Trong đời sống thực tiễn, con người thường phải đương đầu với hai thế lực: bản năng hạ đẳng và lý tưởng cuộc sống. Do tự ái, vì sĩ diện, con người luôn phải tìm mọi cách để bảo vệ lập trường của mình. Điều này đã được con người thực hiện qua một tiến trình được Freud và trường phái này gọi là cơ chế tự vệ. Chắc hẳn cơ chế này chỉ mang tính tạm thời vì nó che đậy thực trạng của bản thân. Có thể nói, đây là cách tránh né đối đầu với thực tế cuộc sống. Như thế, nó cũng vương hại đến nhân cách của con người cách nào đó.
Những tên gọi của các cơ chế tự vệ này được trường phái của Freud sử dụng và giải thích (10). Ở đây, chúng ta chỉ dựa vào đó để đối chiếu với đời sống tận hiến.
1/ Cơ chế tự vệ chối bỏ thực tế
Nghĩa là cơ chế tự vệ chặn những sự kiện có hại từ bên ngoài, không cho chúng đi vào khu vực cảnh giác của tâm thức. Khi tiếp cận những trường hợp tình huống căng thẳng vượt quá khả năng xử lý của cá nhân, người đó sẽ từ chối không nhập cuộc với tình huống ấy. Điều này xảy ra thường xuyên trong đời sống cộng đoàn dòng tu khi một tu sĩ mắc lỗi, họ nói tránh hoặc thoái thác cho người khác. Khi bề trên sửa dạy, họ cảm thấy khó chịu như phải nghe lỗi của người khác, mặc dù chính mình phạm lỗi. Dần dà họ chối từ công tác để tránh khỏi phải chịu trách nhiệm. Đối với họ, đời tu là một sự áp đặt từ trên cao. Từ đó, họ trở nên bất nhẫn và càm ràm kêu trách khiến đời sống cộng đoàn trở nên trì trệ và nặng nề.
2/ Cơ chế tự vệ dồn nén
Đây là một cơ chế tự vệ khá nguy hiểm vì cá nhân không giải quyết dứt khoát tận gốc những khó khăn trong đời sống thường ngày; điều này khiến họ thiếu xác tín trong mọi việc và tìm cách tránh né dưới mọi hình thức. Chẳng hạn, việc một tu sĩ không thích chụp hình đến nỗi họ lên án và công kích những người thích chụp hình. Được nghe chia sẻ của nữ tu này dần dà tôi mới khám phá ra rằng khi xưa bản thân cô ta đã bị chụp hình lén trong lúc có một cử chỉ khiếm nhã nào đó. Từ đó, khi bước vào đời tu, cô trở nên khép kín và không thích ai quan tâm đến mình, đặc biệt là trong việc chụp hình mặc dù cô nữ tu này rất xinh xắn.
Cũng trong cơ chế này nhưng dưới một hình thức khác, họ dồn nén do mặc cảm những giới hạn của bản thân. Khi một nam tu sĩ không có khả năng chơi thể thao, họ tự nhủ rằng người khác sẽ nghĩ rằng mình thiếu chất nam tính, thế nên, họ tìm sự bù trừ trong rượu bia và thuốc lá. Hoặc một nữ tu kém nhan sắc, cô sẽ dồn hết tâm lực vào việc trau dồi kiến thức để tìm sự trọng vọng của chị em đồng tu.
3/ Cơ chế tự vệ đóng cửa
Đôi khi còn được gọi là quá trình thông minh hóa. Đây là cách đặt tên theo nghĩa hành động. Để dễ hiểu, chúng ta tạm gọi là cơ chế tự vệ đối lập vì ở cơ chế này có sự đối lập giữa nội tâm và ngoại tại, suy nghĩ và hành động. Một người vốn sợ ma vào ban tối lại trở nên hùng mạnh vào ban ngày. Họ rất thích những gì bạo động, những nơi náo nhiệt và bù trừ trong việc giết chết và làm thịt các thú vật nuôi. Hay một tu sĩ mắc phải cố tật ăn cắp vặt, họ tỏ ra rất đạo đức trước mặt bề trên và tử tế với mọi người trong cộng đoàn để che giấu những mưu tính của bản thân. Ngoài ra, chúng ta cũng dễ nhận ra một số tu sĩ thích cười cợt, đùa giỡn khi cộng đoàn đang thực hiện những vấn đề quan trọng; họ tưởng rằng làm thế là cách để giải tỏa căng thẳng nhưng kỳ thực đây là một hành động phản cảm, thiếu tôn trọng cộng đoàn.
