Kính tặng Cha già yêu dấu
Những năm đầu đất nước mới thống nhất, Cha tôi làm trưởng xóm. “Chức” trưởng xóm không có lương, cũng chẳng có trợ cấp, không quan trọng- Cha vẫn làm một cách nhiệt tình. “Chức” trưởng xóm tuy không to nhưng ở vào giai đoạn “nhạy cảm”- thời bao cấp- vẫn có thể “hét ra lửa”, nhưng Cha chưa một lần “cậy quyền” để trục lợi, “hành” dân.
Một “quan” huyện ngỏ ý cho chị tôi làm nhân viên đứng bán cửa hàng nhà nước, Cha bảo: “Con gái tôi học ít, chỉ biết đọc biết viết, thôi để cháu ở nhà nội trợ, làm vườn”, “miếng ngon” ấy cha xin để nhường người khác.
Nhà ông T có người con muốn nhập Dòng, đi tu nhưng lý lịch dễ gặp trở ngại (đạo Công giáo, dòng họ có liên quan chế độ Sài Gòn), khó xin phép, cha đứng ra giúp. Biết ơn, ông T đem cặp chim câu mập nhất xuống biếu gia đình, biết chuyện Cha bắt vợ con đem lên trả lại…
Hơn 10 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Cha về hưu chỉ với một tấm giấy khen, song niềm vui của cha rất lớn, không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm, vẫn giữ được sự liêm chính. Bao lần đi “công tác” với chiếc xe đạp, giờ đây vẫn chiếc xe đạp ấy chạy về.
Niềm tự hào lớn nhất của Cha tôi lại ở vấn đề khác. Trong những bữa cơm gia đình ấm cúng vào dịp lễ, tết, có lần Cha nói: “Cha có thể tự hào rằng, có chín, mười đứa con đấy nhưng chưa bao giờ sai đứa nào xách chai đi mua rượu!”. Quả thế thật, chúng tôi chưa một lần thấy Cha say rượu. Những lúc tiệc tùng vui lắm, Cha dùng chừng ly rượu nhỏ, hay cao lắm một chai bia.
Có lẽ tôi được thừa thưởng “gien” không rượu của Cha. Thời đại học, tôi có quyết tâm: “không hút thuốc uống rượu, chí ít đến lúc ra trường”. Bây giờ đã ra trường 7-8 năm, tôi cũng không mặn mà gì đến bác đế và đốm lửa trên môi. Không biết trong mắt người con gái, một thằng con trai như thế có “khờ” quá không nhỉ? Riêng đám bạn trai vẫn khẳng định chắc chắn 100%: Con trai ít là phải biết hút thuốc, biết uống rượu!
Có lần đi ăn cưới thằng bạn thân trên thành phố, tiệc đãi lớn ở nhà hàng. Bàn tôi ngồi có 4 trai, 6 gái. Sau khi uống một lon bia, thấy tửu lượng đã đủ, tôi vui vẻ “xin phép đứng về phía các chị”, xin lon nước ngọt.
Mấy bạn trai đồng bàn “chê” tôi “con gái” quá!
– Thế à, con gái mà có đức tính tốt, cũng đáng làm thử con gái một lần xem sao!”, tôi trả lời dí dỏm…
Đáng nói, một người con gái “xinh nhất bàn” lại… tẩy chay tôi. Cô nàng vừa cầm lon bia ‘con cọp’ đưa tôi vừa khích: “anh đừng xí phần của tụi em, “bản lĩnh đàn ông” phải dùng bia chứ!”…
Chết chửa, tôi dễ dàng từ chối, nếu đó là con trai, nhưng đàng này… Tự ái mày râu không cho phép tôi chối từ. Tôi chỉ muốn uống “trổ tài” cho người đẹp biết mặt… Tôi lại nhớ đến Cha, điềm tĩnh lại… “Tiếc thật, tớ không biết bản lĩnh đó. Đối với tớ, bản lĩnh đàn ông và niềm tự hào là bảo vệ che chở cho phái đẹp, các bạn đồng ý không?”- tôi quay nhìn các bạn gái còn lại tìm đồng minh…
May quá có một người hưởng ứng, đề nghị nâng ly chúc mừng. Cả bàn đồng ý, một, hai, ba… rô một cách vui vẻ!
Thật bất ngờ, chính người con gái “khích” tôi bữa đó lại “nể” tôi nhất, khen tôi mới đúng là người có bản lĩnh, có lập trường.
Tôi nghiệm ra một điều: khen chê thay đổi khó lường, sống dựa vào lời khen tiếng chê, chỉ làm… “culi” suốt đời. Một khi đã xác định điều tốt, điều đúng đáng làm, cần phải đạp trên dư luận mà tiến bước.
Bây giờ Cha tôi đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” (79), vẫn minh mẫn, mạnh khỏe. Nhà có 9 anh chị em, đều đã ra ở riêng, cha đang ở với vợ chồng anh ba. Nhiều lúc về nhà thấy Cha cặm cụi làm bếp, trông mấy cháu nhỏ hay nghịch phá, tôi cảm thấy “tội” cho Cha, vì tuổi già chưa yên….
Cha không nói, chỉ mỉm cười, nhưng tôi đọc ra: Đấy là niềm vui Cha đấy. Tuổi già, còn sức giúp đựơc cho con cháu, còn gì vui hơn !
Tạ ơn Chúa !
Cảm ơn Cha Mẹ !
Lm.Đaminh Hương Quất