Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin: “Đạo” Sinh Hoạt”

Liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam có nguy cơ không còn là một cộng đoàn những người tin, nhưng biến thành một tổ chức ?

“Đạo” Sinh Hoạt

Tổ chức chặt chẽ và sinh hoạt rầm rộ, đó chính là nét nổi bật nhất trong khuôn mặt của Giáo hội Công giáo. Ở đâu có người Công giáo, ở đó có nhà thờ, có giờ kinh giờ lễ, có ban bệ tổ chức… Có lẽ cũng có những người bên ngoài thầm thán phục và muốn áp dụng phương thức này cho các tổ chức, đoàn thể hoặc tôn giáo của họ. Thật sự không ai có thể chối rằng những tổ chức và sinh hoạt như thế đã góp phần làm cho đời sống đức Tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Tuy nhiên, chính nét ưu điểm ấy lại hàm chứa những nguy cơ sâu xa, nhất là khi nó trở thành một thứ “đạo”, một thứ nguyên lý chi phối toàn bộ đời sống đức Tin chân thực của Giáo hội.

Nhiều Kitô hữu, cho đến hiện nay, vẫn chỉ sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào cỗ xe của những sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể. Họ tham gia đều đặn hoặc tích cực vào nhiều sinh hoạt đạo, nhưng lại không một chút bận tâm về thái độ cá nhân của mình đối với Chúa; họ tranh luận và bàn cãi sôi nổi với nhau về giáo lý, về cách thức tổ chức, nhưng lại không bao giờ có được một chọn lựa của đức Tin cho bài toán cuộc đời mình; họ vẫn giữ đúng giới luật của Chúa và Hội Thánh nhưng lại không có khả năng chấp nhận Thánh ý Chúa khi gặp một hoàn cảnh trái ý, hoặc chẳng bao giờ khám phá ra được một ý nghĩa siêu nhiên trước những biến cố trong cuộc sống thường ngày.

Chúng ta có thể thấy rõ thứ đạo sinh hoạt này trong nhiều xứ đạo, nhất là những xứ đạo di cư và đặc biệt là trong những xứ đạo lâu năm không có linh mục. Điều mà một thời người ta cho là sự vững chắc của đức Tin, thật ra, phần lớn chỉ là sự “vững chắc” của những tổ chức sinh hoạt mà không có bao nhiêu lòng tin cá vị vào Thiên Chúa, chẳng có bao nhiêu giá trị Tin Mừng trong thái độ sống, và cũng chẳng thể hiện chút gì ý nghĩa đức Tin trong thái cử hằng ngày.

  1. Thử Truy Tìm Nguồn Gốc

1.1 Đức Tin trong thời kỳ “Kitô giới”

Ở Tây phương, thời kỳ Trung cổ nói chung được gọi là thời đại “Kitô giới” (chrétienté), nghĩa là thời đại mà ảnh hưởng Kitô giáo tràn ngập trong mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực. Trong xã hội ấy, văn hoá và sinh hoạt Kitô giáo được tổ chức và sắp xếp để bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào người Kitô hữu cũng thấy mình nằm trong thế giới của tôn giáo. Tính chất tôn giáo hiển hiện rõ rệt và tạo nên một “cái khung”; không những là khung cảnh, nhưng còn là một khuôn khổ có khuynh hướng trở nên tiêu chuẩn duy nhất của một đời sống đạo tốt đẹp. Quan niệm chung chung trong tâm thức người Kitô hữu khi ấy là : sinh hoạt càng sầm uất thì đời sống đạo càng phong phú và sốt sắng…

Trong cái khung ấy, nhiều Kitô hữu sống đức Tin bằng cách tham dự các sinh hoạt tôn giáo; còn giữ đạo nghĩa là còn tham dự các sinh hoạt đạo; giữ đạo sốt sắng nghĩa là tham dự nhiều sinh hoạt tôn giáo. Hơn nữa, nhiều khi cái khung ấy còn thay thế cho tâm tình tôn giáo đích thực, thay thế cho niềm tin như một sự gắn bó cá vị với Chúa và thể hiện những giá trị đích thực của Tin Mừng. Trong khuôn khổ ấy, người ta cảm thấy không đọc kinh sáng tối, không làm dấu trước khi ăn, không kiêng thịt ngày thứ Sáu … là phạm tội, nhưng lại không thấy áy náy chút gì cả khi thể hiện một lối sống và thái độ trái ngược với Tin Mừng của Chúa.

