Nguồn gốc của Giáo hội

PHẦN I

NGUỒN GỐC GIÁO HỘI

“Chúa Giêsu Kitô đã sai gửi cho chúng ta các tông đồ rao giảng Tin Mừng, còn chính Chúa Giêsu Kitô thì do Chúa Cha được sai đến. Vậy, Ðức Kitô bởi Thiên Chúa và các tông đồ bởi Ðức Kitô. Hai cuộc sai đi này đã xẩy ra theo trật tự do ý Thiên Chúa. Ðã nhận mệnh lệnh, và qua sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô hòan tòan thuyết phục, rồi được Lời Thiên Chúa làm vững chắc, các ngài đầy Thánh Thần ra đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đã gần đến. Như thế, rao giảng Lời sang nhiều vùng đất và thành thị, các tông đồ, sau khi cân nhắc họ trong Thánh Thần, đã đặt những của đầu mùa làm giám mục và phó tế cho những người sẽ tin.” Clêmentê Rômanô († 101) Thư Thứ nhất, 41.1

CHƯƠNG 1

GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA ,Ep. 1, 3-14

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM

a. Ngày nay, trong khi khoa học kỹ thuật đang như muốn thay thế luôn cả thần học, thì các bộ môn học hỏi về “mầu nhiệm” lại càng tăng thêm nhiều hơn. [1] Nhận định M. J. Scheeben đưa ra trước kia, vẫn còn hợp thời cho ngày nay: “Nội dung giáo lý Kitô giáo sẽ không thể đánh động, lôi cuốn được chúng ta và làm cho chúng ta say mê đến như thế, nếu trong đó không có những mầu nhiệm.” Tâm lý con người là thế: chiếm hữu rồi mà lòng muốn vẫn chưa thỏa; đã đạt tới đích, nhưng kẻ chinh phục vẫn chưa chịu dừng chân; niềm hy vọng luôn luôn thúc đẩy con người tiến xa hơn. Trong cuộc sống, việc chiếm hữu được chân lý thường làm cho con người ra kiêu căng, lười biếng. Còn nhu cầu tìm tòi, hiểu biết thì thúc đẩy con người tiến lên, và giúp cho con người biết khiêm tốn, cởi mở nhiều hơn. Nếu là thế, thì có thể hiểu được tại sao mầu nhiệm lại thu hút con người đến như vậy. Quả thế, mầu nhiệm thì bao giờ cũng hướng tầm tìm hiểu về “bên kia” mọi thứ tri thức, mời gọi con người vươn lên mãi, và có sức tác động mạnh mẽ trên “con người tôn giáo” (homo religiosus); mà xét cho cùng, đó là bản chất của hết mọi con người.

b. Thần học ngày nay cũng đặc biệt lưu tâm đến mầu nhiệm Giáo hội. [2] Công đồng Vaticanô II đã nhắn nhủ là cần phải biết để ý đến các thực tại trần thế, đến những lắng lo của các dân tộc đang muốn tiến tới trên con đường phát triển, đến những ưu tư đối với mọi “thảm cảnh của nền văn minh” nhân loại, và cả đến mầu nhiệm Giáo hội nữa. Thật vậy, khi giới thiệu Giáo hội cho thế giới, công đồng đã muốn bắt đầu với việc tuyên bố về bản chất mầu nhiệm của Giáo hội. Cần phải thẳng thắn quả quyết rằng Giáo hội là một mầu nhiệm, và có chấp nhận hay từ khước, thì cũng phải hiểu theo một ý nghĩa duy nhất đó.

c. Chương đầu trong hiến chế Lumen gentium mang tựa đề: “Mầu nhiệm Giáo hội.” Dù không đọc thấy trong văn bản chính thức, thì tựa đề này cũng diễn tả rõ nội dung của chương đầu này. Cần phải hiểu Giáo hội “từ bên trong,” chứ không phải chỉ nhìn từ bên ngoài, vì Giáo hội là tổng hợp của toàn bộ lịch sử cứu rỗi và đối tượng của ý định Thiên Chúa Cha (xem LG 1-3).

Nội dung mầu nhiệm Giáo hội tiềm tích trước hết ở nơi sự việc Giáo hội là đích điểm mà hoạt động của Thiên Chúa nhằm tới ở trong lịch sử, thể theo chương trình do khôn ngoan Thần Linh của Ngài an bài và do lòng nhân hậu vô bờ của Ngài mong muốn. Vì thế, Giáo hội mang bản chất thần nhân (theandric). Tiến trình cứu độ khởi nguồn từ Thiên Chúa, rồi tiếp tục trãi dài giữa lòng lịch sử nhân loại và cuối cùng đạt đến mức thành tựu nơi Giáo hội. Chính ở trong Giáo hội, Thiên Chúa đã thực hiện ý định cứu độ phổ quát của Ngài, để làm cho hết thảy mọi người được hiệp nhất trong một gia đình duy nhất của con cái Thiên Chúa: một mối hiệp nhất vượt quá và bao trùm hết mọi mối hiệp nhất khác. Nó còn chặt chẽ và mật thiết hơn cả mối hiệp nhất gia đình hay chủng loại.

