Người về trong chiều đông

Xa xa trên đỉnh đồi, ngôi nhà nguyện đứng cô độc như thể tự bao đời nó đã quen với sự cô độc ấy. Mùa đông muôn đời vẫn thế, luôn lạnh lẽo và cô tịch đến đáng sợ, vạn vật dường như thu mình lại trước sự lạnh lẽo của mùa đông, nó chợt nghĩ hay cả lòng người cũng thế?! Nhân loại đã khép cửa lòng mình trước Đấng Cứu Tinh cũng vào một chiều đông năm xưa. Mùa đông đã khiến người ta trở nên dửng dưng trước những lữ khách nghèo tội nghiệp, mùa đông khiến người ta hững hờ trước những sự trở về của những người thân quen. Những chú chim già tội nghiệp đã thất bại trên con đường hồi hương về phương nam nên đành ở lại với cái lạnh nơi này. Tuy nhiên, có những câu chuyện còn đáng buồn, bi đát hơn những chú chim tội nghiệp ấy rất nhiều: câu chuyện của những người hồi hương với một niềm háo hức mong chờ, nhưng bù lại, họ vẫn lại lầm lũi bước đi trong sự cô đơn và sự giá rét cố hữu của mùa đông.

1. Câu Chuyện Hồi Hương Của Giuse

Giữa những cơn gió rét mướt một chiều đông, Giuse rảo bước chầm chậm trên những con phố vắng lặng của thị trấn nhỏ Bêlem. Lòng bồi hồi chen lẫn những niềm hân hoan của một người con viễn xứ quay về thăm quê, chàng hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp của thời niên thiếu, khi mà mỗi sáng tinh sương, tiếng hát của các thiếu nữ Sion đi kín nước được cất lên trong vắt làm rộn vang khắp các ngả đường. Những tiếng tù và, những tiếng súc vật, và cả những những tiếng í ới gọi nhau khi nắng chiều vừa chợt tắt vẫn còn đó như một nét đặc trưng của thị trấn nhỏ Bêlem này. Cho dẫu có tha phương nhiều năm, nhưng những âm thanh quen thuộc này vẫn còn đó rất thân thương và trìu mến với chàng, chúng đầy ắp những kỉ niệm và cả những niềm luyến lưu. Chàng sẽ lại gõ cửa nhà của các chú, các bác, các anh chị em… và họ lại sẽ chạy ra ôm chầm lấy chàng. Những người đàn ông sẽ vỗ vai chàng hỏi thăm đủ điều, còn các phụ nữ sẽ ôn tồn lấy nước rửa chân và mang rượu ấm lại cho chàng uống. Hơn nữa, hẳn là họ sẽ vui lắm khi thấy lần này về quê chàng dẫn theo người bạn đời của mình, cô thiếu nữa Giuđêa mà chàng vừa mới đính hôn, một cô gái đức hạnh, đoan trang, thuỳ mị và đầy lòng kính sợ Thiên Chúa. Nghĩ tới những điều này, lòng chàng lại càng thêm lâng lâng khôn tả… Đang miên man trong dòng suy nghĩ ấm áp, Giuse chợt như bừng tỉnh bởi những tiếng trẻ thơ đang nô đùa. Trước mặt chàng giờ đây là những dãy nhà thân quen, nhà của các bác, các chú đây mà!. Xốc lại tay nãi, chàng đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa nhà đầu tiên của con phố, lòng hân hoan pha lẫn chút hồi hộp đợi chờ; bỗng chốc, một khuôn mặt lạ lẫm nhìn chàng hồ nghi, một câu hỏi nhát gừng:“ông tìm ai?” cùng với ánh mắt có phần khinh thị. Một chút bối rối thoáng hiện lên trên khuôn mặt của Giuse, nhưng rồi chàng tự nhủ:“có lẽ một vài người đã dọn đi nơi khác.” Giuse bẽn lẽn cáo từ, chàng tiếp tục gõ cửa căn nhà thứ hai, rồi thứ ba… vẫn chỉ là những khuôn mặt xa lạ và những cái lắc đầu lạnh lùng. Một chút thất vọng nhẹ thoáng diễn ra trong tâm trí nhưng Giuse vẫn kiên nhẫn gõ từng khung cửa và lê bước chân mệt mỏi đi hết con phố quen, hi vọng có thể tìm gặp được một vài người hoặc vài quán trọ còn mở cửa để chàng và người bạn mình trọ chân qua cái lạnh đêm nay; tuy nhiên, vẫn chỉ là những tiếng cửa đóng sầm lại một cách vô tình và những ánh mắt khinh miệt vì vẻ bề ngoài nhếch nhác của hai người lữ khách, cộng thêm cái thai thật lớn của người thiếu nữ đã đến thời khắc lâm bồn. Không có lấy một người tiếp đón, nhà nhà đều cửa đón then cài, bốn bề chỉ còn lại những tiếng gió thốc lên cô độc, xa xa đâu đó vẳng lên những tiếng chó sủa ma khi màn đêm đang dần buông xuống. Con phố thân quen bổng chốc lại trở nên vô cùng lạ lẫm, con đường đầy ắp kỉ niệm lại trở nên hun hút xa làm lòng chàng thêm tủi thẹn, bơ vơ. Chàng đã trở thành người xa lạ nơi chính quê hương của mình. Con phố này đã thay đổi hay lòng người đã đổi thay? Những nếp nhà quen vẫn san sát nằm kề nhau như sự gần gũi yêu thương nhau tự bao đời của những người con thuộc chi họ Đavít, đêm nay chúng đã trở nên những bức tường ngăn cách thật lạnh lùng.