1.2 Kinh nghiệm về đời sống đức Tin trong thời tục hoá

Thế nhưng, khởi từ thế kỷ XVI, trào lưu tục hoá xuất hiện và cứ lớn mạnh lên dần, lớn mạnh theo đà phát triển của các khoa học thực nghiệm, các môn học đời, các nghệ thuật đời; những trào lưu ấy dần dần xâm lấn vào mảnh đất của tôn giáo trước đây. Sau cùng, trào lưu tục hoá thể hiện qua các biến cố chính trị và trở thành những biến cố làm rung chuyển vị thế Giáo hội. Cách mạng Pháp 1789 là một biến cố mở màn cho một tiến trình giới hạn hoặc loại trừ các sinh hoạt tôn giáo. Dần dần người ta đi đến khái niệm phân biệt rõ ràng đạo và đời.

Ban đầu các vị giáo hoàng và những vị hữu trách trong Giáo hội tìm mọi cách để phục hồi vị thế thống lãnh trước đây của mình; tìm cách tái xây dựng một xã hội “Kitô giới” càng giống với “thời hoàng kim” của mình bao nhiêu càng tốt; các hình thức của lòng sùng mộ công cộng được khuyến khích phát triển tối đa trong mức độ luật lệ nhà nước cho phép : đọc kinh liên gia, tổ chức những đoàn hội, phát triển nhiều sinh hoạt trong khuôn viên giáo xứ … Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu ấy vẫn chỉ nhằm mục đích bành trướng sinh hoạt nhằm xây dựng lại “cái khung” Kitô giới trước đây.

Dần dần, Giáo Hội cũng nhận ra rằng không thể quay ngược dòng lịch sử; trào lưu tục hoá ngày càng lớn mạnh và hầu như không có gì ngăn cản nổi. Thế rồi, từ khoảng cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, những yếu tố tưởng chừng như đe dọa phá hủy đời sống Kitô giáo như thế lại là một cơ may để nhiều Kitô hữu tìm lại ý nghĩa, giá trị đích thực của niềm tin[1].

Khi phải đối diện với những giá trị và những cám dỗ trần thế, đức Tin của người Kitô hữu bị cật vấn và một số Kitô hữu lại khao khát tìm hiểu sâu xa hơn niềm Tin của mình. Bị quăng vào một xã hội trần tục, nhiều Kitô hữu, giờ đây, mới cảm thấy nhu cầu sống đức Tin chân chính, thuần khiết của Kitô giáo. Trước nhu cầu tự biện minh và làm chứng cho Đức Tin giữa xã hội trần tục, nhiều Kitô hữu nhận ra ý nghĩa đời sống đức Tin và trách nhiệm thể hiện niềm tin của mình bằng những gì căn bản nhất của Kitô giáo, đó là lòng bác ái, lòng Tin, Cậy, Mến trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải bằng cách đấu tranh để thiết lập một thế giới Kitô giáo như xưa nữa. Ý thức mới này thực sự là một luồng gió của Thánh Thần để mở ra nhiều cuộc canh tân tốt đẹp[2] : canh tân ý thức đức Tin, canh tân sinh hoạt phụng vụ và canh tân ý thức tông đồ. Đức Tin trở thành một nhu cầu thật của cuộc sống và chính nhu cầu ấy lại góp phần canh tân tổ chức phụng vụ…

Khi đời sống đạo chỉ là nếp sinh hoạt thì phụng vụ chỉ còn là một việc phải làm để giữ đạo; nỗ lực của phụng vụ chỉ là làm sao cho người tín hữu tham dự cách sinh động và sốt sắng lúc cử hành nghi thức. Ngược lại, khi đức Tin trở thành một nhu cầu thật, phụng vụ mới trở nên nguồn mạch và là nơi người giáo dân tìm đến để kín múc chất liệu cần thiết cho cuộc sống của mình. Rồi việc canh tân phụng vụ lại thúc đẩy những nỗ lực canh tân cách giải thích Kinh Thánh và nhiều lãnh vực khác.

1.3 Tìm căn nguyên trong Giáo hội Việt Nam

Hình như đời sống Kitô giáo ở Việt Nam, được truyền bá từ Tây phương vào thế kỷ XVI, vẫn còn giữ nguyên bầu khí của thời Trung cổ Tây phương. Trong một thời gian dài, người Kitô hữu Việt Nam thường tụ tập lại thành xóm đạo và đời sống có phần đóng kín trong những sinh hoạt của làng xóm…. Mọi sinh hoạt, đạo và đời, thường được tổ chức một cách kỹ lưỡng và bao trùm hết đời sống. Đời sống đức Tin của mỗi người, do đó, vẫn còn được tháp nhập vào sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và vẫn “chạy” trong quĩ đạo của những tổ chức tôn giáo.