Vậy, có thể nhận ra được tầm trọng yếu của sự việc này là: Giáo hội được sinh ra để quy tụ tất cả mọi người thuộc bất cứ chủng tộc hay là nền văn hóa nào, và để mang đến cho họ một nguyên lý hiệp nhất siêu việt là: tình huynh đệ trong Ðức Kitô. Thế nên, Giáo hội không phải là xã hội của những kẻ tôn thờ Thiên Chúa tự ý muốn của riêng mình và tự cứu độ mình do chính sức riêng của mình. Giáo hội là gia đình Thiên Chúa đã chọn để kết hiệp với mình, và qua đó, thông hiệp với mọi người. Giáo hội không “nảy sinh từ dưới lên” do ý muốn của nhân loại, nhưng là “phát xuất từ trên xuống” do tình yêu của Thiên Chúa. Trước khi xuất hiện ở trong lịch sử, Giáo hội đã có mặt ở trong chương trình của Thiên Chúa. Giáo hội vừa ở trong thế giới vĩnh cửu, vừa ở ngay giữa lòng lịch sử; là “công cuộc của loài người,” nhưng lại vượt quá mọi khả năng của nhân loại; mang tính chất vừa nhân loại mà vừa thần linh. Do đó, trong Giáo hội có những yếu tố và những cơ cấu nữa, không tùy thuôäc con người: dù chấp nhận hay từ khước thì cũng phải chấp nhận hay từ khước chính Giáo hội đã được cấu tạo đúng theo mô mẫu như Chúa Kitô đã muốn.

MẦU NHIỆM: CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

1. Khái niệm “mầu nhiệm” ngoài mạc khải

Kinh Thánh dựa theo từ mystérion trong tiếng Hy lạp mà diễn dịch ý niệm “mầu nhiệm .” Không được biết gì rõ cho lắm về nguồn gốc của từ này. Người ta cho rằng từ ấy là do căn ngữ my (mýo: đóng kín) trong tiếng Hy lạp, hoặc mus của Phạn ngữ (ẩn dấu, bay mất…); và do đó, từ ấy ám chỉ đến một điều ẩn dấu, che kín, xa khuất… Người ta đọc thấy từ ngữ này trong các kiệt tác của Mênanđrô (thế kỷ 4 trước công nguyên) với ý nghĩa phàm tục là “bí mật.” Từ mystérion cũng được dùng để chỉ những “nghi thức gia nhập” huyền bí hoặc việc thờ cúng trong nhiều giáo phái, chẳng hạn “những mầu nhiệm Eleusis,” hay “những mầu nhiệm Samothracia.” Kinh Thánh đã phản ứng chống lại các hình thức phụng tự này (xem Kn 14: 15.23). Từ mystếrion đã trở thành thông dụng giữa quần chúng, và người Do thái cũng như người kitô vẫn thường dùng đến. Tân Ướcdùng đến từ này nhiều lần (3 lần trong các Phúc Âm nhất lãm, và hơn 20 lần trong các thư của thánh Phaolô), nhưng không theo ý nghĩa Hy lạp, mà là theo một ý nghĩa hoàn toàn đặc thù. [3]

2. Mầu nhiệm trong Cựu ước

Trong tiếng Do thái, căn tự sod có nghĩa là bí mật; do đó, các dịch giả Hy lạp đã dịch ra bằng từ mystếrion, trong khi bản LXX lại tránh dùng từ này vì cho là nó mang âm hưởng ngoại giáo. Sau này, trong các sách Kinh Thánh như Tobít, Giuđitha, Huấn ca, từ ấy mang ý nghĩa đơn giản là “bí mật” (xem Tb 12:.11; Gđt 2: 2; Hc 22: 22; 27: 16.21). Sách Khôn ngoan dùng từ ấy theo ý nghĩa tôn giáo, gần giống như cách hiểu của ngày nay: “Họ không biết những bí mật của Thiên Chúa…” (Kn 2,22). Rõ ràng là trong câu này, từ mystếrion chỉ về ý định kín mật của Thiên Chúa đối với loài người, mà người đạo đức nhận ra được dễ dàng, trong khi kẻ ác tâm thì lại không biết được, vì thói xấu đã làm cho họ ra mù quáng. Ðó cũng là điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến khi Ngài nói về những bí mật của Nước Trời (x. Mt 13: 10-17). Các điều bí ẩn ấy là những “mầu nhiệm” đã từng được Khôn Ngoan Thiên Chúa thấu suốt và mạc khải ra (Kn 6: 22). Ý nghĩa ấy càng tỏ rõ hơn nữa ở trong Ðn 2: 3tt và 4,6: trong các câu này, từ ngữ “mầu nhiệm” nói lên sự việc ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa hằng điều khiển lịch sử nhân loại. Có thể đọc thấy ba yếu tố ở trong Ðanien: 1) Biểu tượng, nghĩa là ý định của Thiên Chúa được biểu đạt qua những dấu chỉ và những lần chiêm bao, v.v… Những cách biểu đạt này vừa giúp nhận ra mà cũng vừa che dấu ý định của Thiên Chúa. 2) Nội dung là những thực tại cánh chung, tức là những “sự việc sẽ xẩy ra vào thời sau hết” (Ðn 2: 28). 3) Mạc khải, tức là sự việc Thiên Chúa là Ðấng duy nhất thấu biết mầu nhiệm (2: 28.29.47), đã vén mở các mầu nhiệm ấy cho các “con trẻ” Ítraen bị lưu đày lên Babylon (1: 3-7) được biết. Sự việc này cũng chẳng khác chi điều Chúa Giêsu nói là: Nước Trời được mạc khải cho những kẻ bé mọn, chứ không cho những người thông thái của thế gian. [4]

Trong các ngụy thư Do thái, từ “mầu nhiệm” được dùng đến rất nhiều. Trong sách Henokh, từ này chỉ về những ý định thầm kín của Thiên Chúa, nhất là những điều mà Ngài dọn sẵn cho những người công chính trong vương quốc cánh chung (x. Hn 103: 1-4). Cũng có thể đọc thấy những ý tưởng tương tự nơi các thủ bản Qumrân, [5] trong số, có một văn bản nói đến “mầu nhiệm tội ác” (1QH, V, 36). Khái niệm nàysẽ được dần dần chuyển sang Tân Ước.

