Nói thêm về việc nâng cao Mình Máu Chúa và Kinh Nguyện Thánh Thể IV

Sau câu trả lời của chúng tôi ngày 2-5 về việc nâng cao Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh lễ, một linh mục ở Washington, D.C. (Mỹ), góp ý như sau:

Hỏi: “Tôi muốn nêu lên vài ý kiến liên quan đến câu trả lời của cha về việc nâng cao Mình Máu Thánh trong thánh lễ.

“1. Tôi không thấy rằng việc nâng cao Mình Máu Thánh ‘ở ngang đầu của linh mục’ sẽ tạo dễ dàng cho việc linh mục nhìn ngắm Mình Máu Thánh cách tự nhiên hơn. Theo tôi, việc nâng lên ở ngang tầm đôi mắt là hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, kích thước nhà thờ cũng góp phần xác định việc nâng Mình Máu Thánh lên ở mức nào, để cho mọi người có thể nhin ngắm được.

“2. Có vẻ như rằng bởi vì việc nâng Mình Máu Thánh lần thứ hai được gọi chính thức là việc nâng, hoặc đưa cao (chứ không phải là trưng ra), cho nên chắc chắn lần nâng này là cao nhất trong ba lần nâng Mình Máu Thánh. Về mặt thần học, điều này là đúng, bởi vì đó là lúc dâng lễ vật hy sinh lên Chúa Cha, tức là dâng mọi lễ vật của các người hiện diện, hiệp nhất với hy lễ tối cao của Chúa Kitô, lên Chúa Cha để được chấp nhận. Tôi chưa bao giờ gặp khó khăn khi hát Vinh tụng ca, bởi vì tôi nâng Mình Máu Thánh cao trên đầu tôi.

“3. Sự hiểu biết của tôi về lý do chọn việc nâng, hoặc Đĩa thánh một mình hoặc cả Đĩa Thánh và Chén Thánh, khi đọc “Đây Chiên Thiên Chúa”, không phải là một vấn đề về “thẩm mỹ”, mà là phụ thuộc vào việc liệu linh mục sẽ cho Rước Lễ với Mình Thánh hay cả Mình và Máu Thánh, tức dưới một hình hay hai hình. Chính lời đọc mời gọi việc Rước lễ kia mà.”

Đáp: Về điểm 1 và 2, tôi chỉ nói thêm một chút. Bởi vì không có qui định chính xác, nên không rõ những gì tôi đã nói trong bài viết ngày 2-5 hoặc quan điểm trên đây của cha là nhất thiết đúng hay sai. Còn có một số mức độ linh hoạt và uyển chuyển, tùy vào thể hình của linh mục, vì điều xem ra là vô duyên cho người này có thể là thanh lịch cho người khác.

Khi đề cập đến việc nâng cao Chén thánh chỉ ngang trên đầu, tôi đã cố gắng chuyển tải ý tưởng rằng cộng đoàn có thể sẽ nhìn thấy Mình Máu Thánh rõ ràng, trong khi linh mục có thể nhìn rõ với độ cao ngang đầu của ngài, thay vì phải giựt cổ ra sau.

Tôi đồng ý với cha rằng thường không có khó khăn trong việc nâng Mình Máu Thánh cao hơn đầu trong lần nâng ở Vinh tụng ca; thực ra, đây là cách tôi thường làm. Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên là nói về trường hợp một linh mục nâng Mình Máu Thánh lên quá cao, vốn không phải là một cử chỉ phổ biến.

Về điểm thứ ba, tôi xin phép có ý kiến khác với cha. Không có gì trong chữ đỏ nói rằng khả năng nâng Mình thánh trên Chén thánh là liên quan đến việc rước lễ dưới hai hình.

Đúng hơn tôi nên nói rằng khả năng này được đưa vào trong Sách lễ như một cách tái lập cho hình thức thông thường một cử chỉ biểu tượng đẹp, vốn hiện diện trong hình thức ngoại thường, chính xác như lời kết luận của Vinh tụng ca, trong đó linh mục nâng cao cả Mình Thánh và Chén Thánh.

Cử chỉ của Mình Thánh được nâng trên Chén Thánh, thường được tìm thấy trong các bức tranh và hình ảnh đạo đức, đã hoàn toàn biến mất khỏi Thánh Lễ. Tôi tin rằng điều này, chứ không phải là một sự phân biệt giữa việc rước lễ dưới một hình hay hai hình, là đứng đằng sau khả năng được cung cấp trong Sách lễ sẽ được xuất bản lần thứ ba.

***

Kinh Nguyện Thánh Thể 4 sử dụng thế nào?