Thế nhưng ngày nay, đặc biệt trong thời kinh tế thị trường, người Kitô hữu không còn đóng kín sinh hoạt của mình trong các xóm, xứ đạo. Không gian sinh hoạt hằng ngày mở rộng tới các sinh hoạt đời, trong một thế giới trần tục; bầu khí “văn hoá” của người Kitô hữu không còn thuần khiết tôn giáo. Chính trong giai đoạn này, ta thấy khuôn khổ đời sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam có nhiều dấu vết rạn nứt, đặc biệt trong những xứ đạo vốn có truyền thống sinh hoạt tôn giáo sầm uất. Một số Kitô hữu sống xa ảnh hưởng của sinh hoạt tôn giáo, cả về không gian lẫn ‘văn hoá”, và cảm thấy ý nghĩa tôn giáo phai lạt dần. Một số đông hơn vẫn tham dự các sinh hoạt tôn giáo nhưng chỉ quan niệm giữ đạo là giữ sinh hoạt đạo như trước đây; sinh hoạt đạo là những nghĩa vụ phải chu toàn, những đòi buộc, theo thói quen lâu đời của truyền thống gia đình, của giáo xứ. Do đó, khi đời sống xã hội có nhiều sinh hoạt khác cần thiết và hấp dẫn hơn, họ bắt đầu thấy sinh hoạt tôn giáo là một điều vướng víu, nặng nề và muốn từ bỏ. Cũng có một số ít Kitô hữu dần dần khám phá ra nhu cầu đức Tin trong đời sống của mình, đức Tin như là dưỡng chất cho tâm hồn và là ánh sáng soi chiếu cho những giải pháp trong cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, nếu đời sống đức Tin vẫn được quan niệm, chủ yếu, chỉ như là những sinh hoạt tôn giáo, chiếm một khoảng không gian và thời gian nhất định, nó sẽ đứng vào vị thế đối đầu và cạnh tranh với các sinh hoạt khác, một sự cạnh tranh “không khoan nhượng”.

Phải chăng, với nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam cũng đang phải đấu tranh với một trào lưu tục hoá ? Liệu chừng sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam vẫn có thể tiếp tục cuộc đối đầu trong thế mạnh với các sinh hoạt và nhu cầu trần thế đang càng ngày càng gia tăng ?

Trước những câu hỏi ấy, chúng ta phải tự hỏi xem “thế mạnh” của Kitô giáo nằm ở đâu ? Kinh nghiệm về việc khám phá lại đời sống đức tin trong lịch sử Giáo hội có thể hữu ích cho việc canh tân đời sống Kitô hữu tại Việt Nam hiện nay không ?

  1. Thử Nhận Định Về Hiện Trạng Giáo Hội Việt Nam

2.1 Một đời sống đạo dựa dẫm vào nếp sinh hoạt

Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…

Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức Tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Phần lớn các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức Tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.

Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất : làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện… Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen.

Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do “gần chùa gọi bụt bằng anh”, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành “đạo”, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết. Công đồng Vatican II, sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục, viết :

“Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích bao nhiêu, nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo. Để đạt đến sự trưởng thành đó, các linh mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn [3].(LM 6)

2.2 Một đời sống đạo chỉ qui chiếu vào luật lệ

Cung cách sống đạo của phần lớn Kitô hữu hiện nay là cố gắng chu toàn các giới răn của Chúa. Đời sống đức Tin được qui định bằng luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể : làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay…

Có lẽ nhiều “chức sắc” trong Giáo hội vẫn đặt người tín hữu vào vị thế như những giáo dân thời Trung Cổ, nghĩa là coi họ như những Kitô hữu ít học và cần những hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng để giữ luật bằng cách chu toàn những việc cụ thể. Điều ấy ngày nay lại có nghĩa là dùng phương thức của trẻ con để giáo huấn những người lớn : kiêng thịt chứ không phải là tự nguyện có một chút hy sinh; ăn chay nghĩa là “một bữa no hai bữa đói” và có thể “mất chay” nếu lỡ ăn bất cứ điều gì ngoài ba bữa chính, chứ không phải là một hành vi nói lên lòng khao khát Chúa; đi lễ Chúa Nhật thế nào cho “thành sự” chứ không phải kín múc nguồn mạch sức sống cho cuộc sống thường ngày; làm dấu trước bữa ăn thay vì một tâm tình tạ ơn….

