Những nét Inhã trong thừa tác vụ Phêrô của Đức Phanxicô

Nhân ngày lễ kính vị sáng lập ra Dòng Tên, Thánh Inhã đệ Loyola, Cha Thomas Rosica có một bài suy tư về “Các Phẩm Tính Inhã trong Thừa Tác Vụ Phêrô của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” với một nhận định khá khác lạ về vị giáo hoàng Dòng Tên này.

 Theo cha, một trong các chủ đề chính bàng bạc trong tư duy của Thánh Inhã là lời ngài khuyên “Sentire cum ecclesia” tức “hãy đồng cảm với Giáo Hội”. Nghĩa là vun sới sự hiệp thông với Giáo Hội qua việc sùng kính, âu yếm và mục tiêu chung trong mọi phương cách có kỷ luật, vì không phải khía cạnh nào của Giáo Hội cũng đều đáng yêu cả, y hệt như các cá nhân chúng ta không phải lúc nào cũng đáng yêu. Các cơ cấu của Giáo Hội không thể hiện hữu nếu không có trung gian nhân bản, với mọi hồng phúc và thiếu sót của những con người hiện diện trong Giáo Hội. Các tư duy này cực kỳ quan trọng, nhất là giữa các khủng hoảng đương thời đang diễn ra cho Giáo Hội, cả người Công Giáo lẫn các Kitô hữu nói chung trên thế giới.

Các đặc tính Inhã trong thừa tác vụ Phêrô của Đức Phanxicô

Thánh Inhã đệ Loyola sáng lập ra Dòng Tên sau khi bị thương ngoài mặt trận và trải nghiệm một cuộc hồi tâm tôn giáo. Ngài trước tác cuốn Linh Thao nhằm giúp người khác tuân theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Năm 1534, Thánh Inhã cùng 6 người trẻ khác, trong đó có Thánh Phanxicô Xavier và Phêrô Faber, tụ tập nhau và tuyên các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, trong đó, có việc đặc biệt vâng lời Đức Giáo Hoàng trong các vấn đề chỉ thị và phân bổ truyền giáo. Kế hoạch của Thánh Inhã vể tổ chức dòng tu được Đức Phaolô III chấp thuận năm 1540 bởi một sắc chỉ có chứa “Formula of the Institute” (Công thức viện tu).

Ngày nay, Dòng Tên có mặt trong giáo dục, các trường học, các cao đẳng, các đại học và chủng viện, nghiên cứu trí thức, theo đuổi văn hóa. Các linh mục Dòng Tên cũng tổ chức các cuộc tĩnh tâm, phục vụ tại các bệnh viện, giáo xứ, làm tuyên úy đại học và cổ vũ công bình xã hội và đối thoại đại kết. Một trong số các vị đang lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trong thời buổi có tính lịch sử hiện nay. Đức Phanxicô người Á Căn Đình là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, một dòng tu mà các nhà trí thức phần đời, đầy thông minh, cũng nổi tiếng như các nhà truyền giáo và tử đạo của họ. Chính cái căn tính và định tính dòng Tên có tính bản vị và chuyên nghiệp bao trùm này đã được Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio đem theo với ngài từ Buenos Aires tới Rôma và là những điều tiếp tục định hình cho mọi điều ngài làm trong tư cách Giáo Hoàng. Từ lòng say mê công bình xã hội và lòng nhiệt thành truyền giáo tới việc tập chú vào việc nối kết với thế giới rộng lớn bên ngoài và việc ngài thích hợp tác đối với các hành động tức khắc không cần suy nghĩ, Đức Phanxicô quả là một tu sĩ Dòng Tên chính hiệu.

Đức Phanxicô là loại tu sĩ Dòng Tên nào?

