Hôm nay mình dành trọn một ngày để đi mừng tuổi bà con trong xã. Xã nằm theo ven sông dài sáu cây số. Mười hai giờ trưa mình tới rạch Bà Thanh. Bên kia cầu là một căn nhà bằng ván, không sạch sẽ, nhưng có nhiều tiền. Chỉ có một người đàn ông ở nhà.
– Xin lỗi, anh thứ mẩy nhỉ ?
– Tôi thứ tư.
– Còn tôi thứ tám. Tôi là linh mục truyền giáo ở đây, tôi đến để thăm và chúc gia đình anh một năm mới mạnh khoẻ và hạnh phúc.
– Vợ con tôi đi chơi hết trơn không có đứa nào ở nhà…
Trên bàn thờ tổ có hai tô chè xôi nước. Anh Tư bưng một tô xuống. Mình mở cờ trong bụng : Chắc là họ sẽ mời mình đây. Mình sẽ chân thành ngốn cho hết, vì kiến bò bụng quá lẽ rồi. Thế nhưng anh Tư nhìn cái áo dòng của mình, ngần ngừ một lát, rồi lại để tô chè lên bàn thờ. Anh lúng túng như con gà mắc dây thun. Để cứu vãn tình thế, mình cáo lỗi :
– Xin lỗi anh Tư nhé. Thăm anh chút xíu thôi, tôi phải cố gắng để đi thăm cho hết mọi nhà.
Ra khỏi nhà anh Tư, đôi chân mình nhão ra, bước đi thất thểu.
Bốn giờ chiều mình về tới nhà. Đói và mệt lả. Mình lăn kềnh ra giường, để nguyên áo dòng, để nguyên đôi xăng đan. Còn hai giờ nữa mới được ăn cơm, mà trong nhà thì chẳng có thứ gì có thể “ăn vụng” được. Đành phải chờ đợi, chờ đợi là lẽ thường của lịch sử. Mùa Vọng là mùa chờ đợi. Mùa Chay cũng là mùa chờ đợi. Cựu Ước là thời chờ đợi…
Nằm nghỉ và chờ đợi, mình lại nghĩ đến tô chè xôi nước. Anh Tư muốn mời mình ăn, nhưng lại sợ “ông cha” không ăn đồ cúng. Mình sẵn sàng ăn đồ cúng, nhưng vì e lệ chẳng dám nói ra. Cả hai đều “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Cả hai đều đã bỏ lỡ một thời cơ để đến với nhau. Có lẽ cả hai đều thuộc mẫu người có phản ứng chậm.
Bạc Liêu, … 1984
Hôm nay ngày mồng bốn Tết. Một cô y tá người gốc Hoa đến kéo tay mình :
– Thưa cha, hôm nay ba con mời cha đến nhà ăn cơm trưa. Nhưng mà cha phải đến thật sớm.
– Cha chưa hiểu. Cha không quen ba con. Mà tại sao phải đến thật sớm ?
– Tối hôm qua ba con mới biết tên của cha là Phúc Hậu . Tên cha hên lắm. Nếu biết sớm thì ba con đã mời cha đến xông đất vào ngày mồng một rồi. Nhưng bây giờ mới biết, thì mồng bốn cha xông đất cũng còn được.
Mình đi ngay. Ông chủ nhà đón mình vào không có vẻ gì là niềm nở. Nói chuyện với ông một hơi thì hết đề tài. Đứa con gái của ông mời mình đi thăm nhà, thăm vườn để giết thời giờ.
Bữa cơm gia đình cũng chẳng có gì là thịnh soạn. Mấy món ăn quen thuộc của ngày Tết : bánh tét, thịt kho, dưa chua… Ông chủ nhà nói vài câu. Bà chủ nhà nói ít hơn nhiều. Một mình đứa con gái phải làm công tác “cứu bồ” cho cả hai ông bà. Sau ly trà tráng miệng mình cáo từ ra về. Lãng nhách !
Cà Mau, … 1989
Chuyến xe tốc hành Sàigòn – Cà Mau có vẻ vội vã để kịp về chuẩn bị Tết. Mình ngồi băng hai, chung với một người đàn bà khá đồ sộ ! Có lẽ bà là người rất năng nổ, nên ngồi làm thinh không được. Bà hỏi mình :
– Anh tuổi gì ?
– Tý, con chuột.
– Tôi tuổi Sửu. Tý Sửu hạp nhau lắm, làm ăn mau giàu lắm. Tiếc là “anh em mình” không có số gặp nhau sớm !