Người lữ khách đành lặng lẽ ra đi! Hang đá, máng cỏ và hơi thở của bò lừa mới là nơi bao bọc và sưởi ấm lòng chàng cùng với người bạn mình và hài nhi mới sinh chứ không phải bếp lửa hồng và chung quanh là bà con thân thuộc như lòng chàng thầm nghĩ. Nơi đây người ta không còn hân hoan vui mừng vì người nhà đến viếng thăm chỉ vì người ấy quá nghèo. Nơi đây người ta không xót thương người vì vẻ bề ngoài những người đó quá nhếch nhác. Nơi đây họ thậm chí sẽ chẳng đón tiếp một Đấng Cứu Dân như muôn người hằng mong đợi chỉ vì đấng ấy không sinh ra nơi cung điện vàng lộng lẫy như các bậc quân vương. Con Thiên Chúa mà chàng có trách nhiệm cưu mang sẽ sinh ra giữa đồng khô, nơi mà lòng người lạnh giá hơn cả tiết trời đêm đông rét mướt. Lòng người lữ khách hồi hương nhói một niềm đau khôn tả, nước mắt chàng phảng phất mùi cỏ khô. Cái lạnh đêm nay sao dài quá! Bốn bề vọng lên tiếng trẻ con khóc chen lẫn tiếng những chú chiên con đòi sữa. Bêlem đêm nay sao quá vắng lặng, tiêu điều.

***********

2. Chiều đông của một vị linh mục già

Trở về thăm lại thị trấn nhỏ quen thuộc, vị linh mục già khấp khởi vui trong lòng vì sự phát triển của vùng đất này, nơi mà đối với ngài, nó đã trở thành quê hương thứ hai. Hơn hai mươi năm trước, nơi đây chỉ là một nơi hoang tàn, đổ nát vì dư âm của cuộc chiến tranh khốc liệt. Ngài còn nhớ như in cứ mỗi độ Noel về, bà con giáo dân háo hức chuẩn bị những hang đá bằng tre nứa, những máng cỏ được lót bằng những bó rơm vừa mớt gặt… ai ai cũng háo hức ngóng chờ giờ khắc Chúa đến. Các em nhỏ thì đua nhau làm những ngôi sao lạ, chúng dùng giấy tập học trò để dán và dùng mực tàu để nguệch ngoạc viết lên những câu kinh thánh dễ thương. Mọi ngóc ngách đều vang lên những câu ca Giáng Sinh thật rộn rã. Nhà nhà ngập tràn không khí Giáng Sinh, người người hân hoan chúc nhau những câu chúc an bình. Hằng năm, từ chập choạng đêm vọng Giáng Sinh, đoàn người đã lũ lượt kéo nhau về kín sân nhà thờ để trông đợi giây phút canh thức đón chờ Chúa đến, tin vui Giáng Sinh luôn khiến lòng người khao khát và tha thiết đợi chờ. Những hoạt cảnh, những bản hợp xướng mượt mà được cất lên không ít lần khiến ngài phải rơi lệ vì quá xúc động. Ngài vẫn nhớ như in hình ảnh của những em bé ngủ vùi trên các băng ghế trong nhà thờ mỗi khi ngài cử hành thánh lễ nửa đêm, và cả những chú giúp lễ nghịch ngợm giành nhau rung chuông mỗi khi ngài cử hành thánh lễ … tất cả kỷ niệm đó được dệt nên trong kí ức ngài cứ như thể chúng vừa mới xảy ra. Đã hơn hai mươi năm rồi, thời gian cứ như một con tàu cao tốc phóng đi, mang theo những sự đổi thay của cả kiếp người. Ngài giờ đã là một ông cụ già ngoài tám mươi với đầy ắp những vết hằn của thời gian…