Jorge Mario Bergoglio hoàn toàn ủng hộ chủ trương triệt để của Dòng Tên trong việc tranh đấu cho người nghèo, dù ngài bị một số tu sĩ Dòng Tên coi là kẻ thù của thần học giải phóng, trong khi nhiều người khác trong Dòng hết lòng ủng hộ ngài. Ngài quay mặt đối với lòng sùng kính cổ truyền nhưng được nhiều người khác coi là vẫn quá chính thống. Các người phê bình gán cho ngài nhãn hiệu hợp tác với độc tài quân phiệt Á Căn Đình dù nhiều tiểu sử hiện nay cho thấy ngài thận trọng và bí mật cố gắng cứu nhiều mạng sống. Không việc nào trong số này đã kết liễu các mưu mẹo chống lại ngài trong Dòng Tên, và đầu thập niên 1990, ngài thực sự bị lưu đầy khỏi Buenos Aires tới một thị trấn ngoại vi, “một thời khủng hoảng nội tâm” như chính ngài mô tả. Là một tu sĩ Dòng Tên tốt lành, biết vâng lời, Cha Bergoglio tuân phục mệnh lệnh của Dòng và cố gắng tìm ra Ý Chúa trong mọi sự. Việc ngài gần như bị Dòng Tên bác bỏ đã khuyến khích Đức Hồng Y Antonio Quarracino, lúc ấy là Tổng Giám Mục Buenos Aires bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá năm 1992.

Sáu năm sau, Đức Cha Bergoglio kế nhiệm Đức Hồng Y Quarracino làm Tổng Giám Mục. Năm 2001, Đức Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Hồng Y, là một trong hai tu sĩ Dòng Tên duy nhất trong đoàn Hồng Y 120 thành viên lúc ấy. Vị kia là Đức Hồng Y Carlo Maria Martini của Milan.

Vị giáo hoàng giữa anh em Dòng Tên

Thứ Hai, ngày 24 tháng Mười năm 2016, Đức Phanxicô tới dự Phiên Họp Toàn Thể Dòng Tên với một thông điệp: cởi mở đối với những gì ở trước mặt, đi xa hơn nữa, hỗ trợ caminar, tức cách gặp gỡ người khác và cùng đi với họ trong cuộc hành trình của họ.

Ngài trích dẫn lời Thánh Inhã để nói rằng người tu sĩ Dòng Tên được kêu gọi hồi tâm và nhờ đó, mang sự sống tới chỗ được sinh ra “tại mọi phần thế giới nơi việc phục vụ Chúa và giúp đỡ các linh hồn nhiều hơn được mong chờ”. Chính vì thế, các tu sĩ Dòng Tên phải tiến lên phía trước, luôn biết lợi dụng các tình thế họ gặp, để phục vụ nhiều hơn và tốt hơn. Điều này ngụ ý cách thực hiện sự việc nhằm tạo hòa điệu trong các bối cảnh căng thẳng vốn là chuyện thông thường trong một thế giới với những con người và sứ vụ đa dạng. Đức Phanxicô minh nhiên nhắc đến các căng thẳng giữa chiêm niệm và hành động, giữa đức tin và công lý, giữa đặc sủng và định chế, giữa cộng đồng và truyền giáo.

Đức Phanxicô chi tiết hóa 3 lãnh vực trong đường lối của Dòng Tên, tuy nhiên, các lãnh vực này không chỉ dành cho gia đình dòng tu của ngài, mà còn dành cho Giáo Hội phổ quát nữa. Lãnh vực thứ nhất là “nài nỉ cầu xin cho được niềm an ủi”. Điều thích đáng đối với Dòng Tên là biết cách an ủi, biết cách đem lại sự an ủi và niềm vui chân thực; các tu sĩ Dòng Tên phải đặt mình vào thế phục vụ niềm vui, vì không thể công bố Tin Mừng trong buồn bã được. Rồi, bỏ bản văn đã soạn sẵn, ngài nhất mạnh rằng niềm vui “phải luôn được đi kèm bởi tính hài hước” và với nụ cười rộng nở trên gương mặt, ngài nhận định, “như tôi vẫn thường nghĩ, thái độ của con người gần gũi nhất với ơn sủng Thiên Chúa là tính hài hước”.

