Những điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa

Bài đọc: 2 Tim 2:8-15; Mk 12:28b-34.

Khi con người làm điều sai, thay vì chấp nhận tính yếu đuối của xác thịt để tìm cách sửa sai; con người lại đi tìm những lý do để biện minh cho sự sai trái của mình; một trong những cách đó là cãi chữ. Một ví dụ dẫn chứng: Trong ngày thành hôn, hai người có đầy đủ tự do đã cầm tay nhau thề hứa trước bàn thờ Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nguy, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để trung thành với nhau suốt đời. Họ biết là họ không thể vịn vào bất kỳ lý do nào để ly dị. Nhưng sau vài năm, một trong hai tự động ra tòa xin hủy bỏ lời thề vì những lý do như: “Chịu đựng hết nổi rồi!” hay “Không ai có thể trung thành với một người suốt đời!” hay “Lỗi không phải tại tôi!” hay “Nếu cả hai đều không thấy hạnh phúc bên nhau thà đường ai nấy đi tốt hơn.”

Các bài đọc hôm nay nêu bật việc thực hành lời Chúa như điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phaolô nhắc nhở cho Timothy, người môn đệ yêu quí, phải trung thành rao giảng Lời Chúa cho dù có bị xiềng xích lao tù, để mưu cầu phần rỗi cho chính mình và cho tha nhân; chứ đừng cãi chữ để biện minh cho sự bất trung của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhận ra một người trong các kinh sư thành tâm tìm sự thật đến hỏi Chúa: “Điều nào quan trọng nhất trong các giới răn?” Ngài bảo ông ấy: Điều răn thứ nhất, Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai, Phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.

1.1/ Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.

(1) Chịu đựng đau khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác: Một trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là hãy bắt chước Phaolô như Phaolô bắt chước Đức Kitô. Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô sẵn sàng chịu đau khổ như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng xích tại Roma để khuyên nhủ Timothy phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để rao giảng Tin Mừng.

Điều quan trọng chúng ta nhận ra ngay nơi Đức Kitô và Phaolô: cả hai đều đặt phần rỗi linh hồn phải làm ưu tiên hàng đầu của cuộc sống đời này. Noi gương Đức Kitô, Phaolô sẵn sàng rao giảng Lời Chúa để cứu độ mọi người cho dù phải đau khổ trong chốn lao tù. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng xiềng xích Lời của Thiên Chúa. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai có thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.

(2) Chịu đựng đau khổ để chứng minh lòng trung thành với Thiên Chúa: Chỉ trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người trốn chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời tuyên xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”

1.2/ Chú trọng đến nội dung của những giáo huấn, đừng cãi chữ!

(1) Đừng cãi chữ: Phaolô khuyên Timothy: “Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” Điều quan trọng Phaolô khuyên là hãy chú trọng đến sự thật đàng sau chữ. Sự thật đây là phải kiên trì chịu gian khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác và chứng minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa. Người hay cãi chữ có thể lý luận họ cũng yêu mến Thiên Chúa và không bao giờ làm hại tha nhân; nhưng Ngài sẽ phán với họ: Không phải chỉ có ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà được vào Thiên Đàng; nhưng chỉ có những ai nghe và thực hành Lời Chúa.

(2) Hãy thành thật rao giảng lời chân lý: Phaolô khuyên Timothy: “Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý.” Người đã được thử luyện là người đã trải qua gian khổ mà không vấp ngã; người thợ làm việc cho mục đích mở mang Nước Chúa không có gì phải xấu hổ; và người thẳng thắn dạy lời chân lý sẽ không sợ hãi bất cứ lời tố tụng nào, vì biết Lời sự thật sẽ giải thoát họ.

2/ Phúc Âm: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.

2.1/ Những cách hỏi khác nhau: Trình thuật mấy ngày qua dẫn chứng cho chúng ta thấy những hạng người đến hỏi Chúa Giêsu với những mục đích khác nhau.

(1) Hỏi để “chụp mũ”: Những người Pharisees và Herodians hỏi Chúa “Có nên nộp thuế cho Caesar không?” để tìm cớ bắt Chúa hoặc vì lý do chống lại “đế quốc” hoặc chống lại “nguyện vọng của dân.” Điều này vẫn đang xảy ra cho những nhà lãnh đạo tôn giáo!

(2) Hỏi để “biện minh” cho cách sống chỉ biết đời này: “Người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong 7 anh em đó?” Những người Sadducees không muốn tin đời sau để có lý do hưởng thụ tối đa đời này, cho dù đã có những chứng từ của Kinh Thánh. Ngày nay vẫn còn biết bao người như thế, không muốn tin Thiên Chúa để khỏi phải giữ những gì Ngài dạy, để an lòng ở trong tối tăm!

(3) Hỏi để tỏ ra mình là người “hiểu biết”: Có những người hỏi để xem đối phương có biết những gì mình biết không. Mục đích là để khinh thường hay làm cho đối phương phải bẽ mặt.

2.2/ Hỏi để biết sự thật: Những hạng người trên có thể qua mặt con người; nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa vì Ngài dò thấu tâm can. Ngài biết những ai thật lòng muốn đi tìm sự thật. Đối với những người như thế, Chúa Giêsu vạch trần sự dối trá của họ. Còn đối với những ai thành tâm đi tìm sự thật như ông kinh-sư hôm nay đến hỏi Chúa đâu là điều răn đứng đầu trong số các điều răn? Đức Giêsu trả lời ông mà chúng ta có thể tóm tắt là: “mến Chúa và yêu người.”

Người kinh sư đồng ý với Chúa Giêsu. Ông nhận ra nguyên lý đứng đàng sau các điều răn là tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và dành cho tha nhân biểu lộ cụ thể qua các hành động con người tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy và giúp đỡ tha nhân. Ai hiểu và làm như thế, họ sẽ không còn xa Nước Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nếu chúng ta hãy thành tâm đi kiếm sự thật, chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho tìm thấy sự thật. Một khi tìm thấy sự thật, hãy có can đảm sống và làm chứng cho sự thật.

– Đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử sự trung thành của các tín hữu; chỉ những ai kiên trì trong đau khổ mới chứng minh họ là bạn nghĩa thiết của Ngài.

– Chúng ta hãy tìm cho được nguyên lý đàng sau Lời Chúa dạy. Đừng quá chú trọng đến ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ dùng để diễn tả sự thật, chứ ngôn ngữ không phải là sự thật.

Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Exit mobile version