Trong những nếp qui định ấy, có khá nhiều Kitô hữu hiện nay rõ ràng đã không sống được một tâm thức của đức Tin chân chính. Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa; người Kitô hữu đi lễ như một trách nhiệm phải chu toàn chứ không sống tinh thần hiệp thông với cộng đoàn để tạ ơn Chúa; nhiều bạn trẻ tránh tội vì sợ Chúa phạt, nên khi lỡ phạm một tội trọng (chẳng hạn bỏ lễ Chúa Nhật) thì chọn lập trường “cùi không sợ lở”, “chơi luôn”… cho đến khi xưng tội lại. Nhiều người rất sốt sắng trong việc nhà đạo, nhưng không sống một chút giá trị lòng thương yêu và tôn trọng những người bé mọn, sự cảm thông, tha thứ, cái nhìn của đức Tin siêu nhiên… Do đó, chúng ta thấy nhiều người Kitô tính toán chi tiết để khỏi vi phạm luật, nhưng không hề thấy lỗi lầm của mình trong những việc không thấy ghi rõ các các giới răn, chẳng hạn làm cho những người chung quanh phải khổ…

2.3 Đánh giá giáo sĩ và tu sĩ qua sinh hoạt

Trong Giáo hội Việt Nam, những tổ chức và sinh hoạt đạo phần lớn gắn liền với một “tầng lớp”, giáo sĩ và tu sĩ. Trong tâm thức người Kitô hữu Việt Nam, có thể nói, sự hiện diện của tầng lớp này chính là “linh hồn” của Giáo hội.

Tuy nhiên, giáo dân thường cần tới giáo sĩ và tu sĩ như là những người đáp ứng các sinh hoạt chứ không phải đáp ứng nhu cầu đức Tin. Những địa phương, những tổ chức và sinh hoạt được các giáo sĩ và tu sĩ đảm nhận thì sinh hoạt phát triển. Uy tín và tầm quan trọng của giáo sĩ và tu sĩ rõ ràng cũng được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn này. Rất nhiều bạn trẻ đi tu vì thích những hoạt động của giáo sĩ hoặc tu sĩ chứ không phải vì nét đẹp của người rao giảng Tin Mừng. Giáo sĩ và tu sĩ được coi như là những người có địa vị trong tổ chức Giáo hội, “có việc làm” trong “ban bệ” tổ chức sinh hoạt của Giáo hội.

Nhiều bạn trẻ đi tu để tìm một vị thế trong tổ chức và để thể hiện mình trong những sinh hoạt của Giáo hội. Linh mục vốn được trọng dụng hơn các tu sĩ, bởi vì linh mục có vị thế quan trọng hơn trong các tổ chức và sinh hoạt; tu sĩ có khả năng hoạt động có vẻ như vẫn “hợp thời” hơn những tu sĩ sống tinh thần Tin Mừng cách âm thầm… Như thế chúng ta cũng hiểu tại sao người Việt Nam thích đi tu làm linh mục nhiều hơn, thích các dòng hoạt động nhiều hơn, và thường đánh giá một giáo sĩ hay tu sĩ theo khả năng tổ chức và sinh hoạt chứ không phải trong ý nghĩa đời sống đức Tin và giá trị Tin Mừng. Bạn trẻ có thể quý mến một tu sĩ coi cổng thật nhân ái, nhưng vẫn thích làm linh mục để xuất hiện trước cộng đoàn.

2.4 Giáo sĩ và tu sĩ khẳng định mình trong sinh hoạt

Giới giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để canh tân sinh hoạt tôn giáo. Giáo hội Việt Nam, nói chung, vẫn còn khá nhiều ơn gọi và vẫn còn một lực lượng giáo sĩ, tu sĩ tương đối trẻ, năng động, để có thể xoay sở trong những sinh hoạt tôn giáo nhằm thu hút sự tham gia của người Kitô hữu. Quả thật, hiện nay, chính những nỗ lực sáng tạo, đổi mới hình thái sinh hoạt tôn giáo cho hấp dẫn hơn, sinh động hơn, đang là sức mạnh chính yếu để giữ gìn nếp sống đạo trong Giáo hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bầu không khí chung của một thứ “đạo sinh hoạt”, phần lớn giáo sĩ và tu sĩ có lẽ cũng không thoát được tâm thức chung. Khả năng khẳng định mình trong sinh hoạt Giáo hội đã trở thành “giá trị” lớn trong lòng Giáo hội Việt Nam và chính “giá trị” ấy đang tác động sâu xa trong mọi lãnh vực, cả trong ý nghĩa ơn gọi.