Sau đó, Đức Phanxicô mời Dòng Tên “tự để anh em được đánh động bởi Chúa ở trên thập giá”. Các tu sĩ Dòng Tên phải đến gần đại đa số con người nam nữ đang chịu đau khổ, và, trong bối cảnh này, phải cung cấp cho họ các dịch vụ khác nhau của lòng thương xót dưới các hình thức khác nhau. Đức Phanxicô làm nổi bật một số yếu tố mà có lần ngài đã có dịp trình bầy suốt Năm Thánh Của Lòng Thương Xót. Những ai đã được lòng thương xót đụng tới phải cảm nhận mình được sai đi để trình bầy cùng một lòng thương xót này một cách hữu hiệu.

Sau cùng, Đức Phanxicô mời gọi Dòng tiến bước dưới tác động của “tinh thần tốt lành”. Điều này bao hàm việc luôn biện phân, một điều vốn có nghĩa không phải chỉ là suy tư mà là hành động thế nào trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Các tu sĩ Dòng Tên không được có tính “giáo sĩ” mà phải có tính “giáo hội”. Họ là “những người vì người khác”, sống giữa mọi người, cố gắng đụng tới trái tim từng người, nhờ cách này, họ góp phần vào việc thiết lập ra một Giáo Hội trong đó ai cũng có chỗ, trong đó, Tin Mừng được hội nhập văn hóa, và trong đó, mỗi nền văn hóa đều được rao giảng tin mừng.

Ba chữ quan trọng sau đây trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng là những ân sủng mà mỗi tu sĩ Dòng Tên và toàn thể Hội Dòng phải luôn luôn xin cho có: an ủi, cảm thương và biện phân. Nhưng Đức Phanxicô không những chỉ nhắc nhở gia đình tu trì của ngài về ba ân sủng quan trọng này, vốn là cốt lõi của linh đạo dòng Tên, ngài cũng đã đề nghị chúng cho Giáo Hội phổ quát, nhất là qua các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình mới đây. Cùng với việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô chu toàn công việc hàng ngày của ngài, và từ từ thực hiện cuộc cải tổ mà ngài đã được các Hồng Y anh em ủy nhiệm cho, càng ngày người ta càng thấy rõ: mục tiêu của ngài là biến Giáo Hội thành Giáo Hội của Chúa Giêsu Kytô, biết chào đón mọi người, biết hấp dẫn và lôi cuốn vì nó biểu lộ sự quan tâm đối với tất cả mọi người.

Biện phân

Trong năm năm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nhấn mạnh phẩm chất tinh túy của Thánh Inhã đệ Loyola: sự biện phân. Biện phân là nỗ lực không ngừng để cởi mở đối với Lời Chúa, Lời vốn có thể soi sáng thực tại cụ thể của cuộc sống hàng ngày. Một ví dụ rõ ràng về sự biện phân này đã xuất hiện tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015 về Gia đình và trong Tông HuấnAmoris Laetitia(Niềm Vui Yêu Thương). Nguyên tắc có tính rất Inhã này minh họa sự tôn trọng lớn lao của Giáo Hội đối với lương tâm của tín hữu cũng như sự cần thiết phải đào tạo lương tâm:

“Từ lâu, chúng ta vốn nghĩ rằng chỉ cần nhấn mạnh đến các vấn đề tín lý, các vấn đề đạo đức sinh học và luân lý, không cần phải khuyến khích sự cởi mở đối với ơn thánh, chúng ta đã cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ cho các gia đình, tăng cường hôn nhân và mang lại ý nghĩa cho đời sống vợ chồng. Chúng ta thấy khó khăn trong việc trình bày hôn nhân nhiều hơn như là một con đường năng động để phát triển và hoàn thành bản thân hơn là một gánh nặng suốt đời. Chúng ta cũng thấy khó khăn trong việc có thể dành chỗ cho lương tâm của tín hữu, những người thường xuyên đáp ứng Tin Mừng một cách tốt nhất bao nhiêu có thể dù gặp đủ thứ giới hạn, và có khả năng thực hiện sự biện phân riêng của họ trong những tình huống phức tạp. Chúng ta vốn được kêu gọi đào tạo các lương tâm, chứ không thay thế chúng”(AL # 37).

