Hẳn ta biết Chúa Giêsu đến trần gian để chu toàn sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao phó. Và rồi sứ mạng yêu thương của Chúa được Ngài thực hiện ngang qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Sau cuộc tử nạn đầy thương đau thảm khốc, Chúa Giêsu đã âm thầm chịu an táng trong mồ ba đêm ngày. Đây là một thời gian ngắn ngủi Ngài vắng mặt, không còn hiện diện bên các môn đệ. Rồi sau khi hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu lại trở về bên cung lòng yêu thương của Cha, nơi Ngài đã phát xuất.
Và, quả thật, sự ra đi này của Ngài đã để lại trong lòng các môn đệ một sự mất mát, một sự trống vắng và một nỗi buồn khó tả. Cảm thông được tâm trạng của các môn đệ, Chúa Giêsu đã loan báo Ngài sẽ trở lại với các ông, và khi ấy niềm vui sẽ lại tràn trào bất tận.
Với các môn đệ thân tín, thời gian ba năm được sống bên Thầy là niềm vui và hạnh phúc tuyệt vời. Làm sao không vui và hạnh phúc khi được Thầy yêu thương, dạy dỗ, hướng dẫn từng bước đường, đồng thời được chứng kiến những phép lạ Thầy làm với quyền năng Thiên Chúa. Mỗi nghĩa cử yêu thương và lời dạy của Thầy giúp các ông lớn dần lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa Cha và chương trình cứu độ của Cha. Thế nhưng rồi Thầy sẽ đi vào cuộc khổ nạn đau thương, bị nhục mạ, đánh đòn, vác thập giá rồi chết trên đỉnh đồi Canvê. Chúa Giêsu đã tiên báo tất cả cho các ông, để các ông đủ can đảm đón nhận sự thật cho dù rất xót xa và phũ phàng.
Nỗi đau buồn của các môn đệ cũng chỉ thoáng qua thôi, vì ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại và hiện ra với các ông, khi ấy niềm vui của các ông sẽ lại càng tràn trào bất tận. Tuy nhiên, sự hiện diện yêu thương của Đấng Phục Sinh bên các ông không còn hữu hình như trước kia nữa, vì Đức Giêsu Phục Sinh đã thuộc về Vương Quốc Nước Trời, thế giới của Thiên Chúa. Giờ đây các môn đệ chỉ có thể cảm nhận về Ngài bằng một đức tin vững mạnh, đức mến sắt son và đức cậy kiên trung. Chính niềm tin kiên cường vào Đấng Phục Sinh giúp các ông thắng vượt muôn ngàn thách đố của cuộc sống, để trung thành với sứ mạng Ngài trao phó trong niềm vui và tín thác tuyệt vời.
Chúa Giêsu nói rằng “ít lâu nữa”, có nghĩa nói rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, có lẽ “sắp sửa”.Vượt ra ngoài phạm vị của các sắc thái đa dạng, điều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là tính chất hạn hẹp của thời gian.Cũng giống như thời gian mà Chúa Giêsu làm Ngôi Lời Nhập Thể, với chính Chúa, cũng tương tự như thế, thời gian giữa lúc ra đi và trở về của Chúa, cũng sẽ ngắn ngủi.Sẽ không có sự thay đổi trong tình trạng nội bộ của các môn đệ vì mối quan hệ với Chúa Giêsu không thay đổi:Người vĩnh viễn gần gũi với các ông.Vì thế, viễn kiến của Chúa Giêsu sẽ không phải chịu bất kỳ một gián đoạn nào, mà sẽ được đặc trưng bởi sự hiệp thông sự sống với Ngài
Cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ, đúng hơn cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mọi khổ đau của con người. Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, mặc cho bao đau khổ mà con người vẫn phải trải qua “một ít nữa các con sẽ không xem thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ xem thấy Thầy” (Ga 16,16).