3. Mầu nhiệm trong Phúc âm Nhất lãm

Chúa Giêsu đã nói về mầu nhiệm như là một điều mới mẻ con người vừa được biết tới: “Ðã ban cho các con biết những mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13: 11; Lc 8: 10); Phúc âm Mc cũng đã viết: “Mầu nhiệm Nước Chúa đã được ban cho các con…,” trong cùng một ý nghĩa hệt như đọc thấy ở nơi thánh Phaolô. Vì thế, trước tiên, từ ngữ này ám chỉ đến một nội dung mạc khải rất quan trọng; thật vậy, trong một trường hợp tương tự khác, Chúa Giêsu đã cảm thấy đầy tràn hân hoan trong Thánh Linh khi thấy những điều giấu kín được mạc khải cho các kẻ bé mọn (x. Lc 10: 21-24). Chương trình của Thiên Chúa về thời khắc chung cục (x. Mc 1: 15) cuối cùng cũng đã tỏ hiện, và tuôn đổ tràn đầy hạnh phúc trên tất cả những ai đơn thành đã từng mở rộng lòng ra để đón nhận (Mt 13: 16). Ðiều đó cho thấy rõ là con người được thực sự tham dự vào một biệt điểm đặc thù nào đó của Thiên Chúa.

Ðứng trước mầu nhiệm, loài người tự chia ra thành hai loại: những người có được đặc ân nhận biết mầu nhiệm, và những người còn đứng “bên ngoài.” Cựu Ước đã nói đến sự việc những người ngoại giáo không thể nhận biết các mầu nhiệm (Kn 2: 22), và Thiên Chúa cũng không mạc khải mầu nhiệm cho các thuật sĩ pháp môn Babylon (Ðn 2: 10). Cũng thế, Chúa Giêsu phân biệt rõ “chúng con” và “những kẻ ấy”: “Ðã ban cho chúng con biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn những kẻ ấy thì không được ban cho… Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng hiểu” (Mt 13: 11.13).

Những ai đón nhận mạc khải thì được tham dự vào ân huệ mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Con Một Người, và vì thế, Ðức Giêsu đã hân hoan vui sướng khi thấy phúc lộc họ nhận được, như Mt 11: 25-27 đã kể lại. Nhận biết mầu nhiệm là như tham dự vào hạnh phúc của Chúa, là như được “vào” Nước Trời dành cho những kẻ nghèo hèn bé mọn (x. Is 61: 1-2; Lc 4: 18tt). Tóm lại, mầu nhiệm chính là nội dung của Tin Mừng: Tin Mừng về sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải mình là Cha, và tự trao ban chính mình Người cho chúng ta nơi Con Một của Người.

4. Mầu nhiệm theo Thánh Phaolô

Trong các thư của thánh Phaolô, có thể đếm thấy chừng 20 chỗ dùng đến từ ngữ “mầu nhiệm;” dường như từ ngữ này tóm lược toàn bộ thần học lịch sử của vị tông đồ. [6] Ý định cứu độ diễn tiến như một tấn bi kịch ba màn: nơi Thiên Chúa, sáng kiến cứu độ tự đời đời đã phát xuất từ lòng nhân hậu của Chúa Cha; tiếp đó, là giai đoạn thực hiện ý định ấy ra trong lịch sử, nơi Ðức Giêsu; và sau cùng, tiến trình thực hiện ý định cứu độ ấy được cụ thể kết tinh nơi Giáo hội đúng theo chương trình của Thiên Chúa.

a) Trước tiên, mầu nhiệm là sự sống của chính bản thân Thiên Chúa, là khôn ngoan huyền bí đối với tạo vật. Kế hoạch ấy “vốn được giữ kín tự ngàn xưa” (Rm 16,25), “được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ” (Cl 1: 26), “từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Ðấng tạo thành vạn vật” (Ep 3: 9), v.v… Không một ai trong các thọ tạo, kể cả các thiên thần, đã biết được mầu nhiệm.

b) “Mầu nhiệm” ấy đã khởi xuất từ Thiên Chúa và đã tỏlộ cho nhân loại thấy rõ nội dung sâu kín của mình, là: ơn cứu độ dành cho mọi người và những phương tiện để con người tiếp nhận được ơn ấy. Trước hết là ơn tiền định (Ep 1: 4-10), nghĩa là lời mời gọi con người đến kết hợp với Con Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô (1Cr 1: 9). Ðó quả là một lời mời gọi hết sức huyền nhiệm, vì nó được gửi đến cho hết thảy mọi người, không trừ một ai trong toàn thể nhân loại, kể cả lương dân, để mỗi người và mọi người trở thành chi thể trong thân mình duy nhất của Ðức Kitô cùng trở nên kẻ đồng thừa tự với Ngài (Cl 1: 27; Ep 3: 2-6). Mầu nhiệm ở đây là lực năng động giấu ẩn của lịch sử loài người; sức năng ấy đang điều hướng mọi biến cố về với cùng đích siêu nhiên: tháp nhập mọi người vào trong thân mình Ðức Kitô và nhờ Ngài mà kết hợp với Thiên Chúa. Chính đó là điều mà nay Thánh Linh đã mạc khải cho các thánh tông đồ và các tiên tri” (Ep 3: 2-5). Nói cách khác, mầu nhiệm là nội dung cốt tủy và là cuộc triển dương của sứ mệnh Ðức Kitô do chính Ngài và các môn đồ thực hiện. Sau hết, mầu nhiệm là vinh quang của chúng ta, vinh quang đã được Thiên Chúa Cha chuẩn bị từ muôn thuở, dù có giấu khuất trước con mắt của mọi quyền lực thế trần, và đã được mạc khải cho chúng ta: vinh quang mà mắt không thể thấy và tai không thể nghe… vinh quang lạ lùng dường bao! (1Cr 2: 7-10).

