Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta

nuoc thien chua o giua chung ta - Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta

HIỆP NHẤT TRONG LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT – BÀI 11b:

Kính chào quý Phụ huynh,

Bài cuối này tôi xin trở lại với anh chị em là những người yêu thương con cháu mình hơn ai hết, và cũng tha thiết với ơn cứu rỗi của con cháu mình hơn ai hết. Việc giáo dục tôi đã nói ở bài 9. Giờ đây xin được nói đôi điều cho chính quí vị bởi vì ta không thể cho con em cái mình không có.

Suốt loạt bài vừa qua chúng ta đã tiếp cận với trận bão tố do truyền thông gây ra, tiếp cận với một giáo hội bị nhục mạ, bị bôi tro trát trấu, chúng ta cũng đã tiếp cận với một kinh nghiệm về sự liên kết tiếng nói của những người thiện chí, với Lòng Chúa Thương Xót và tiếng gọi của Ngài. Tôi xin được nêu với anh chị em năm điểm:

1.Hãy lắng nghe tiếng Chúa qua Lời Ngài, đừng để mình bị giao động vì truyền thông.

2.Hãy đến với Giáo hội nơi Bí Tích Thánh Thể.

3.Hãy liên kết với những người thiện chí để cùng mạnh dạn nói lên sự thật

4.Hãy đến với Chúa giữa cuộc sống bằng cách thể hiện lòng thương xót

5.Hãy tín thác vào Chúa qua chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót và cuộc tưởng niệm lúc ba giờ chiều.

1. Lắng nghe lời Chúa

Trong thư gửi ông Timôthê, Thánh Phaolô báo trước: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2Tm 4,3-4).

Để hiểu giáo lý, ta cần lắng nghe Lời Chúa. Để sống xứng đáng là con Chúa, ta cũng phải bám sát lời Ngài. Cả giờ cầu nguyện đầu ngày và cuối ngày đều cần lắng nghe Lời Chúa. Nên đọc trực tiếp lời Chúa từ trong quyển Kinh thánh trọn bộ cả Cựu và Tân ước. Khi không có nhiều giờ ta chỉ cần đọc đoạn Tin mừng của thánh lễ trong ngày. Những đoạn Lời Chúa của thánh lễ đã được xếp đặt sẵn từ cả nửa thế kỷ nay, một cách khá máy móc, thế nhưng thật kỳ diệu, mỗi ngày mỗi chúng ta có đều có thể nhận được từ đó những điều Chúa muốn nhắn nhủ riêng với bản thân ta. Sau khi đọc, ta cần thinh lặng suy tư nghiền ngẫm dăm ba phút, rồi trong ngày thỉnh thoảng cũng nên ôn lại, để nhận được hiệu quả Chúa đã hứa: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32).

2. Sống bí tích Thánh Thể

Giáo hội Công giáo là một tổ chức mang tính xã hội, từng có những vị lãnh đạo bất xứng nhưng vẫn tồn tại được suốt hai ngàn năm qua.  Đó là dấu chỉ cho thấy Giáo hội là công cuộc của Thiên Chúa: Đấng khai sinh ra lịch sử luôn vượt trên lịch sử và làm chủ lịch sử. Ngài đích thân chỉnh đốn Giáo hội Ngài đã lập ra và Ngài đón đợi Giáo hội cuối chặng đường lịch sử.

Trong cuộc Thương khó, ông Giuđa đã bán Chúa, các Tông đồ đã chạy trốn, ông Phê rô đã chối Chúa ba lần. Ngày nay cũng không tránh khỏi có một số tôi tớ Chúa vấp ngã vì yếu đuối, nhưng tuyệt đại đa số những người thánh hiến vẫn đang dấn thân với hết lòng mình, như lời Đức Thánh Cha nói trong diễn từ bế mạc cuộc hội nghị bảo vệ trẻ em trong Giáo hội:

“Cho phép tôi gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả những linh mục và những người tận hiến, những người phục vụ Chúa cách trung thành và trọn vẹn,… Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi cám ơn tuyệt đại đa số các linh mục, những người không chỉ trung thành với cuộc sống độc thân của họ, mà còn dành thời gian cho một sứ vụ mà ngày nay thậm chí còn khó khăn hơn nữa bởi những vụ tai tiếng do một thiểu số (nhưng vẫn luôn luôn là quá nhiều) những huynh đệ của họ. Tôi cũng cám ơn các tín hữu đã nhận thức rõ về sự lành thánh của các mục tử của họ và những người tiếp tục cầu nguyện cho các vị và hỗ trợ các ngài.”

