể! Nguyên sự kiện tôi được Chúa gọi qua trung gian Đức Giám Mục bản quyền là một điều bảo đảm. Tôi không được chọn vì có khả năng hơn người khác nhưng chỉ vì để trở nên dụng cụ trong sứ mệnh xây dựng Nước THIÊN CHÚA.

Tôi không thắc mắc tại sao ”Thưa Vâng” nhưng chỉ hỏi cái gì khiến tôi từ chối? Thế là mọi do dự tan biến và tôi bắt đầu chương trình huấn luyện tiến đến thừa tác vụ phó tế.

Điểm lôi cuốn tôi nhất trong chức vụ phó tế chính là có thể cống hiến hình ảnh một Giáo Hội phục vụ cho những ai xa lìa Giáo Hội và Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Trong xã hội hiện đại có nhiều người sống xa Giáo Hội và không quen biết Linh Mục nào thì phó tế vĩnh viễn là sự hiện diện của Giáo Hội .. Đây là một sứ vụ liên kết chặt chẽ với Đức Tin không phải như hậu quả nhưng như con tim. Đây là một sứ vụ khe khắt mà con người chỉ có thể chu toàn trọn vẹn khi sống mật thiết với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, bởi lẽ chính Người là Vị Tôi Tớ hoàn hảo. Nơi Người phát xuất mọi cuộc sống thiêng liêng.

Thế rồi có niềm vui phục vụ. Niềm vui phục vụ trước tiên đến từ niềm vui gặp gỡ tha nhân. Đối với một tín hữu Công Giáo, gặp và phục vụ người thân cận chính là gặp và phục vụ THIÊN CHÚA. Việc phục vụ bắt đầu trong gia đình và nơi chỗ làm việc. Đạt đến việc chuyển sứ điệp niềm vui phục vụ là một trong những đích điểm lớn lao của việc giáo dục con cái.

Nơi môi trường làm việc, ý thức nghề nghiệp và phục vụ trong chân lý mang lại niềm vui lớn lao: niềm vui của công việc được hoàn tất tốt đẹp. Chúng ta ai ai cũng đều có ước nguyện bao la là yêu và được yêu. Rồi chúng ta cũng đau đớn nhận thấy rằng tội lỗi lôi cuốn chúng ta làm điều không muốn và tách xa chúng ta khỏi điều thiện muốn làm. Khi phục vụ người thân cận là chúng ta thực thi thánh ý THIÊN CHÚA.

Niềm vui là hoa trái của phục vụ. Phó tế vĩnh viễn phải quan tâm đến nhu cầu của những người bé nhỏ nghèo nàn nhất. Khi tiếp xúc với những người thiếu thốn mọi sự thì công tác phục vụ là nghĩa cử thiện nguyện cao cả nhất. Phó tế không chờ đợi đáp trả nhưng cùng lúc lại nhận được rất nhiều.

Một hôm trên đường đi công tác nghề nghiệp tôi dừng lại thăm viếng một nữ nông dân cao tuổi vừa mất người chồng thân yêu. Chúng tôi trải qua những giây phút đầm ấm bên nhau và gợi lại hình ảnh hiền phu quá cố của bà cũng như nói về cuộc đời ông bà và về gia đình của cả hai chúng tôi. Khi từ biệt bà, một niềm vui lớn lao xâm chiếm lòng tôi. Tôi đến an ủi bà nhưng có lẽ chính bà lại mang đến cho tôi nhiều niềm vui hơn. Đây là những kinh nghiệm mà mỗi người đều có thể làm mỗi ngày và đó là kinh nghiệm minh chứng niềm vui nào chúng ta cảm nhận được khi chúng ta thật lòng phục vụ người thân cận với trọn tâm tình đơn sơ.

… ”Nếu con làm việc thiện, thì hãy biết con làm cho ai, và con ở hiền thì sẽ gặp lành. Hãy làm việc thiện cho người đạo hạnh, con sẽ được đền đáp, nếu không do người ấy, thì cũng do Đấng Tối Cao. Sẽ chẳng có chi may lành cho kẻ ngoan cố trong điều ác, cho kẻ không thích làm việc từ thiện. Hãy cho người đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi. Hãy xử tốt với người khiêm tốn, và đừng ủng hộ quân vô đạo, hãy khước từ, đừng cung cấp bánh cho nó ăn, kẻo nó được đàng chân lân đàng đầu; con sẽ gặp hoạn nạn gấp đôi, đối lại tất cả những việc lành con đã làm cho nó. Vì chính Đấng Tối Cao cũng gớm ghét phường tội lỗi, Người sẽ trừng phạt để trả oán quân vô đạo. Hãy cho người tốt, nhưng đừng giúp người tội lỗi” (Huấn Ca 12,1-7).

(”Au Service de l’Église”, No 260, Janvier-Février-Mars 2013, trang 9-12)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Exit mobile version