Nhà thờ

nhatkytruyengiao - Nhà thờ

Hôm nay mình đọc một hơi hết cuốn “Ví dụ ta yêu nhau” của Đoàn Thạch Biền. Tác giả có nhắc đến một ngôi thánh đường, ngôi thánh đường tiều tụy của người di cư 54. Mình sực nhớ đến một ngôi thánh đường khác được mô tả do Ma Văn Kháng trong cuốn “Đám cưới không có giấy hôn thú” .

Hai nhà thờ y hệt nhau : tiều tụy, rách nát. Hai lớp tín đồ giống hệt nhau: nhếch nhác, u buồn. Đứng trước hai ngôi thánh đường rách nát với những tín đồ nhếch nhác, cả hai tác giả đều nghĩ rằng tôn giáo phát xuất từ những con người cùng khốn, nhà thờ là chỗ để tín đồ đến “ăn mày lộc thánh” (sic). Ngay cái bộ đồ rách rưới của tín đồ và cái thái độ van xin của họ đã là “ăn mày” rồi.

Mình buồn vì tôn giáo bị đánh giá thấp như thế. Nhưng biết làm sao được, vì ngôi thánh đường, tín hiệu của tôn giáo đã không nói lên được ý nghĩa cao quý của tôn giáo. Nó tiều tụy quá. Nó rách rưới quá. Năm 1989 mình đi thăm một số họ đạo. Có một họ đạo kia, ngôi thánh đường nhỏ xíu, cột mốc thếch, sáu chân đèn trên bàn thờ đều tróc sơn loang lổ. Vài cành hoa huệ héo xông mùi hôi thối. Tượng các thánh được sơn phết vụng về : môi đỏ lòm và tèm lem… Mình nghĩ thầm, nếu mình chưa có đức tin, mình sẽ không bao giờ theo cái đạo của nhà thờ này.

Cái Rắn, ngày 16-11-1995

Sáng nay mình đi dự lễ “Khởi công xây cất nhà thờ Khánh Hưng” . Ba chiếc vỏ lãi tốc hành đề-pa từ bến nhà thờ Bảo Lộc, Cà Mau. Vỏ lãi gắn máy xe hơi, lao về phía trước, xé toạc dòng nước trong xanh, ngổ ngáo như bọn du côn xâm phạm vùng thánh địa. Chỉ trong vòng 150 phút chúng ngốn hết một lộ trình dài gần 50 cây số.

Khánh Hưng đây rồi ! Hình ảnh đầu tiên là hai ông trùm mặc đồng phục đẹp như hai chàng trai tiếp viên của một khách sạn nhiều sao. Kế đến là hai hàng rào danh dự. Trai gái Khánh Hưng hôm nay lột xác thành bầy bướm nhởn nhơ. Đầu đẹp, áo đẹp, quần đẹp… nhưng chân ngập trong sình. Trận mưa quái ác hôm qua đã biến khu vực nhà thờ thành bãi sình. Người ta đổ hàng trăm bao trấu lên sình, nhưng vẫn không cứu vớt được những đôi giày cườm lóng lánh. Người Sàigòn lắc đầu thất vọng.

Thánh lễ bắt đầu. Các linh mục đồng tế xếp hàng tiến vào cung thánh. Không vị nào chắp tay. Không vị nào nhìn về phía trước. Một tay vén áo. Một tay giữ thế cân bằng. Đôi chân cẩn trọng dò tìm mảnh ván nhỏ chìm ngập dưới sình… Nhà thờ mới chỉ là cái lán dựng tạm trên bãi sình lấy chỗ làm lễ cho có hình thức. Viên đá đầu tiên cũng được đặt trên một mô đất nhão như sình.

Lễ “Khởi công xây cất nhà thờ Khánh Hưng” chỉ có thế. Sình, sình và sình… Nó khởi công như thế đó. Không biết rồi nó sẽ kết thúc ra sao ?

Cái Rắn, ngày 3-12-1995

Trong bữa cơm tối mình hỏi bà phước :

– Tại sao hôm nay bàn thờ không có bông ?

– Hôm nay bắt đầu Mùa Vọng rồi.

– Ừ nhỉ. Nhưng thôi ! Hãy phá cái luật ấy đi. Nhà thờ mình đã tiều tụy rồi. Để cho nó tiều tụy hơn nữa là xúc phạm đến sự thánh thiêng.