– Trâu bự quá mà chuột thì nhỏ xíu, hạp nhau sao đặng ?
Mình ví von như thế, khiến bà Sửu lạc tần số. Bà im lặng suy nghĩ. Lợi dụng sự im lặng ấy, mình tựa đầu ra sau làm bộ ngủ, rồi ngủ thật… Xe về tới bến Cà Mau, thì bà Sửu không còn nữa. Có lẽ bà xuống ở Cầu Số 2 thì phải.
Cái Rắn, ngày 1-1-1995
Hôm nay Hội đồng giáo xứ họp. Đề tài : Tết Ất Hợi. Mình thông báo cho Hội đồng giáo xứ biết năm nay cha sở và giáo dân mừng tuổi nhau tại nhà thờ. Sau đó cha sở sẽ đóng cửa nhà xứ để đi mừng tuổi anh em lương dân. Mình cũng yêu cầu Hội đồng giáo xứ cho biết có bao nhiêu gia đình nghèo trong họ đạo để kiếm quà Tết tặng cho họ. Nghe nói thế, Hội đồng giáo xứ nhảy nhổm lên. Ai nấy như đồng loạt tuyên bố : “Thôi, thôi, không dám đâu” .
Bây giờ thì mình hiểu rồi. Tặng quà cho người này mà không cho người kia, thì bị chửi. Tặng người này bằng người kia cũng bị chửi. Bao giờ có máy vi tính đo độ nghèo, và lý do nghèo, thì may ra mới hết bị chửi.
Cuối cùng thì Hội đồng giáo xứ có ý kiến tặng quà Tết cho người lương. Tất cả đều nhất trí tặng quà cho bốn anh em con nhà Tư Lập. Cha mẹ chết hết, chị lớn đi lấy chồng, thằng con trai lớn nhất có tật. Bốn anh em sống lây lất bằng hai cây cần câu của hai đứa lớn… Mình đồng ý. Cái Tết đầu tiên tại Cái Rắn sẽ là thế.
Cái Rắn, ngày 8-1-1995
Hôm nay mình loóc toóc lội bộ đi thăm bốn đứa con nhà Tư Lập để được thấy tận mắt cái nghèo trước thềm năm mới. Luyến 15 tuổi, đi cà nhắc và méo miệng. Lây 12 tuổi đang học lớp hai thì bị đuổi vì vắng mặt nhiều ngày không xin phép. Hai bé Mười và Nghỉ thì về ở với ngoại. Mình phỏng vấn chớp nhoáng.
– Ba tụi con chết hồi nào ?
– Tháng Ba tới thì giỗ đầu.
– Tụi con làm gì để sống ?
– Tụi con đi nhắp câu.
– Có mấy bộ đồ ?
– Ít lắm.
– Có may áo mới ăn Tết không ?
– Không !
Thực ra thì bà con cũng giúp khi ít khi nhiều. Các em có một người chú ở kế bên vẫn cho các em ăn cơm, nhưng chú cũng rất nghèo. Mình tính nhẩm : dư khả năng để cho mỗi em một bộ đồ ăn Tết.
Cái Rắn, ngày 14-1-1995
Hôm nay Hội đồng giáo xứ dẫn mình đi thăm một số gia đình lương dân nghèo. Nghèo thì nhiều, nhưng lý do nghèo thì chưa rõ. Có một người phụ nữ 28 tuổi mà đã sanh bốn đứa con. Đứa út đang nằm trong nôi. Chồng đi vác lúa mướn cho nhà máy chà. Vậy thì nguyên nhân của cái nghèo có thể là sinh con nhiều quá. Mình hỏi họ về cái Tết sắp tới. Họ chỉ cười trừ. Mình bắt tay họ và chúc họ làm giàu bằng cách cần cù, tiết kiệm và sanh con vừa đủ thôi. Đối với những người này thì mình chưa biết sẽ tặng họ cái gì đểù đón Xuân đây. Mười ký gạo ? Dễ lắm ! Một vài ký đường ? Cũng dễ lắm ! Điều ước muốn của mình là họ phải cần cù và tiết kiệm. Thiếu hai đức tính này thì đời của họ sẽ không bao giờ có mùa Xuân.
“Đừng cho tôi con cá, nhưng hãy cho tôi cái cần câu và dạy tôi câu cá” . Mình vẫn tâm niệm như thế trong công tác phát triển dân sinh.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo