Hôm nay mình đi Cà Mau. Nhà cha Quản hạt có nhiều khách Sàigòn. Vui anh, vui em và vui miệng. Mười Râu kể chuyện :
“Râu đi kẻ liệt cho một bà già bỏ sáu mươi mùa Phục sinh. Đi từ chiều mà mãi tới nửa đêm mới đến nơi. Râu không mang Mình Thánh Chúa, nên chỉ ngồi tòa, xức dầu rồi sập mùng ngủ liền. Bỗng có người đánh thức. Râu mở mắt ra thì thấy một họng súng đen ngòm đang chĩa vào Râu. Râu lạnh toát xương sống.
– Ông cha ơi, dậy nhậu với tôi một chầu.
– Một chút thôi nghen !
Râu uống hai cốc. Kiếm cớ đi đường xa mệt mỏi, nên lại chui vô mùng ngủ tiếp. Sáng hôm sau khi thức giấc, thấy trong mùng mình có thêm một người nữa, ngào ngạt mùi rượu…
Râu kê bàn làm lễ. Đang làm lễ thì một người đàn ông lẳng lặng đặt trên bàn thờ một ly nước lạnh. Râu bỡ ngỡ hỏi :
– Chi vậy ?
– Để ông cha chữa lửa.
– ? !!!
Thương quá là thương ! Vô tình nhưng không vô tâm. Mười Râu cho biết người đàn ông gí súng mời Mười Râu dậy nhậu, rồi chui vô mùng ngủ chung với Mười Râu, rồi cho Râu một ly nước chữa lửa chính là đứa con của bà Tư 60 năm lạc đạo. Anh không có đạo nhưng rất mừng khi mẹ được ông cha đến cử hành thánh lễ. Anh cám ơn Mười Râu và ước mong có một thánh lễ như thế nữa, để anh mời chánh quyền địa phương đến tham dự… Đạo đời sẽ hiểu nhau hơn, anh bảo thế.”
Cái Rắn, ngày… 1998.
Chưa kịp ăn sáng thì có người ở Phú Tân lên.
– Thưa cha, má con mới mất. Xin Cha xuống làm lễ an táng cho má con.
– Là ai vậy nhỉ ?
– Má con là bà Tám Sét, má của Út Hiền, Lành.
– À biết rồi. Cha Mười đâu ?
– Cha Mười đi thành phố.
– Ăn xôi với tôi rồi ta cùng đi.
Người bán xôi vắt cho mỗi người một vắt. Ai nấy ăn vội vã như người Do Thái ăn bữa Vượt Qua ở Ai Cập. Vỏ lãi nhỏ, gắn máy Honda 11 ngựa(?), lướt ào ào như gió. Sau hai tiếng rưỡi ngồi xếp bằng trên chiếu, mình bước lảo đảo đi vào nhà tang, đến thẳng giường người chết. Út Lành, một cô gái lớn cồ cồ ôm cứng lấy mình. Mếu máo. Nhệu nhạo :
– Cha ơi, cha làm phép lạ cho mẹ con sống lại đi cha ơi !
– Thôi đi… để cha thắp nhang cho mẹ con.
Mình nâng cao cây nhang trước trán, nhác thấy anh chàng cameraman chạy tới. Hú hồn ! Nếu hắn đến sớm hơn một chút nữa, thì mình đã nằm gọn trong vòng tay của Út Lành cho tới muôn đời muôn kiếp. Cái may và cái rủi ở trên đời này đôi khi chỉ cách nhau một ly tấc, một khoảnh khắc ngắn ngủi. Hôm nay mình đã gặp được cái may ấy… .
Út Lành ngoan ngoãn buông mình ra làm mình liên tưởng đến buổi hừng đông hôm ấy. Chị Maria Mácđala đang ngồi khóc tỉ ti, bỗng nhào về phía trước ôm choàng lấy chân Chúa, thảng thốt kêu lên : “Rắpbôni !” Còn Chúa thì nhắc chị một cách khéo léo : “Thôi đi… Hãy đi gặp các anh em của Thầy…” Nếu ở đấy có một cameraman rình rập, thì Thầy của mình có thái độ nào ? Mình thành thật muốn biết điều ấy và chờ mong một ơn soi sáng.