c) Xét cho cùng, mầu nhiệm là chính Ðức Giêsu Kitô (Cl 2: 2). Nhưng từ nay, Ðức Kitô là một thân thể mang hết mọi chiều kích của thế giới. Do đó, tiêu đích mà mầu nhiệm nhằm tới là “quy tụ tất cả mọi sự trên trời dưới đất về dưới cùng một đầu là Ðức Kitô” (Ep 1: 9-10). Thân thể này gồm cả dân Do thái lẫn dân ngoại: đó là Giáo hội có Ðức Kitô làm Ðầu (Ep 1: 23; 3: 3-6; 5: 32; Cl 1: 24, v.v…). Giáo hội là chung cục, là cùng đích của hoạt động mà Thiên Chúa “chính thức” tiến hành ở giữa lòng lịch sử; còn những mầu nhiệm khác thì quy về Giáo hội, chẳng hạn như hôn phối (Ep 5: 32). Giáo hội là chính môi trường trong đó thần lực đưa dẫn con người đến chỗ vâng phục đức tin; trái lại “mầu nhiệm tội ác” thì hoạt động ở giữa loài người nhằm chống lại Giáo hội (x. 2Tx 2: 7; so sánh với Kh 1: 1-6).

Trình tự tấn bi kịch cứu độ vẫn tiếp diễn mãi ở trong Giáo hội cho đến khi “mầu nhiệm của Thiên Chúa… hoàn tất” (Kh 10: 7). Như thế, hiện nay chúng ta đang còn ở giữa cuộc chiến cánh chung, trong thế xung khắc mãnh liệt giữa các quyền lực của hai phía thiện và ác (x. Gaudium et Spes 37).

5. Mầu nhiệm và Giáo hội

Từ những gì vừa bàn trên đây, có thể rút ra kết luận sau đây: nói đến “mầu nhiệm” hoặc “mầu nhiệm Nước Chúa” hay “mầu nhiệm Ðức Kitô” đều có thể được hiểu theo nghĩa chỉ về mầu nhiệm Giáo hội . Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa kết tụ ở nơi Giáo hội, một hình thức xã-hội-hóa ý định cứu độ phổ quát đã được Ðức Kitô mạc khải và thực hiện. Toàn bộ lịch sử cứu độ Kinh Thánh ghi chép đều quy hướng về với Giáo hội, và vẫn còn tiếp diễn ở nơi Giáo hội trên một bình diện cao hơn. Như Ðức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa Cha, thì cũng thế, Giáo hội vén mở và chỉ cho thấy Ðức Kitô cùng với sứ điệp, sứ mạng quyền lực cứu độ của Ngài, và Thánh Linh, v.v… Giờ đây, những “năng lực” ấy đang tác động mạnh mẽ ở trong Giáo hội: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể các thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin mừng về sự phong phú khôn lường của Ðức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Ðấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từmuôn thuở và đã thực hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”(Ep 3: 8-11).

Vì thế, khi thực thi sứ mạng “loan báo mầu nhiệm” (Ep 3: 6; 6: 19), Giáo hội mang đến cho lịch sử nhân loại ý nghĩa đích thực của nó. Mọi biến cố đều trở thành “dấu chỉ thời đại” nhờ có được một chiều kích kín ẩn: đó là “lời” Thiên Chúa nói với Giáo hội; vậy, Giáo hội phải biết lắng nghe lời ấy và phải biết diễn giải cho hiểu đó chính là những hành vi cứu độ, tức là làm sao để nhờ đó, thế gian đạt đến được cùng đích mà Thiên Chúa quan phòng đã an bài sẵn.

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI:MẦU NHIỆM KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA

1 Mầu nhiệm khôn ngoan

Dù mang nhiều yếu tố thuần túy nhân loại, thì tự bản chất, Kitô giáo là một tôn giáo phát nguồn từ mạc khải, chứ không phải là một sản phẩm suy lý do đầu óc loài người nắn đúc nên. Giáo hội phát sinh từ Lời của Thiên Chúa, như Người đã từng bày tỏ cho các bạn hữu của Người biết (Am 3: 7). Mầu nhiệm mạc khải này chứa đựng một nội dung thuộc lý trí (những chân lý, chứ không phải là CHÂN LÝ); tự bản tính, yếu tố ấy là bất khả thông đạt đối với con người. Nắm được nó là nắm được cả kho tàng quý giá (x. Kn 7: 7-14) chất chứa mọi báu vật (x. Cn 8: 21). Nếu là thế thì quả chúng ta đã trở thành “những người thông thái,” hệt như Môsê đã lưu ý cho dân Do thái ngày trước “Hãy xem: tôi đã dạy cho anh em những thánh chỉ và quyết định như Ðức Chúa, Thiên Chúa của tôi, đã truyền cho tôi, để anh em đem ra thực hành trong miền đất mà anh em sắp vào chiếm hữu. Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: ‘chỉ có dân tộc vĩ đại này mới thực là một dân khôn ngoan và thông minh!’” (Ðnl 4: 5-6).

Mang tính chất thực tiễn (x. Ðnl 29: 29), khôn ngoan mà Thiên Chúa mạc khải, thường được biểu đạt qua một giáo huấn, một lề luật (x. Xh 20: 1) nhằm đưa dẫn con người đến chỗ trở thành bạn của Thiên Chúa (x. Kn 7: 27-28). Cho dù nội dung có là những thể chế phụng tự (x. Xh 25: 40) hay chính trị (x. 1Sm 9: 17), thì việc mạc khải mầu nhiệm cũng chỉ nhằm đưa con người đến tiêu đích ấy. Do đó, khôn ngoan thật chính là tri thức thực tiễn về ý định của Thiên Chúa.Ý định này vượt quá khôn ngoan của loài người, đến nỗi kẻ bước vào con đường khai tâm dẫn tới với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, thường bị coi là “điên dại”: quả vậy, khôn ngoan của Thiên Chúa đã bị thế gian này đóng đinh vào thập giá (x. 1Cr 1: 17-18.23; 3: 19).

2 Ðức Kitô, Khôn ngoan của Thiên Chúa

Theo thánh Phaolô, Ðức Kitô là “khôn ngoan của Thiên Chúa.” Vậy, biết Ðức Kitô là nhận biết mầu nhiệm, vì mọi kho tàng hiểu biết đều ở nơi Ngài (x. Cl 2: 2-3). Thánh Luca miêu tả con trẻ Giêsu là “tràn đầy khôn ngoan” (Lc 2: 40); còn thánh Gioan thì xác quyết rằng Ngài “đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1: 14). Do đó, đoàn lũ dân chúng kinh ngạc về giáo thuyết Ngài rao giảng (x. Mc 1: 22) và tự hỏi: “Bởi đâu Ngài được khôn ngoan như vậy?” (Mc 6: 2). Ðó là khôn ngoan xuất phát tự trời cao, là khôn ngoan mà Thiên Chúa Cha truyền dạy cho con người phải lắng nghe (x. Mc 9: 7tt), vì Ngài còn tinh thông “hơn vua Salômon nữa” (Lc 11: 31), tức là hơn cả bậc hiền triết siêu quần bạt tụy, đặc biệt lừng danh về đức khôn.

Thánh Phaolô đã khai triển rộng chủ đề “Ðức Kitô, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.” Từ ngữ “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (x. Cl 1: 15-20) phải được hiểu dưới ánh sáng những suy tư về khôn ngoan của Thiên Chúa đọc thấy ở trong Kn 7: 25tt; đàng khác, nói đến “hình ảnh của Thiên Chúa” là nói đến “vinh quang của Thiên Chúa” (x. 2Cr 4: 4), tức là chính Thiên Chúa như Người đã tự tiết lộ mình ra cho loài người biết. Việc tỏ mình như thế đã được thể hiện qua hành động cứu độ mà tột đỉnh là thập giá.

Cách thức Thiên Chúa thực hiện công cuộc cứu độ cũng là một mầu nhiệm. Con người không thể tự hào, vì tất cả đều là ân sủng trong con đường thập giá. Trong thị kiến của Ðaniel (Ðn 2: 29-46), pho tượng biểu trưng cho các vương quốc trần gian đã sụp vỡ tan tành vì trúng phải một viên đá nhỏ lăn từ trên núi xuống, mà không hề có bàn tay con người can dự vào. Viên đá ấy đã trở thành một ngọc núi… một vương quốc vĩnh cửu. Ðức Giêsu phải chết đi như hạt lúa mục nát trong lòng đất (x. Ga 12: 24), phải bị kéo lên khỏi đất để treo trên một thập giá hầu cuốn hút mọi người đến với Ngài (x. Ga 12: 32). Thế gian gọi sự khôn ngoan này là “điên dại” (1Cr 1: 23-4). Bởi vậy, để tiếp tục công trình của Ðức Kitô, Giáo hội cần nhớ nằm rằng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1: 25). Thánh Hiêrônimô viết: “Rao giảng Phúc âm là khoa học khiêm tốn nhất trong mọi khoa học, đến nỗi thoạt nhìn hầu như không thấy có chân lý, vì phải rao giảng về một con người mà là Thiên Chúa, về một Thiên Chúa mà phải chịu chết, về cây thập giá ô nhục. Hãy so sánh giáo thuyết đó với lý thuyết của các triết gia, với các tác phẩm cùng với tài năng hùng biện lỗi lạc và lối hành văn hoa mỹ của họ, bạn sẽ thấy hạt giống Tin Mừng nhỏ bé biết bao bên cạnh các thứ mầm giống kia” (In Mt 2: 143; PL 26.93). Và những người rao truyền giáo thuyết này lại bị coi như là những kẻ làm trò đùa mua vui cho thiên hạ (x. 1Cr 4: 9-10); nhưng chính do cái chết ấy mà có được sự sống, và chính từ sự hư nát ấy mà ơn cứu độ trần gian phát sinh. Giáo hội là thế.

3 Giáo hội và Khôn ngoan Thiên Chúa

Giáo hội được mô phỏng hay rập khuôn theo Ðức Kitô. Trong thư Côlôxê, thánh Phaolô đã viết rằng mầu nhiệm là “Ðức Kitô giữa anh em” (Cl 1: 27), và trong thư Ephêsô, ngài cũng lại xác định tương tự như vậy: mầu nhiệm là mối quy kết mọi sự trong Ðức Kitô (x. Ep 1: 10; 3,4). Ðó chính là Giáo hội. Nếu Ðức Kitô là “sự sung mãn của Thiên Chúa” (Cl 2: 3), thì Giáo hội chính là “sự sung mãn của Ðức Kitô” (Ep 1: 23). Nói cách khác, trong Giáo hội, tiềm ẩn mọi “kho tàng khôn ngoan và hiểu biết về Thiên Chúa;” mà kho tàng ấy chính là viẹäc nhận biết Thiên Chúa, nhận biết Ðức Kitô và tình yêu của Ngài, “tình yêu vượt quá sức hiểu biết loài người” (Ep 3: 18-19).