Các thế lực sự dữ đang tìm mọi cách để triệt hạ uy tín hàng giáo sĩ, tìm cách đánh người chăn chiên, để đàn chiên phải tan tác (x. Mt 26,31). Giữa tình cảnh ấy, chúng ta cần hiệp nhất mật thiết với nhau và với Giáo hội phẩm trật qua Bí tích Thánh Thể, vì Chúa đã hứa: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20)

3. Liên kết với những người thiện chí

Ngày 11/1/2019, website CitizenGo phát đi lời kêu gọi độc giả ký tên tẩy chay bộ truyện tranh báng bổ việc Chúa đến lần hai, mong đạt được 200 ngàn chữ ký. Chỉ một tháng đã đạt chỉ tiêu khiến hãng sản xuất DC Comics phải quyết định hủy bỏ bộ truyện tranh ấy, vào ngày 14-2-2019. Hơn mười ngày sau, ngày 27/2/2019, con số chữ ký đã lên tới 234.974.

Hội nghị bảo vệ trẻ em trong Giáo hội cho thấy thái độ hết sức thẳng thắn của Giáo hội Công giáo:

– Đưa ra những gải đáp thiết thực áp dụng trong Giáo hội.

– Mời gọi mọi người cùng ý thức về thảm trạng lớn lao từ đủ mọi môi trường mà trẻ vị thành niên đang phải hứng chịu, để cùng góp tay tìm giải đáp.

Trong diễn từ bế mạc, Đức Thánh Cha đã nêu rõ điều ấy.[1]

Người ta đã cố tình dập tắt tiếng nói của Giáo hội Công giáo về thảm trạng của trẻ em, để che đậy chuyện bỉ ổi tày đình khắp nơi trên thế giới.

Là những phụ huynh, anh chị em có thể rủ nhau, cùng nhau lên tiếng trước công luận thế giới vì phúc lợi của những thế hệ con cháu của chúng ta.

Trước mắt, anh chị em có thể hiệp thông với Giáo hội Úc, ký tên vào thỉnh nguyện thư kháng cáo cho Đức Hồng y George Pell. Xin mời xem chỉ dẫn và tham gia tại: vietcatholic.org

4. Thể hiện lòng thương xót

Chúng ta cần quảng đại hưởng ứng lời Chúa mời gọi: Thực hành lòng thương xót đối với người xung quanh. Bạn hãy tha thiết xin Chúa ban sức mạnh để ngay hôm nay, ngay từ trong gia đình, bạn thực hiện ba điều:

– Nghĩ tốt cho mọi người, không xét đoán ai.

– Cảm thông và tha thứ. Nếu thấy nặng lòng với ai, bạn hãy xin Chúa nhậm lời người ấy cầu nguyện, xin Chúa thực hiện những điều người ấy ước mơ.

– Quên mình vì ích chung.

Thật đáng buồn khi quanh ta lòng tốt đang biến mất, hầu như ai cũng chỉ nghĩ đến mình và gia đình mình, ít còn ai nghĩ tới ích chung. Chẳng mấy ai biết nhường đường cho người khác, chẳng mấy ai giữ sạch đường phố, biết giữ rác trong túi đợi bỏ vào thùng rác… Não trạng chung là mạnh ai nấy lo, miễn sao xong việc cho bản thân hoặc cho con em mình là được, còn thì sống chết mặc bay…

Khi Nhật Bản hứng chịu hậu quả trận sóng thần năm 2004, người dân phải xếp hàng dài đợi nhận phần ăn. Một em bé đã khiến cả thế giới kính phục nền giáo dục Nhật Bản khi em kiên nhẫn nhích từng bước chân nối gót mọi người, nhất quyết không chiều theo sự ưu ái của người lớn muốn dành ưu tiên cho em. Truyền thống võ hiệp của Nhật Bản và của Hàn Quốc ăn sâu vào tâm tình và cách ứng xử của người dân từ tấm bé. Còn với người Việt, phục hồi tinh thần nghĩa hiệp cho giới trẻ? Và cả người lớn nữa chứ?