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, họ vẫn nhận thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài để tiến bước, cho dẫu khổ đau như thế nào đi chăng nữa, con người vẫn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy người anh em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Niềm tin có là điều cốt yếu trong cuộc sống của chúng ta hay không? Chúng ta phải thể hiện đức tin của mình thế nào giữa một thế giới tục hoá này? Và đâu là niềm vui đích thực của chúng ta?
Con người hôm nay đang bị nhận chìm giữa bao lớp sóng của thú vui, hưởng thụ, ích kỷ, đam mê, tranh chấp . . . Họ tưởng rằng những thứ ấy sẽ mang lại cho họ niềm vui và hạnh phúc. Nhưng thật thương tâm biết bao, khi mỗi ngày con người chỉ cảm thấy chán chường, bất an, lo âu, sợ hãi trước muôn vàn nguy cơ đang muốn vùi lấp họ trong những thứ giả tạo ấy.
Còn người môn đệ Đức Kitô Phục Sinh thì sao? Dẫu rằng cuộc sống vẫn luôn giăng đầy những khó khăn, thử thách với nhiều thách đố muôn mặt, người môn đệ vẫn an bình và vui tươi vì luôn có Chúa ở cùng.
Thật sự là các môn đệ sẽ bị thử thách, bị thách đố; các ông sẽ chịu rất nhiều đau khổ.Họ sẽ phải chịu đơn côi trong tình cảnh thù địch, bị bỏ rơi trong một thế gian vui mừng bởi vì cái chết của Chúa Giêsu; nhưng, Chúa trấn an các ông rằng nỗi buồn của họ sẽ trở thành niềm vui.Thời gian buồn khổ thì đối lại với thời gian mà trong đó mọi việc sẽ được thay đổi.Câu nói “nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”, nhấn mạnh như là một sự thay đổi quan điểm.Đối với người đọc, việc hiển nhiên là câu nói “ít lâu nữa”.“Ít lâu nữa” tương ứng với thời điểm ngay lập tức, lúc mà tình huống bị đảo ngược, nhưng đến thời điểm đó mọi thứ sẽ là trở nên buồn bã và thử thách.
Ngày hôm nay Chúa không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta như xưa bên các môn đệ. Nhưng Ngài hiện diện trong Thánh Thể, Lời Chúa, Giáo hội và mọi biến cố trong cuộc đời ta. Ngài vẫn luôn âm thầm đồng hành bên chúng ta trên hành trình Emmau của mỗi cuộc đời. Ngài nhẹ nhàng ủi an nâng đỡ và phấn khích chúng ta hãy can đảm vượt thắng những cám dỗ, lôi cuốn của trần thế để trung thành sống đức tin giữa dòng đời. Ngài mời gọi chúng ta hãy tiếp tục sứ mạng yêu thương của Ngài trong mọi môi trường sống của chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta hãy gieo niềm vui, tình yêu thương của Ngài đến với mọi tâm hồn chúng ta tiếp xúc trên hành trình cuộc sống. Chúng ta cần phải xác tín sâu xa rằng: đức tin chính là điều cốt yếu trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Con người thời đại đang rất cần niềm vui và hạnh phúc đích thực. Chúng ta có biết cách chia sẻ cho họ không?
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng: chúng ta phải sống đức tin cách anh hùng giữa một thế giới đang xa dần Thiên Chúa, và hãy thể hiện được niềm vui bất tận vì có Chúa luôn hiện diện bên chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là chứng nhân đức tin đích thực của Đức Kitô trong cuộc sống thường ngày. Một cuộc sống thanh thoát với của cải vật chất, không bận tâm tới danh vọng quyền chức, chỉ tha thiết sống yêu thương, biết gieo niềm vui đến cho mọi người, tận tâm phục vụ tha nhân và luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành bên chúng ta hôm nay và mãi mãi. Chỉ nơi Ngài và trong Ngài, con người mới có được niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Huệ Minh