Đây là lời chứng của nữ tu Mariam de Jesus nói với Hãng tin Fides, sơ là một trong các nữ tu của Hội dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Sơ Mariam de Jesus là người đã sống ở Afghanistan gần 50 năm.
Hội dòng của sơ Mariam được Magdeleine de Jésus thành lập vào năm 1939 theo vết chân của Charles de Foucauld, các nữ tu đến Kabul lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1954 và năm tiếp theo bắt đầu làm việc như các nữ ytá tại bệnh viện của chính phủ ở thủ đô. Sơ Mariam nói: “Dân chúng Afghanistan rất hiếu khách. Chúng tôi được đón tiếp một cách đặc biệt và trong giai đoạn nguy hiểm của chiến tranh, chúng tôi có rất nhiều người bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giúp chúng tôi”.
Thực tế, các nữ tu vẫn lưu lại lãnh thổ Afghanistan cả trong thời gian chiếm đóng của Nga năm 1979, và trong cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 1992, họ chỉ chuyển đến Kabul để làm việc trong các trại tị nạn của Jalalabad. Sơ Mariam giải thích rằng vào năm 1996, ngay cả sau sự xuất hiện của Taliban, họ đã chọn tiếp tục phục vụ trong các bệnh viện và mang khăn trùm để không bị chú ý. Sơ nói: “Khi họ hỏi tôi có gặp khó khăn khi phải sống giữa chiến tranh hay không, tôi trả lời rằng tùy ngày. Đôi khi tôi rất sợ hãi, những viên đạn đi ngang qua tôi. Nhưng trong suốt những năm này, tôi cảm thấy mạnh mẽ vì Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Tôi học cách sống từng ngày, và mỗi phút trong đời tôi ở Afghanistan thực sự tôi sống đầy tràn nhờ vào sự che chở của Chúa”.
Sơ Mariam trở về Thụy Sĩ vào năm 2016, khi nhà dòng đã quyết định ngừng hoạt động ở Afghanistan do thiếu ơn gọi trẻ. Sơ chia sẻ: “Việc trở lại phương tây để sống thật là khó, bởi vì lối sống rất khác xa. Ở Kabul dân chúng luôn chia sẻ với nhau những gì họ có dù rất bé nhỏ để mọi người có thể hưởng dùng. Một cuộc sống đơn giản và thiên nhiên: họ thường xuyên ăn cùng với nhau, tụ hợp với nhau xung quanh ti vi, không bận tâm có một điện thoại với mẫu mã cuối cùng. Dân chúng sống thực sự một cuộc sống bé nhỏ vàtheo nhiều cách, ở đó đối với tôi là dễ dàng mặc dù có chiến tranh”.
Afghanistan là một đất nước với 99% là Hồi giáo,chỉ có một giáo xứ duy nhất,tại Đại sứ quán Ý ở Kabul, với khoảng một trăm người, gần như là thành viên của cộng đồng ngoại giao quốc tế. Tại thủ đô, hiện đang có tổ chức liên dòng “Pro Bambini of Kabul” và các Nữ tu của Mẹ Teresa Calcutta hoạt động. Ngoài ra trong cả nước, các hoạt động xã hội và giáo dục đã được các cha Dòng Tên Ấn Độ và các tổ chức khác khởi xướng. (Fides 25/6/2018)
Ngọc Yến
(RadioVaticana 25.06.2018)