Đêm nay, lần bước trên những con đường quen, vị linh mục già không khỏi ngạc nhiên trước những sự đổi thay đến chóng mặt của vùng đất và con người nơi đây. Các ngã đường đầy ắp những ánh điện, các trung tâm mua sắm cũng được trang hoàng bởi những cây thông, những chú tuần lộc và cả những ông già Noel xinh xắn. Các bài hát Noel được phát lên khắp nơi với một công suất cực lớn khiến phố xá có phần náo nhiệt và ồn ào hơn. Con đường có phần lạ lẫm hơn và thị trấn nhỏ này khác xưa nhiều hơn. Vị linh mục già rảo mắt cố tìm một hang đá và máng cỏ cùng với hài nhi Giêsu, nhưng khắp nơi chỉ là những vật trang trí vô hồn, những hoa, những đèn, những đôi tất đỏ… Máng cỏ từ lâu đã vắng bóng trong các dịp Giáng Sinh. Người ta đã không còn muốn nhớ đến nơi Thiên Chúa hạ sinh xuống thế mặc lấy kiếp người chỉ vì tình yêu và sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Những câu Tin Mừng Giáng Sinh của những năm xưa mà mọi người thường treo trên các cửa nhà:“Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” giờ đây đã bị thay thế bằng những câu chúc xã giao:“Happy Holiday.” Giáng Sinh đã bị người ta biến thành một lễ hội trần tục. Nhiều người vẫn tiếp tục đổ xô ra khắp các ngã đường nhưng không còn phải để đón chờ giờ phút linh thiêng nữa, giờ phút đất trời giao duyên, giờ phút Con Thiên Chúa hơn hai ngàn năm trước đã hạ sinh; trái lại, người ta đổ xô nhau đi mua sắm, đi ăn uống vui chơi, đi tận hưởng những thời khắc cuối cùng của một năm cũ… Thiên Chúa đã bị bỏ quên, bị gạt ra bên ngoài rìa xã hội ngay chính ngày sinh nhật của Người. Câu chuyện Bêlem hai ngàn năm về trước vẫn tiếp tục xảy ra ngay chính trong xả hội con người ngày hôm nay:“Thiên Chúa đã đến nhà nhưng người nhà đã không ra tiếp rước Người.”

Lòng buồn rười rượi, vị linh mục quay về nơi ngôi thánh đường mà năm xưa ngài và những người giáo dân thân yêu đã khó công xây dựng, ngôi thánh đường vẫn nằm đó chơ vơ, cô quạnh. Lác đác đâu đó vài cụ già trong những bộ áo dài đã sờn đang đứng đợi hồi chuông thứ hai vang lên bắc đầu giờ canh thức. Đâu đó vang lên vài tiếng gầm rú của những chiếc xe gắn máy mà các cậu bé choai choai rủ nhau chạy đua để tìm cảm giác mạnh. Tin Mừng Giáng Sinh vẫn được ca đoàn cất lên nhưng đêm nay vẫn đượm chút buồn, chút cô độc…

***

Vị linh mục già lại lặng lẽ ra đi, những bước đi nặng nề dưới ánh điện đường của thị trấn nhỏ, lòng ngài buồn nỗi buồn bơ vơ. Ngài đã trở về nơi mà vốn dĩ nó đã không còn là quê hương của ngài, nơi mà người ta quên đi rằng đêm nay Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Nơi mà Chúa Giêsu Hài Đồng thậm chí không còn một hang đá, một máng cỏ để trú đỡ cái lạnh đêm đông, vì lòng người từ lâu đã như băng giá lạnh. Bêlem vẫn mãi mãi là nơi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh…

Giáng Sinh 2013

Thân Vô Kỷ

Exit mobile version