Cứ mỗi dịp Giáng Sinh đến, lòng ngài như trĩu nặng bởi mùa rét đậm tràn về làm nỗi cơ cực của người dân xứ này càng thêm bi đát. Nhiều lần quỳ bên máng cỏ, ngài luôn hỏi Chúa nguyên nhân những khổ đau của những đọa đày trong kiếp con người. Tại sao những giáo dân nghèo tội nghiệp của ngài vẫn cứ phải vật lộn với cái kiếp mưu sinh. Có lẽ; ừ, có lẽ chưa năm nào tiếng thánh ca và niềm vui Giáng Sinh của họ đạo này được trọn vẹn cả. Mùa đông năm nay, (lại một mùa đông nữa trong cuộc hành trình bốn mươi năm linh mục của mình) cha Phúc vẫn hỏi Chúa những câu hỏi ngài vẫn hỏi hơn chục năm nay; rằng nhân loại liệu có mãi trầm luân trong đau khổ? Rằng những người nghèo tội nghiệp của Chúa có tìm thấy được sự ủi an? Tuy nhiên, đáp lời ngài dường như chỉ là tiếng gió rít qua các khung cửa sổ của ngôi nhà xứ xiêu vẹo, cũ kỹ.
Cha Phúc nhìn lên bức phông Noel ngài tận tay treo lên để chuẩn bị cho Thánh Lễ nửa đêm. Trên bức phông chỉ có vỏn vẹn một bức hình hang đá đơn sơ cùng với câu Kinh Thánh “Người ta sẽ gọi Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1,23) Ngài nghĩ bâng quơ,‘Thiên Chúa của mùa Giáng Sinh thật quá nghèo nàn.’ Thật, Thiên Chúa đó là một vì Thiên Chúa nghèo. Tại sao tạo vật của ngài quá đỗi giàu sang còn ngài thì sinh ra trong cảnh nghèo khó?Có lẽ không mấy ai có thể hiểu nổi nghịch lý của mầu nhiệm Giáng Sinh. Thiên Chúa Tình Yêu đã đến, đã trở nên một câu hỏi cho chính mỗi con người, rằng “ai là Đấng Cứu Tinh mà họ đang mong đợi: một vị vua lừng danh, một chiến binh hung dũng, hay là một lữ khách nghèo không chỗ dung thân.?” Như nghiệm ra được điều gì đó, vị linh mục già mỉm cười mãn nguyện. Tự nhủ lòng rằng Giáng Sinh năm nay Ngài sẽ lại đi thăm giáo dân, sẽ lại kể cho họ nghe những câu chuyện buồn mùa đông; tuy nhiên, những câu chuyện năm này sẽ đốt lòng họ bừng cháy lên niềm vui của Tin Mừng. Tin Mừng của đấng đến và ở với từng người trong họ đạo nghèo này. Đức Kitô Giáng Thế đó là câu trả lời duy nhất và thích đáng nhất cho mọi nỗi khốn khó của nhân loại đang sống kiếp lưu đày. Thiên Chúa đó là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng và đồng cam cộng khổ với con người.
