Nhớ về cha giáo Phaolô Lê Tấn Thành

Buồn vì Hội thánh VN, Tổng Giáo phận Saigon mất đi một linh mục tài đức vẹn toàn. Thương nhớ vì biết bao nhiêu thế hệ học trò gồm rất nhiều linh mục, cựu chủng sinh sẽ không còn được trông thấy ngài, gặp ngài và trao đổi tâm tình với ngài nữa.

Sau tin ngài qua đời, tác giả Thiên Lý đã viết ngay một bài tựa đề “Một đời gắn bó với chủng viện” để chia sẻ một vài thông tin về cha giáo đáng kính này. Rồi trên trang web tgpsaigon.net sáng nay thứ hai 8-10 cũng có bản tin về “Lễ phát tang Linh mục Phaolô Lê Tấn Thành – nguyên Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn” trong đó có nhắc đến bài giảng của LM I. Hồ Văn Xuân, Tổng Đại diện Saigon. Bản tin trên cho biết, chia sẻ trong Thánh lễ, bằng những câu chuyện thật cảm động về cha cố bề trên Phaolô, linh mục Tổng Đại diện Inhaxiô đã nêu bật sự uyên bác, khiêm tốnkhôn ngoan của một vị tôn sư đáng kính đang nằm giữa ngôi Thánh đường cổ kính này (nhà nguyện TCV Sg xưa).


Về cha giáo Phaolô, tôi cũng như các bạn cùng lớp, có khá nhiều kỷ niệm với ngài, nhất là luôn mang trong tâm trí những cảm nhận không thể nào quên về một vị “Tôn sư đáng kính” này.

Chúng tôi được học với ngài năm cuối ở Tiểu Chủng viện Saigon, môn tâm lý học lớp đệ nhất. Rồi sang Đại Chủng viện cũng được thụ giáo ngài trong hai năm triết. Thời gian chỉ có ba năm làm học trò, nhưng thực sự chúng tôi đã có nhiều cảm nhận về ngài. Tôi xin phép được mượn ý của linh mục TĐD Inhaxiô, để nói về ngài như một lời tri ân và vĩnh biệt vị thầy đáng kính. Đó là nơi ngài, chúng tôi nhận ra đó là một nhà giáo khiêm tốn, uyên bác và đầy khôn ngoan.

Cha giáo khiêm tốn. Tất cả học trò của ngài đều khẳng định là cha giáo Phaolô là một vị linh mục khiêm tốn. Ngài khiêm tốn trong cách nói năng, đi đứng và giao tiếp với người khác. Đức tính khiêm tốn nơi ngài được bộc lộ ra trong hai cách rõ ràng nhất: nói ít và cười ít. Có lẽ qua hai biểu hiện này mà nhiều người “sợ” ngài, cảm thấy ngài là người khó gần, khó tiếp xúc. Thực sự, các học trò của ngài ai cũng “sợ” ngài. Nhưng “sợ” mà vẫn kính, vẫn yêu, vẫn ngưỡng mộ… Trong giờ lớp ngài, mọi người không ai bảo ai, tất cả đều “nghiêm túc” bởi cha giáo lúc nào cũng say sưa dẫn đường cho học trò chìm vào những ý tưởng cao sâu, mới lạ và không kém phần hấp dẫn.

Cha giáo Phaolô khiêm tốn, nhưng ngài không đóng khung, xa rời mọi người. Nhiều học trò khi tiếp xúc trực tiếp với ngài thì mới thấy ngài dễ thương, dễ gần và dễ cảm thông. Vẻ khô khan của ngài có thể làm cho nhiều người xa cách ngài, nhưng đó chỉ là bề ngoài của một tính cách. Trong thâm tâm, ngài là một linh mục có tấm lòng bao dung và vị tha. Ngài đã từng sửa chữa xe gắn máy cho các thầy, đã từng chỉnh sửa đồng hồ hư cho những ai có nhu cầu, đã từng hướng dẫn cách chọn sách và đọc sách vv…

Nhiều người nhận xét, cha giáo Phaolô có đức khiêm tốn của một linh mục thánh thiện và còn có sự thông thái của một triết gia.

