Mùa gặt có được là kết quả của những ngày tháng ươm mầm, vun xới và chăm sóc…Niềm hy vọng có những sản phẩm sai trái, đượm cành, đã làm cho người nông dân ưu tư và chiến đấu. Vì thế, có thể nói: hy vọng đồng nghĩa với chiến đấu!
Lời Chúa hôm nay, lại đưa chúng ta trở về khung cảnh từ biệt của Chúa Giê-su với các môn đệ năm xưa, lúc đó Chúa Giê-su chưa đi chịu nạn chịu chết: Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em. Nhắc lại một khung cảnh hoài niệm như thế có ích gì không? Bởi hôm nay, Chúa Giêsu đang sống, chúng ta có thể gặp Chúa qua Lời và Thánh Thể của Chúa.
Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI, trong tập sách: “Đấng Chịu Đâm Thâu” đã trả lời ít nhiều cho chúng ta: lịch sử và toàn thể nhân loại xuất hiện trước chúng ta như một khối không chia cắt trước sau được. Mùa Phục Sinh vẫn không đọng lại trong tâm hồn ta bao lâu lòng mình còn chất chứa đầy những toan tính ích kỷ; với một tâm hồn như thế, dù là hôm nay, chúng ta vẫn sống như thể Chúa Giê-su chưa sống lại. Vì thế, khung cảnh Lời Chúa hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta: nỗi buồn của chúng ta bây giờ sẽ thành niềm vui, khi lòng chúng ta khao khát và gặp được Chúa Giê-su.
Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy trước viễn tượng của cuộc Khổ Nạn và Phục sinh của Ngài. Sẽ có một sự thay đổi lớn giữa “nỗi buồn” và “niềm vui.” Người phụ nữ đau đớn khi “mang nặng đẻ đau,” nhưng sau đó ngập tràn hạnh phúc vì một người con đã chào đời. Cũng vậy, các môn đệ sẽ thất vọng, buồn chán trước cái chết đau thương của Thầy mình, nhưng rốt cuộc lòng các ông sẽ “chan chứa niềm vui” khi được Đấng Phục Sinh hiện ra và trao chúc bình an.
Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh và ân sủng của Thánh Thần, các Tông Đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh bằng cả mạng sống mình.
Người đàn bà mang thai: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” Thời gian mang thai của người đàn bà có thể ví như thời quá khứ, thời gian sau khi sinh con có thể ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là lúc lâm bồn: tuy đau đớn tột cùng, nhưng người đàn bà chịu được vì hy vọng vào tương lai là người con sẽ được ra đời. Bà sẽ được nhìn thấy, yêu thương, và chăm sóc cho con mình.
Trong kinh nghiệm tâm linh và đức tin cũng thế, các Tông đồ đã trải phải qua nỗi buồn, lo lắng bồn chồn và đau khổ về cuộc ra đi của Chúa Giê-su là chuyện rất bình thường của tâm trạng con người. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã cho họ có cái nhìn siêu nhiên, hơn là dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên con người. Họ cần phải có sự chiến đấu nội tâm để có được niềm hy vọng vào Đức Ki-tô!
“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22).
Sự đau khổ này không phải là đau khổ của tuyệt vọng, không lối thoát, mà quan trọng và ý nghĩa hơn là niềm Hy vọng của Ki-tô giáo! Sự đau buồn này có lý do để mà “chịu đựng”, đó là thời gian ấp ủ để ươm mầm sự sống mới, cũng giống như hình ảnhcủa người sản phụ phải trải qua những mệt nhọc, vất vả và đau đớn sắp sinh con, nhưng bà ta sẽ tràn trề niềm vui và hy vọng vì một mầm sống mới yêu thương sắp được hiện diện trong cuộc đời của bà ta. Sự đau đớn của Chúa Giê-su như cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, đau khổ vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đau khổ vì sự sự bội bạc thay đổi của lòng người…
Những đau khổ tột cùng trước giờ lâm tử, không thể chỉ dừng lại của sự hấp hối của một cái chết đơn thuần: “chết là hết!”, nhưng Chúa Giê-su đã thực sự phục sinh-đã sống lại thật. Và như thế, chỉ có Chúa Giê-su mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng. Đây là cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng về sự đau khổ. Thật vậy, đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá đã sinh lại chúng ta trong đời sống mới. Có chấp nhận đau khổ và cùng chết với Chúa Kitô thì chúng ta mới mong được sống lại hạnh phúc với Người.
Niềm vui của các môn đệ khi được gặp lại Chúa: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” Thời gian còn được sống với Chúa trên cõi dương gian được ví như thời quá khứ, thời gian sẽ được gặp lại Chúa được ví như thời tương lai.
Giữa hai thời gian này là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Các môn đệ đau khổ khi nhìn Thầy Chí Thánh bị luận tội, đánh đòn, đóng đinh, và mai táng trong huyệt mộ; các ông lo lắng và sợ hãi cho số phận của mình; nhưng rồi những đau khổ này sẽ qua đi, và các ông vui mừng vì thấy Chúa chiến thắng tử thần và mọi sứ mạnh của thế gian, nhất là Ngài cũng sẽ làm cho các ông sống lại vẻ vang như vậy.
Trong mỗi người thực tế luôn luôn dấu ẩn một tia sáng hy vọng – dù rất nhỏ nhoi và nếu khơi gợi đúng điểm mạnh này, có thể đã làm chuyển đổi được nhiều điều…Chính trong lúc điên loạn, nhào lộn, hoạn nạn, chết chóc…tưởng chừng như sụp đổ, tan nát và vô vị, mà vẫn giữ được một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào đó vào một Đấng Hy Vọng, đó chính là một ân ban siêu nhiên và đó đích thực là niềm hy vọng của người Ki-tô giáo có đức tin.
Huệ Minh