Có phải vì sự thoái hóa đã lan rộng khắp nơi và ăn sâu tận máu thịt mỗi người khiến ta hoàn toàn bất lực? Tuy nhiên, bất lực thì đúng mà tuyệt vọng thì không. Thánh Gioan Thánh Giá tiết lộ cho ta một bí mật: Nếu ta chỉ dựa vào sự yếu đuối của mình thì càng lúc càng yếu. Còn nếu ta liên kết với Thiên Chúa là sức mạnh, chính Ngài sẽ vác ta lên vai và sải bước thay ta. Những kinh nghiệm được kể lại tại Giáo điểm Tin Mừng đang gợi ý cho mọi người chúng ta nhớ lại lời quả quyết của Chúa Cứu Thế: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).

Giờ đây chúng ta hãy cùng đưa nhau đến với Chúa để Chúa cứu giúp.

Vững tin vào Chúa, quý vị hãy cứ lầm lũi xây dựng gia đình mình thành “một góc thiên đường trên thế gian” – theo cách nói của Thánh nữ Têrêxa Avila. Cứ bắt đầu từ bản thân mình rồi hướng dẫn cho con cháu dám thể hiện lòng thương cảm với mọi người, dám vui lòng chịu thiệt vì ích chung.

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Hội thánh Chúa nói chung, và mỗi tín hữu chân thành nói riêng, không bận tâm tới sự phán xét của thế gian, cụ thể là của truyền thông và dư luận. Ta chỉ bận tâm tới sự phán xét của chính Thiên Chúa, chỉ chịu trách nhiệm trước lương tâm, tức là trước Thiên Chúa.

Không chỉ là nhìn nhận lầm lỗi của mình và nỗ lực tối đa để vượt thắng, nhưng cần nhất là nhận biết chương trình tình thương của Thiên Chúa đang dành cho ta, để chú tâm hoàn tất công cuộc Ngài trao phó. Để nhận rõ ý Chúa, ta nên thường xuyên nguyện kinh cúi xin Chúa sáng soi (tức lời nguyện nhập lễ Thứ Năm sau lễ Tro) và lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót.

5. Tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót

Rồi chúng ta hãy rủ nhau, những người tin và những người mới được phục hồi đức tin, chúng ta cùng hiệp lòng hiệp ý mà cầu nguyện, thì như lời Chúa đã hứa, đức tin sẽ chuyển núi, dời non, Thiên Chúa sẽ nhậm lời cứu chữa không chỉ những vết thương cá nhân mà cả những vết thương xã hội, vết thương của từng gia đình, từng gia tộc, từng dòng họ, dòng tu, giáo xứ, giáo phận, quốc gia và dân tộc.

Để bày tỏ niềm tín thác vào Chúa, ta nên lần chuỗi kinh kính Lòng Chúa Thương Xót. Cách riêng, ta cài đồng hồ báo hiệu vào lúc ba giờ chiều để cùng nhau tưởng niệm và biết ơn tình thương cứu chuộc của Chúa Cứu Thế.

Lời kết: Gieo yêu thương

Buổi chiều hôm trước đang qua đi, và ta biết rằng sau đêm đen, bình minh sẽ ló dạng. Ta nhớ lời dặn lòng của Thánh nữ Têrêxa Avila:

“Đừng để điều gì gây xao xuyến

Đừng để điều gì khiến âu lo

Mọi sự rồi sẽ qua đi

Thiên Chúa không hề đổi thay

Cứ kiên nhẫn thêm đi

Rồi sẽ được mọi sự.

Ai có Thiên Chúa – sẽ chẳng thiếu gì.

Một mình Thiên Chúa thôi – là đủ cho ta rồi.

Từ giây phút Ngôi Lời nhập thể làm người trong lòng Đức Me, Nước Thiên Chúa đã khởi đầu và đang lớn dần như hạt cải phát triển thành cây cải. Nó có nguy cơ bị dập tắt mà cũng có cơ may phủ đầy dương gian “vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển (Is 11,9).

Bắt đầu từ bản thân và từ gia đình mình, ta hãy cùng nhau quả cảm noi gương Lòng Chúa Thương Xót và, theo lời của Thánh Gioan Thánh Giá, “ở đâu không có yêu thương, con hãy gieo yêu thương vào đó rồi sẽ gặt được yêu thương”[2].

Xin mời xem bài tổng kết: Hãy cứu lấy trẻ em.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Exit mobile version