Một buổi sáng, cô gọi cho sơ Imelda Poole, thuộc Hội dòng Đức Trinh Nữ Maria, nói rằng cô đang ở ngoài đường và cha cô đã đánh đập và sỉ nhục cô. Ngay lập tức cô đã được giải cứu. Đây là một trường hợp trong nhiều câu chuyện của phụ nữ là nạn nhân của buôn người và nô lệ tình dục trên thế giới đã được giải cứu từ mạng lưới La Renate.
La Renate, một mạng lưới tôn giáo dấn thân chống nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại ở châu Âu, do sơ Imelda đứng đầu. Với lời kêu gọi của Elona sơ Imelda đã can thiệp và Elona một lần nữa được cứu. Hiện nay cô đang tham gia vào một chương trình phục hồi nhân phẩm và đang được đào tạo nghành nghề. Elona chỉ là một trong nhiều nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại được các nữ tu trên khắp thế giới giải cứu.
La Renate là một phần của mạng lưới toàn cầu, Talitha Kum [“Này con gái, hãy chỗi dậy”, Phúc Âm của Mc 5, 41]. Các nữ tu cung cấp chỗ ở, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý cho các nạn nhân. Cho phép họ trở về an toàn trong các quốc gia của họ hoặc giúp các nạn nhân qua việc đào tạo thực tập tự nguyện. Nâng cao nhận thức về chế độ nô lệ hiện đại thông qua các cuộc gặp gỡ và các bộ phim như Các bạn hãy lên tiếng cho những ai không có tiếng nói. Các chị làm việc để giải quyết các lý do đằng sau việc buôn người, giảm nghèo và hỗ trợ các nền kinh tế cộng đồng. Các nữ tu vận động cho những thay đổi lập pháp và các dịch vụ tốt hơn cho nạn nhân.
Với mục đích nhằm tôn vinh công việc của những nữ tu hoạt động trong lãnh vực này, sơ Imelda đã được trao tặng Huân chương Đế quốc Anh của Hoàng tử xứ Wales, trong một buổi lễ được tổ chức tại Cung điện Buckingham vì những nỗ lực của sơ trong việc chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại.Sự đóng góp của các mạng lưới tôn giáo vào cuộc chiến chống chế độ nô lệ hiện đại là điều cần thiết. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, vẫn còn hơn 40 triệu người sống trong chế độ nô lệ trên toàn thế giới. Nhiều nữ tu đã đáp trả lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc chăm sóc những người bị gạt ra bên lề xã hội và đặc biệt hoạt động chấm dứt buôn người và chế độ nô lệ hiện đại. Thông qua mạng lưới của mình, các nữ tu có thể làm việc ở hai quốc gia, một ở nơi phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người và nơi người mà họ được gửi đi, phá vỡ vòng tròn thông tin không đúng sự thật và lạm dụng đánh lừa những người dễ bị tổn thương.
Chính phủ Anh, cùng với các đối tác, cũng đi đầu trong nỗ lực này. Vào năm 2014, Theresa May, trong thời gian là thư ký cho các vấn đề nội bộ, đã tham gia buổi ra mắt của Santa Marta Group ở Vatican, một diễn đàn tập hợp các cảnh sát trưởng và các đại diện của Giáo Hội luôn đứng đầu trong việc chống buôn người. Sau đó, May đã giới thiệu Đạo luật nô lệ hiện đại năm 2015, cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật những công cụ họ cần để giải quyết các tội ác chế độ nô lệ, lao động cưỡng bức và buôn bán người; thắt chặt niềm tin và tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân. Theo luật này, các công ty lớn phải xác định và chống lại chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng của họ.
Chế độ nô lệ hiện đại là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp quốc tế. Năm 2017, tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Anh và Tổng thư ký LHQ đã kêu gọi hành động chấm dứt lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ hiện đại và buôn bán người. Tài liệu đã được 80 quốc gia ký, ghi dấu cụ thể về ý định quốc tế chống lại vết thương này. Cả Vương quốc Anh và Toà Thánh đều ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu phát triển bền vững 8.7 trong việc chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại vào năm 2030.
Trong quá trình lịch sử, quốc vương Anh đã thưởng cho những người đã thể hiện tinh thần phục vụ, lòng trung thành hoặc can đảm. Ngày nay Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng danh dự cho những người xứng đáng bất kể nguồn gốc xã hội, như một sự công nhận công khai về công đức, dịch vụ hay can đảm đặc biệt của họ.
Phần thưởng dành cho sơ Imelda Poole là một sự công nhận nhỏ cho công việc khó khăn mà sơ và các nữ tu có trong việc giải cứu những phụ nữ như Elona.
Ngọc Yến
(VaticanNews 28.11.2018)