Nữ tu Mariam Thresia được tuyên thánh vào ngày 13.10.2019

Lễ tuyên thánh nữ tu Mariam Thresia đã được Đức Phanxicô ấn định vào ngày 13.10.2019. Nữ tu Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, vị sáng lập tu hội Thánh Gia, được người dân Ấn Độ tôn vinh như Mẹ Têrêsa Calcutta. Nữ tu sống tinh thần bác ái phi thường, đặc biệt là tình cảm dành cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Nữ tu Mariam Thresia thuộc Giáo hội Công giáo Syro-Malabar, sinh ra tại Puthenchira vào ngày 26.4.1876; qua đời tại Kuzhikkattussery ngày 8.6.1926. Ngài được tôn phong lên bậc đấng đáng kính ngày 28.6.1999 và được tôn phong chân phước vào ngày 9.4.2000 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 12.2.2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành sắc lệnh tuyên thánh nữ tu Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan và Đức Hồng y Newman.

Dùng thể thao chống ma túy

Nhân ngày quốc tế chống lạm dụng và buôn bán trái phép các chất ma túy được tổ chức vào ngày 26.6.2019, các giám mục Argentina đề nghị tổ chức các hoạt động thể thao trong mỗi giáo phận. Đây là sáng kiến của Ủy ban Mục vụ quốc gia về phòng chống ma túy và nghiện ma túy của Hội đồng Giám mục Argentina.

Các giám mục cho rằng, một thực hành hằng ngày có thể được đưa ra và áp dụng như phản ứng phòng ngừa thích hợp với tệ nạn ma túy, đó là thể thao. Hội đồng Giám mục Argentina khuyến khích duy trì, phát triển một số câu lạc bộ tại các khu phố, dấn thân và hiện diện nhiều hơn trong việc nghiên cứu, nhân rộng các địa điểm để luyện tập thể thao.

Mục tiêu “không đói” thách thức lòng trắc ẩn

Mục tiêu “không đói” trên toàn thế giới vẫn là một thách đố lớn. Để chống lại việc thiếu lương thực và tiếp cận với nước uống, thế giới cần phải can thiệp vào các nguyên nhân cốt lõi, đó là sự thiếu lòng trắc ẩn, thiếu quan tâm từ phía nhiều người, và thiếu ý chí chính trị xã hội để đề cao các nghĩa vụ quốc tế. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh điều này trước 500 đại diện của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ngày 27.6.2019.  Theo báo cáo an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2018, FAO thống kê 821 triệu người trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng mạn tính. Thế giới hiện nay đang tạo ra một lượng lương thực đủ để nuôi dân số toàn cầu, nhưng cứ 9 người trên thế giới lại có 1 người bị thiếu ăn. Số người thiệt mạng vì đói mỗi năm nhiều hơn số người chết vì bệnh sốt rét, lao và AIDS cộng lại.

Giáo phận Torino sẵn lòng đón người tị nạn

Kết thúc lễ thánh Gioan Tẩy Giả, 24.6.2019, Đức cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám mục Torino đã thông báo với toàn thể Dân Chúa một điều bất ngờ. Ngài đưa ra một đề nghị để giải quyết vấn đề người tị nạn trên tàu Sea-Watch III, đó là đón nhận những người tị nạn vào địa phận Torino. Đức cha nói, tại thành phố này có nhiều gia đình sẵn sàng đón tiếp và việc này cũng còn phụ thuộc phía chính phủ Ý. Hôm 24.6.2019, 43 người vượt biển được tìm thấy ngoài khơi biển Lampedusa và được tàu Sea-Watch III cứu vớt.

Giáo hội tại Ðức trên con đường thăng tiến

Ngày 24.6, các giám mục 27 giáo phận ở Đức đã nhóm họp tại thủ đô Berlin hoạch định những bước trên “Con đường công nghị” về các đề tài như quyền bính, lối sống của các linh mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội…, nhằm cải tổ Giáo hội Công giáo tại nước này. Tiến trình công nghị sẽ chính thức bắt đầu vào Chúa nhật 1.12.2019. Trong thư gởi HĐGM Đức công bố hôm 29.6, Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ “Con đường công nghị” nhưng nhắn nhủ Giáo hội tại nước này đừng tiến hành một mình, trái lại quan tâm đến Giáo hội hoàn vũ và duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội: “Mỗi khi một cộng đoàn Giáo hội tìm cách tự mình ra khỏi các vấn đề của mình, và chỉ tín thác vào sức riêng, vào các phương pháp và trí thông minh của mình, thì rốt cuộc Giáo hội ấy chỉ gia tăng và nuôi dưỡng những tai ương mà họ muốn vượt qua”.