Do đó, tầng lớp giáo sĩ và tu sĩ nhận thấy trách nhiệm chính yếu của mình là đảm nhận những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo hội; và ngầm hiểu rằng điều làm nên “sức sống” của Giáo hội Việt Nam cũng chính là những sinh hoạt và tổ chức sầm uất… Nhiều giáo sĩ và tu sĩ bận tâm chuẩn bị những “kỹ năng” cần thiết trong sinh hoạt của Giáo hội nhiều hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ nỗ lực làm cho tổ chức phụng vụ được hấp dẫn và lôi cuốn chứ không mấy ưu tư cần làm gì để nuôi dưỡng đức Tin chân chính và thật sự loan báo Tin Mừng cứu độ.

Chính vì thế, sinh hoạt và tổ chức trong Giáo hội Công giáo được củng cố vững chắc hơn mọi tôn giáo khác, nhưng phẩm chất đời sống đích thực của người Kitô hữu thể hiện trong cuộc sống hằng ngày có lẽ cũng chẳng hơn ai.

Mặt khác, chúng ta thấy không hiếm những tu sĩ, giáo sĩ, trong vai trò, trách nhiệm của mình, đã hết mình khuyên nhủ, dạy dỗ người giáo dân những điều hay lẽ phải; nhưng khi lọt ra khỏi vị thế và trách nhiệm của mình, trong một hoàn cảnh khác hoặc sống một vị thế khác, thì lại ứng xử một cách khá “tự nhiên” như bất cứ một người nào khác, những cách ứng xử không biểu lộ một chút nào tinh thần của Tin Mừng. Cũng như với các người sinh hoạt trong hội đoàn, một tu sĩ bỏ ơn gọi, thường thường, chẳng mấy chốc cũng trở lại một con người hết sức bình thường và tầm thường như mọi người khác.

2.5 Bệnh sáo ngữ

Quĩ đạo sinh hoạt còn lôi kéo theo nhiều căn bệnh khác trong đời sống Giáo hội : bệnh hình thức và nguy hiểm hơn là “bệnh sáo ngữ”. Nhiều linh mục tu sĩ phải cố gắng trau dồi kỹ năng giảng thuyết, chủ yếu, để khẳng định mình trong sinh hoạt. Kỹ năng ấy dĩ nhiên là cần thiết; nhưng ta cũng thấy có khá nhiều điều được nói trên toà giảng chỉ là những sáo ngữ, những điều mà người nói đã học được, đã cố suy nghĩ để có cái mà nói, đã trau chuốt để thêm hấp dẫn; nhưng tự thâm tâm cũng không biết rằng người nghe có thể sống được điều ấy không, hoặc chính người nói cũng chẳng bao giờ cố gắng một chút để sống điều mình nói…

Bệnh sáo ngữ làm cho những điều được nói trở thành ngôn từ thuần túy hoặc tư tưởng thuần túy. Những điều ấy thường cũng được giáo dân đón nhận theo cung cách “sáo”, giảng vui hay giảng buồn, hấp dẫn hay nhàm chán. Không có một thái độ tự chủ để nhận định, không có thái độ chân thành để lắng nghe lời mời gọi của Tin Mừng cho chính mình, thì cũng không có nét “sáng tạo”, một sự sáng tạo bình thường, xuất phát từ sự gặp gỡ thực sự giữa lời ngỏ đặc thù của Chúa và cá nhân đặc thù của người nghe. Những lời nói như thế không có được cái hồn, biểu lộ trong một lối nhìn riêng, một vài ngôn từ riêng, một khía cạnh cảm nhận riêng. Những ngôn từ ấy không có “cá tính” nhưng là những sản phẩm đúc khuôn, sản phẩm nhái. Chính vì thế, những lời giáo huấn cũng không đến được với tâm hồn thính giả, mà chỉ loanh quanh trong một lô sáo ngữ quen thuộc và không làm chứng được một sức sống của Lời Chúa. Chính “đạo sinh hoạt” là môi trường nuôi dưỡng và củng cố thái độ sáo ngữ. Do vậy, người ta còn thấy rất nhiều những lời cám ơn, những lời chào đón, giới thiệu, những lời chia buồn, chia vui trong dịp tang ma hiếu hỷ đầy những sáo ngữ.

