Nhà thờ gần 300 tuổi cổ xưa nhất Sài Gòn

Chợ Quán được xây dựng năm 1720 và nhiều lần bị tàn phá do chiến tranh, loạn lạc.

Nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, quận 5) khi mới xây dựng có kiến ​​trúc đơn giản, chỉ gồm một nhà nguyện nhỏ và một bàn thờ bên trong. Trong vòng một thế kỷ, nhà thờ bị tàn phá do chiến tranh, loạn lạc phải xây lại nhiều lần. Đến năm 1882, trên nền đất cũ, cha Hamm quyết định cho xây nhà thờ mới khang trang, kiên cố và tồn tại đến bây giờ.

Nhà thờ mang kiến trúc Gothic, mái lợp ngói đỏ. Công trình này phải xây trong 14 năm mới xong cơ bản và tiếp tục được bổ sung sau này. Tổng diện tích khu đất nhà thờ khoảng 16.000 m2.

 

Mặt chính diện nhà thờ được thiết kế tinh xảo kiểu kiến trúc Gothic với các mái vòm nhọn kết nối liên tục. Phía trước cửa chính là khuôn viên rộng, trồng nhiều cây xanh.

Tháp chuông nhà thờ gồm ba tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng mái trên cùng với tổng cộng năm quả chuông. Những quả chuông được đặt đúc từ Pháp và vận chuyển về Việt Nam bằng tàu thủy. Để kéo chuông lên tháp, người ta sử dụng năm con voi.

Bên trong thánh đường rộng, sơn màu vàng nhạt với các mái vòm cong, những cột đá thẳng tắp thường thấy trong nhà thờ.

Mặt bên nhà thờ là dãy cửa sổ vòm, gờ chỉ chạm trổ theo lối cổ điển. Các cửa sổ không lắp tranh kính màu như nhiều nhà thờ khác mà chỉ lắp kính trắng. Nguyên nhân là những tranh kính màu cũ hư hỏng nhưng chưa tìm được người có khả năng phục chế như ban đầu.

Cung thánh trang trí đơn giản nhưng trang nghiêm với bức tượng Chúa trên cây thánh giá. Toàn bộ thánh đường được thiết kế cho 1.500 giáo dân dự lễ.

Gần cung thánh đặt mộ phần của cha Hamm, người xây dựng nhà thờ Chợ Quán như hiện nay.

Bên trong các gian, tường đều được bài trí nhiều tượng thánh đủ kích cỡ.

Nhà thờ đang được sửa chữa các hạng mục như cửa chính, mái vòm, hệ thống cột, sơn tường… nhưng vẫn làm lễ, đón khách tham quan. Việc trùng tu dự kiến hoàn thành trong tháng 8.

Trừ giờ lễ, du khách có thể vào nhà thờ Chợ Quán trong suốt cả tuần. Nhiều người dân trong vùng cũng hay đi dạo mát, tập thể dục trong khuôn viên nhà thờ do có nhiều cây xanh.

Exit mobile version