Nuôi dạy con cái tuổi thiếu niên

23 ChuaGiesu - Nuôi dạy con cái tuổi thiếu niên
Nếu bạn hay ai đó khác có thể dẫn con của bạn đến với Chúa Giêsu, Ngài có thể giúp chúng nhìn thấy rõ mọi việc mà không một ai có thể làm được.
Một điều dường như luôn luôn đúng: Việc nuôi dạy con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên chính là thách thức lớn lao nhất mà hầu hết các bậc cha mẹ đều phải đương đầu. Một số chìm dưới gánh nặng. Một số trốn tránh trách nhiệm. Một số lo lắng và hy vọng điều tốt nhất. Một số quá bận rộn với những việc khác đến nỗi thậm chí không biết điều gì đang xảy ra cho con cái mình. Nhưng cũng có những bậc cha mẹ khác nhìn thấy điều cần thiết, nỗ lực gấp đôi, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề xảy ra với con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên của họ, và dẫn dắt chúng suốt những năm chúng ở vào độ tuổi ngỗ nghịch.

Làm bố mẹ của những đứa con đang ở độ tuổi thanh thiếu niên thật không dễ dàng, nhưng bất cứ một bậc cha mẹ nào cũng có thể có được tất cả mọi sự giúp đỡ họ cần, mỗi một ngày giải quyết một vấn đề, nếu họ biết nơi nào để quay sang tìm sự giúp đỡ. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tất cả và cũng là Đấng tạo ra một hệ thống mà nhờ đó chúng ta phát triển và trưởng thành – và Ngài không sai lầm. Ngài biết điều mà mỗi người chúng ta cần ở mỗi giai đoạn của cuộc sống và trang bị phù hợp cho chúng ta.

Vậy, nếu bạn làm cha mẹ và đang cảm thấy ngày càng khó đáp ứng những nhu cầu của những đứa con đang ngày một lớn của mình, hãy quay sang Đấng không thể nào thất bại. Mỗi một vấn đề, Ngài đều có một giải pháp. Mỗi một câu hỏi, Ngài đều có một câu trả lời. Mỗi một trở ngại có vẻ như không thể nào vượt qua, Ngài sẽ tạo ra một con đường để vượt qua, vòng qua hoặc xuyên qua. Mỗi một hy sinh bạn làm cho con cái của mình, Ngài đều có phần thưởng dành cho bạn. Ngài yêu bạn và con cái của bạn, và Ngài luôn ở bên cạnh để giúp đỡ bạn.

Làm thế nào khi bạn cảm thấy bất lực?

Hỏi: Đứa con trai lớn nhất của tôi chống đối lại mọi quy tắc trong gia đình. Việc này đã xảy ra nhiều tháng, và bây giờ ngày càng khó khăn hơn để trò chuyện với cậu bé hay để sửa dạy thái độ hư hỏng của cậu bé. Tôi giận điên lên! Tôi có thể làm gì để sửa dạy con trai tôi?

Trả lời: Khi con cái có những hành động hư hỏng nghiêm trọng, thì thường có nguyên nhân sâu xa nào đó. Có thể chúng cảm thấy không được an toàn, vì thế chúng hành động ngỗ ngược để bạn có thể dành cho chúng thêm thời gian, thêm sự chú ý, sự bảo đảm và tình yêu. Có thể chúng tức tối về việc gì đó xảy ra ở trường. Có thể chúng đang thử những giới hạn mà bạn lập ra, để xem bạn có thật nghiêm túc về những gì bạn đã nói hay không. Có thể bạn cho rằng chúng đủ lớn để tự quyết định và không hiểu được nguyên nhân phía sau những quy tắc mà bạn đặt ra. Có thể đã đến lúc phải thay đổi một số quy tắc để có thể cho chúng thêm phạm vi để phát triển.

Cho dù bất cứ trường hợp nào, điều quan trọng chính là tìm ra nguyên nhân tại sao chúng lại hành động hư hỏng, và bạn có thể làm gì để giúp chúng ngoan ngoãn trở lại. Hầu hết những vấn đề không tự biến mất, cũng như con bạn thường không đủ khả năng để tự giải quyết. Có rất nhiều trường hợp, bản thân những đứa trẻ cũng không biết được điều sai trái. Chúng cần đến tình yêu thương và sự chỉ dẫn của cha mẹ.

Cách tốt nhất để biết được những gì con cái bạn cần và làm thế nào để giúp chúng – cách thật sự duy nhất – chính là xin Thiên Chúa chỉ cho bạn. Bên cạnh việc có được tình yêu của Thiên Chúa, điều quan trọng nhất để thành công trong việc nuôi dạy con cái chính là học cách cầu xin những câu trả lời từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu luôn có những câu trả lời mà bạn cần. Việc có Ngài cùng nuôi dạy con cái sẽ đỡ đi gánh nặng cho bạn. Bạn biết bạn có thể luôn đến được với Ngài trong lời cầu nguyện, và Ngài sẽ nói với trái tim của bạn, tâm trí của bạn về những chỉ dẫn và những giải pháp mà bạn cần.