Giáo hội không hiện hữu để thay thế lương tâm con người mà khiêm nhường đứng trước những người đàn ông và đàn bà tín trung đang biện phân, trước mặt Thiên Chúa, thực tại cuộc sống và hoàn cảnh của họ một cách đầy cầu nguyện và thường là đau đớn. Sự biện phân và đào tạo lương tâm không bao giờ được tách khỏi các đòi hỏi về sự thật của Tin Mừng và việc tìm kiếm bác ái và sự thật, và truyền thống của Giáo Hội.

Để phù hợp với sự đào tạo trong Dòng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người biện phân, và, có lúc, sự biện phân này kết cục đã giải thoát ngài khỏi sự giam hãm cứ phải làm điều gì đó theo một cung cách nào đó bởi vì nó đã từng như thế. Trong đoạn 33 của Tông HuấnEvangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) của ngài, Đức Phanxicô từng viết: “Trong một nguyên tắc truyền giáo, thừa tác mục vụ tìm cách từ bỏ thái độ tự mãn vốn cho rằng: ‘Chúng ta luôn làm theo cách này’. Tôi mời gọi mọi người hãy mạnh dạn và có óc sáng tạo trong nhiệm vụ xem xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong thái và phương pháp truyền giảng Tin Mừng trong cộng đồng tương ứng của họ. Một đề xuất về mục tiêu, mà không có việc cả cộng đồng cùng tìm kiếm một cách thỏa đáng các phương tiện thoả đáng để đạt được chúng, chắc chắn đều chứng tỏ là ảo tưởng”.

Các tu sĩ Dòng Tên đầu tiên là “một phong trào thánh thiện,” mời gọi mọi người sống một cuộc sống thánh thiện. Thánh Phanxicô thành Assisi đã cam kết bắt chước Chúa Kitô nghèo nàn theo nghĩa đen. Thánh Inhã được gợi hứng bởi đức nghèo khó này nên khởi thủy đã lên kế hoạch để các tu sĩ Dòng Tên bước theo cùng một đường lối này. Nhưng như nhà sử học dòng Tên người Mỹ nổi tiếng, Cha John O’Malley, đã chỉ ra, cũng như Thánh Inhã đã học cách để qua một bên các thực hành khổ hạnh thoạt đầu của ngài nhằm làm cho ngài dễ tiếp cận hơn như thế nào, thì sau này, ngài cũng đã thay đổi đức khó nghèo của Hội Dòng như thế để có thể truyền giảng tin mừng cho nhiều người hơn, nhất là qua các định chế giáo dục. Ngay đức khó nghèo của Tin Mừng cũng là một giá trị tương đối so với lợi ích của các linh hồn và sự tiến bộ của họ trong sự thánh thiện. Cùng một lập luận tông đồ đó đã được tìm thấy trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ với các linh mục khắp thế giới về các thừa tác vụ của họ.

Một Giáo hội bao gồm, biết lắng nghe

Tinh thần cởi mở là nền tảng cho con đường tiến hành của Dòng Tên. Các giáo xứ Dòng Tên nổi tiếng về tính bao gồm của họ và các cha giải tội Dòng Tên nổi tiếng về sự hiểu biết và lòng thương cảm của họ. Thánh Inhã nhấn mạnh đến việc bênh vực sự tốt lành của tất cả mọi người chúng ta gặp gỡ, và ngài truyền phải có một phong cách gặp gỡ khiến cho việc kết án những người mắc lầm lỗi cùng lắm mới nên sử dụng. Ngay đầu triều giáo hoàng của ngài, khi Đức Phanxicô đưa ra lời tuyên bố gây tranh cãi về việc ngay cả những người vô thần cũng có cơ hội lên thiên đàng, ngài đã chỉ bước theo giáo huấn của Vatican II, nhưng ngài cũng bước theo cách tiếp cận rất Inhã đối với lợi ích của các linh hồn.

