Nói thế nào với con em mình về bê bối lạm dụng tình dục của Giáo Hội

Các chuyên viên tâm lý nói với hãng tin CNA rằng khi nói với con em mình về những vụ bê bối lạm dụng tình dục của Giáo Hội, các bậc phụ huynh nên lắng nghe những quan tâm của con em mình và phải cẩn thận chứ đừng vội vàng đưa ra những giả định.


Tiến sĩ Greory Popcak, sáng lập viên và là giám đốc điều hành của Pastoral Solutions Instutite, (tạm dịch là Viện Giải Pháp Mục Vụ) đã nói rằng khi bàn về những vấn đề lạm dụng, “bước đầu tiên là hãy nhạy cảm với lứa tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ,”

“Dĩ nhiên, một em ở lứa tuổi mẫu giáo không nên biết nhiều như một em ở tuổi dậy thì hay một em ở bậc trung học.”

Khi đưa ra vấn đề này, Popcak nói rằng các phụ huynh nên hỏi con em mình xem các em hiểu gì về những điều đã được nghe và các em nghĩ gì về những điều đã xảy ra.

Popcak giải thích rằng các phụ huynh cũng cần nắm bắt xem con em mình thực sự đã biết gì trước khi hỏi các em những câu hỏi về trường hợp này. Ông đề nghị các phụ huynh nên hỏi những câu hỏi để giúp định khung cuộc thảo luận, ví dụ như “khi con nghe thấy vậy, thì nó có nghĩa gì đối với con và con đã phản ứng như thế nào…”, cố gắng để phân định cuộc thảo luận về lạm dụng sẽ bắt đầu từ đâu.

Đối với các em nhỏ, đôi khi các em không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào cho đúng, ông Popcak đề nghị cha mẹ nên đặt ra những câu hỏi có nhiều câu trả lời để các em chọn như là “ sợ”, “buồn” hay “bối rối”. Đây là cách nói chuyện để xem con em mình hiểu vấn đề như thế nào, phản ứng ra sao để rồi các phụ huynh có thể từ đó bàn về vấn đề mà con em mình quan tâm.

Ông giải thích rằng các phụ huynh thường có khuynh hướng đặt “vấn đề quá nghiêm túc và đôi khi cố gắng để giải quyết thay cho con em” và đó là lý do tại sao trước tiên là cần phải xác định xem các em cần giúp gì nơi các phụ huynh.

Thay vì cố gắng giải thích hay giải quyết một vấn đề, ông Popcak nói rằng điều quan trọng nhất mà các phụ huynh cần làm là cho các em biết chắc rằng trong lúc các em sợ hãi hay bối rối thì cha mẹ luôn ở với các em, canh chừng và bảo vệ các em. Các em nhỏ hơn cũng cần nên được nhắc bảo rằng cha mẹ luôn là chỗ dựa và các em có thể nói với cha mẹ tất cả những gì làm các em buồn hay không cảm thấy an tâm.

Roy Petifils, một cố vấn có kinh nghiệm làm việc với các em nhỏ trong 25 năm qua cũng đồng quan điểm với Popak về những điểm này. Ông nói với hãng tin CNA rằng cha me nên cẩn thận cân nhắc về lứa tuổi của con em trước khi bắt đầu đưa ra cuộc thảo luận về khủng hoảng tình dục, thường thì các em quá nhỏ đơn giản là không cần và không muốn nghe thêm ngoài những gì cần thiết hay các em có thể cũng chẳng biết gì về chuyện này.

Petitfils nói với CNA rằng “Không phải cái gì có thể nói cũng cần nên nói. Đơn giản là vì nó đã xảy ra hay đang xảy ra không có nghĩa là các em cần biết hết về những việc đó.”

“Là những bậc phụ huynh, vai trò của chúng ta là cho phép con em của chúng ta tìm hiểu những thông tin phù hợp với lứa tuổi.”

Petitfils cũng nói rằng các phụ huynh không nên tham dự các lớp trị liệu cùng với con em của mình vì người lớn giải quyết những cảm giác và xúc cảm của mình khác với trẻ em. Người lớn “không nên biểu lộ cảm xúc của mình cho giới trẻ, bởi vì như thế chỉ gây thêm sự lo lắng và bối rối.”

Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu ý nghĩ và cảm xúc của con em mình. Họ có thể nói đại khái như “Cha mẹ hiểu và cảm thông được khi con giận dữ, lo sợ và bối rối về tất cả những chuyện này,” và giải thích rằng những cảm xúc ấy là tự nhiên.

Petitfils nói rằng những tổn thương về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội đã ảnh hưởng mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trong lúc các phụ huynh cảm thấy buồn bực khi đọc các vụ bê bối trên báo chí, thì điều quan trọng là hãy bình tĩnh, kiềm chế những cảm xúc của mình và nhất là khi nói với các con em. Nếu không, nó sẽ làm cho tình hình xấu hơn thêm.

“Nói với con em rằng bạn đang buồn bực với một giọng ôn tồn, bình tĩnh sẽ rất hữu ích. La hét, giậm chân và đập phá đồ đạc trong khi bạn tức giận sẽ chỉ làm cho con em của bạn sợ hãi và bối rối thêm hơn.”

Giuse Thẩm Nguyễn

Exit mobile version