Thế mà sự khôn ngoan này đã được ban cho Giáo hội –và cho mọi kitô hữu – để Giáo hội lại ban phát cho mọi người như thánh Phaolô nói: “… dạy dỗ mọi người với tất cả khôn ngoan có được để làm cho họ nên hoàn thiện trong Ðức Kitô” (Cl 1: 18), “… ngõ hầu sự nhận biết Ðức Kitô, như hương thơm, lan tỏa đến mọi người” (2Cr 2: 14). Thật vậy, nếu Giáo hội đã được thiết lập, thì chính là để ban phát khôn ngoan; và sở dĩ có các phận vụ và thừa tác vụ khác nhau, thì chính là “để ta am tường về Con Thiên Chúa mà nên người hoàn thiện, đạt tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô” (Ep 4: 0-13). Giáo hội là kết tinh của sự khôn ngoan trong lịch sử loài người, và chính nhờ Giáo hội mà mầu nhiệm của Thiên Chúa “sẽ được thông tri ra cho các thiên phủ và các đấng uy linh chốn hoằng thiên, nhờ Hội thánh họ mới nhận ra sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ep 3: 10).

Nếu đã đảm nhận sứ mạng biểu thị sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa cho mọi người, thì Giáo hội cũng phải chịu đóng đinh như Chúa của mình. Nếu đã là thân thể của Ðức Kitô, tất Giáo hội cũng phải chịu cùng một số phận như Vị Thủ Lãnh của mình. Mọi ân sủng Giáo hội lãnh nhận, đều tiềm chứa một năng động lực “Kitô-hóa.” Thánh Phaolô đã giải thích điểm này qua việc dùng các động từ cùng-đau-khổ, cùng-vinh-hiển (Rm 8: 17), cùng-sống, cùng-chết, cùng-chịu-đóng-đinh (Gl 2: 19), cùng-được-mai-táng (Rm 6: 4), cùng-ngự trị (Ep 2: 6), cùng-hiển-trị (2Tm 2: 11-12). Công đồng Vatica-nô II cũng đã dạy cùng một giáo thuyết như thế: “Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô cho đến khi Ngài hình thành trong họ (x. Gl 4: 19). Vì thế, chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài, trở nên giống Ngài, cùng chết và cùng sống lại với Ngài, cho đến khi cùng cai trị với Ngài. Ðang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Ngài trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Ngài như thân thể kết hiệp với đầu, hiệp với sự thương khó của Ngài để được cùng vinh hiển với Ngài” (LG 7e). Như thế có nghĩa là bao giờ Giáo hội cũng sẽ phải sống và hoạt động trong những điều kiện khó khăn: quả là thánh thiện, nhưng bao giờ Giáo hội cũng phải sống đòi hỏi cần được thanh luyện; công cuộc cứu độ bao giờ cũng tiến hành dưới dấu chỉ của khó nghèo và bách hại. Chính đó là con đường mà Giáo hội phải dấn thân tiến vào hầu dõi bước theo gương Chúa Giêsu (x. LG 8c).

Ðó là giáo thuyết soi sáng và làm nền tảng cho đời khổ hạnh kitô (x. Mt 16: 24). Mang trên mình cuộc tử nạn của Ðức Kitô (2Cr 4: 10), không phải là chuyện đi tìm khoái lạc trong đau khổ, nhưng là kết quả của sự khôn ngoan (mà thế gian coi là điên dại) của Thiên Chúa: phải chết cho chính mình thì mới có thể sống lại với Ðức Kitô. Hãm mình tức là chiến thắng thế gian ở nơi chính mình. Con đường tám mối phúc thật không là gì khác ngoài con đường thánh giá; Ðức Kitô hằng không ngừng hấp hối ở trong Giáo hội, mãi cho đến ngày cánh chung. Chính vì thế mà Giáo hội hằng không ngừng cộng tác vào việc cứu độ thế gian, bằng cách “hoàn tất những gì còn thiếu nơi các nỗi quẩn bách Ðức Kitô phải chịu…” (Cl 1: 24).

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA

Chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa diễn tiến giữa lòng lịch sử loài người qua con đường thập giá, hoàn toàn theo sát lòng nhân hậu của Cha trên trời: “Và quả là lớn lao thật, mầu nhiệm của chân đạo! Ðã hiển hiện trong xác thịt (của Ðức Kitô), chứng thực nhờ Thần Khí, bày tỏ cho thiên thần, loan báo giữa muôn dân, tôn kính trong hoàn vũ, siêu thăng chốn vinh quang!” (1Tm 3: 16). Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội cũngđã nêu rõ lại lòng thương xót ấy: “Ý định cứu độ tuôn trào từ suối tình yêu cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Ðó quả là nguồn an ủi lớn lao cho các kitô hữu, vì biết rằng mọi việc xảy đến trong lịch sử đều mang một chiều kích của mầu nhiệm tình yêu; mặt trái mới là phía của mầu nhiệm tội ác.

