Những việc đạo đức một dự tu cần thực hiện

NHỮNG VIỆC ĐẠO ĐỨC CẦN THỰC HIỆN
TRONG BỐN NĂM DỰ TU


I. NĂM THỨ NHẤT

– Thực hành cầu nguyện theo các ý chỉ các ngày trong tuần (x. Phụ chú 1).

– Thực hiện 12 mục sinh hoạt hằng ngày:

1. Kinh sáng, kinh tối

2. Nguyện gẫm

3. Tham dự Thánh lễ

4. Rước lễ và cám ơn

5. Viếng Chúa

6. Lần chuỗi

7. Hy sinh

8. Đọc sách thiêng liêng

9. Học tập

10. Phục vụ gia đình

11. Phục vụ giáo xứ

12. Xét mình


II. NĂM THỨ HAI

– Tiếp tục các việc của năm 1.

– Luyện tập các nhân đức đối lập với tính xấu.

– Ghi nhật ký đạo đức.


III. NĂM THỨ BA

– Tiếp tục các việc của năm 1 và năm 2.

– Ghi tổng kết tĩnh tâm tháng (x. Phụ chú 2)


IV. NĂM THỨ TƯ

– Tiếp tục các việc của năm 1, 2 và 3.

– Viết bài suy niệm Lời Chúa (x. Phụ chú 3).

Phụ chú 1: Ý CẦU NGUYỆN CÁC NGÀY TRONG TUẦN


Chúa nhật:

– Tôn thờ Chúa Ba Ngôi.

– Mừng mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh.

– Cầu nguyện cho các giáo xứ nơi mình sinh ra, lớn lên và phục vụ.


Thứ hai:

– Tôn thờ Chúa Thánh Thần.

– Cầu nguyện cho các linh hồn.


Thứ ba:

– Kính nhớ Thiên thần bản mệnh và Thánh bổn mạng.

– Kính nhớ các Thánh Tử đạo Việt Nam.

– Cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè và các ân nhân (những người còn sống và những người đã qua đời).


Thứ tư:

– Kính nhớ Thánh Giuse.

– Cầu nguyện cho những người hấp hối được ơn chết lành, cho những người đau khổ phần xác cũng như tinh thần, đặc biệt cho những ai đang phục vụ họ được ơn hy sinh và nhẫn nại.


Thứ năm:

– Kính nhớ Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

– Cầu nguyện cho những người chưa tin Chúa được ơn đón nhận đức tin, cho các tín hữu được thêm lòng tin và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.


Thứ sáu:

– Suy tôn Thánh giá, kính nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

– Cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn ăn năn trở lại, những người khô khan nguội lạnh được ơn sốt sắng, những người sốt sắng được ơn nên thánh.


Thứ bảy:

– Kính nhớ Đức Maria.

– Cầu nguyện cho những ai đang sống đời tận hiến được ơn quảng đại hiến dâng và ơn bền đỗ.

– Cầu nguyện cho những ai đang sống bậc vợ chồng được ơn chu toàn bổn phận làm ông bà, cha mẹ, con cái và anh chị em với nhau.


Phụ chú 2:
TỔNG KẾT TĨNH TÂM THÁNG


Những việc cần làm trong việc tổng kết tĩnh tâm hằng tháng:


1. Trong những lần tĩnh tâm, xem lại tất cả các việc đạo đức đã thực hiện trong thời gian vừa qua, từ lần tĩnh tâm tháng trước đến lần tĩnh tâm tháng này. Đánh giá từng mục, từ các việc làm hằng ngày, đến việc thực tập nhân đức, viết nhật ký thiêng liêng, viết bài suy niệm. Đánh giá mục đó đã thực hiện như thế nào trong tháng qua: tốt/ trung bình/ kém/ rất kém?


2. Nêu lý do tại sao mục đó lại đạt kết quả tốt/ chưa tốt. Ví dụ: Kinh sáng, kinh tối: thực hiện mỗi ngày rất tốt vì đã có thói quen này từ lúc còn bé và vẫn duy trì đều đặn thói quen đó.


3. Nêu lên hướng cố gắng hoặc điều chỉnh các hạn chế hoặc duy trì các điểm tích cực cho thời gian sắp tới.


Phụ chú 3:
BÀI SUY NIỆM


Đây là một trong nhiều cách viết suy niệm. Nếu bài suy niệm được thực hiện trong chính Chúa nhật tĩnh tâm tháng thì sẽ có thêm mục “Kiểm tra thực thi quyết tâm”.


Chúa nhật X thường niên – C

LÒNG TRẮC ẨN CỦA THIÊN CHÚA (Lc 7,11-17)


I. KIỂM TRA THỰC THI QUYẾT TÂM


Tôi đã dành thời gian khá dài để sống quyết tâm “sống theo sự thật”. Có những ngày tôi không nhớ gì cả, nhưng những khi nhớ đến, tôi đều cố gắng sống tốt điều đó.


Trong thời gian một tháng qua, đối với tôi, sống theo sự thật không chỉ là có sao nói vậy mà còn là suy nghĩ và hành động dưới ánh sáng của Lời Chúa, là loại trừ những suy nghĩ chủ quan, những thành kiến tiêu cực; đồng thời trân trọng những gì là đúng, là tốt, cho dù điều đó có làm cho tôi phải day dứt không ít.


Sự thật mãi mãi vẫn là sự thật. Nó tồn tại khách quan, nó giải phóng con người khỏi cách sống hèn hạ, ích kỷ. Sự thật không lệ thuộc vào ý muốn của con người. Thế nên lời Chúa dạy: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) sẽ luôn là chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của tôi.


II. SUY NIỆM


1. Tín lý

– Thiên Chúa không làm ngơ trước những khổ đau của con người. Trước khi con người đến với Chúa để tìm sự ủi an thì chính Người đã đến với con người để ủi an và đỡ nâng họ (c. 13).

– Lời Chúa là lời quyền năng, lời đem lại sức sống và niềm vui cho con người (c. 14).

– Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu độ con người qua trung gian Con Một Người là Đức Giêsu Kitô (c. 16).


2. Luân lý


1.1. Đối với Thiên Chúa

– Tín thác nơi Đức Giêsu và trở nên môn đệ trung thành của Người.

– Vững tin vào quyền năng cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu.

– Xác tín rằng Lời Chúa có sức mạnh biến đổi cuộc đời, biến đổi lòng người, dù đó là những cõi lòng chai đá nhất.


1.2. Đối với tha nhân

– Cảm thông với những đau khổ tinh thần hay thể xác của người khác. Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ cách cụ thể bằng những phương tiện tinh thần hay vật chất.

– An ủi tang quyến và cầu nguyện cho người qua đời bằng Thánh lễ, bằng kinh nguyện và bằng những hy sinh.

– Loan truyền những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ con người, nhất là bằng chính cảm nghiệm cá nhân trong việc đón nhận những ơn lành của Chúa.


1.3. Đối với bản thân

– Năng suy niệm Lời Chúa để lời đó thấm nhập vào mọi suy nghĩ và hành động của bản thân.

– Hy sinh cách quảng đại, âm thầm và khiêm tốn với xác tín rằng khi ta làm điều gì đó cho một trong những người bé mọn nhất là ta làm cho chính Chúa.


3. Quyết tâm

– Dành khoảng thời gian cố định trong ngày để suy niệm Lời Chúa.

Lm. Giuse Đặng Chí Lĩnh

Exit mobile version