4/ Cơ chế tự vệ thay thế
Hay còn gọi là sự chuyển dịch, nghĩa là quá trình chuyển hướng cảm xúc của mình từ cá nhân này qua cá nhân khác. Nếu là một sự tốt lành thì đã tạo một sự cộng hưởng tích cực trong cộng đoàn nhưng vì nó là một tiêu cực nên việc chuyển dịch làm ảnh hưởng đến tương giao nhân loại. Khi tiếp xúc với các ứng sinh, tôi rút ra được kinh nghiệm này, có tu sĩ kia, trước đây sống chung với một người cha nóng tính, khắc nghiệt và bảo thủ nay bước vào đời tu, khi gặp bề trên có những cung cách hành xử như người cha này, anh tỏ ra bốc đồng và chống đối ra mặt. Hay nhiều người không tìm được tình bạn trong cộng đoàn nên đã tìm cách kiếm những thú vật khác như chó mèo để thay thế nhu cầu tình cảm ấy.( 11) Cũng có những người vốn yếu thế, nên khi bị ai đó hiếp đáp, họ quay lại gặm nhấm bản thân. Nguy cơ này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
5/ Cơ chế tự vệ gán ghép cảm xúc
Cơ chế này được Anna Freud gọi là hoán chuyển cảm xúc hướng ngoại. Đây là cách nhiều người gán ghép cảm xúc tiêu cực hay những hạn chế của mình lên người khác. Điều này hợp với câu nói của dân gian: “suy bụng ta ra bụng người ”, nghĩa là ám chỉ sự gán ghép tư tưởng tiêu cực của mình lên người khác. Thỉnh thoảng, chúng ta thấy tình trạng này trong cộng đoàn và dưới nhiều hình thức chính bản thân có thể bị vướng vào. Chẳng hạn, khi phạm một lỗi gì không phải, lương tâm ta lên tiếng, ngay tức khắc ta nghĩ rằng mọi người lên án ta và có ánh nhìn nghi kỵ, trong khi đó, cộng đoàn lại hết lòng nâng đỡ ta. Cũng có trường hợp, vài tu sĩ thích mai mối cho người này kẻ nọ nhằm thỏa mãn nhu cầu sống lứa đôi mà vì khấn khiết tịnh họ phải sống độc thân.
6/ Cơ chế tự vệ phản ứng
Cơ chế này được hiểu là cách chủ thể làm giảm nhẹ hoặc đảo ngược tình thế khó khăn nhằm đạt đến mục tiêu nào đó cho mình. Ví dụ: một người không ưa gì thái độ trịch thượng của một ai đó lại hết lời khen ngợi, ca tụng để lợi dụng họ mưu tìm lợi ích cho mình. Hoặc khi gặp một tình thế khó xử, họ tỏ ra như không quan trọng rồi kiếm cách tháo lui. Thái độ giản lược thực tại như thế dễ tạo nơi người khác cảm giác vô trách nhiệm và thái độ ấu trĩ của đương sự. “Có gì đâu, đơn giản mà !”, “không sao đâu, đừng lo”.. .những cách nói ấy, thoạt tiên nghe như khích lệ và trấn an người khác nhưng kỳ thực, họ chỉ nói mà không làm.
