Nữ tu Anrê: Nữ tu lớn tuổi nhất nước Pháp

Anre - Nữ tu Anrê: Nữ tu lớn tuổi nhất nước Pháp

“Chúa Giêsu, Chúa chờ gì mà chưa đến đón con? Chúa quên con rồi sao, Chúa bỏ rơi con rồi sao? Con mong ngày diện đối diện với Chúa… còn Chúa không mong đến ngày gặp con sao?” Trong lời cầu nguyện của tôi, tôi la Chúa, tôi quở trách Chúa vì ngài làm tôi hao mòn, ngài lừa tôi! Có phải là kỳ cục khi mừng sinh nhật 114 tuổi không, nhất là từ gần 70 năm nay, cứ mỗi năm lại lặp lại lời khấn của Dòng Nữ tử Bác ái? Chúa Giêsu đáng lý đã kêu tôi về lúc tôi 104 tuổi, lúc tôi còn “leo trèo” như một cô gái trẻ. từ 6 giờ sáng tôi đã thức dậy để đi hái hoa về chưng cho nhà nguyện chúng tôi ở Savoie. Ban ngày, tôi giúp các xơ bạn và tôi làm cho họ cười, tôi đẩy xe lăn cho hết người này đến người kia; tôi gọi đó là “đoàn tàu nhỏ”!

Nhưng từ 9 năm nay tôi ở Trung tâm Ehpad
Thánh Catarina Laburê ở Toulon, Chúa đã lấy hết đồ đạc của tôi: trí nhớ, đôi chân, cặp mắt, đôi tai… Tất cả các mất mát này tôi biến chúng thành lời trách cứ Chúa Giêsu, tôi với ngài hay gây nhau như chị em trong nhà, nhưng tôi cũng dâng các mất mát lên như lễ vật, như lời tạ ơn, vì không có gì là tình cờ trong cuộc sống. Ngay cả bí mật cho sự trẻ trung mãi của tôi cũng là chuyện bí ẩn kỳ cục, chỉ có Chúa biết Chúa đang muốn làm gì. Có phải đó là Quan phòng không?

Tại sao tôi còn sống sót qua bao nhiêu tai nạn, qua bao nhiêu tang chế, qua hai trận Thế chiến? Tôi là người vùng Cévenole có nghĩa là người cứng rắn, người dai như đỉa, nhưng nhất là tôi nghĩ, Chúa che chở tôi và chờ tôi.

Tôi xém chết nhiều lần
nhưng khi nào thần chết cũng bắt hụt tôi! Lần đầu tiên lúc tôi 18 tháng. Bà bảo mẫu hét lên khi bà đến nhà cha mẹ tôi ở Alès vùng Gard: “Tôi nghĩ em bé chết rồi!” Người tôi trắng bệch, trơ cứng, hai mắt nhắm lại. Bác sĩ chẩn đoán: “Hôn mê không giải thích được”. Lúc đó em Lydie song sinh với tôi bị chết vì nghẽn mạch phổi, vì cô giữ trẻ hơi điên điên đem em đi nhảy. Ngày chôn em, tôi tỉnh lại. Chúng tôi rất gần nhau, tôi vẫn còn nhớ em, tôi xém đi theo em vào mồ!

Rồi thì anh thứ ba của tôi bị chết vị dịch cúm Tây Ban Nha.
Đến năm 16 tuổi, khi bà ngoại qua đời, tôi bị rơi vào chứng trầm cảm nặng. May mắn, anh Anrê của tôi sống sót sau trận chiến Con đường Quý bà (Chemin des Dames) đón tôi về nhà anh tôi ở Seine-et-Marne. Anh yêu thương tôi như người cha người mẹ, anh mang lại sự sống cho tôi. Một đời sống tôi xém mất một cách phi lý, sau đó tôi làm quản gia cho gia đình Borione ở Paris. Một buổi sáng tôi đang ở trong thang máy chạy bằng thủy lực – từ thang máy thô sơ đến thang máy điện, đến máy bay chở thư tín đường dài… tôi nhìn thấy không biết bao nhiêu là tiến bộ kỹ thuật! -, thang máy đến tầng thứ ba thì rớt cái rầm xuống tầng hầm. Tôi chỉ kịp ném đứa bé trai lên sàn, còn tôi bám vào sàn, hai chân lơ lửng ở khoảng trống không! Sau này thì sét đánh vào một cây ở Champs-Élysées, cây sập… lướt nhẹ qua áo măng-tô của tôi!…

