Nhiệm Vụ Của Tông Đồ An-rê Trong Các Sách Tin Mừng

Nhiều người cho rằng trong tất cả các tông đồ, An-rê là nhân vật bí ẩn và bị hiểu lầm nhất.

Nhiều người cho rằng trong tất cả các tông đồ, An-rê là nhân vật  bí ẩn và bị hiểu lầm nhất.  Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, An-rê, dù được xác định là anh của Simon Phê-rô, dường như đã bị đặt ở vị trí sau cặp anh em Gia-cô-bê và Gio-an, con của ông Dê-bê-đê. Ngay cả bà Dê-bê-đê cũng có một vai trò quan trọng hơn ông (Mt 20, 20-21; 27, 56). Để tìm hiểu những điều thú vị về An-rê, con của Jonah, ta phải nghiên cứu Tin Mừng Thứ Tư. Thế nhưng, có nhiều vấn để nảy sinh khi đọc Tin Mừng này, đặc biệt xung quanh việc tác giả hình như có ý định đề cao vai trò  của An-rê và như thế lại hạ thấp căn tính truyền thống và vai trò của Phê-rô, ít ra là trong một sự kiện quan trọng: gọi tên Chúa Giêsu là “Đức Kitô”.

Có lẽ một phần lý do chuyện mập mờ về An-rê là vì ông là người duy nhất được biết đến như là môn đệ của Gioan Tẩy Giả trong tất cả các tông đồ của Chúa Giêsu. Các mối quan hệ mơ hồ giữa các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của Chúa Giêsu có thể dùng để giải thích chuyện vai trò của An-rê bị hạ thấp trong các Tin Mừng Nhất Lãm nhưng lại được nâng cấp trong Tin Mừng Thứ Tư.

An-rê trong Tin Mừng Nhất Lãm

An-rê được nhắc đến bảy lần trong ba Tin Mừng đầu tiên (Mc 1, 16, 29; 03, 18; 13, 3; Mt 1, 18; 10, 2; Lc 6, 14). Nơi duy nhất mà cả ba Tin Mừng cùng ghi tên An-rê là trong danh sách các tông đồ (Mc 3,14-19; Mt 10: 2-4; Luke 6,13-16). Tuy nhiên, trong Tin Mừng Mác-cô (3,18) và Lu-ca (6,14) tên của An-rê không nằm sau tên Si-môn Phê-rô, như trong Tin Mừng Mát-thêu (10, 2). Thay vào đó, tên Gia-cô-bê và Gio-an lại đứng trước tên ông (Mc 3, 18; Lc 6, 14). Cũng trong Tin Mừng Mác-cô, nơi đoạn kể về những người cùng ngồi với Chúa Giê-su trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ khi Chúa Giêsu báo trước sự tàn phá của nó (Mc 13, 1-2), lại một lần nữa tên bốn người đó được liệt kê như sau: “Phê-rô, Giacôbê, Gioan, và An-rê “(Mc 13, 3). An-rê, anh trai của Simon Phê-rô, được kể sau anh em nhà Dê-bê-đê.

Tin Mừng Lu-ca đề cập đến An-rê chỉ một lần (Luca 6: 14), sác Công Vụ Tông Đồ cũng thế. Khi kể tên những người ở Lầu Trên dịp lễ Ngũ Tuần, tương tự như trong Tin Mừng Luca, tác giả Công Vụ Tông Đồ cũng đặt tên An-rê ở vị trí như sau: “Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê” (Cv 1, 13).

Câu Mc 1,29 cho chúng ta biết rằng Simon và An-rê ở chung nhà, nhưng trong khi Tin Mừng Lu-ca viết về Gia-cô-bê và Gio-an như “bạn chài với ông Si-môn” (Lc 5, 8-9), thì chẳng có Tin Mừng nào đề cập đến chuyện An-rê làm nghề hay thuộc một gia đình chài lưới. Tuy nhiên, vì Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu đề cập đến việc Chúa Giêsu kêu gọi Phê-rô trước rồi đến An-rê khi họ đang ở trên thuyền của họ, ta có thể giả định rằng ông Giô-na, người cha của Phê-rô và An-rê, đã chết hoặc là ông ta không thể quán xuyến cái nghề chài lưới của gia đình được nữa; ông Giô-na không như cha của Gia-cô-bê và Gio-an, (người đã có mặt với hai con trên chiếc thuyền của gia đình).