Tắc Sậy, ngày 28-6-1997
Các dì phước đi thực tế về. Mừng rỡ đón nhau như đón mẹ về chợ. Cười toe toét. Nói tía lia. Hồn nhiên như thiên thần. Họ có trăm chuyện để nói, trăm chuyện để nghe. Họ trao cho nhau những kinh nghiệm quý như gia bảo. Họ kể cho nhau những mẩu chuyện buồn cười đến bể bụng :
1- Có một con chuột tò mò chui vào mùng bà phước. Bà phước sợ chuột kêu á.. á. Chuột sợ bà phước kêu chít.. chít. Hai bên sợ nhau cùng nhảy tưng tưng trong mùng… Mình nói thầm trong bụng : “Ai biểu ở dơ làm chi ?”. Nhưng công bằng mà nói thì tại hầu hết vùng nông thôn trong tỉnh Cà Mau đều khan hiếm nước ngọt và nước sạch. Ở dơ là tế nhị đối với tha nhân, là nhường “sạch sẽ” cho người khác.
2- Cha Mười từ dưới xuồng bước lên. Bà phước chạy ra đón. Mừng quá, vì sắp có thánh lễ. Đói Thánh Thể quá rồi mà. Cha Mười tỏ vẻ không vui. Bồn chồn. Ray rứt.
– Ma-xơ ơi, tivi ở đâu ?
Bà phước đơn sơ như thiên thần, dẫn cha Mười đi bọc ra phía sau, chỉ tay vào căn buồng kín mít :
– Tivi ở trong đó, cha.
– Tôi muốn hỏi cái tivi ấy kia…
Bà phước ớ ra. Cha Mười phải giải thích một hơi bà mới hiểu. Thì ra, ở nông thôn miền sông Cửu Long người ta ngồi trong ấy (?), (chỉ thấy bán thân) giống như xướng ngôn viên trên màn ảnh truyền hình.
3- Có một bà phước đã đi thực tế một lần. Bà cảm nghiệm được nỗi ray rứt của các “thánh đồng trinh” trong những căn nhà tắm sơ sài của bà con nông thôn : vách lá chỉ che tới vai; cửa nhà tắm chỉ là tấm cao su ỡm ờ; mái che là một khung trời vô tận. Con chuồn chuồn vô tình bay qua, rồi cố tình đậu lại trên vách…Nhột chết được !
Ma-xơ vắt óc để sáng chế ra một phòng tắm bỏ túi. Kín đáo và gọn nhẹ, đó là mục tiêu. Vật tư là những mảnh cao su mỏng, nhưng tối như mực. Khung sườn thì kiếm tại chỗ. Tre, trúc, tầm vông, chỗ nào cũng có… Lý luận sáng suốt, bàn tay khéo léo, ma-xơ hoàn thành tác phẩm một cách mau lẹ. Bà bí mật nhét tác phẩm vào túi xách, hí hửng đi thực tế. Đến nơi bà đem ngay buồng tắm bỏ túi ra trình làng. Căn buồng tắm xinh đẹp đứng giữa vườn chuối. Bà con tấm tắc khen ngợi. Ma-xơ đỏ mặt sung sướng, sướng hơn ông Edison đứng ngắm bóng đèn rực sáng. Ma-xơ đích thân “cắt băng khánh thành”. Không gian ba chiều kín như bưng.
Bỗng có một con heo ngu xuẩn bị chó rượt, chạy thục mạng và chui tọt vào nhà tắm. Nhà tắm rung rinh. Sắp đổ.
– Chúa ơi !
– Ôộc … Ôộc
Cái Rắn, ngày 27-2-1999
Hôm kia, hai dì phước của tổ ấm Nhật Hồng xuống Cái Rắn để dự lễ rửa tội của em Tâm khiếm thị. Hôm qua vì thương em Tâm mù, hai dì lặn lội đưa em về tận Bến Bọng. Có dì Út Lệ cùng đi. Trưa hôm nay dì Út về, kể chuyện Bến Bọng cho cả nhà cùng nghe :
“Nhà cầu gì mà thấp tè tè. Phía đằng trước chỉ cao bằng này này. Ai mà dám vào ? Bà ngoại cứ lắc đầu lia lịa. Con xúi bà :
– Làm đại đi bà ngoại. Hoặc ra tuốt đằng sau vườn…
– Không dám đâu.
– Thì chịu chết sao ?
Bà ngoại đã 83 tuổi đời, đã từng bôn ba hết ba miền đất nước, đã từng lãnh nhiều trách nhiệm quan trọng, vậy mà đành lắc đầu thất vọng.
Ngôi Lời đã làm người và trở nên mọi sự như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Con người Ngôi Lời sai đi, thì sẵn sàng sống như người địa phương : ăn như, ở như, yếu đuối như, đôi khi tội lỗi như, nhưng nhất định không chịu “ấy” như. Dễ đấy mà cũng khó đấy, khó vô cùng. Chính mình đã nhiều lần phải thốt lên : “Thà chết còn hơn”. Hội nhập văn hóa ơi, đến bao giờ ?!… .
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo