1. LÀ NGƯỜI TÍN HỮU
1.1. Trường hợp người Kitô hữu Công giáo
Người muốn lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân phải là người tín hữu Công giáo, nghĩa là đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hay những người đã được nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, Giáo luật loại trừ hai trường hợp sau đây không được lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân:
– Những người bị vạ tuyệt thông (Điều 1331 §1, 20) và bị vạ cấm chế (Điều 132).
– Những người cố chấp sống trong tội trọng công khai (Điều 1007). Trong trường hợp này, cần phải có đầy đủ 3 yếu tố:
+ tội trọng chứ không phải là tội nhẹ,
+ tội trọng công khai có người biết
+ có tính cách cố chấp.
1.2. Trường hợp Kitô hữu không Công giáo
1.2.1. Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và các Giáo Hội khác được đồng hóa: Theo Điều 844 §3, các thừa tác viên Công giáo ban cách hợp thức các bí tích Sám Hối, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân cho những thành viên của các Giáo Hội Đông Phương không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo và những thành viên của các Giáo Hội khác đang ở trong cùng một tình trạng như các Giáo Hội Đông Phương nói trên theo sự nhận định của Tông Toà, nếu họ tự ý xin điều đó và nếu họ đã được chuẩn bị đầy đủ.
1.2.2. Các Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, trong trường hợp nguy tử hoặc do một nhu cầu quan trọng khác thúc bách: Điều 844 §4 quy định: Trong trường hợp nguy tử hoặc nếu, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hay của Hội Đồng Giám Mục, có một nhu cầu quan trọng khác thúc bách, các thừa tác viên Công giáo có thể ban cách hợp thức các bí tích Sám Hối, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân cho cả những Kitô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, khi họ không thể đến được với một thừa tác viên của cộng đoàn mình và khi họ tự ý xin điều đó, miễn là họ biểu lộ đức tin Công giáo về các bí tích ấy, và miễn là họ đã được chuẩn bị đầy đủ. Đây là trường hợp áp dụng cho các Kitô hữu Anh Giáo hoặc Kitô hữu Tin Lành (với điều kiện là bí tích Rửa Tội được Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là hữu hiệu).
2. BIẾT SỬ DỤNG TRÍ KHÔN
– Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 12, cho phép ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân “cho trẻ em đến thời kỳ biết sử dụng trí khôn mà có thể được bí tích này yên ủi nâng đỡ”.
– Bí tích này có thể ban cho những bệnh nhân tuy dù đã bất tỉnh hoặc mất trí, miễn là khi họ còn tỉnh, với tư cách là những người có đức tin, có thể họ đã xin lãnh nhận (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 14; Điều 1006).
– Trong trường hợp hồ nghi bệnh nhân đã biết sử dụng trí khôn hay chưa, thì vẫn được ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho họ (Điều 1005).
3. BẮT ĐẦU Ở TRONG TÌNH TRẠNG HIỂM NGHÈO VÌ BỆNH TẬT HAY VÌ TUỔI GIÀ
– Ngay khi người bệnh hoặc người già bắt đầu bước vào giai đoạn nguy hiểm thì lúc đó là thời điểm thích hợp để cho họ lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, đừng trì hoãn để đến giai đoạn cuối cùng.
– Nguyên nhân của tình trạng hiểm nghèo phải là do bệnh tật hay tuổi già. Vì thế, một người ở trong tình trạng hiểm nghèo vì một nguyên nhân khác thì không được lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (ví dụ như một tử tội trước khi bị hành quyết, một binh sĩ trước khi ra trận); những người này chỉ cần lãnh nhận bí tích Sám Hối và Thánh Thể là đủ. Việc phán đoán thế nào là đau yếu trầm trọng thì chỉ cần một sự phán đoán chín chắn và khôn ngoan là đủ, nếu cần thiết thì bàn hỏi bác sĩ (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 8).
– Trước khi được giải phẫu, bệnh nhân có thể lãnh nhận bí tích này, nếu căn bệnh nguy hiểm là nguyên nhân gây ra việc giải phẫu ấy (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 10).
– Đối với người già cả khi sức lực đã yếu nhiều, dầu không có bệnh nguy ngập, họ cũng có thể lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 11).
– Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có thể được ban lại, nếu sau khi hồi phục, bệnh nhân lại ngã bệnh nặng, hoặc nếu nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn trong cùng một cơn bệnh kéo dài (Điều 1004 §2).
– Trong trường hợp hồ nghi bệnh có hiểm nghèo hay không, thì vẫn được phép ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho họ (Điều 1005).
– Theo Giáo luật hiện hành, trong trường hợp hồ nghi bệnh nhân đã chết hay chưa thì vẫn phải ban bí tích này, không cần đặt điều kiện (Điều 1005). Mặc dù Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 15 và số 135 có đề cập đến việc xức dầu với điều kiện (“Nếu con còn sống…”), trong trường hợp hồ nghi không biết bệnh nhân còn sống hay không, nhưng Sắc lệnh Promulgato Codice của Thánh Bộ về Bí Tích và Phượng Tự ngày 12-09-1983 đã hủy bỏ hình thức xức dầu với điều kiện của Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân.
– Nếu bệnh nhân đã chết rồi thì thừa tác viên không được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 15
Kết luận:
“Qua bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Giáo Hội phó thác những tín hữu bệnh tật hiểm nghèo cho Chúa chịu nạn và vinh quang để Người nâng đỡ và cứu chữa họ” (Điều 998). Cho nên, “bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không phải chỉ là bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thuận tiện để nhận bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu” (Vatican II, Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 73).
Vì thế, Giáo Hội khuyên nhủ: “Trong việc dạy giáo lý chung hay trong gia đình, các tín hữu phải được huấn luyện thế nào để chính họ biết tự động xin lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và khi thời gian thuận tiện vừa tới để lãnh bí tích ấy, thì họ lãnh nhận với lòng tin tưởng và sốt sắng đầy đủ, đừng theo thói quen xấu mà lần lữa không lãnh bí tích này. Còn tất cả những ai săn sóc bệnh nhân phải được học hỏi kỹ lưỡng về bản tính bí tích này”. (Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân, năm 1972, số 13).
Lm. Luy Huỳnh Phước Lâm