Chăm sóc những người thiếu thốn nhất

Phong cách thi hành thừa tác vụ do Thánh Inhã đề xuất đã dự ứng phương thức mục vụ tích cực mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng để rao giảng Tin Mừng. Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý tới người tị nạn, người già cả bị bỏ rơi và người trẻ thất nghiệp cho thấy cùng một mối quan tâm như những tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đối với những người thấp kém nhất và thiếu thốn nhất trong xã hội. Tiêu chuẩn kép của Thánh Inhã trong việc lựa chọn các thừa tác vụ là phục vụ những người thiếu thốn nhất và thăng tiến điều thiện phổ quát hơn. Dịch vụ Tỵ nạn của Dòng Tên và các dự án sáng tạo của Dòng Tên trong giáo dục, như các trường Nativity và Cristo Rey, là những hiện thân đương thời của cùng một tinh thần chăm sóc hợp Tin Mừng đối với những người thiếu thốn nhất. Các hình thức tông đồ này là một phần của sự đổi mới hậu công đồng của Dòng Tên, nhưng chúng có nguồn gốc đào tạo sâu xa trong lịch sử và linh đạo Dòng Tên. Trong tâm trí Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngay cả các định chế ưu tú của dòng Tên cũng có thể kết hợp việc tông đồ trí thức với việc phục vụ người nghèo theo tinh thần Inhã.

Sự khiêm tốn và việc cải tổ hàng giáo sĩ

Đức khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây ấn tượng nơi nhiều người trên khắp thế giới. Phong cách của ngài thực sự đã trở thành thực chất. Nó là khía cạnh có tính tin mừng triệt để nhất trong cuộc cải cách tâm linh ngôi vị giáo hoàng, và ngài đã mời gọi mọi người Công Giáo, nhưng nhất là hàng giáo sĩ, hãy từ bỏ thành công, giàu có và quyền lực. Đức khiêm nhường là một nhân đức chủ chốt trong Linh Thao. Một trong những suy niệm chủ chốt của sách này tập trung vào Ba Mức độ Khiêm nhường. Dưới mắt Thánh Inhã, đức khiêm nhường là nhân đức mang chúng ta đến gần với Chúa Kitô nhất, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ra đang hướng dẫn Giáo Hội và đang giáo dục hàng giáo sĩ trong sự thật căn bản đó. Cải cách qua đổi mới thiêng liêng bắt đầu với sự từ bỏ giầu có, danh dự và quyền lực, và nó đạt đến đỉnh cao trong việc sẵn sàng chịu sự sỉ nhục với Chúa Kitô. Đức khiêm nhường là phần khó khăn nhất trong việc cải cách theo tinh thần Inhã của Đức Giáo Hoàng, nhưng nó là điều chủ yếu đối với sự thanh tẩy giáo hội khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị, vốn là nguồn gốc của rất nhiều cơn bệnh trong Giáo Hội đương thời.

Chúng ta có thể mô tả ra sao sự lãnh đạo của Đức Phanxicô và sự lãnh đạo này có tính Inhã như thế nào?

Thánh Inhã đã không dùng hạn từ “lãnh đạo” như chúng ta quen làm hôm nay. Linh đạo Dòng Tên hoặc linh đạo Inhã và các truyền thống Dòng Tên biểu lộ tài lãnh đạo trong cuộc sống và việc làm của một người. Ai mà phong cách lãnh đạo được gợi hứng bởi truyền thống Inhã đều đặc biệt nhấn mạnh tới các thói quen hoặc ưu tiên nào đó trong tư cách một nhà lãnh đạo, theo các cách phân biệt họ với cách lãnh đạo thường được giảng dạy và thực hành. Các thói quen hoặc ưu tiên này bao gồm sự quan trọng của việc đào tạo – không chỉ học cách thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật (như lập kế hoạch chiến lược) mà còn cam kết phát triển bản thân suốt đời; sự quan trọng của việc tự nhận thức sâu sắc (phải tiến đến chỗ tự biết mình, ví dụ, như diễn ra trong Linh Thao); trở thành một người ra quyết định đầy kỹ năng, như diễn ra nhờ phương pháp biện phân trong Linh Thao; tự dấn thân vào các mục đích lớn hơn bản thân, vào sứ mệnh có ý nghĩa tối hậu mà các tu sĩ Dòng Tên thường đề cập đến bằng kiểu nói “magis” (hơn nữa); tôn trọng người khác cách sâu xa, “tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự”. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa phong cách lãnh đạo thế gian và phong cách được Thánh Inhã đưa ra là: phong cách lãnh đạo dòng Tên luôn luôn hướng về Thiên Chúa, nguồn gốc tối hậu của ý nghĩa. Những nhân vật vĩ đại của dòng Tên như Phêrô Faber, Phanxicô Xavier, Matteo Ricci hay Alberto Hurtado đã có thể hoàn thành những kỳ công không đơn giản chỉ vì họ có một số kỹ năng lãnh đạo tốt mà bởi vì họ được gợi hứng bởi tình yêu Thiên Chúa.