Trước trào lưu tục hóa

Từ lâu hiện tượng tục hóa lan tràn ở Tây phương và các vị giáo hoàng cảnh giác tình trạng này là con người sống như thể không có Thiên Chúa, hoặc cũng có vị gọi đây là hiện tượng âm thầm bội giáo. Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, đã bình luận về tình trạng âm thầm bỏ đạo của nhiều người ở Tây phương, đồng thời ngài cũng nhắc lại rằng Giáo hội cần đoàn kết, hiệp nhất với nhau, với đấng kế vị thánh Phêrô, để khỏi tự hủy diệt chính mình. Trong bài giảng tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận Utrecht, Hà Lan vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2019, Đức Hồng y nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong Giáo hội: “Chúa xây dựng Giáo hội của Ngài trên đá tảng Phêrô. Phá hủy sự hiệp nhất của Giáo hội Chúa Kitô có nghĩa là chối bỏ Chúa Giêsu. Người ta muốn xé bỏ và phá hủy sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Caritas Kyrgyzstan hỗ trợ giáo dục giới trẻ

Tổ chức Caritas Kyrgyzstan hoạt động tập trung ở hai lãnh vực từ thiện và giáo dục. Ông Sher Abdugapirov, Phó giám đốc Caritas, cho biết trong lãnh vực giáo dục, tổ chức này đặc biệt quan tâm những người trẻ tuổi từ các gia đình nghèo và làng quê, tạo cho họ những nấc thang bước lên bậc học cao. Trong hai năm qua, Caritas đã giúp 150 thanh niên đăng ký vào nhiều trường đại học. Tổ chức này cũng dấn thân nâng đỡ các trẻ khuyết tật qua những hoạt động ngoại khóa như trại hè, tạo cho các trẻ cơ hội tiếp cận với những ngành nghề thích hợp.

Caritas Kyrgyzstan nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các tôn giáo như Hồi giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành. Ông Abdugapirov nói: “Các tôn giáo tích cực tham gia vào tất cả các dự án của chúng tôi”. Kyrgyzstan hiện chỉ có khoảng 1.000 tín hữu Công giáo.

Ðại chủng sinh Malawi hướng tới Tháng truyền giáo đặc biệt

Các chủng sinh Đại Chủng viện Kachebere ở Mchinji, Malawi đã đề ra chương trình hướng tới Tháng Truyền giáo đặc biệt của Giáo hội, theo đó nhấn mạnh đến việc gặp gỡ Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và việc cầu nguyện hằng ngày. Trong tương quan với tha nhân, họ hướng đến thăm viếng dân chúng trong khu vực để nâng đỡ niềm tin và thêm cơ hội giúp người nghèo. Họ cũng đề xuất sẽ đảm nhận việc gây quỹ cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội Malawi. Linh mục Vincent Mwakhwawa, Giám đốc Quốc gia Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Malawi, đã khen ngợi những sáng kiến của các thầy. Tháng Truyền giáo đặc biệt được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chúa nhật 20.10.2019.

Giới trẻ Kitô Nepal phòng chống AIDS

35 đại diện giới trẻ Kitô Nepal đã tham dự khóa học đối phó với HIV và AIDS do Hiệp Kitô châu Á tổ chức ở Nepal. Khóa học đã giúp các học viên ý thức hơn sự tác động lây lan HIV đối với cộng đồng và thái độ cần có đối với những nạn nhân của căn bệnh này. Chính việc thiếu hiểu biết đã tạo nên bức tường ngăn cách con người với nạn nhân. Khóa học giúp giới trẻ hiểu được cách sống của Đức Giêsu khi chữa lành người mắc bệnh phong, “rộng lòng từ bi và biết đưa tay, tạo cảm giác chữa lành cho những người đớn đau vì bệnh tật”.

Đây là một phần trong các hoạt động ​​thu hút giới trẻ châu Á hưởng ứng chương trình “Cùng nhau chống lại HIV và AIDS ở châu Á”. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2017, 31.000 người lớn và trẻ em Nepal đã nhiễm HIV.

Exit mobile version