Những thái độ của con người khi phải đương đầu với sự thật

Bài đọc: Jer 26:11-16, 24; Mt 14:1-12

Đứng trước sự thật, con người có thể có hai thái độ chính: (1) Họ chấp nhận sự thật và tìm cách sửa đổi sai lầm họ gây ra để cuộc đời của họ sẽ tốt đẹp hơn. (2) Họ từ chối sự thật vì nhiều lý do: tự ái, kiêu ngạo, sợ mất lợi nhuận… Vì thế, họ sẽ phớt lờ, bóp méo, và tìm cách tiêu diệt sự thật.

Hai bài đọc hôm nay thuật lại hai thái độ chính khi con người phải đương đầu với sự thật.


Bài đọc I thuật lại phiên xử của Jeremiah và kết quả là ông đã trắng án. Các nhà lãnh đạo và dân chúng nhận ra ngôn sứ Jeremiah chỉ lặp lại những gì Thiên Chúa tuyên sấm. Vì thế, truy tố Jeremiah không làm cho những lời tuyên sấm của Thiên Chúa ra vô hiệu, mà còn làm cơn giận của Thiên Chúa mau đến, vì họ dám làm đổ máu người vô tội. Trong Phúc Âm, thánh Matthew thuật lại việc tiểu vương Herode đã bắt bỏ tù và chém đầu ông Gioan Tẩy Giả, vì ông đã ngăn cản việc tiểu vương muốn lấy bà Herodia, vợ của Philip, anh của tiểu vương, làm vợ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự Thật giải thoát

Có ba thành phần chính trong phiên xử của Jeremiah:


1.1/
Tuyên cáo là các tư tế và các tiên tri giả.


Họ cáo buộc Jeremiah: “Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe!” Hôm qua chúng ta đã nói, họ không đá động gì đến vế trước của lời tuyên sấm, mà chỉ chú trọng đến vế sau tức là hậu quả sẽ xảy ra nếu không chịu thi hành những đòi hỏi của vế đầu. Ngay cả khi chưng dẫn vế sau, họ cũng không chưng dẫn đúng; nhưng chỉ giữ lại những gì có lợi cho việc họ buộc tội Jeremiah. Họ cũng không thèm chú ý đến ai là tác giả của lời tuyên sấm, nhưng đã gán những lời này cho Jeremiah.

Các tư tế buộc tội Jeremiah vì ông nói đến sự sụp đổ của Đền Thờ; nếu Đền Thờ bị sụp đổ, họ sẽ thất nghiệp, vì đâu còn Đền Thờ nữa để họ phục vụ. Các tiên tri giả buộc tội Jeremiah vì ông nói ngược lại những gì họ nói. Họ không nói những lời Thiên Chúa truyền, mà chỉ nói những gì vua chúa và toàn dân thích nghe.


1.2/
Bị cáo là tiên tri Jeremiah. Ông kháng cáo hai điểm:


(1) Ông nhắc lại toàn bộ lời tuyên sấm và tác giả của nó. Ông nói với tất cả các thủ lãnh và toàn dân như sau: “Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này cũng như thành này mà các ngươi đã nghe. Vậy giờ đây, các ngươi hãy cải thiện đường lối và hành vi của các ngươi và hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi; bấy giờ Đức Chúa sẽ đình chỉ những tai hoạ Người đã quyết định để lên án các ngươi.” Ông muốn nói: Đức Chúa là Người tuyên sấm, ông chỉ là người lặp lại lời tuyên sấm. Khi Đức Chúa tuyên sấm, Người chắc chắn sẽ giữ lời.


(2) Họ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu người vô tội. Ông nói: “Còn tôi, tôi ở trong tay các ngươi, các ngươi cứ xử với tôi thế nào như các ngươi coi là tốt đẹp và chính đáng. Có điều xin các ngươi biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính các ngươi sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành. Vì quả thật là Đức Chúa đã sai tôi đến với các ngươi để công bố cho các ngươi nghe tất cả những điều trên đây.” Truy tố Jeremiah chẳng những không làm cho lời tuyên sấm ra vô hiệu, mà còn đổ thêm dầu vào cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; vì họ đã làm đổ máu người vô tội; và nhất là người đó lại là ngôn sứ của Thiên Chúa.


1.3/
Quan tòa là các thủ lãnh và toàn dân.

Sau khi đã nghe những lời tuyên cáo của các tư tế và các ngôn sứ giả, đồng thời cũng được nghe những lời kháng cáo của Jeremiah, các thủ lãnh và toàn dân phải dùng trí khôn ngoan suy xét để nhận ra đâu là sự thật. Sau cùng, họ nói với các tư tế và các ngôn sứ giả: “Con người này không đáng lãnh án tử, vì ông ta đã nói với chúng ta nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta.” Kết quả là Jeremiah được trắng án, tiên tri được ông Akhicam, con ông Saphan ra tay che chở cho khỏi rơi vào tay dân mà bị giết.


2/ Phúc Âm
: Vua Herode dùng uy quyền giết chết Gioan Tẩy Giả mà không thèm xử án.


Khi tiểu vương Herode nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Tiểu vương biết rành rẽ về Gioan Tẩy Giả vì chính ngài đã giết chết ông.


2.1/
Lý do tại sao Gioan Tẩy Giả bị tù: Khi vua Herode Cả băng hà, ông phân chia lãnh thổ cho ba con trai: Herode Antipas cai trị vùng tả ngạn của Galilee, Philip cai trị vùng bên kia sông Jordan, và Herode thứ cai trị vùng Jerusalem và Judah. Tiểu vương Herode Antipas muốn lấy bà Herodia, vợ ông Philíp, anh của nhà vua. Ông Gioan Tẩy Giả đã phản đối tiểu vương: “Ngài không được phép lấy bà ấy!” Luật pháp quốc gia ngăn cản không cho một người lấy vợ của anh em mình khi người anh em ấy còn sống. Luật Do-thái chỉ cho phép lấy vợ của anh em khi anh em mình đã chết mà không có con nối dòng. Herode Antipas đã phạm hai tội: (1) tội rẫy người vợ trước của mình là con vua Nabatean Arabs; và (2), tội loạn luân, lấy chị dâu của anh mình là Philip.


2.2/
Lý do tại sao ông không dám giết Gioan Tẩy Giả


Trình thuật Matthew nêu lý do “vì ông sợ người Do-thái.” Họ coi Gioan như tiên tri của Chúa và tiểu vương sợ dân chúng sẽ nổi loạn nếu ông bị giết. Tiểu vương Herode cho giam Gioan Tẩy Giả trong ngục để chờ thời cơ.

Sử gia Josephus cho lý do chính để Herode giết Gioan Tẩy Giả, vì ông sợ ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả trên dân chúng (Ant 18, 5, 2). Là tiểu vương của Galilee, ông không muốn có bất kỳ sự đối nghịch nào.


2.3/
Lý do tại sao sau cùng Gioan Tẩy Giả bị chém đầu: Nhân ngày sinh nhật của vua Herode, con gái bà Herodia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.


Tất cả những sự kiện này chứng minh Herode không phải là một vua công chính: Ông ly dị vợ, lấy vợ của anh, thề hứa vô lối, giữ lời thề cách không công bằng, và vi phạm đến sự sống của người công chính.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


– Chúng ta phải tôn trọng sự thật bằng cách lắng nghe cẩn thận khi người khác trình bày ý kiến của họ, và hãy biết xét xem điều đó có đúng hay không; chứ đừng bao giờ dùng uy quyền để bóp chết sự thật.

– Nếu xét thấy điều đó là đúng, chúng ta hãy có can đảm để sửa sai để cuộc đời chúng ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng phải sẵn sàng nói và làm chứng cho sự thật.


Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Exit mobile version