Giáo hoàng dòng Tên có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội?

Jorge Mario Bergoglio đã hoàn toàn được dẫn dụ vào Linh Thao và thái độ chiến binh của Thánh Inhã. Bây giờ, trong cương vị Giáo Hoàng, được trang bị bằng các thao tập đó, Đức Phanxicô tìm cách đưa mọi người vào việc thâm hậu hóa mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Vị Giáo hoàng dòng Tên rất thông thạo về Linh Thao, do đó ngài có thể truyền bá kiến thức và thực hành của lối hồi tâm lạ lùng này – một lối không liên quan gì đến Kinh Thánh và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kytô. Và điều này đưa chúng ta đến sự kiện này: linh đạo Dòng Tên không những chỉ là huyền nhiệm, mà còn có tính đạo đức học nữa.

Toàn bộ khái niệm thiết lập các ủy ban, tham khảo rộng rãi, triệu tập những người thông minh xung quanh bạn là cách các bề trên dòng Tên thường thực hành. Sau đó, họ đưa ra quyết định. Loại biện phân này – lắng nghe mọi người và suy ngẫm mọi điều trước khi hành động – là một nhân đức trụ cột trong linh đạo Inhã, nó nằm ở cốt lõi con người Đức Phanxicô và sự dấn thân “hóan cải” ngôi vị giáo hoàng cũng như toàn thể Giáo Hội của ngài. Thật khó mà dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau đó. Đức Phanxicô rất khôn khéo, và ngài đã nhiều lần ca ngợi đặc điểm Dòng Tên là “tinh ranh thánh thiện” – và các Kitô hữu nên “khôn ngoan như những con rắn nhưng đơn sơ như những con bồ câu”, như Chúa Giêsu từng nói. Tuy nhiên, sự cởi mở của Đức Giáo Hoàng, cũng là một đặc điểm của việc đào tạo và phát triển ngài nhận được từ dòng Tên, có nghĩa là ngay cả ngài cũng không chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ dẫn tới đâu. Ngài từng nói: “Tôi không có mọi câu trả lời. Thậm chí, tôi không có mọi câu hỏi. Tôi luôn nghĩ đến những câu hỏi mới, và luôn có những câu hỏi mới xuất hiện”.

Đức Phanxicô phá bỏ nhiều truyền thống Công Giáo bất cứ lúc nào ngài muốn, bởi vì ngài “không bị ràng buộc bởi các gắn bó vô trật tự.” Giáo hội của chúng ta quả đã bước vào một giai đoạn mới: với sự xuất hiện của vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên này, nó được công khai cai trị bởi một cá nhân chứ không phải bởi thẩm quyền của Thánh Kinh mà thôi hoặc thậm chí các mệnh lệnh truyền thống của nó cộng với Thánh Kinh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mang đến cho chức vụ Phêrô một chủ nghĩa duy tri thức dòng Tên. Bằng cách chọn tên Phanxicô, ngài cũng khẳng định sức mạnh của đức khiêm nhường và lối sống đơn giản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên người Á Căn Đình, không chỉ đơn giản chứng thực cho tính bổ túc của đường lối Inhã và Phanxicô. Mỗi ngày, ngài mỗi chỉ cho ta cách làm thế nào để trí khôn và trái tim gặp nhau trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận. Và trên hết, mỗi ngày ngài mỗi nhắc nhở chúng ta cần Chúa Giêsu xiết bao, và cũng cần nhau xiết bao trong hành trình của chúng ta.

Vũ Văn An

Exit mobile version