Qua những trang Tin Mừng, ta biết được sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu. Sứ mạng này quan trọng đến nỗi trong Lời Tựa, ông được nhắc đến hai lần: một lần như là “chứng nhân” (Ga1, 6) và lần kia thì nhắc lại lời chứng của ông (1, 15). Do đó, cứ theo Tin Mừng Gioan, hẳn là ông phải được gọi là “Gioan người làm chứng”. Danh hiệu mà Hội Thánh Đông phương gán cho ông, “Gioan vị Tiền Hô”, mở ra hai sứ mạng của ông, làm phép rửa và làm chứng.
Ta thấy Gioan là chứng nhân của ánh sáng (1,6-8). Điều nghịch lý là ánh sáng lại cần đến một chứng nhân. Ánh sáng thật đang rạng soi cho mọi người (x. 1, 9), thế mà không phải là loài người đang tự nhiên sống dưới ánh huy hoàng của ánh sáng này. Như một kho báu được chôn giấu, trước tiên ánh sáng này cần được khám phá; chỉ sau đó ánh sáng mới tỏa rạng và mọi người có thể thực sự thấy được.
Đặc điểm của Đức Giêsu là thực tại chân thật của Người không chỉ thấy được ở bề mặt, và không phải bất cứ ai cũng có thể tiếp cận Người. Người không tỏ mình ra với cung cách áp đảo, Người không ép buộc bất cứ ai; người ta luôn luôn có thể tránh Người và sống không cần Người.
Đức Giêsu là ánh sáng đòi hỏi tự do quyết định của con người. Chính vì Người ở trong tình trạng ẩn mình, Đức Giêsu cần có những chứng nhân. Gioan là chứng nhân đầu tiên của Người, giúp cho người ta có thể đến với Người để nhận được ánh sáng. Nhưng cả lời chứng của Gioan cũng không phải là một bằng cớ bó buộc: mọi người phải tin nhờ ông (1, 7). Chỉ ai nhờ ông mà tin thì mới đến được với Đức Giêsu là ánh sáng.
Gioan nói như chứng nhân và khẳng định tính khả tín của chính ông. Ông nói thẳng ra ông không phải là ai (1, 19-21) và ông là ai (1, 22-23) và ai sẽ đến sau ông (1, 25-27). Ngay trong Lời Tựa, tác giả Tin Mừng đã cho biết: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1, 8).
Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Gioan Tẩy giả biết mình là ai và sứ vụ của mình là gì. Ông đã làm việc hết sức nhưng ông không bao giờ nhận những gìkhông thuộc về mình. Ông nói sự thật về chính bản thân: ông khôngphải là Đấng Mêsia, hay Êlia hay một vị ngôn sứ nào khác. Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Thậm chí ông tự nhận là không xứng đáng cởi quai dép cho đấng đến sau ông.
Gioan Tẩy Giả biết rằng: ông không phải là ánh sáng nhưng chỉ là một tia sáng. Sứ vụ của ông là hướng lòngmọi người đến với Đấng Mêsia, là dọn đường cho Chúa. Ông không muốn cản trở con đường của Chúa.
Trước tiên ông nói ông không là ai, như để tránh che mất Đấng ông phải làm chứng cho, nếu như ông lo khẳng định về bản thân. Rồi khi phải nói ông là ai, thì ông cho biết ông chỉ là tiếng của người hô trong hoang địa: hoạt động của ông có tầm quan trọng đặc biệt vì được chính Kinh Thánh loan báo, được Thiên Chúa quy định, nhưng chỉ là mộttiếng nói loan báo rằng Chúa đang đến và khuyến khích người ta dọn lòng đón tiếp Người.
Ông chỉ là vị tiền hô, đơn giản là một chứng nhân, có vai trò hoàn toàn tuỳ thuộc vào Ðấng ông loan báo. Ông là ngọn đèn do Thiên Chúa thắp lên để soi đường cho Ðức Kitô đến, là tiếng nói của Thiên Chúa. Ðơn giản chỉ có thế. Tất cả chỉ có thế. Ngọn đèn để soi sáng, tiếng nói để cung cấp lời.
Ông tuyên bố ông không phải là Ðấng Mêsia, không phải là Ánh Sáng. Ông không phải là ngôn sứ Êlia trở lại, cũng không phải là vị Ngôn Sứ vĩ đại như người ta vẫn chờ đợi.
Chính ông Gioan Tẩy Giả cũng không biết rõ về Ðức Giêsu. Ðang khi ông dìm người khác trong nước để thức tỉnh và thanh tẩy họ, thì chính ông lại sống trong nghi nan. Ông biết rằng ông có sứ mạng dọn đường cho Ðấng Mêsia đến. Ông cũng biết rằng Ðấng Mêsia cao cả hơn ông nhiều : “Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” ; “có người đến sau tôi nhưng trỗi hơn tôi, vì có trước tôi” ; ông cũng cảm thấy một sự đứt đoạn, nhưng ông chưa thấy Người đến. Ông cũng không biết rằng Vị Sứ giả của Thiên Chúa, mà ông là người dọn đường, lại chẳng là ai khác hơn là người bà con của ông tại làng Nadarét, là ông Giêsu người thợ mộc.
Ông chỉ biết rằng chính ông không phải là Ðấng Mêsia, và chỉ là kẻ dọn đường. Ông biết điều này rất rõ và ông sống đến tận cùng. Ông dấn thân trọn vẹn để thi hành sứ mạng ngôn sứ, giới thiệu Ðức Kitô khi tới thời gian đã được ấn định. Ông biết rằng ông không phải là ánh sáng, nhưng ông có mặt để làm chứng về Ánh Sáng. Rồi đây, ông sẽ đưa tay ra để chỉ vào Ðấng phải đến. Người là Ðức Giêsu, Người đến và đem lại cho Thiên Chúa vô hình, Thiên Chúa không thể đụng chạm tới được một dung mạo, một thân thể.
Như ông Gioan Tẩy Giả, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở thành người loan báo về một Thiên Chúa đang ẩn mình nhưng vẫn đang đến. Mỗi chúng ta đang được mời gọi đóng vai trò rất khiêm tốn nhưng không thể thiếu : giới thiệu về Thiên Chúa đang đến. Nói một cách khác, chúng ta được trao phó trách nhiệm lôi kéo thêm nhiều người cùng gia nhập vào cộng đoàn những người tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Chân Lý và Ánh Sáng, đang khi chính chúng ta phải trở thành ngọn đèn, thành tiếng nói. Ðơn giản là như thế. Tất cả chỉ có thế.
Mùa Giáng Sinh, ông Gioan nhắc nhở chúng ta nên “biết thân, biết phận” bằng cách sửa cho ngay thẳng nhữngsự bất khuất trong tâm hồn chúng ta để rồi được xứng đáng rước Chúa Hài Nhi vào lòng.Nếu không thì chúng ta xứng đáng với lời “mắng” của ông Gioan: “nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết”. Là Kitôhữu, ta là người đã biết được và nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Lời Chúa và các Bí Tích.Và ta được mời gọi hãy rao giảng Tin Mừng này bằng đời sống của chúng ta.
Huệ Minh