7/ Cơ chế tự vệ nhập tâm
Nghĩa là tự gán cho mình điều bản thân còn thiếu thốn. Thật vậy, khi cảm thấy bất lực trong một tình huống nào đó, họ tự cho mình là một siêu nhân giải quyết mọi chuyện. Hay khi bản thân bị bối rối lại thích làm người hướng dẫn đàng thiêng liêng nhằm tránh đối diện với những thực tại của bản thân. Hoặc một tu sĩ suốt ngày chạy rong và tìm mọi việc để lấp đầy khoảng trống nội tâm. Và một khi nằm dưỡng bệnh, họ cảm giác mình là một kẻ vô dụng, vì họ thường đánh giá bản thân và người khác dựa theo hiệu năng việc làm.
8/ Cơ chế tự vệ hoài cổ
Cơ chế này thường xảy ra cho những người lớn tuổi. Thật vậy, tuổi già sống nhiều với quá khứ. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta nhận thấy có những vị cao niên hay nghĩ về thời kỳ “hoàng kim” của cộng đoàn mà đánh giá đời tu ngày nay là biến chất và mất căn tính. Nếu nghĩ về thời huy hoàng trong quá khứ để giúp cộng đoàn củng cố và phát triển thì đây là một người thiện chí. Thế nhưng, những người này hoài niệm chỉ nhằm tránh đối diện với những khó khăn, thách đố của hoàn cảnh hiện tại.
9/ Cơ chế tự vệ hợp lý hóa
Là khả năng nhận thức và áp dụng có tính lý luận nhằm chuyển đổi những sự kiện có tính đe dọa trở thành dễ chấp nhận hơn. Chúng ta thường nghe người khác đánh giá về ai đó: “biết là anh ấy sai mà khi nghe nói vân hấp dân và hợp lý”, ấy là cách họ dùng phương pháp nguy biện. Chiêu bài này được sử dụng hầu làm giảm sự tổn thương của cái tôi hoặc chữa mình, chạy tội hầu làm giảm tính nghiêm trọng của vấn đề.
Tóm lại, mọi cơ chế tự vệ đều là những lời biện hộ nhằm thuyết phục chính bản thân mình. Nói khác đi cơ chế tự vệ chính là cơ chế con người sử dụng để tự nói dối với chính mình. Điều này được thực hiện trong một chế độ vô thức nhưng kết thúc là một hành vi ý thức. Thật vậy, một sự kiện khó khăn xảy ra, chủ thể sẽ đưa ra một phản ứng, đúng hơn một sự phản kháng tức thời; còn hình thức của những phản kháng ấy là các cơ chế đã được trình bày. Khi chủ thể không sẵn sàng đón nhận thực tại thì những cơ chế này như một thuốc giải làm trì hoãn hoặc từ chối không đưa ra một hành động rõ ràng. Chính khi hành động này không được sáng tỏ, không giúp định hình nhân cách của chủ thể.
Cũng cần lưu ý, chúng ta có thể quan sát một sự kiện nhưng với hai người lại có ý hướng khác nhau. Cụ thể, khi chúng ta thấy một người đam mê săn tìm các loại thú quý hiếm, có nhiều điều cần xét đến: có thể là do làm ăn kinh tế hay một thú tiêu khiển; lại nữa, do họ không tìm được tình thân và sự tin tưởng nơi con người mà họ đã chuyển sang đối tượng hạ cấp. Từ bấy nhiêu lý do, chúng ta có thể khẳng định rằng cần phải hiểu biết đủ về đối tượng mới đưa ra một phán quyết cuối cùng. Chìa khóa để mở vấn đề này là động lực bên trong thúc đay chủ thể hành động.
Điều tốt nhất là tự vấn bản thân, xem mình có vướng vào những cơ chế nói trên không để điều chỉnh và giúp cá nhân hình thành nhân cách đích thực. Một nhân cách đích thực đòi buộc ta phải đối diện với bản thân kể cả những “bóng tối” trong cuộc hiện sinh này. Có thể nói, đây là bước quyết định giúp ta khám phá nhân cách tôn giáo
còn tiếp….
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.