Nước Thiên Chúa vẫn phát triển

Hôm nay ta nghe các câu 18-21 của chương 13 Tin Mừng theo thánh Luca. Với 4 câu thật ngắn, Luca kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu vềNước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Hết sức giản đơn, với hình ảnh “hạt cải và nắm men”, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ vượt qua cái nhìn trần tục. Khi nhìn vào con người và các phương tiện mà Chúa đang sử dụng, các môn đệ khó có thể hình dung được thế nào là vương quốc mà Ngài loan báo, như không tiền của, không quân đội … Vậy làm sao Chúa có thể thiết lập được vương quốc! Các môn đệ không tránh khỏi những ngờ vực ấy.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh “hạt cải và nắm men” để đưa các môn đệ vào cách nhìn mới, cách lượng giá mới, cách lý luận mới. Ngài muốn nói rằng vương quốc của Ngài, được thể hiện qua sự yếu đuối mà đôi khi chính là sự thất bại của con người.

Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.

Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2,000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?

Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.

Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Ngôi Lời như hạt giống tình yêu được gieo vào lòng thế giới. Và Lời tình yêu đó vẫn tiếp tục được rao truyền và vang xa mãi đến tận cùng trái đất. Đức Giê-su Ngôi Lời nhập thể đã chẳng nói chính Người là nước trời đó sao (x. Mt 12, 28; Lc 11,20) Nước của Người là nước Tình yêu. Những biểu hiện của tình yêu thường rất tinh tế, nhạy bén qua sự hy sinh, xả thân, khiêm nhu, chịu lụy, khoan dung….

Người ta có thể rất mạnh mẽ ở những lãnh vực nào đó nhưng lại rất mềm yếu trong Tình yêu. Một viên tướng có thể thét ra lửa trước mặt binh sĩ, nhưng lại trở nên mềm mại yếu đuối trước người yêu – một nữ nhân vạn lần yếu đuối hơn ông ta. Tuy nhiên tình yêu có sức mạnh mãnh liệt như sách Diễm ca có nói: “Nước lũ không thể dập tắt tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,7).

Chính vì thế mà Đức Giê-su Ki-tô – tình yêu nhập thế đã cam chịu chết vì yêu. Trước mặt người đời Người có thể bị coi là điên dại, là yếu đuối, là thất bại, nhưng kỳ thực Người đã chiến thắng sức mạnh của hỏa ngục là hận thù và sự chết để đưa con người tới sự sống bất diệt; nước tình yêu của Người vẫn kiên cường đứng vững và phát triển qua bao sóng gió, bão táp của kẻ thù bách hại và tồn tại đến thiên thu vạn đại.

Hạt cải, nắm men là những cái rất nhỏ bé và mong manh nhưng lại có một sức mạnh nội tại rất lớn. Hạt cải rất nhỏ bé nhưng khi được gieo xuống nó lại lớn thành cây và chim trời có thể trú ngụ. Nắm men rất mong manh nhưng khi được vùi trong bột nó có thể làm dậy cả khối bột lớn. Nước Thiên Chúa là gì nếu không phải là những cá thể hiệp thông với nhau tạo nên. Vậy mỗi cá nhân chúng ta phải trở thành một nước Thiên Chúa thu nhỏ, và từ đó, nước ấy lan rộng khắp mọi người trên toàn thế giới. Trong đó, mọi người là anh em với nhau có Thiên Chúa là Cha và người Anh Cả là Đức Giêsu Kitô.

Nước Thiên Chúa hiện nay tuy nhỏ bé, nhưng vẫn không ngừng lớn lên và đang âm thầm biến đổi thế giới. Người Kitô hữu phải biết hy vọng và góp phần làm cho Tin Mừng ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới hôm nay.

Huệ Minh

Exit mobile version