Tại sao tôi còn sống sót qua bao nhiêu tai nạn, qua bao nhiêu tang chế,
qua hai trận Thế chiến? Tôi là người vùng Cévenole có nghĩa là người cứng rắn, người dai như đỉa, nhưng nhất là tôi nghĩ, Chúa che chở tôi và chờ tôi. Trong gia đình tôi, chúng tôi không nói chuyện về tôn giáo. Cha tôi bị hãi hùng vì ông tôi, ông là mục sư tin lành có lòng bác ái phi thường, nhưng lại có một khuyết điểm: quá nghiêm nhặt. Từ 3 tuổi, trẻ con đã phải bị đi nghe giảng ngày chúa nhật, buổi lễ không dưới 2 tiếng đồng hồ rưỡi. Và nếu có đứa bé nào ngủ thì phải thức nó dậy ngay! Cuối cùng tất cả đều không đi nhà thờ. Chỉ có anh cả của tôi là được rửa tội vì “tình cờ”: hôm sinh anh, trời mưa gió dữ dội, một dịp may để mục sư nắm lấy…

Tôi rửa tội năm tôi 26 tuổi. Mẹ tôi áy náy, anh Anrê khóc nhưng tôi lại thấy vui lạ lùng!

Thỉnh thoảng anh Anrê đưa tôi đi đến nơi cầu nguyện,
Chúa luôn trêu chọc tôi để tôi không đi quá xa. Trong những năm 1920 ở Paris, tôi quen một bà theo đạo công giáo. Khi nghe bà dạy giáo lý cho hai đứa con của bà, tôi nghĩ: “Đây là Chúa mà tôi đi tìm!” Lúc đó bà giới thiệu cho tôi một linh mục, cha cho tôi mượn ba quyển sách, các tiểu sử của Thánh Giăng-Đắc và Thánh Phanxicô Axixi. Sau khi đọc ngấu nghiến các cuộc đời phi thường này, tôi long trọng tuyên bố với cha xứ: “Con đã tìm được con đường của con, con muốn theo đạo công giáo!” Không nói một-hai gì, cha gởi tôi đến lớp giáo lý của các nữ tu Dòng Cénacle và tôi được rửa tội năm tôi 26 tuổi. Mẹ tôi áy náy, anh Anrê khóc nhưng tôi lại thấy vui lạ lùng!

Cuối cùng tôi đạt được mục đích trong đời: đến với Chúa. Bước ngoặt này trùng với thời gian tôi đến với gia đình Borione. Trong vòng 14 năm, Chúa gìn giữ tôi nơi êm ấm này để chuẩn bị cho tôi một chuyện lớn sau này. Một nhu cầu muốn được lớn lên trong sự dịu dàng của Chúa Giêsu, muốn được phục vụ người nghèo đã đưa tôi đến Dòng Nữ tử bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô. Vào thời đó đi tu như thế là trễ, vì năm đó tôi đã 40 tuổi (1944). Tôi được gởi đến bệnh viện Vichy, thời đó bệnh viện đang bị quân Đức chiếm (tôi phục vụ ở đây gần 30 năm). Sự dè chừng luôn ở khắp nơi, trên tường là những hàng chữ: “Xin giữ miệng”, “Xin dè chừng người Boches”! Nhưng họ cũng cần sự dịu dàng, tôi săn sóc 40 em bé mồ côi như người mẹ săn sóc con. Cuối cùng, chuyện này lại là chuyện tốt cho tôi, vì nhờ thế mà các báo nói về tôi, sau đó một vài em đã tìm gặp tôi!

Tôi không biết đời tôi lại đẹp như vậy. Chính Chúa sẽ phán xét. Nhưng, chắc chắn, tôi không xứng với tình yêu của Ngài! Có phải để tôi thương Ngài hơn mà tôi còn sống ở đây không?

Cuộc đời của xơ Anrê

1904 Sinh ở Alès trong một gia đình tin lành khiêm tốn.

Trong những năm 1920 ở vùng Paris, xơ làm quản gia, trước là với gia đình Peugeot, sau là gia đình Borione.

1930 Rửa tội ở nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Paris.

1944 Vào Dòng Nữ tử bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô, xơ lấy tên là Anrê vì xơ rất quý mến anh Anrê của mình.

1945 Làm việc ở bệnh viện Vichy gần 30 năm.

Trong những năm 1970 làm việc ở một trung tâm ung thư gần Valence, rồi làm ở các trung tâm giúp người khuyết tật và người lớn tuổi ở Savoie.

2009 xơ về ở Trung tâm Ehpad, Thánh Catarina Laburê ở Toulon.

(Marta An Nguyễn dịch, phanxico.vn 07.02.2018/ lavie.fr, Alexia Vidot, 2018-01-31)

Exit mobile version