Chúng ta có thể thấy rõ việc An-rê là “người ngoài cuộc” trong ba trình thuật được kể trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm,  tên các tông đồ được nêu trong chuyện gồm Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an, nhưng không có tên An-rê. Ba trình thuật đó là: chữa bệnh của các con gái của Gia-ia, trưởng hội đường (Mc 5, 37; Lc 8, 51); biến hình (Mc 9, 2;  17, 1; Lc 9, 28); và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 34; Mt 26,37). Cuối cùng, theo Tin Mừng Luca, Chúa chỉ sai Phê-rô và Gio-an (không có tên An-rê và Gia-cô-bê) chuẩn bị cho bữa ăn lễ Vượt Qua (Lc 22, 8; Mc 14, 13).

Từ những điều vừa đề cập, chúng ta có thể nói rằng, dù có một ưu đãi đối với An-rê, khi Chúa Giêsu gọi Phê-rô và Anrê trước (Mc 1, 16-17; Mt 4, 18-19), nhìn tổng thể, các Tin Mừng Nhất Lãm đã đặt tên Gia-cô-bê và Gio-an trước tên An-rê, Thật vậy, khi Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc Chúa kêu gọi các môn đệ, tên An-rê thậm chí không được nhắc tới trong tên những môn đệ được gọi  (Lc 5, 1-11). Rõ ràng, có chuyện gì đó đã xảy ra khiến An-rê trở thành một môn đệ hạng hai, đặc biệt trong mắt của Mác-cô và Lu-ca. Thực ra đây không phải là trường hợp với Mát-thêu và điều đó có thể giúp chúng ta hiểu tại sao.

An-rê trong Tin Mừng Thứ Tư

Tên An-rê được nhắc đến trong Tin Mừng Thứ Tư nhiều hơn bất cứ các Tin Mừng khác (Ga 1, 40, 44; 6, 8; 12,22 [2X]); thêm vào đó,  có một chỗ mô tả Bethsaida là “thành phố của An-rê và Phê-rô” (Ga 1:44).  Dù cho số lần tên “An-rê” được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan vượt trội hơn các Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng Thứ Tư cho An-rê một vai trò hoàn toàn khác, không tìm thấy nơi các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Hơn nữa, nếu vị trí của An-rê có vẻ như bị chuyển xuống sau cặp anh em Gia-cô-bê và Gio-an trong Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca, thì chuyện đó sẽ khác hẳn trong Tin Mừng Thứ Tư. Trong Tin Mừng này, chính An-rê mời em mình là Si-môn làm môn đệ Chúa, và rồi còn quan trọng hơn thế nữa, không phải Phê-rô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng chính An-rê đã loan báo điều này cho em mình là Si-môn. Chúng ta hãy đọc lại bản văn đó, như sau:

Sau khi ông Gio-an Tẩy Giả (đang đứng với hai môn đệ) công bố lần hai tên Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 29; 36)

Hai môn đệ này nghe ông nói thế… liền đi theo Đức Giê-su. Khi Đức Giê-su quay lại và thấy họ đi theo, Ngài nói với họ, ” Các anh tìm gì thế?” Họ nói với ông: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? Ngài nói với họ: ” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô). (Ga 1, 37-42).

Tiếp theo khuynh hướng của Tin Mừng Thứ Tư giảm nhẹ vai trò của Phê-rô (và đặc biệt tạo sự tương phản với các đoạn văn nhấn mạnh đến sự độc đáo của Phê-rô trong Tin Mừng Mát-thêu (ví dụ, Mt 14, 28-31; 16, 17-19), tác giả của Tin Mừng Thứ Tư dường như đã cố gắng nêu tên An-rê trước Phê-rô ở một vài chỗ. Chúng ta nghe kể rằng: “Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô”, (Ga 1:44) Trong tường thuật nơi chương 6 của Tin Mừng Gio-an về phép lạ hóa bánh ra nhiều, chúng ta được biết rằng: ” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “(Ga 6, 8). Và, có lẽ với một chút xem thường Phê-rô, (người được biết là bị một số kẻ ngoại Hy Lạp trong số những người Do Thái cải đạo thách thức), Tin Mừng Gioan kể cho chúng ta nghe rằng chính Phi-líp và An-rê thưa với Chúa Giêsu rằng có” người Hy Lạp “muốn tìm gặp Chúa”: ” Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.”(Ga 12, 20-22).

Nhưng rồi chúng ta lại thấy xuất hiện một sự đảo ngược, và thứ tự các tên lại được xếp đặt như trong Tin Mừng Nhất lãm, tên An-rê  đứng sau Phê-rô, Giacôbê và Gioan (ít ra là trong Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca), thật vậy, chúng ta không thấy tên An-rê nơi đoạn kết thứ hai của Tin Mừng Gioan, nơi mà tên Phê-rô và “các con trai của  Dê-bê-đê ” đã được nhắc đến cùng với tên của các môn đệ khác. Nhìn thoáng qua, chúng ta có thể nói ở đây tác giả đã xử dụng một bản tường thuật có xu hướng thiên về truyền thống xem nhẹ An-rê. Chỗ được đề cập tới Biển Hồ Ti-bê-ri-a, nơi Chúa Giêsu “đã tỏ mình ra”: ” Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. “(Ga 21: 2). Có lẽ vì Chương 21 được thêm vào từ nguồn Ngoài Gio-an để phục hồi” và hòa giải” Phê-rô với Chúa Giêsu, qua đó, chúng ta đoán biết là có một sự đôi co / tranh luận giữa một bên là Tin Mừng Nhất Lãm (hay ít ra là  hai Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca) có khuynh hướng hạ thấp An-rê và một bên là Tin Mừng Gio-an với khuynh hướng đề cao An-rê.

Kết luận

Tại sao lại có sự khác biệt rõ ràng này? Các Tin Mừng Nhất Lãm cho là, vì Chúa Giêsu đã nhận phép rửa của Gioan, nên Ngài là một môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mc 1, 9-11;  Matt 3, 3-17; Lc 3, 21-22). Và chỉ trong Tin Mừng Thứ Tư, chúng ta mới được biết là An-rê là một môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng Thứ Tư  cũng ngụ ý rằng vì Chúa Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, nên việc này đã khiến Ngài trở nên một môn đệ của Gio-an (xem Ga 1, 32-33). Phải chăng có điều gì đó đặc biệt trong mối liên kết của họ với Gio-an Tẩy Giả như là những cựu môn đệ và tạo nên một mối quan hệ có một không hai giữa Chúa Giêsu và An-rê? Phải chăng điều này khơi dậy một sự ghen tuông nào đó được thể hiện trong ý đồ hạ thấp vai trò của An-rê mà chúng ta tìm thấy nơi Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca? Phải chăng cái vị thế đặc biệt của An-rê trong mối liên hệ với Chúa Giêsu vì cả hai cùng là môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đã khiến Mác-cô và Lu-ca cố gắng “đặt An-rê vào đúng vị trí của ông ta”? Chúng ta có chứng cớ để nói rằng hình như đã có một sự căng thẳng giữa các nhóm người cải đạo, những người xưa đã từng là đệ tử của Gio-an Tẩy Giả, những người vẫn còn là đệ tử của Gio-an Tẩy Giả, và những người không bao giờ là môn đệ của Gio-an Tẩy Giả. Trong ý nghĩa này, Raymond Brown viết: ” ‘bằng chứng hạn chế’ về mối liên hệ giữa các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả và các môn đệ của Chúa Giêsu cho phép chúng ta suy đoán rằng đã có tranh chấp giữa một bên là cộng đoàn theo thánh sử Gio-an và một bên là những môn đệ của Gio-an Tẩy Giả. (Raymond E. Brown, The Community of the Beloved Disciple: The Life, Loves, and Hates of an Individual Church in New Testament Times) [New York, et al.: Paulist Press, 1979].

Tin Mừng Thứ Tư rõ ràng đối xử với Phê-rô cách khác hẳn, không như cách chúng ta thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là Tin Mừng Mát-thêu (Tin Mừng này có khuynh hướng đề cao Phê-rô vượt hơn cả điều mà Mát-thêu tìm được từ các nguồn mà Mác-cô và Lu-ca cùng xử dụng). Sự khác biệt nơi Tin Mừng Gio-an là cách dùng “Nhóm Mười Hai” thay cho “các môn đệ”.  Cha Raymond E. Brown viết rằng “Thánh Sử Gioan muốn biểu tượng hóa nhóm đặc biệt của các Kitô hữu với hình tượng của Phê-rô và Nhóm Mười Hai” (Ga 6, 60-69) và bởi vì sự tương phản có chủ ý và kiên định giữa Phê-rô và người Môn Đệ Được Sủng Ái, cũng là người hùng của cộng đoàn Gio-an”, người được nhắc đến trong năm hay sáu đoạn Tin Mừng …. và điều này rõ ràng tương phản với Phê-rô.” Cha Brown lý luận rằng “khi đem người anh hùng của họ đối nghịch với người nổi nhất trong Nhóm Mười Hai, một cách biểu tượng cộng đoàn của thánh sử Gio-an (1) đang tự mình đối nghịch với các giáo hội kính trọng Phê-rô và Nhóm Mười Hai – còn gọi là các Giáo Hội Tông Đồ, và cũng được các học giả đặt tên là ‘Giáo Hội Cả’” (Community of the  Beloved Disciple, 82-83).