Cha giáo uyên bác. Khi chưa được học ngài, chúng tôi đã nghe “tiếng tăm” về ngài. Một cha giáo thông thái và uyên thâm. Khi được thụ giáo trực tiếp với ngài, quả thực chúng tôi đã bị mê hoặc bởi sự uyên bác của ngài, nhất là trong lãnh vực triết học. Mặc dù ngài có vẻ khô khan trong giao tiếp ứng xử bên ngoài, nhưng trên bục giảng ngài tỏ ra thật lôi cuốn. Kiến thức của ngài lúc nào cũng phong phú, mênh mông. Không phải chỉ những kiến thức trong lĩnh vực ngài giảng dạy, nhưng cả trong những hiểu biết về xã hội, văn hóa, nghệ thuật…

Khi giảng bài, cha giáo ít khi dùng phấn và bảng, và lời giảng của ngài thường cô đọng, không lan man. Một vài học trò nhận xét “cua” (giáo trình) của ngài khô khan, khó hiểu. Nhưng thực chất khi giảng, ngài đã quảng diễn vấn đề rất sâu và cũng rất xa. Sự hấp dẫn của ngài không phải là tài hùng biện, mà là sự uyên bác và thâm sâu của một triết gia. Bài giảng của ngài thường có tính gợi mở, dẫn dắt hơn là bắt học viên “học thuộc lòng”.

Cha giáo Phaolô là một con người của tư tưởng. Ngài không viết sách, nhưng những bài giảng của ngài là những kho kiến thức mênh mông được ngài truyền đạt một cách mới mẻ và sáng tạo. Nhiều thế hệ học trò của ngài đã học được nơi ngài khả năng suy tư triết học một cách sâu sắc và kỹ năng vận dụng tư duy hiệu quả trong cuộc sống và trong mục vụ.

Cha giáo Phaolô còn là một nhà giáo dục khôn ngoan và cẩn trọng.

Cha giáo khôn ngoan. Trong công việc giảng dạy và hướng dẫn chủng sinh, ngài luôn được coi là một cha giáo cần mẫn và cẩn trọng. Có thể nói ngài đã trải qua cả cuộc đời linh mục với vai trò thầy dạy hơn là cha xứ. Tác giả Thiên Lý đã viết về ngài như sau: “…45 năm gắn bó với chủng viện (nghỉ hưu năm 2005), cha Thành ôm ấp không ít suy tư cho công việc đào tạo linh mục. Trong những câu nói, hoặc cái nhíu mày nghĩ ngợi của ngài, chúng tôi đều đọc thấy từng trở trăn cho việc giáo dục, giảng dạy. Cha tâm niệm: ‘Dạy kiến thức chỉ là một phần. Phần khác là phải làm sao cho các thầy nắm bắt, quan tâm vấn đề xã hội, để khi ra ngoài có thể làm những công việc mưu ích cho bà con giáo dân’. Từng đi du học, cha nhận ra điều khác biệt trong lối dạy của phương Tây so với Việt Nam chính là ở phương cách để cho người học có thể chủ động. Chính vì thế, mỗi khi gởi các chủng sinh, các linh mục trẻ sang nước ngoài du học, cha đều khuyên nhắc họ cố gắng nắm bắt cách thức này. Bên cạnh đó, ngài còn yêu cầu các chủng sinh, linh mục trẻ chú trọng vào học ngoại ngữ, không chỉ văn viết mà cả văn nói, thông qua việc trao đổi, trò chuyện thường xuyên với người bản địa.” (Nguồn FB).

Sự khôn ngoan của ngài không chỉ là sự dè dặt thường tình của một nhà giáo dục, mà đó là một sự cân nhắc kỹ lưỡng của một nhà giáo thông thái.

Tác giả Thiên Lý kể lại, “Tuy ít bày tỏ tình cảm nhưng bằng cách riêng của mình, ‘cây Poọc-phia’ (là biệt danh học trò đặt cho ngài – NV) luôn hết lòng nâng đỡ, đồng hành với các thầy trong hành trình đi theo ơn gọi. Sau mỗi bữa cơm trưa hoặc chiều, các cha giáo trong chủng viện thường cùng chủng sinh bách bộ nhưng ít khi nào thấy bóng dáng của cha Thành đi cùng học trò. Cũng có vài chủng sinh thắc mắc với cha: ‘Sao cha không cùng đi với tụi con cho vui?’ thì cha chỉ im lặng cười. Nhớ lại kỷ niệm đã qua ấy, cha giải thích: ‘Có biết tại sao tôi không đi với các thầy không? Là vì tôi nhận nhiệm vụ cuối năm bỏ phiếu, xem coi chủng sinh đó có thể tiếp tục hay không. Nếu tôi cứ đi cùng như vậy thì các thầy sẽ không thoải mái và tự nhiên bộc lộ. Tôi muốn để các thầy nhìn thấy rõ con đường mình đang chọn chứ không bị bất cứ một điều gì chi phối’.”… Sự khôn ngoan của ngài là như vậy đó!

Trong tâm tình nhớ về một người thầy đáng kính đã ra đi, chúng ta xin tri ân công lao của cha giáo Phaolô và xin ngài tiếp tục cầu nguyện cho tất cả những học trò đã chịu ơn ngài dạy dỗ, huấn luyện. Mong cha yên nghỉ trong Chúa.

Aug. Trần Cao Khải
(Cựu chủng sinh CV thánh Giuse Saigon)

Exit mobile version