Nếu con cái của bạn đang gây khó khăn, đang thử thách lòng kiên nhẫn của bạn, thì hãy xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Hãy chia sẻ gánh nặng với Ngài; Ngài rất kiên nhẫn. Ngài vô cùng kiên nhẫn với những lỗi lầm và sai phạm của bạn, vì thế bạn có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ giúp bạn có được sự kiên nhẫn đối với con cái của bạn. Khi bạn cảm thấy kiệt sức, hãy xin Ngài ban cho bạn tình yêu và sự kiên nhẫn của Ngài. Thần Khí của Ngài sẽ giúp trấn tỉnh tinh thần của bạn, sẽ mang những giải pháp đến cho tâm trí của bạn, giúp bạn vượt qua khó khăn để bạn có thể trở thành một người cha đầy yêu thương và là chỗ dựa cho những đứa con mà Ngài đã ban cho bạn.

Giảm thiểu sự khác biệt về tư tưởng giữa hai thế hệ

Hỏi: Mọi việc thay đổi quá nhiều kể từ khi tôi trưởng thành đến nỗi tôi thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể hiểu và giúp đỡ đứa con gái đang trong độ tuổi thiếu niên của mình. Làm thế nào tôi có thể giảm sự khác biệt về tư tưởng giữa hai thế hệ?

Trả lời: Thế giới thay đổi rất nhiều trong thế hệ gần đây. Nhìn bề ngoài, sự khác nhau về tư tưởng giữa hai thế hệ đang rộng dần, nhưng bề ngoài có thể là một sự đánh lừa. Sự khác biệt tồn tại giữa hai hay nhiều thế hệ được thể hiện một cách khác nhau ở mỗi thế hệ, nhưng vấn đề cốt lõi là giống nhau: nhu cầu Thiên Chúa ban cho những thanh thiếu niên chính là tìm ra vị trí thích hợp trong cuộc sống. Để hiểu tốt hơn con gái của bạn, hãy cố gắng nhớ lại xem bạn cảm thấy thế nào khi ở vào độ tuổi của cô bé. Nếu bạn là một thanh thiếu niên điển hình, bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng và khó chịu trước những thay đổi không ngừng của cơ thể. Mỗi một cái mụn hay một ngày đầy những khó khăn cũng chính là một cơn khủng hoảng làm thay đổi cuộc sống. Bạn lo lắng làm thế nào bạn có thể hoà hợp với bạn bè. Bạn so sánh một cách tiêu cực bản thân mình với những bạn bè khác cùng lớp, những người xinh đẹp hơn, thông minh hơn, được nhiều người yêu thích hơn, hay hình như trông tự tin hơn. Bạn phải đương đầu với những quyết định lớn hơn mà trước đây bạn chưa hề gặp phải và biết rằng thậm chí còn có những quyết định to lớn hơn ở phía trước: Bạn tiếp tục học bao lâu nữa? Bạn sẽ làm gì khi trưởng thành? Bạn sẽ kết hôn với ai? Làm sao có ai đó muốn kết hôn với bạn?

Có thể vào lúc đó, bạn không hiểu được điều gì đang xảy ra, và lúc này đây, có thể con gái của bạn cũng không hiểu, nhưng đó chính là một quá trình tìm hiểu chính mình và hình thành cá tính riêng biệt của mình.

Trong giai đoạn này, những thanh thiếu niên xem những người cùng tuổi với chúng hoặc bố mẹ của chúng như những manh mối để tìm ra chính mình. Chúng không ngừng so sánh bản thân với những người cùng trang lứa để xác định đâu là nơi phù hợp với chúng, và chúng quan sát kỹ thái độ, lối sống và những phẩm chất của cha mẹ để quyết định xem liệu chúng có muốn trở nên giống như cha mẹ một khi chúng trưởng thành hay không.

Ở vào độ tuổi thanh thiếu niên, hầu hết trẻ đều có ương bướng đôi chút. Suy cho cùng, làm thế nào bọn trẻ có thể hình thành nên tính cách riêng biệt của chúng nếu không tách rời ra khỏi cha mẹ? Rất nhiều bậc cha mẹ làm cho tình hình thêm khó khăn khi phản ứng quá dữ dội trước sự ương bướng của những đứa con đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, điều này hầu như luôn dẫn đến sự ương bướng nhiều hơn và vết rạn nứt giữa hai thế hệ ngày càng sâu hơn.

Bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ chấp nhận một mức độ ương ngạnh nào đó là hoàn toàn tự nhiên và sẽ hiểu rằng rất nhiều những thay đổi bên ngoài nơi những đứa con trong độ tuổi thanh thiếu niên vốn dĩ họ không thích – những bộ đồ hay kiểu tóc kỳ dị, nghe những loại nhạc gây bực bội… – chính là tất cả những phần của tiến trình chia cách.

Bậc cha mẹ khôn ngoan cũng hiểu rằng sự trải nghiệm là cần thiết cho sự trưởng thành và không phải mọi sự trải nghiệm đều thành công. Trong suốt chặng đường phát minh ra bóng đèn, Thomas Edison đã thử hàng trăm sự kết hợp của những thứ vật liệu không hề có tác dụng trước khi có được thành công. Tương tự như Edison, hầu hết những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên sẽ nhận ra những thứ không có ích và chuyển sang thứ khác. Hãy cho phép những đứa con trong độ tuổi thanh thiếu niên của bạn trải nghiệm, trong một phạm vi cho phép. “Không hại gì đến bạn hay người khác, và không có gì không hợp lý” khi tạo ra một điểm khởi đầu tốt.

Điều liên quan mật thiết với sự trải nghiệm đó chính là vấn đề tự kiểm soát. Rất nhiều đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên thiếu kiểm soát, đa phần là vì chúng không thấy được nguyên nhân của sự việc. Chúng thích vui đùa, chúng thích có được tự do hơn, và chúng đang học bài học từ thử thách và sai lầm. Thường thì cho đến khi lãnh nhận hậu quả của những quyết định sai trái chúng mới học được bài học tự kiềm chế – nhưng chẳng phải điều đó cũng xảy ra tương tự đối với bạn sao?

Mặc dù, những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên muốn làm một người độc lập, nhưng nhìn chung, chúng cảm thấy bất an trong vai trò mới đó. Nó hơi giống như cảm giác lần đầu tiên đứng trên mức cao nhất của tấm ván nhún nơi hồ bơi: chúng sắp nhảy vào trong tuổi trưởng thành và tự hỏi liệu chúng có tồn tại được với cú va chạm đó không.

Không có gì chống lại được sự bất an đó ngoại trừ tình yêu vô điều kiện. Những đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên thường hành động như thể chúng không muốn hay không cần tình yêu và sự trợ giúp của cha mẹ, đôi khi, chúng có thể thật sự rất hư hỏng và khó ưa chỉ để nhấn mạnh điều đó. Cho dù những đứa trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên có nhận ra hay không, thì những gì chúng thật sự đang làm luôn nhằm để thử tình yêu của cha mẹ chúng. Chúng tìm kiếm sự xác nhận nơi tình yêu của cha mẹ, bởi vì tình yêu là chỉ số của giá trị, và những đứa trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cần phải cảm thấy rằng chúng có giá trị. Những bậc cha mẹ biểu lộ tình yêu một cách ổn định đối với con cái ở vào độ tuổi ấy cho dù chúng ngoan hay hư hỏng, sẽ cho chúng sự công nhận giá trị mà chúng rất muốn và cần.

Cần có tình yêu lớn lao, sự kiên nhẫn, sự tự chủ để những bậc cha mẹ có thể nới lõng sự kìm kẹp và để cho những đứa con ở trong độ tuổi thanh thiếu niên của họ có thể trải qua quá trình trưởng thành. Điều này cũng cần có lòng tin – lòng tin vào những đứa con của họ; lòng tin rằng những giá trị mà họ đã cố gắng truyền cho con cái của họ khi chúng còn nhỏ, giờ đây sẽ hướng dẫn chúng để chúng có được những lựa chọn đúng đắn; và lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo ra quy trình. Điểm cuối cùng và cũng rất quan trọng cần có nơi những bậc cha mẹ đó chính là tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và có mối quan hệ riêng tư với Thiên Chúa thông qua Chúa Giêsu; họ biết nơi nào họ tìm đến khi họ và những đứa con trong độ tuổi thanh thiếu niên của họ cần sự giúp đỡ.

Một lợi ích khác đối với những bậc cha mẹ có đức tin đó chính là nhiều người đón nhận Chúa Giêsu khi đang ở độ tuổi thanh thiếu niên hơn là ở những độ tuổi khác. Nhìn chung, những đứa trẻ ở vào độ tuổi thanh thiếu niên chính là những người đang tìm kiếm – đang đi tìm sự thật và ý nghĩa của cuộc sống. Nếu bạn hay ai đó khác có thể dẫn con gái của bạn đến với Chúa Giêsu – “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6) – Ngài có thể giúp cô bé nhìn thấy rõ mọi việc mà không một ai có thể làm được. Ngài có thể ban cho cô bé tình yêu không điều kiện và sự tin tưởng. Ngài có thể ban cho cô bé bình an trong tâm hồn. Ngài có thể ban cho cô bé những câu trả lời khi cô bé học cách mang những vấn đề của mình đến cho Ngài trong lời cầu nguyện.

Và một khi bạn và con gái của bạn chia sẻ một lòng tin mạnh mẽ và sống động, bạn sẽ có được nhiều điểm chung hơn bao giờ hết. Chúa Giêsu chính là chiếc cầu nối tốt nhất cho khoảng cách giữa những thế hệ!

An Nhiên dịch
nguồn: EMTY

Exit mobile version