Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.
Nếu các tước hiệu khác nơi Mẹ Maria, Giáo Hội muốn biểu dương công đức ưu việt nơi Mẹ, thì với danh xưng Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội muốn đề cao uy quyền của Mẹ Maria trong vai trò là thân mẫu Thiên Chúa. Bởi vì ngay khi đáp lại lời Thiên Chúa qua tiếng “xin vâng”, Mẹ đã đón nhận, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, đã đến chuộc tội nhân loại, làm cho Trời – đất kết chữ tình; xe chữ đồng; là chiếc cầu nối liền giữa trời và đất; đem lại sự bình an và giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.
Chính vì uy quyền độc nhất vô nhị nơi Mẹ Maria bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng chọn ngày này để cầu nguyện cho hòa bình trên khắp thế giới khi mời gọi con cái mình hướng về Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình, để cầu nguyện cho nhân loại được an bình thư thái.
1.Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Danh xưng Mẹ Thiên Chúa được dành cho Đức Maria đã khởi đi từ việc Giáo chủ Constantinople là giám mục Nettôriô từ chối không công nhận thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ông cho rằng: “Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Giêsu về mặt nhân tính, còn thiên tính thì không thể. Nơi Đức Giêsu nhân tính và thiên tính tách biệt, không hòa chung thành một”. Từ đó ông rút ra kết luận: “Mẹ Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa”. Từ những lập luận trên mà Công Đồng Chung Êphêsô (431) đã đuợc triệu tập để làm sáng tỏ cũng như khẳng định và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Công đồng tuyên tín: “Giây phút long trọng nhất trong đời Đức Mẹ là giây phút Ngôi Hai xuống thai trong lòng Mẹ. Từ giây phút ấy, Đức Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa”.
Vậy, dựa vào đâu mà Công Đồng có những phán quyết chắc chắn như vậy:
Thưa, Công Đồng dựa vào Thánh Kinh:
Trước tiên, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria đã được hé mở từ thời Cựu Ước khi tiên tri Isaia tiên báo: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14). Lời tiên báo về việc hạ sinh Đấng Cứu Thế đã được sứ thần Gabriel chính thức và trực tiếp báo tin cho Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu…. Vì thế Con Trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (x. Lc 1,31-35).
Rõ nét hơn cả, chính là lời chào mừng của bà Êlisabét khi được Đức Maria ghé thăm. Lúc ấy, bà được đầy Thánh Thần, nên đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).
Và, khi thời đã điểm, những gì được tiên báo thì nay đã được tỏ hiện trong đêm đông giá lạnh nơi cánh đồng Belem khi Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người để ở cùng chúng ta (x. Lc 2, 1-20). Khi sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Maria đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa trong vai trò là thân mẫu Đấng Emmanuel.
Với biến cố trọng đại này, Công Đồng Vatican II (1962-1965) tái khẳng định khi viết: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa…. Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô” (Lumen Gentium, số 61).
Chính vì những xác quyết trên mà Giáo Hội không ngớt kêu xin Mẹ Maria trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”.
2.Hòa bình chỉ có khi mỗi người cùng ý thức xây dựng
Như vậy, khi sinh hạ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Hoàng Tử Hòa Bình, Chúa của sự bình an, Mẹ Maria cũng trở thành Nữ Vương Hòa Bình cho nhân loại.
Khi chọn ngày mồng 01 tháng 01 hằng năm để cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, Giáo Hội muốn đặt để nhân loại dưới sự che chở đầy uy thế của Mẹ trước tòa Thiên Chúa.
Truyền thống này được bắt đầu từ ý định và mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nên chính ngài đã dời ngày lễ này vào 01-01 hằng năm để xin Đức Maria bầu cử cho thế giới được an bình, hạnh phúc.
Nhân dịp này, mỗi người chúng ta cũng hãy hướng nhìn về đất nước, dân tộc Việt Nam thân yêu, để thấy được sự cần thiết của hai chữ hòa bình!
Có lẽ ngày nay trên thế giới, nhiều nước rất ngưỡng mộ Việt Nam, vì nơi đất nước này, tiếng bom đạn đã chấm dứt hàng chục năm, dân chúng xem ra có vẻ được an bình thư thái!!!
Chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng nếu hiểu hòa bình theo nghĩa không có tiếng bom đạn thì chưa đủ, bởi vì theo quan điểm học thuyết của Kitô giáo, thì: hòa bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Nó cũng không chỉ dừng lại ở chỗ có cơm ăn áo mặc, điện, đường, trường, trạm, được ổn định hay các trung tâm du lịch, vui chơi giải trí được mọc lên…! Không! Hòa bình đích thực nó còn phải tiến xa và sâu hơn nhiều.
Về mặt cá thể:
Trước hết, đó là: mỗi cá thể cần có một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa là Chủ Tể và nguồn gốc của hòa bình.
Thứ đến, phải đạt được một trạng thái an bình thư thái ngay trong tâm con người. Sống hài hòa trong mối tương giao thân thiện với mọi người.
Cuối cùng, đó là mọi thành phần phải có trách nhiệm, liên đới với nhau trong tình huynh đệ.
Về mặt quốc gia:
Xét trên góc độ quốc gia: một đất nước được coi là hòa bình khi và chỉ khi con người được đảm bảo và quyền tự do tôn giáo được đề cao. Nhân phẩm được coi trọng và bảo vệ. Những lợi ích công cộng được ưu tiên.
Trong lãnh vực giáo dục: hệ thống và các nhà giáo dục cần đào tạo con người phát triển toàn diện cả về chất lượng tri thức lẫn đạo đức, biết kính trên nhường dưới, biết tôn sư trọng đạo, biết lưu giữ và bảo tồn những truyền thống, văn hóa tốt đẹp, biết phát huy những cái mới phù hợp với đạo lý dân tộc….
Về mặt gia đình và tôn giáo:
Trong lãnh vực tôn giáo: cần trú trọng đến “nhân chi sơ tính bổn thiện” nơi con người và phát huy tinh thần bác ái, yêu thương, liên đới dựa trên tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
Trong đời sống gia đình: mỗi thành viên cần ý thức vai trò và bổn phận của mình. Người làm cha cho đáng làm cha; người làm mẹ cho xứng thiên chức làm mẹ; người làm con cần sống hiểu thảo vâng lời….
Như vậy, muốn có hòa bình đúng nghĩa, chúng ta không thể ngồi ù lỳ và mong đợi, mà mọi thành phần phải sống tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm mà không sợ hãi. Trách nhiệm mà vẫn đảm bảo được sự tôn trọng và đối thoại chân thành. Nói cách khác, muốn có hòa bình thì phải chiến đấu. Chiến đấu cho lẽ phải để bảo vệ công bằng, xây dựng sự thật nhằm tiêu diệt cái xấu, nhất là những điều mà người ta vẫn thường ngụy trang khi nhân danh cái xấu để biện minh cho mục đích tốt.
Được như thế, chúng ta mới có một trạng thái tâm hồn an vui thanh thản với bản thân, hiền hòa và nhân ái với mọi người.
Mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay, chúng ta hãy biết noi gương Mẹ, để suy đi nghĩ lại trong lòng những ân huệ của Thiên Chúa và những biến cố trong cuộc đời cũng như xã hội, từ đó, biết xắn tay áo lên và hành động vì một nền hòa bình đích thực.
Mong sao, sau khi dâng thánh lễ, mỗi người ra về với tâm tình đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới phương cách, đổi mới hành động. Đổi mới trong sự vâng phục Thiên Chúa. Đổi mới trong sự hài hòa thiên nhiên. Đổi mới trong sự hy sinh, quên mình. Có thế, lòng chúng ta mới thực sự vui mừng phấn khởi như các mục đồng xưa, để ra đi loan báo tin mừng, tin vui, tin bình an của Hoàng Tử Hòa Bình cho mọi người.
Lạy Mẹ Maria, trong ngày đầu năm mới này, chúng con xin dâng năm sống mới của từng người cho Mẹ, xin Mẹ che chở, cầu thay nguyện giúp, để cho chúng con được an bình thư thái.
Đặc biệt, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn suy gẫm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống, để Lời của Chúa là cội nguồn bình an được sinh hoa kết qủa dồi dào trong lòng mỗi người chúng con. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.