Ngày về phục vụ họ đạo Cái Rắn mình có cảm nghĩ nhà thờ này chỉ là cái “chuồng thờ”. Mái lá, vách lá, song cửa sổ làm bằng cây róng… giống hệt cái chuồng trâu. Nhưng có một điều rất lạ là mình vẫn dâng lễ ở đây một cách sốt sắng. Nhà thờ nghèo nàn, nhưng không bệ rạc. Bà phước lau chùi từng cục gạch tàu. Bàn thờ lúc nào cũng có bông, bông tươi trong vườn các bà phước và học trò chăm chút tưới mỗi ngày nơi vùng đất khan hiếm nước ngọt này. Đói cho sạch, rách cho thơm là thế.

Mình chưa hề xấu hổ về cái chuồng thờ này. Nhưng mình vẫn mơ ước có được một ngôi nhà thờ khang trang mà không lộng lẫy, giản dị chứ không cầu kỳ. Người đạo đến đây sẽ thấy ấm lòng. Người ngoại đến đây sẽ không thất vọng.

Sơn Tây, … 1990

Sáng nay mình theo phái đoàn linh mục Minh Hải đi tham quan nhà thờ Phát Diệm, một công trình văn hóa của quốc gia. Người ta giới thiệu thật nhiều về công trình xây cất :

+ Một triệu cây tre làm cừ.

+ Hàng vạn giáo dân làm công tác một lúc.

+ Tảng đá lót phương đình nặng 20 tấn được lấy từ Thanh Hóa.

+ Linh mục Trần Lục là thiên tài kiến trúc, là công trình sư, là nhà tổ chức.

Hàng chục câu hỏi : làm thế nào để huy động được nhiều nhân lực như thế ? Làm thế nào để đưa được những tảng đá lớn như thế từ Thanh Hóa về Phát Diệm ? Làm thế nào để đưa được những tảng đá lớn lên cao như thế ?…

Mình lấy tay rờ lên từng cây cột gỗ lim, từng phiến đá cẩm thạch, từng nét khắc trên đá, trên gỗ… Chỗ nào mình cũng thấy khả năng tuyệt vời của cụ Sáu. Phát Diệm là cụ Sáu. Cụ Sáu là Phát Diệm. Khách du lịch đến đây chắc cũng chỉ thấy cụ Sáu và cụ Sáu.

Mình nghĩ đến những công trình văn hóa khác như nhà thờ thánh Phêrô ở Rôma. Khách du lịch đến đó để làm gì, nếu không phải là để chiêm ngắm tài nghệ của những nghệ sĩ thượng thặng cỡ Michel-Ange, Raphael…?

Mình tự hỏi : Người ta có nên đầu tư nhân lực, vật lực và tài lực lớn lao như thế để rồi chỉ đạt được một mục tiêu như thế nữa không ? Nhà thờ được xây cất để tôn vinh Chúa hay là để nghệ sĩ gửi gắm sự nghiệp của mình ?

Sàigòn, ngày 14-11-1995

Trưa nay mình ăn cơm ở căng-tin số 370 Cách mạng tháng

Tám. Một linh mục đàn anh hỏi mình :

– Anh đi Năm Căn được gần 25 năm rồi đấy. Vậy trong 25 năm qua anh xây được mấy cái nhà thờ ?

– Chòi thờ thì nhiều. Nhà thờ thì chưa. Hiện nay đang mơ ước có một nhà thờ nổi để đi tới đâu thì đem nhà thờ tới đó.

Ừ, thật thế. Mình cũng tự đặt câu hỏi : “Tại sao mình không tha thiết lắm với việc xây nhà thờ ?” . Có lẽ vì chưa có thời giờ để nghĩ đến nó chăng ? Nhưng cũng có thể vì Đức Giám mục của mình không muốn mình xây nhà thờ vật chất, mà chỉ lo xây dựng con người. Có lần mình ngỏ ý, muốn xây nhà thờ Cái Rắn, thì ngài tỏ thái độ lững lờ. Cuối cùng, ngài không bật đèn đỏ, không bật đèn xanh, mà bật đèn vàng :

– “Cái đó tùy cha !”

Thế thì rõ rồi : xây dựng con người trước đã.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version