1. Mầu nhiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa

Con người chỉ nhận rõ được Thiên Chúa và tình yêu của Người qua kế hoạch cứu độ. Trước tiên là số phận của các thiên thần: được dựng nên trong ân sủng, một số trong các tạo vật này đã “phản bội” Ðấng Tạo hóa; tấn bi kịch tội lỗi khởi sự. Rồi mạc khải cho chúng ta biết rằng máu của Ðức Kitô cũng hòa giải cả muôn vật trên trời nữa (Cl 1,20; Ep 1,10). Sự kiện này ám chỉ đến việc các thiên thần và loài người quan liên với nhau trong tội phạm chống lại kế hoạch của Thiên Chúa. Tội mà các thiên thần đã phạm là thế nào chúng ta không rõ; nhưng các giáo phụ nghĩ là vì họ đã không chịu nhận những gì lòng nhân hậu của Thiên Chúa an bài cho loài người: Thiên Chúa đã tỏ ra quá tốt lành! Như vậy, cốt lõi của kế hoạch nhiệm mầu Thiên Chúa đã an bài, chính là lòng nhân hậu của Người đối với loài người, một loài tạo vật thấp hèn bé nhỏ.

Kế đến là công cuộc tạo dựng con người. Lại thêm một thảm kịch khác: bởi yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người; nhưng do ác quỷ ghen tương, tội lỗi đã đột nhập vào trong thế gian (x. Kn 2: 24). Cũng bởi ghen tương mà Cain đã trở thành tên sát nhân giết em mình. Vì thế, bản chất của mầu nhiệm tội ác là mối ghen tương của sự ác đối với sự thiện. Nhưng cuối cùng, Thiên Chúa nhân hậu sẽ chiến thắng, còn “kẻ tố cáo anh em của ta” và bè lũ của nó sẽ bị tống vào lửa (x. Kh 12: 10). Tuy nhiên, sống giữa thế gian này, tín hữu phải biết cẩn mật cảnh giác và trông cậy vào Chúa Cha đầy xót thương: “xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Dĩ nhiên, tín hữu cũng phải biết “tha kẻ có nợ chúng con,” và đó là việc làm quả thật cam go mà tín hữu chỉ có thể thực hiện được nhờ “lương thực hằng ngày” Chúa Cha ban cho những ai khẩn khoản kêu xin. Tha thứ là con người còn được ở lại trong tầm ảnh hưởng của lòng nhân hậu, tức là trong lãnh vực tác động của Thiên Chúa; còn thái độ bất dung hoặc nhẫn tâm đối với kẻ lầm lỗi hay đối với thù địch đều phát xuất từ ác quỷ (x. 2Cr 2: 10-11; Ep 4: 27). Vậy, nếu là lãnh vực tác động của Thiên Chúa, tâát Giáo hội phải là tác nhân và là môi trường của tha thứ.

2. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa biểu hiện trong Ðức Kitô

Chính ở trong Ðức Kitô, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đã tỏ hiện trước mắt mọi người dưới dạng mạo của “lòng từ hậu và nhân ái” (x. Tt 2,11; 3,4) chân thật. Lòng nhân ái mà Platon định nghĩa là phong độ thanh cao của người làm điều thiện trong thái độ kính trọng kẻ khác (Definit. 412e). Thiên Chúa Cha vô hình; nếu muốn tỏ mình ra cho nhân loại, tất Người trở thành hữu hình, tức phải mặc lấy một hình hài để con người có thể thấy bằng mắt bắt bằng tay được. Mọi lời nói cũng như việc làm của Ðức Kitô, và cả hữu thể của Ngài nữa, đều là những hành động trong tiến trình mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa Cha. Vì thế, có thể gọi Ngài là “Thiên-Chúa-cho-tha-thể;” và rốt cuộc, Giáo hội chính là thân thể của “lòng nhân hậu nhập thể” mà Thiên Chúa hằng ấp ủ đối với loài người. Vậy, đó không chỉ đơn thuần là sứ mệnh của Giáo hội, nhưng chính là hữu thể của Hội Thánh.

3. Giáo hội và lòng nhân từ của Thiên Chúa

Thiên Chúa đưa dẫn “những người được cứu độ” (Cv 2: 47) đến với Giáo hội. Do đó, các tín hữu là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa Cha, là cộng đoàn đã được lòng nhân hậu của Người triệu tập, là cộng đoàn đã được thương xót, và đồng thời cũng là dụng cụ của lòng nhân hậu ấy. Như thế, Giáo hội là lời tuyên xưng lòng nhân hậu của Thiên Chúa và là thể cách ban tặng ơn cứu rỗi của Người. Giáo hội được sinh ra từ thập giá của Ðức Kitô và được dưỡng nuôi bằng bí tích tình yêu; vì thế, Giáo hội có nhiệm vụ phải tuyên xưng việc Ðức Kitô chịu chết cho đến tận cùng bờ cõi trái đất (Cv 1: 8), và cho đến khi Ngài lại đến (1Cr 11: 2). Ðể chu toàn sứ mệnh này, Giáo hội đã nhận được Lời và Thần Linh của Ðức Kitô ký thác cho mình. Nói cách khác, Giáo hội là kho tích chứa chân lý và sức mạnh để biến đổi thế gian nên gia đình của Chúa Cha. Giáo hội có là để thực hiện công trình ấy. Nếu Giáo hội không làm thế thì chẳng khác chi muối đã biến chất ra nhạt, không còn sức để ướp mặn, mà cũng chẳng còn dùng vào được việc gì nữa.

Kết Luận

Giáo hội là một thực thể nhiệm mầu tuyệt đối, chỉ biết được nhờ mạc khải. Và ngay cả khi được mạc khải, thì con người cũng không thể thấu hiểu rõ được bản tính sâu sắc, cùng đích siêu nhiên của Giáo hội và mối dây huyền nhiệm nối kết các cấu tố trong thực thể Giáo hội, tức là tác dụng của Thần khí Thiên Chúa và ảnh hưởng của Ðức Kitô là Ðầu các chi thể.