Như đã biết Tin Mừng Thứ Tư giảm nhẹ vai trò của Phê-rô (ít ra là so với Tin Mừng Mát-thêu), chúng ta có thể suy đoán về lý do mà An-rê, chứ không phải là Phê-rô (Mc 8,29; Mt 16,16; Lc 19,20) là người đã nhận ra Đức Giê-su là  Đấng Ki-tô (Ga 1, 41). Thật vậy, An-rê không chỉ nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a, nhưng chính ông đã nói cho Phê-rô biết thông tin đó. Chuyện này cho thấy ý đồ của thánh sử Gio-an muốn đánh đổ truyền thống cho rằng Phê-rô là người đầu tiên đã gọi Đức Giêsu là Đấng Ki-tô.

Với lập luận trên, Cha Brown nhận định rằng: trái ngược với trình thuật thời thơ ấu trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca, Lời Tựa của Tin Mừng Gio-an làm nổi bật sự tiền hữu (2) của Chúa Giê-su với câu Ngôi Lời đã trở nên người phàm (Ga 1, 1-18). Và “Kitô học, nền tảng cho niềm tin của các Kitô hữu thời các tông đồ chưa có ý niệm đầy đủ về sự tiền hiện hữu của Chúa Giê-su và nguồn gốc từ trên cao của Ngài.” Trong khi hai Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca thừa nhận việc Chúa được sinh ra mà không cần một người cha trần thế, cả hai Tin Mừng này không chứa đựng một “thượng Kitô học” với những chỉ dấu về sự tiền hữu (Community of the Beloved Children). Từ cách nhìn đó, chúng ta có thêm một dấu chỉ về sự khác biệt trong vai trò của An-rê nơi Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Thứ Tư.  Phải chăng chúng ta có thể tìm được lời giải thích cho sự khác biệt đó bằng cách đọc kỹ phần cuối đoạn 1 của Tin Mừng Gio-an?  Thật vậy, ngay sau khi Chúa mời gọi An-rê “ở lại” với mình (để trở nên một môn đệ Chúa cùng với một đồ đệ khác của Gio-an Tẩy Giả), và An-rê đã giới thiệu Chúa Giê-su là “Đấng Mê-si-a” cho Si-mon, người được Chúa đặt tên là Phê-rô (Ga 1. 42), chúng ta nghe được cuộc tranh luận của Na-tha-na-en về nguồn gốc của Chúa (Ga 1, 43-51)? Ở đoạn văn đó, sự tiền hữu của Chúa Giêsu được diễn đạt một cách thân mật với việc Ngài được gọi tên là Con Thiên Chúa và Con Người, thêm vào những danh hiệu khác đã có trước.

The Bible Today
————————————-
Chú thích:

1/ Cộng Đoàn Thánh Sử Gioan là một mạng lưới các giáo hội ở vùng Tiểu Á, gồm những tín hữu di cư từ Palestine tới đó sau biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá năm 70. Có giả thuyết cho rằng bốn bản văn Tân Ước gồm Tin Mừng Gio-an và ba thư của Gio-an có gốc gác từ cộng đoàn này, khi các thành viên của cộng đoàn có những tranh luận tôn giáo với những người Do Thái gốc Giu-đê-a, bao gồm cả những môn đệ của thánh Gio-an Tẩy Giả.

2/ Tiền hữu –từ thần học. Pre-existence:  Tiên tồn, tồn tại từ trước, tính tiên tồn, tồn tại tiên nghiệm, tiền hữu, tiền thế [như Phúc âm Gioan, Ngôi Lời trước khi nhập thể, thì đã có từ nguyên thủy; hay như quan niệm linh hồn đã có từ đời đời] (Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh Việt, VietMissio 1996).
Đọc số 444 của Giáo Lý Công Giáo – năm 1992  (536, 554). Vào hai thời điểm quan trọng, Phép Rửa và Hiển Dung của Đức Ki-tô, các sách Tin Mừng ghi lại tiếng Chúa Cha gọi Đức Giê-su là “Con yêu dấu” ( x.Mt.3,17; 17,5) của Người. Chính Đức Giê-su cũng tự xưng là “Con Một của Thiên Chúa” (Ga 3,l6) và qua danh hiệu đó, xác nhận mình tiền hữu từ muôn thuở ( x.Ga l0,36). Người đòi phải tin vào “danh Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,l8). Lời tuyên xưng này của Ki-tô giáo đã xuất hiện ngay từ trong tiếng kêu của viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su trên Thập Giá : “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mc l5,39). Chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh, người tín hữu mới hiểu được đầy đủ danh hiệu “Con Thiên Chúa”.

(Lm. Michael H. Crosby, OFMCap

Lucas Khổng Kim Quang dịch và chú thích

Exit mobile version