1. Câu Chuyện Thứ Nhất: Đức Kitô Giáng Thế Là Câu Trả Lời Cho Mọi Vấn Nạn Của Nhân Loại.
“Chỉ trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, (thì) mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ” (ĐGH Phaolô VI, Gaudium et Spes, 22)
Hưởng vơ vội chiếc nón bảo hiểm quàng lên đầu rồi vặn ga hết cỡ, lao vội chiếc xe Wave già cỗi tới nơi chiếc xe Bus 24 vừa mới dừng. Đã 3 năm rồi từ ngày bố nó mất, nó đã quen với việc chộp giật khách như thế. Làm xe ôm ở một thành phố đông đúc như vầy phải thật nhanh tay lẹ mắt, ai cũng muốn tranh miếng ăn trong cái đói, tranh cái sống trong cái chết. Hai mươi ba tuổi đời, nó tự nhủ phải kiếm thật nhiều tiền. Không phải chỉ vì kế sinh nhai, nhưng nếu để dành được khá hơn một chút nó sẽ đủ tiền để vào lại đại học; mẹ nó sẽ được mổ cái bướu thiệt to ngay cổ, chắc là mọi người sẽ thôi gọi bà là bà Bảy Bứu; em gái nó sẽ được đi học may và có lẽ cũng sẽ kiếm được một tấm chồng tương xứng; …vv…; vì vậy, nó phải kiếm tiền, phải chộp giật, phải bươn chải. Tai nạn giao thông ba năm trước đã cướp đi của gia đình nó điều quý giá nhất là người bố và cả những gì liên quan tới ông. Mảnh ruộng hai sào bà nội chia cho cũng đã bán để chạy chữa cho bố. Cả chiếc xe Dream Nhật bố nó dùng để đi dạy học cũng đã theo ông xuống mồ.Chiếc xe cà giật cà tang này là kết quả của một tháng trời vay mượn từ hơn chục gia đình nghèo trong xóm. Nó đã nghĩ ngay đến cái nghề ‘bán mặt cho nắng trời bán lưng cho người ta vịn’ này như là chiếc phao cứu sinh khi mà gia đình nó đang lúc thoi thóp trong cảnh ngặt nghèo. Mẹ nó đi vay tiền trong sự thương hại của hàng xóm. Nó rời mái trường đại học với sự tiếc nuối của thầy cô và bạn bè cùng lớp. ‘Thôi kệ! Làm xe ôm cũng được, rồi từ từ tính.’ Nó tự an ủi mình.
‘Đi đâu vậy cô’ Hưởng hỏi trỏng, ‘về không cháu tính rẻ’
‘Đây tới nhà thờ Tân Định bao nhiêu vậy con?’
‘Cô cho con 50 đi, xăng mắc cô ạ.’
‘Con chở cô đi lẹ cho kịp giờ lễ nghen.’ Người khách nói.
Hưởng chợt im lặng. Sự im lặng vốn là bạn chí cốt với nó từ dạo bố mất. Hơn ba năm nay nó đã không còn tha thiết gì đến nhà thờ nữa. Nó giận Chúa, giận thật nhiều. Nó ghét mùa Giáng Sinh, ghét cái câu Kinh Thánh được trang hoàng lộng lẫy trên những cánh cổng ngập đèn hoa của các giáo đường, rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,14) Nó không muốn nhìn thấy hang đá máng cỏ được trang trí và các buổi hợp xướng thánh ca được tấu vang lên. Thiên Chúa được vinh danh, nhưng còn gia đình nó, không lẽ Chúa không thương gia đình nó sao?
‘Tới chỗ rồi, đậu ngoài này cô đi bộ vào cũng được.’ Người khách vừa nói vừa móc ví trả tiền.
‘Mấy giờ lễ vậy cô?’ Nó hỏi vọng lại, ‘Hay để con đợi ở đây tan lễ con chở cô về, bớt cho cô 10 ngàn.’
‘Nhà cô tận Thủ Đức lận con, cô lên đây đi lễ rồi có người quen chở về nhà chơi. Cám ơn con.’
Nó lạnh lùng phóng ga đi. Đêm nay Giáng Sinh mà lòng nó trống trải quá. Ai cũng có gia đình, có người thân quen để đoàn tụ, còn nó thì giờ này một mình rong ruổi hết các ngã đường thành phố. Nhớ những ngày còn bé, nó vẫn phụ bố làm hang đá và đèn sao để đón Noel. Nó còn viết thư cho Chúa Hài Đồng nữa. Nó đã từng kể cho Chúa Hài Đồng nghe về chuyện bố mẹ nó cãi nhau, về chuyện bạn nó bị ăn hiếp, về hàng loạt các chuyện bất công khác mà nó gặp. Noel năm nay, nó thôi không kể Chúa nghe về những sự bất công nữa. Nó trách Chúa, trách vì những bất công xảy ra ngay trên chính cuộc đời nó. Nó cay đắng hỏi Chúa tại sao lại tàn nhẫn đem bố nó ra khỏi cuộc đời này. Tại sao nó không được như bao người trẻ khác, mất hết cả tương lai. Nó thậm chí đã từng mơ có ngày được làm linh mục để rao giảng, để kể cho mọi người về câu chuyện Giáng Sinh tội nghiệp của Chúa, nhưng giờ đây nó thậm chí không thể chấp nhận tin vào câu chuyện đó nữa rồi. Chẳng còn ai đáng tội nghiệp hơn hoàn cảnh của nó bây giờ, nó nghĩ. Nếu Chúa thật sự giáng sinh trên cõi đời này để mang bình an, hẳn là bây giờ gia đình nó đang ấm cúng ngồi bên nhau trong ngôi giáo đường lộng lẫy để nghe thánh ca, để tham dự thánh lễ đêm. Nghĩ tới đó, nó bực dọc phóng xe về nhà. Con hẻm nhỏ nơi nó trọ nằm dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc với đủ thứ mùi khai khái xộc lên mỗi buổi tối, không kém chuồng bò là mấy. Chúa chỉ giáng sinh một lần trong chuồng bò; còn nó, nó phải sống trong cái chốn hôi hám bẩn thỉu này tới bao giờ nữa?!