Mặt khác, nhiều giáo huấn của những người có trách nhiệm trong Giáo hội được suy diễn từ nếp sống của mình chứ không phải từ nền tảng đời sống Kitô hữu đích thực, biến bài giảng thành những giáo huấn luân lý và kỷ luật, dựa theo nếp sống của giới tu sĩ và linh mục. Nhiều khi lời giảng của linh mục có khuynh hướng lôi kéo người giáo dân ra khỏi cuộc sống thật, để đưa giáo dân vào thế giới của những giá trị “thiêng liêng”[4] hoặc đưa vào khuôn khổ quản trị.

2.6 Cung cách đoàn lũ

Trong đạo sinh hoạt, người ta thường phải quan tâm đến sự trật tự, nề nếp, ổn định. Do đó, nhiều mục tử biến chất trở thành những nhà quản trị, những người bận tâm tới nề nếp chung hơn là lưu tâm để đoàn chiên có thể sống dồi dào. Nếu cần, những nhà quản trị có thể thẳng tay gạt bỏ hoặc đàn áp những cá nhân không theo qui luật chung, dù đó là những hoàn cảnh éo le và đáng thương[5].

Tổ chức phụng vụ phải trật tự, cử điệu diễn tả phải thống nhất, mọi thành phần đều phải giữ đúng giờ, ngồi đúng chỗ… Nhiều chuyên gia phụng vụ chỉ quan tâm “làm sao cho đúng” chứ ít để ý “làm sao để nuôi dưỡng đức Tin”. Khi những người có trách nhiệm, linh mục, ông trùm, bà quản chỉ quan tâm đến quản trị, thì những người có hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng, trở thành những kẻ phá đám. Điều ấy làm cho ta liên tưởng đến “lời dễ ghét” của những người theo Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem quát mắng anh mù đã làm ồn ào, mất trật tự : “Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi” (Lc 18,39). Trong tổ chức sinh hoạt, những con chiên “không ngoan” chẳng tìm đâu được những “lời dễ thương” : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” (Mc 10,49). Với cung cách quản trị như thế, người giáo dân ít được tôn trọng và cảm thông trong hoàn cảnh và tâm tư riêng. Bước nhà nhà thờ, người ta trở thành những con người hoàn toàn của tập thể và phải sống theo qui luật sinh hoạt của tập thể. Trong tổ chức Giáo hội, người giáo dân không được mời gọi để sống đức Tin trưởng thành, có những lựa chọn và thể hiện tấm lòng với Chúa, nhưng phải theo những chỉ dẫn chi li của hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Đó là cung cách đoàn lũ !

Cũng thế, nhiều nhà Dòng tập trung nỗ lực vào đời sống kỷ luật hơn là đào tạo sự trưởng thành. Bước vào tu, người thỉnh sinh được “trao” một thời khóa biểu những sinh hoạt. Trách nhiệm chính của người tu sĩ là bảo đảm đầy đủ các sinh hoạt và chu toàn đúng đắn các công tác được trao trong sinh hoạt chung của cộng đoàn. Mỗi lần hội họp cộng đoàn, người ta nêu lên những sai phạm kỷ luật nhiều hơn là nhắc nhở nét tích cực của tinh thần tu trì. Nói chung, những người lãnh trách nhiệm cộng đoàn thường mong muốn nề nếp cộng đoàn của mình ổn định, không có gì nổi cộm, không có gì trục trặc. Thay vì đồng hành, hướng dẫn từng cá nhân, người có trách nhiệm lại thường đánh giá một tu sĩ dựa theo việc chu toàn các “giờ sinh hoạt” … Những điều này lại cũng góp phần tạo nên một cung cách đoàn lũ trong giới tu sĩ.

  1. Nhìn Lại Một Chút Về Sứ Mệnh Của Giáo Hội [6]

Có thể nói hầu hết mọi người thời Chúa Giêsu, từ những người Do Thái, những người nghèo được Chúa cứu chữa và cho ăn bánh cho đến các môn đệ của Chúa Giêsu đều tưởng rằng Đấng Mê-si-a sẽ thiết lập Nước Trời bằng cách tổ chức một triều đình, với các chức tước và đạo quân hùng mạnh để chinh phục và thống trị muôn dân.

