Mỗi khi nghe trang Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 22, có thể ta cảm thấy lòng mình không được yên ổn, vì không biết mình có sống được như Chúa đòi hỏi không. Chúa Giêsu dạy ta: phải sử dụng sự sống mình cho những mục đích cao cả, ta mới có sự sống. Hơn thế nữa, phải qua sự chết, hy sinh bản thân, ta mới có sự sống thật sự. Ngài minh họa sự thật này qua hình ảnh hạt giống: được cất giữ an toàn, nó không thể sinh hạt; trái lại, được vùi vào lòng đất lạnh, chịu mục nát, nó mới sinh hạt.
Như vậy, công thức “mất = được; được = mất” đã có sẵn trong thiên nhiên rồi! Lịch sử cho thấy bao chứng nhân đã và đang dùng sự sống mình như hạt giống âm thầm mục nát, để sinh bông kết trái cho đời. Họ hiểu rằng chính khi quảng đại cho đi, chịu mất sự sống là lúc được sự sống, cũng như khi tưởng được sự sống (giữ ích kỷ cho bản thân) là lúc thật sự mất sự sống.
Chúa Giê-su mượn hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu nó không chết đi, nó không thể sinh hoa kết trái. Hạt lúa chính là hình ảnh ChúaGiê-su đã tự hiến tế chính mình làm của lễ dâng tiến Chúa Cha, đền thay tội lỗi chúng ta “Chúa Cha đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, Thánh Ý Chúa Cha muốn sẽ thành tựu”).
Lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ hôm xưa còn đang vang vọng mãi đến hôm nay. Thế nhưng, lời mời gọi lần này trở nên quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn, nếu không nói đây là điều kiện để theo Chúa: Ai chấp nhận theo Thầy thì hãy phục vụ Thầy. Việc phục vụ Thầy không khác gì hơn là đi theo con đường duy nhất mà Người đã đi và đến nơi Người đã đến. Đương nhiên, con đường này sẽ dẫn người môn đệ đến đỉnh đồi Gôl-gô-tha để cùng chịu đóng đinh đời mình vào thập giá của Chúa Kitô. Chính cái chết này mới làm người môn đệ trở nên một với Đấng mình hằng mến yêu và tôn thờ. Do đó, “theo Chúa” là chấp nhận đau khổ, chấp nhận thập giá và chấp nhận cả cái chết để được ở cùng Người như lời Người nói: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12, 26).
Có lẽ trong thân phận của con người, dù quen hay không quen, không ai không khỏi ngậm ngùi trước sự ra đi của nữ tu Anna. Không ai muốn mình phải ra đi trong một tai nạn đột ngột và thương tâm đến như thế. Thế nhưng rồi, trong lòng tin tưởng, trong niềm phó thác, ta lại nhận ra rằng chính “hạt lúa Anna Phượng” đã gieo vào lòng đất, nữ tu Anna Phượng đã phục vụ Chúa qua những mảnh đời cơ nhỡ cho đến hơi thở cuối cùng trong đau đớn của thân phận con người sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.
Trong niềm tin vào Thiên Chúa thì sự ra đi, cái chết của Dì lại là một cái chết đẹp vì chết đang trên con đường phục vụ yêu thương. Đẹp thay bước chân người sứ giả ! Dì Anna đã ra đi ngay trên nẻo đường phục vụ anh chị em đồng loại mà Chúa gửi đến qua Nhà Dòng.
Biết đâu được, sự ra đi của Dì Anna lại là một lời mời gọi thức tỉnh cho những ai mãi sống và cứ nghĩ mình mãi mãi không có ngày ra đi.
Biết đâu được, sự ra đi của Dì Anna lại trổ sinh nhiều bông hạt là những ơn gọi sinh ra từ nơi mái ấm mà Dì đã phục vụ bằng chính gương sáng, đời sống phục vụ của một nữ tu chân thành và hết lòng với mọi người.
Biết đâu được sự ra đi của Dì Anna mời gọi mỗi người chúng ta hãy luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng vì chả ai biết giờ nào, ngày nào Con Người sẽ đến với mỗi người chúng ta.
Chúng ta hãy dâng Dì Anna như một của Lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Dì để Dì mau hưởng Nhan Thánh Chúa nếu như còn vướng bận chút gì đó của phận người yếu đuối. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta vì Chúa đến như kẻ trộm : Anh em hãy tỉnh thức vì Anh em KHÔNG BIẾT NGÀY NÀO, GIỜ NÀO !
Người Giồng Trôm