`***
Ngôi Thánh Đường nhỏ đầu hẻm hôm nay đông nghẹt người. Hưởng không tài nào lách qua được đám đông đang tham dự thánh lễ ngồi tràn ra con hẻm. ‘Đành ngồi đại chỗ nào đó vậy’ nó tặc lưỡi. Gạt chân chống xe xuống, nó uể oải nằm dài lên chiếc xe. Tiếng hát của ca đoàn vẫn dặt dìu. Lòng nó như chùng lại. Mẹ và em gái nó chắc giờ này cũng đang ở nhà thờ. Mẹ nó có lẽ sẽ vẫn ngồi xa xa nơi cuối nhà thờ, không dám nói chuyện với ai. Chắc bà lại mặc chiếc áo dài đã sờn màu xanh chuối, sẽ bỏ quả bằng 12 tờ giấy một ngàn─ kết quả của 12 tháng để dành─ được vuốt phẳng lỳ. Mẹ nó là thế, dù cực khổ thế nào bà vẫn luôn trung thành theo chân Chúa. Hưởng biết Mẹ nó ngày đêm mong mỏi nó trở về với Chúa. Nó buồn, nó trách Chúa. Nó không muốn quay về, dù rằng ngay lúc này đây nó đang ở ngay trước mặt Chúa. Nó không thể hiểu được tại sao Chúa là nguồn Bình An, nguồn Tình Yêu mà cuộc đời nó lại đầy gian nan và thống khổ. Nó lại thở dài. Cái giọng khàn khàn của cha xứ già xen lẫn với tiếng xột xoạc của dàn âm thanh không hiểu vì lý do gì lại đập vào tai nó, rằng: ‘không có điều gì vô lý cho bằng việc Đấng Cứu Tinh của toàn nhân loại lại phải hạ sinh trong một chuồng bò.’ Hưởng cười khẩy ‘đúng là sáo rỗng.’ Nó đang vật lộn với cái khổ, cái nghèo trong chính cuộc đời này, có mấy ai hiểu cho nó? Nó không cần đến tận hang Bêlem để được sinh ra trong chuồng bò. Nó bị ném vào chuồng bò ngay trên chính quê hương của nó kia mà. ‘Việc hạ sinh nơi hang đá năm xưa chính là câu trả lời cho mọi vấn nạn của con người ngày nay’ giọng cha xứ đều đều tiếp tục, ‘những nỗi thống khổ chúng ta đang chịu, những bất công chúng ta đang gánh lấy là sự thông phần vào cảnh nghèo khó Thiên Chúa chúng ta đã chịu khi giáng sinh làm người.’ Bài giảng của cha xứ vẫn tiếp tục âm vang trong đầu nó. Nước mắt nó đã chảy tự bao giờ. Vậy ra hơn ba năm nay nó đang được tham dự trong sự thống khổ của Con Thiên Chúa sao? Nó ngồi bật dậy. Nó không thể nào tin vào điều đó. Chúa đã bỏ gia đình nó, bỏ mẹ con nó. Hưởng không muốn nghe nữa. Một làn khói đen ngòm phụt ra từ bô xe nó. Nó không biết nó đang chạy đi đâu, chỉ biết rằng qua các ngã đường nó đều nghe vang vọng cái giọng khàn khàn của vị linh mục già ‘Thiên Chúa đó là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng và đồng cam cộng khổ với con người.’
***
Họ đạo An Bình vẫn đang canh thức chờ Chúa đến, nhưng vẳng trong tiếng thánh ca của đêm cực thánh, có thêm tiếng ai đó nức nở khóc than con mình. Người ta nói rằng thằng Hưởng con bà Bảy Bứu mới qua đời vì tai nạn giao thông. Chính đêm này hơn hai ngàn năm xưa, Chúa đã cất tiếng khóc chào đời giữa tiếng hát của muôn ngàn thiên sứ. Đêm nay, hòa với tiếng bà Bảy khóc con, có cả tiếng ca đoàn dặt dìu hòa nhịp: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho loài người Chúa thương.’