Thế nhưng Đức Giêsu lại đã đi con đường cứu độ theo Thánh ý Chúa Cha. Đó là con đường rao giảng Nước Trời với những giá trị mới, những giá trị có khả năng đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn và bị loại trừ: khó nghèo, hiền lành, thương xót, tha thứ, tôn trọng những người bé mọn, tin tưởng và gắn bó với Chúa trong niềm Tin (xc. Mt 5-7 và //) … Rồi Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để làm bảo chứng cho những hạt men, hạt mầm Nước Trời ấy (xc. Lc 13, 18-21) được chiến thắng.

Giáo hội được triệu tập, có Chúa Giêsu Phục Sinh luôn ở cùng (xc. Mt 28,20) và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài (xc. Lc 24, 49) để đảm nhận trách nhiệm gieo vãi men Tin Mừng khắp thế gian.

Do đó, biến cố Đấng Mê-si-a đến được kéo dài thành quãng thời gian giữa hai lần Chúa đến, đó là thời gian Cánh chung và là thời gian của Giáo hội. Tất cả ý nghĩa, tất cả lý do hiện hữu của Giáo hội là, sống giữa hai lần Chúa đến, nỗ lực loan báo Tin Mừng, làm cho Nước Trời được rộng mở và thấm nhập vào trần gian. Giáo hội được triệu tập và tổ chức hữu hình không phải là để tự củng cố và trở nên hùng mạnh, nhưng là để trở nên “Bí tích Nước Trời” ở trần gian (xc. GH 1), để gieo vãi hạt giống Tin Mừng và làm cho chính trần gian này trời thành Nước Trời mai sau.

“Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo hội trong Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo hội. Và Giáo hội chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến (xc. Cv 3,21) và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình (xc. Ep 1,10; Cl 1,20; 2Pr 3,10-13)”(GH 48a).

KẾT

Liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam có nguy cơ không còn là một cộng đoàn những người tin, nhưng biến thành một tổ chức ?

Dĩ nhiên, cần phải nhắc lại một lần nữa, không ai chủ trương một Giáo hội không có tổ chức hay sinh hoạt; và cũng không ai dám phủ nhận giá trị của những tổ chức và sinh hoạt ấy trong Giáo hội. Kitô giáo hoàn toàn không phải là một thứ đạo tại tâm, nhưng là một sự liên kết, hiệp thông, gắn bó cụ thể với Đức Giêsu qua anh chị em của mình và qua Giáo hội hữu hình. Qua những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo hội, người Kitô sống mối hiệp thông với Đức Giêsu; đồng thời, qua những tổ chức và sinh hoạt của mình, Giáo hội có thể tìm thấy một phương cách tốt để giáo dục đức Tin cho người Kitô hữu.

Tuy nhiên, có lẽ chính qui luật quản trị đã ảnh hưởng trên Giáo hội quá nhiều. Một cách nào đó, có lẽ Giáo hội, đặc biệt Giáo hội Việt Nam, đã đi vào vết xe của những người Do Thái thời Chúa Giêsu, và cũng là ảo tưởng của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu : ảo tưởng một Nước Thiên Chúa hiển hiện và thống trị trong thế giới trần gian này.

Nước Chúa trong giai đoạn hiện nay lại chính là hạt cải cần phải được vun trồng, là nắm men cần thời gian để dậy men cho cả thúng bột… Giáo hội trở nên như muối, như ánh sáng, trước tiên, không phải do những tổ chức và sinh hoạt sầm uất, nhưng như những thực tại của Nước Chúa, những giá trị của Tin Mừng, đang gieo niềm hy vọng về một thế giới đại đồng, thế giới yêu thương, thế giới hạnh phúc trọn vẹn.

Giấc mơ về ngôi nhà thờ làng tôi :

Ngôi nhà thờ làng tôi có một phòng dành riêng để cất giữ Mình Thánh Chúa; căn phòng nhỏ bên cạnh gian chính của nhà thờ, căn phòng kín đáo, ấm cúng và gần gũi để người tín hữu có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể một cách thân tình. Lòng nhà thờ được thiết kế như một sự qui tụ, bàn thờ ở trung tâm, mọi người ngồi vòng tròn xung quanh bàn thờ.

Trước giờ thánh lễ, vị linh mục mặc áo lễ ngồi sẵn nơi ghế chủ tọa cộng đoàn. Tín hữu vào nhà thờ, chào linh mục và chào hỏi nhau. Linh mục có thể giới thiệu một ai đó với cộng đoàn; ông trùm phân chia công tác trong thánh lễ; vị ca trưởng tập hát một chút cho cộng đoàn… Tất cả diễn ra trong bầu không khí thân ái, vui tươi, nhẹ nhàng, không cần phải trang nghiêm và nghi thức; các tín hữu có thể gặp gỡ, biết nhau và hiệp thông với nhau nhiều hơn qua vài câu chào hỏi.

