01. Không nên quan tâm đến trẻ một cách thái quá. Nếu không, rất dễ khiến trẻ nuôi một tâm lý “mình là quan trọng, là trung tâm”, cho rằng mọi người phải tôn trọng quyền lợi của chúng, nhất là con một. Kết quả chúng sẽ trở thành một con người ích kỷ, tự tư tự lợi.
02. Không để trẻ ỷ lại người lớn. Chúng ta hãy để con cái cùng sinh hoạt, vui chơi với những người bạn đồng lứa, để trẻ hiểu rõ cách chung sống với mọi người. Nếu lúc nào cũng để con trẻ sống gần với người lớn thì tâm lý ỷ lại và tự ti ở trẻ sẽ rất khó sửa đổi. Sau này khi bước vào xã hội, tâm lý đó sẽ gây một bất lợi lớn cho chúng.
03. Không nên thỏa mãn tất cả những gì mà trẻ đòi hỏi. Trẻ con ngay từ bé đã cần biết mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu không cố gắng chu toàn nghĩa vụ thì sẽ không được hưởng quyền lợi. Phải giúp trẻ hiểu hưởng thụ và lao động luôn có liên hệ với nhau.
04. Không nên “hối lộ” con trẻ. Cha mẹ đôi lúc muốn tránh sự quấy rầy nhất thời của con, thường hay cho tiền hoặc mua đồ chơi, sách, truyện…cho con. Điều này thật không nên bởi vì sẽ khuyến khích sự quấy nhiễu của con trẻ, tạo ra thói quen “hạch sách”, đòi hỏi chúng. Ví dụ : Cứ đến nhà thờ là được ăn…
05. Không nên nói dối với trẻ. Trẻ sau khi phát hiện ra mình bị dối gạt thì sự tín nhiệm của chúng đối với cha mẹ cũng mất dần. Những lời nói, hứa hẹn của cha mẹ sau này sẽ ít có hiệu lực đối với chúng.
06. Không nên hăm dọa trẻ. Những lời lẽ như: “Con mà không nghe lời bố mẹ thì con sẽ bị đánh đòn”, “Con không học bài thì mai mẹ sẽ bắt nghỉ học”…Nếu cứ hăm dọa mà không thực hiện thì trẻ sẽ “nhờn”, không vâng lời cha mẹ nữa.
07. Không nên phê bình hay chế nhạo, giễu cợt trẻ trước mặt người cao tuổi bè chúng. Điều này nhằm tránh cho trẻ tâm lý “nuôi hận” cha mẹ, hoặc “xấu hổ mất mặt” trước bạn bè.
08. Cha mẹ không nên bất đồng quan điểm về cách phạt con trước mặt chúng. Cha rầy, mẹ bênh ; cha khoá cửa trước, mẹ mở cửa sau … Nếu cha mẹ không thống nhất ý kiến với nhau về cách giáo dục, con trẻ sẽ nảy sinh tâm lý không phục tùng, không nghe lời ai cả ; khi thì theo cha, khi lại đi theo mẹ.
09. Không nên quá nghiêm khắc với trẻ. Cha mẹ nếu cứ thường xuyên quát nạt trẻ, nghiêm khắc, đòi hỏi quá cao, sẽ hình thành tâm lý sợ hãi quá mức hay tính cách “bằng mặt không bằng lòng” nơi trẻ : bề ngoài chúng hòa nhã, bên trong thì chống đối.
10. Không nên quá ca ngợi, đề cao con trẻ. Con trẻ làm đúng thì chỉ cần khen nhẹ nhàng là được. Quá mức ca ngợi chúng, nhất là trước mặt mọi người, dễ gây ra tâm lý “hám danh” ở trẻ.
11. Trước khi trẻ bắt tay vào làm bất cứ một việc gì, cha mẹ nên đứng ở góc độ “tham mưu”, hướng dẫn trẻ những việc đáng làm. Phân tích thật rõ ràng cho trẻ hiểu “lợi, hại” của việc sắp làm đó.
12. Không nên bắt ép trẻ con làm những việc quá sức, không thể đảm nhận được. Tính tự tin của trẻ phần lớn đều bắt nguồn từ những thành đạt. Bắt trẻ con làm những việc quá sức, có thể dễ thất bại và phá hủy tính tự tin nơi trẻ.
13. Nên xem xét và đánh giá đúng tài năng tự nhiên của trẻ, để hướng dẫn chúng những công việc, ngành nghề thực sự phù hợp với năng lực. Không nên dùng cái nhìn chủ quan của mình để quyết định, hay ép trẻ làm những việc không sát với thực lực của chúng.
14. Hãy để trẻ tự do hoạt động, miễn sao những hành động của chúng không vượt quá giới hạn cho phép. Không nên can thiệp quá sâu hay cấm trẻ vui chơi hoạt động bởi “hoạt động là mẹ của học tập”
15. Lúc khuyên răn dạy dỗ con trẻ, nên có một thái độ bình tĩnh; nhìn vấn đề cách khách quan, không nên vì chuyện con trẻ làm sai mà mất bình tĩnh, trút hết mọi cáu giận, phẫn nộ lên đầu trẻ.
16. Cần cương quyết ngăn cấm trẻ khi chúng đi quá đà, có những hành động vượt quá giới hạn, để tránh mọi hậu quả đáng tiếc sau này.
17. Giúp đỡ trẻ một cách thích hợp, phân tích phải trái, đánh giá những hành vi của trẻ, giúp chúng giải quyết khó khăn, nhưng cũng không nên thay chúng giải quyết tất cả. Trẻ càng lớn thì càng nên tự mình làm những việc trong tầm tay. Cần nhớ rằng hình thành nhân cách và tiến bộ về thể lực, phần lớn đều nhờ sự thực hành và luyện tập.
Lm. GB. Trương Thành Công