2. Câu Chuyện Thứ Hai: Đức Kitô Giáng Thế Là Câu Hỏi Cho Toàn Thể Chúng Sinh.
“Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mc 8,29)
Caspar xốc lại tay nải nhẹ tênh chỉ đựng dăm bộ quần áo và ít ngân lượng. Điều quý giá nhất mà ông mang theo trong cuộc hành trình này có lẽ là một túi nhỏ đựng thứ nhũ hương quý báu nhất mà các đầy tớ của ông đã cất công tìm kiếm và tinh chế từ những cây tuyết tùng lâu đời của núi rừng Libăng. ‘Có lẽ cái mùi hương thánh thiện này sẽ càng tô điểm vinh quang và uy quyền của đấng mà ta đang tìm kiếm,’ Caspa luôn tự nhủ lòng như thế. Là một học giả ‘trên thông thiên văn, dưới rành địa lý,’ ông biết trách nhiệm của ông là phải luôn để lại điều gì đó cho cuộc đời này. Vì vậy, cách đây gần sáu tháng trời, khi ông nhìn thấy vì sao lạ xuất hiện bên phía trời Đông, ông biết đó là điềm tiên báo một vĩ nhân sẽ xuất hiện cho toàn thể chúng sinh, và ông đã quyết định lên đường. Caspa vững tin rằng đấng đó là nhân vật duy nhất có thể mang lại moksha[1] cho hết thảy mọi người. Vậy nên ông đi, đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Ông bỏ lại quê hương ông với một tương lai vững chắc cùng với tất cả những sự thành công mà bao nhiêu người hằng ước mơ. Ông đi theo tiếng gọi của con tim, của Đấng đang vẫy gọi ông bằng ánh sáng của vì sao lạ; và hình như rằng, đâu đó trong tận trái tim già cỗi của ông nữa, có một ánh sáng không tên đang thúc giục ông tiến bước. Hơn lúc nào hết, ông biết nhân loại và đặc biệt là dân tộc ông đang ngóng chờ quý nhân này, đấng là chủ của thời gian, sẽ đến trong vinh quang để giải phóng muôn người khỏi xích xiềng của nghèo đói, chết chóc, chiến tranh, và muôn ngàn những đau khổ khác trong cuộc sống. Ông vượt hết các con đường đầy nắng và gió của sa mạc. Ông trèo lên những vách núi đá chỏng chơ nằm phơi thân dưới nắng trời. Ông băng ngàn, ông vượt núi, chỉ với một kim chỉ nam duy nhất là ngôi sao lạ lấp lánh dẫn đường cộng với trái tim đầy nhiệt huyết của tình yêu.
***
Đến kinh thành Giêrusalem này khi chân đã chồn và gối đã mỏi, Caspar bắt đầu gắt gỏng với bản thân ông. Cái nhiệt huyết thuở ban đầu trong lòng ông có phần nào đó vơi đi. Hơn vạn dặm đường trường từ Ấn Độ xa xôi đến đây, ông không mong gì hơn là được ngắm nhìn vẻ vinh quang và uy quyền của Đấng Cứu Thế mà ông đang tìm kiếm trước khi ông lìa thế bước vào cõi Saṃsāra[2] bất tận. Vậy mà giờ đây, ông lại không còn một chút manh mối nào để hi vọng tìm ra Ngài. Chính ngôi sao dẫn đường cũng đã bỏ ông mà đi. Ông như một kẻ mất phương hướng nơi vùng đất lạ, không một người thân, không một chỗ quen biết. Người dân nơi này nhìn ông như một kẻ quái gở, còn bọn lính canh thì lăm le soi mói ông với những ánh mắt đầy hoài nghi. Ông thậm chí đã vào tận hoàng cung của Pharaoh để dò la tin tức; tuy nhiên, đáp lời ông chỉ là những cái lắc đầu vô cảm khiến lòng ông dâng lên một nỗi thất vọng ê chề. Những cung điện nơi đây tuy có tráng lệ thật, nhưng so với những đền đài bên trời Đông nước ông, chúng cũng quá