Trước giờ lễ, mỗi người có thể tự nhiên nói lên ý nguyện của mình, hoặc viết ý nguyện vào một mảnh giấy nhỏ, đặt trên bàn thờ để linh mục đọc cho mọi người cùng hiệp thông. Sau bài giảng của linh mục cũng như sau khi rước lễ, cộng đoàn dành một vài phút thinh lặng, như hướng dẫn của Qui chế Thánh Lễ, để mỗi người có thể nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể “đến” với hoàn cảnh thật của cộng đoàn, đến với từng cá nhân cũng như từng hoàn cảnh riêng của mỗi người tín hữu. Khi chúc bình an, mọi người có thể di chuyển, gặp gỡ, nói lời chúc tốt đẹp của mình với người bên cạnh, nhất là với những người đã tỏ bày cùng cộng đoàn vấn đề của mình trong ý nguyện của Thánh lễ. Khi rước lễ, mọi người “tự do” xúm xít quanh bàn thờ như bàn tiệc của cộng đoàn, lãnh nhận Mình Thánh Chúa từ tay linh mục; không cần xếp hàng, mà cũng chẳng phải được “phát chẩn”.

Đó là giấc mơ về ngôi nhà thờ và sinh hoạt phượng tự ở làng tôi; ngôi nhà thờ và sinh hoạt phượng tự vượt qua tính nghi thức cứng đọng vốn khó đụng chạm được đến cuộc sống thật; vượt qua tinh thần quản trị đoàn lũ vốn không để cho cá nhân sống thanh thản bộc lộ bản thân của mình; vượt qua thái độ khúm núm và sợ sệt trước mặt Chúa như một ông vua uy nghi.

—–Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP

http://daminhvn.net

[1] X. Y. Congar, trong Encyclopédie de la Foi, Les Éditions du Cerf, Paris 1967, tome II, đề mục Laic, trang 442.

 [2] X. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, in lần 2, Chân lý xuất bản, Sài Gòn 1975, Phần Nhì, trang 236.

 [3] Những trích dẫn Công Đồng Vatican II trong tập sách này đều lấy trong bản dịch của Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện thánh Pio X.

 [4] Xc. Bài “Đạo” thiêng liêng.

 [5] Trong cuốn phim nổi tiếng của Liên Xô trước đây, phim “Sám Hối”, chúng ta nghe được một mẩu đối thoại giữa Abe, người con của nhà độc tài Varlam, và Tokike, con của Abe và là cháu của Varlam, như sau :

 –    Tonike : Chuyện về ông nội.

 +   Abe : Ông con không làm điều gì xấu cả; hồi đó là thời kỳ phức tạp. Bây giờ khó mà giải thích được tất cả..

 –    Tonike : Thời kỳ thì có nghĩa lý gì ở đây ?

 +   Abe: Có đấy con ạ. Tình hình lúc đó khác. Người ta phải giải quyết vấn đề : tồn tại hay không tồn tại. Kẻ thù bao vây chúng ta, chúng chống lại ta. Theo con thì ta phải làm gì ? xoa đầu chúng à ?

 –    Tonike : Thậm chí Barateli cũng là kẻ thù sao ?

 +   Abe : Đúng thế, ông ta có thể là một hoạ sĩ giỏi, nhưng có nhiều điều ông ta không hiểu. Hơn nữa, ba không nói rằng chúng ta đã không có sai lầm. Cuộc sống của một hai người có nghĩa lý gì khi vấn đề liên quan đến hạnh phúc hằng triệu người khác ? Nhiệm vụ của chúng ta hồi đó thật là nặng nề. Con phải nhớ điều đó, phải biết nhìn xa thấy rộng hơn.

 –    Tonike: Nghĩa là các người dùng phép tính số học để giải quyết số phận con người, so sánh tỷ lệ phải không ?

 +   Abe: Chẳng nên lý tưởng làm gì, ranh con ạ. Đã tới lúc con phải biết rằng, đối với một quan chức thì quyền lợi của xã hội bao giờ cũng được đặt cao hơn quan điểm cá nhân. Vâng, chính thế. Con phải hiểu điều đó.

 –    Tonike : Người ta sinh ra, rồi sau đó trở thành quan chức….

 [6] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, 2003, bài “Nhiệm Cục Cánh Chung”.

Exit mobile version