Một độc giả khác, ở Southampton, Vương quốc Anh, gợi ý rằng tôi đã mắc sai lầm trong bài ngày 2-5 (xem Vietcatholic) về các khả năng sử dụng Kinh Nguyện Thánh Thể 4:

Hỏi: “Cha nói rằng vì Kinh Nguyện Thánh Thể 4 có kinh Tiền tụng riêng – đúng là như vậy – nên nó chỉ có thể dùng trong mùa thường niên. Tôi nghĩ rằng điều này là không đúng. Kinh Nguyện Thánh Thể 4 không có thể được sử dụng vào một ngày có kinh Tiền tụng riêng của nó. Ví dụ, nó không thể được sử dụng trong lễ Đức Mẹ Lên Trời hay Đức Mẹ Vô nhiễm. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng vào những ngày chỉ có kinh Tiền tụng theo mùa (Mùa Vọng, Giáng Sinh, Mùa Chay trừ các chủ nhật có kinh Tiền tụng riêng, lễ Phục sinh). Trong trường hợp đó, kinh Tiền tụng của Kinh Nguyện Thánh Thể 4 thay thế kinh Tiền tụng theo mùa, bởi vì Kinh Nguyện Thánh Thể 4 chỉ có thể được sử dụng trong toàn bộ của nó. Tôi nhìn nhận sẽ là một quyết định mục vụ đặc biệt cao khi sử dụng Kinh Nguyện Thánh Thể 4 trong lễ Giáng Sinh hoặc Chủ nhật Phục sinh, nhưng về mặt lý thuyết không có gì sai trong đó, vì các lễ này không có kinh Tiền tụng riêng.”

Đáp: Độc giả có lý khi nói rằng một kinh Tiền tụng theo mùa có thể được thay thế bằng Kinh Nguyện Thánh Thể IV. Đó là lý do mà tôi nói rằng nó được sử dụng trong các Chủ nhật của mùa thường niên, vì có một số tác giả từ chối việc sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể 4 trong mọi ngày Chủ nhật.

Tuy nhiên, tôi sẽ đặt câu hỏi liệu sự sử dụng các kinh Tiền tụng theo mùa trong các Chủ nhật của các mùa phụng vụ chính là cùng loại với nhau không. Các Chủ nhật này có một vị trí cao hơn so với lễ trọng trong lịch phụng vụ, và các bài đọc của các Chủ nhật này không thể được thay thế băng các bài đọc khác. Ví dụ, nếu một lễ cưới hoặc lễ truyền chức linh mục diễn ra vào một Chủ nhật như thế, thì các bài đọc của ngày Chủ nhật được ưu tiên hơn so với bài đọc lễ cưới hay lễ truyền chức linh mục.

Nếu lễ cưới hoặc lễ truyền chức linh mục diễn ra vào một Chủ nhật mùa thường niên hoặc mùa Giáng sinh, thì phụng vụ Chủ nhật có thể được thay thế toàn bộ, trừ phi nó trùng hợp với Thánh lễ cầu cho giáo dân.

Do luật ưu tiên như vậy, tôi có thể nói rằng trong các ngày ấy, việc chỉ định sử dụng kinh Tiền tụng theo mùa trong chữ đỏ ràng buộc mạnh mẽ hơn, so với vào ngày Chủ nhật mùa thường niên.

Tương tự như vậy, chữ đỏ đôi khi cũng rất là đặc biệt. Ví dụ, vào Chúa Nhật Phục Sinh và trong tuần bát nhật Phục Sinh, chữ đỏ bảo đọc kinh Tiền tụng Phục Sinh I, chứ không đọc bất cứ kinh Tiền tụng Phục sinh nào. Vì vậy trong trường hợp này, kinh Tiền tụng Phục Sinh I là kinh Tiền tụng của ngày, chứ không phải kinh Tiền tụng theo mùa. Ngày lễ Giáng sinh cung cấp sự lựa chọn giữa ba kinh Tiền tụng Giáng sinh, nhưng một trong ba phải được chọn.

Các Chủ nhật mùa Phục sinh và các mùa mạnh khác qui định một kinh Tiền tụng theo mùa phải được chọn, trong khi đối với các Chủ nhật mùa thường niên, chữ đỏ không gợi ý chọn kinh Tiền tụng nào. Tôi tin rằng việc này cho thấy một sự phân biệt rõ ràng giữa hai giai đoạn liên quan sự chọn lựa kinh Tiền tụng, và như một hệ quả, khả năng sử dụng Kinh Nguyện Thánh Thể 4. (Zenit.org 15-5-2012)

Nguyễn Trọng Đa

Exit mobile version