đỗi bình thường. Chắc chắn Đấng Cứu Thế sẽ không thể nào hạ sinh trên nơi đất nước quá ư nhỏ bé này. Ông chợt rùng mình. Không lẽ nào ông đã sai? Không lẽ nào ông đã hồ đồ đến mức bỏ đi tất cả sự nghiệp chỉ vì một cảm giác không thực sự rõ ràng? Không thể nào được! Ông biết chắc chắn rằng ông đã thấy ánh sao, đã nghe tiếng gọi sâu thẳm trong lòng. Ông đã mặc kệ bạn bè ông can ngăn và môn sinh ông van nài để lắng nghe tiếng nói của trái tim. Nhưng trong lòng ông giờ đây, tất cả chỉ còn lại một mớ cảm xúc hỗn độn vô hình. Ánh sao đã tắt, lửa lòng ông cũng đã tắt. Ông chợt nghi ngờ, ‘liệu rằng Đấng Cứu Thế có thực sự xuất hiện?’ Liệu rằng Đấng ấy có mang lại cho nhân loại những điều mà ông hiện đang mong đợi? Nỗi sợ hãi và một chút hối hận đã xâm lấn trái tim ông. Caspa khóc. Những giọt nước mắt đắng cay lăn dài trên gò má đầy những nếp nhăn của ông. Ông ngồi bệt xuống đất, trong tâm trí ông lại hiện lên hình ảnh những đứa mình đầy ghẻ chóc nơi quê nhà, và cả hình ảnh những bà mẹ ẵm con đói khát nằm thoi thóp bên vệ đường. Tiếng thở dài của ông lại một lần nữa làm cho sương lạnh đêm nay thêm não nề. Tiếng sói tru từ xa vọng lại ngày một rõ hơn. Caspa vẫn ngồi, đôi mắt ông vẫn hướng xa xăm. Lòng ông nặng một nỗi cô đơn. ‘Không biết Đấng đó là ai?Đấng đó sẽ làm gì cho cuộc đời ta? Đấng Thiên Sai đó có lẽ quá xa vời, làm sao một kẻ tầm thường như ta đây có thể với tới?’ Hàng loạt câu hỏi lần lượt lóe lên trong đầu Caspa, nước mắt lưng tròng ông mệt mỏi thiếp đi. Đêm nay ông sẽ ngủ nơi góc đường hiu quạnh. Ông sẽ mơ giấc mơ về một mái gia đình ấm áp. Tim ông thổn thức vì cái lạnh: cái lạnh của tiết trời và hơn thế nữa là cái lạnh của lòng người hơn cả trời đông giá buốt. Đêm nay Caspa làm một kẻ không gia đình.
***
Có điều gì đó làm Caspa giật mình tỉnh giấc. Ông dụi mắt, dường như ông không tin vào mắt mình nữa. Ánh sao lạ lại xuất hiện, chính là nó. Lần này ánh sao thật sáng soi thẳng vào tim ông. Ông nghe tiếng con nít khóc chào đời. Đúng thật là quý nhân đó đã xuất hiện. Ông lại trỗi dậy và đi. Ông chạy, ông vấp ngã, hai đầu gối ông tóe máu, nhưng mắt ông không rời khỏi ánh sao. Ánh sao dừng lại nơi vùng núi đá khô cằn Bêlem. Không có cung điện vàng như lòng ông vẫn nghĩ, không có những tôi trai tớ gái, không có cả những bà mụ lành nghề. Giữa bốn bề vách đá cheo leo chỉ có một căn chòi rách nát. Ông đánh bạo bước vào, trước mặt ông là một hài nhi mới sinh được đặt nằm trong máng cỏ. Người mẹ nghèo lấy tã bọc con và bên cạnh là những con chiên con thở hơi thật ấm áp. Đứa trẻ mới sinh đúng thật mang tướng mạo của một vì Thiên Tử. Ngài chính là đấng mà ông đang tìm kiếm. Nhưng Caspa vẫn còn bỡ ngỡ xen lẫn một chút hoài nghi. Tại sao Đấng Chí Tôn lại hạ sinh tại một nơi quá đỗi tầm thường thế này? Đâu là hoàng thân, đâu là cung điện? Uy quyền và vinh quang khả kính dành sẵn cho Ngài đâu? Tại sao ngài lại được sinh ra như một kẻ cùng đinh trong xã hội? Một đứa trẻ sinh ra trong cảnh thấp hèn như vậy liệu rằng có thể giải