Từ ngàn xưa, đức tin kitô hằng tuyên xưng: “Tôi tin… Giáo hội thánh thiện, công giáo” (DS 30, 36), và kinh Tin Kính ngày nay vẫn mãi tiếp tục tuyên xưng “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Ðó là đức tin thần khởi, tức là lòng tin đối với một chân lý Thiên Chúa mạc khải. Giáo hội có những yếu tố loài người có thể nhận biết được theo lối nhận thức tự nhiên, nhưng cũng có những yếu tố không thể nhận biết được như vậy, nhưng cần phải tin. Giáo hội đã được dệt nên trong mạng biện chứng giữa những thành tố nhân trần và thần linh, giữa đất và trời, giữa thời gian và vĩnh cửu. Giáo hội được thiết lập bằng cách thế nhân loại, nhưng lại do Thiên Chúa. Giáo hội tồn tại và lớn lên nhờ tài trí, khả năng và cả cách ứng xử khôn khéo của loài người nữa; tuy nhiên, hiệu năng vẫn là ân huệ nhưng không của Thánh Linh. Giáo hội bao gồm cả những tội nhân, nhưng Giáo hội hằng gia công thánh hóa họ. Giáo hội nhằm tới những mục tiêu trần thế, nhưng cùng đích thì hẳn là siêu việt. Giáo hội bị giới hạn, vướng những bất toàn, như thiển cận, ích kỷ, và cả vụ lợi nữa; nhưng nguyên nhân tính cứu rôãi của Giáo hội thì phổ quát, quảng mạc, tất-cả-cho-con-người. Giáo hội là một giữa nhiều tôn giáo khác, nhưng lại là bí tích cứu độ duy nhất cho tất cả. Giáo hội già cả, cằn cỗi nữa là khác; nhưng mà lại luôn tươi trẻ và là nguồn năng lực làm cho thế gian được trẻ trung. Giáo hội bị đe dọa từ nhiều phía muốn tiêu diệt, giết chết; nhưng lại được hứa là sẽ sống mãi. Giáo hội ở trong thế gian, nhưng lại không thuộc về thế gian. Có thể tìm hiểu và phân tích Giáo hội dưới các khía cạnh lịch sử, xã hội, triết học, kinh tế, v.v., và có thể biết được một phần chân lý nào đó về Giáo hội, nhưng rồi cũng sớm rơi vào cái thế tắc nghẽn vì ngoài các khía cạnh có thể phân tích được như thế kia, vẫn còn có những yếu tố mà chỉ hiểu được nhờ ánh sáng của đức tin. Nếu không khiêm tốn mà tin, thì chỉ biết đơn thuần nhìn Giáo hội như bất cứ một xã hội tôn giáo nào khác, hệt như trong trường hợp của Ðức Giêsu Nadarét: không tin, nên nhiều người đã chỉ coi Ngài là không hơn không kém, một “bác thợ mộc” làng quê, lương thiẹän thật, nhưng lại thích nuôi những lý tưởng quá xa vời.

[HTTH SỐ 18&19, NĂM THỨ BẢY (1997)]


—————–

[1] Marcel, Gabriel, Positions et approches concrètes du mystère, 1933; Raguin, Yves , L’attention au mystère, 1975; Haught, John , What is Religion? New York: Paulist 1970, trg. 158-170.

[2] Philips, G.,L’Église et son mystère au II Concile du Vatican, I-II, Paris 1967. Bavaud, G., “L’ecclésiologie de Vatican II,” trong Delaubier, P., (éd.), Visages de l’Église, Fribourg 1989, 49-71. Gréa, A., L’Église et sa divineconstitution, Casterman 1965: “Place de l’Église dans le Plan de Dieu,” trg. 17-26; Rigal, J., Le Mystère de l’Église, Cerf 1992.

[3] Prumm, K., “Mystères” trong Diction.Bibl.Suppl. VI (1957) 1-225. Wiens, D.H., Mystery concepts in primitive christianity, (Aufstig und Niedergang der Romischen Welt, 23/2, 1980) 1248-1284.

[4] Brown, R.E., “The Semitic Background of the New Testament ‘mysterion’,” trong Biblica 39(1958) 426-448;Harvey, A.E., “The use of mystery language in the Bible,” Journal of Theo. Stud. 31.32, 1980, 320-336.

[5] Casciaro, J.M., “El ‘Misterio’ divino en los escritos posteriores de Qumran,” trong ScriptaTheol. 8(1976) 445-475; Wilson, T.E., Mystery Doctrines of the New Testament: God’s Sacred Secrets, Neptune, N.J. 1975.Thiering, B. E., The Qumran Origins of the Christian Church, Theological Explorations, Sydney 1983.

[6] Cambier, J., “Le grand mystère concernant le Christ et son Église. Éphésiens 5,22-23,” Biblica 47(1966) 43-90, 223-242; Cerfaux, L., “L’influence des ‘Mystères’ sur les Épỵtres de St. Paul aux Colossiens et aux Éphésiens,” trong Recueil L..Cerfaux II, Paris, Gembloux 1962, 278-285; González Gil, M.M., “La revelación del Misterio en el Nuevo Testamento” trong Cristo, el Misterio de Dios, I, Madrid BAC 1976, trg. 8-65; Penna, R., Il ‘mysterion’ paolino: traiettoria e costituzione, Paideia, Brescia 1978; Schnackenburg, R.- Thieme, K., La Bible et le mystère de l’Église, Desclée 1964.

Exit mobile version