phóng toàn cõi nhân sinh? Đang miên man trong dòng suy nghĩ, Caspa chợt như bừng tỉnh bởi tiếng hát ru à ơi của người mẹ hòa ca cùng tiếng vạn vật chung quanh. Dường như có cả tiếng các thiên thần hợp đoàn ca khen Thiên Chúa. Đêm nay quả thật nhiệm mầu! Phải! Lầu vàng điện ngọc chỉ là kết quả do tay người thế tạo thành, chúng làm sao so sánh với cả vũ trụ hùng vĩ được tạo nên bởi Đấng Chí Tôn. Caspa muốn nhập đoàn cùng các tạo vật khác đang reo hò mừng hát. Ông quỳ sụp xuống. Ông sấp mình thật sâu và nín lặng. Đêm nay, khi Thiên Chúa đến thăm nhà Người, cả vũ trụ đồng thanh ca hát, muôn vật trên địa cầu vang tiếng hòa ca để đón Người. Duy chỉ có loài người, tạo vật được Chúa yêu thương nhất, thì bỏ rơi Người lạnh lẽo cô đơn. Caspa thấy xấu hổ cho toàn thể nhân loại. Người ta không biết trân trọng ơn phúc lớn lao này. Người ta đẩy Con Thiên Chúa ra bên rìa xã hội loài người chỉ vì họ không muốn ai làm ảnh hưởng đến cuộc đời họ. Ông thấy tủi thẹn thay cho vị Cứu Tinh nhỏ bé này? Ngài đã chấp nhận liên lụy với cảnh khổ của thế gian, đã bước đi cùng những lữ khách nghèo bị bỏ rơi. Ngài đến, và chấp nhận làm một kẻ nghèo. Ôi, nhân loại ơi! Caspa lại khóc. Giọt nước mắt xót thương cho toàn cõi nhân sinh mù quáng không nhận ra Thiên Chúa đang ở cùng họ. Nhưng đó cũng là giọt nước mắt hạnh phúc ngọt ngào nhất cuộc đời ông. Ngay lúc này đây, Caspa đang được diễm phúc tuyệt vời là thay cho toàn thể nhân loại tôn thờ Đấng Cứu Tinh. Chưa bao giờ ông thấy mùi cỏ non lại ngào ngạt hương đến vậy, nó còn hơn cả cái mùi thơm từ các loại nhũ hương hảo hạng bậc nhất của xứ ông. Ông muốn ca vang lên câu hát đang được tấu lên bởi muôn vật:“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
***
Người ta truyền tai nhau về một thánh nhân mới xuất hiện trên những con phố nghèo nàn xứ Ấn. Ông đã ngoài thất tuần. Nghe đâu rằng ông đã bán hết của cải mình để nhập đoàn những người khốn khổ và cùng sống chết với họ. Thánh nhân này có một nụ cười phúc hậu khiến ai gặp ông cũng vui lên một niềm vui rất lạ. Ông sống trên các ngã đường, chăm sóc những người bệnh tật, nâng đỡ những người ốm đau. Người qua đường ngồi lại nghe ông kể về một vì Thiên Chúa ông đã gặp ở tận phương trời Bêlem xa xôi nào đó, rằng: “Thiên Chúa đó là một vì Thiên Chúa đến và sống giữa những khổ đau của kiếp con người. Là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng và đồng cam cộng khổ với nhân loại.”
Có kẻ tin ông và bước theo ông hòng gặp được vì Thiên Chúa đó. Có kẻ chỉ gật gù. Có người cười nhạt bỏ đi.
Thân Vô Kỷ
[1] Moksha trong tiếng Phạn có nhiều cách lý giải. Tuy nhiên, một cách chung nhất, từ này có nghĩa là “Sự Giải Thoát”
c.f. S. Panneerselvam, “The Philosophy of Liberation: Hindu Perspective,” Integral Liberation 9, no. 3 (September 2005): 182-87.
[2] Saṃsāra trong Ấn Độ Giáo là chu kỳ lặp đi lặp lại vĩnh viễn của sinh và tử. c.f. “Reincarnation and Samsara,” the Heart of Hinduism, accessed December 14, 2014, http://hinduism.iskcon.org/concepts/102.htm.