Người tự kỷ được rước lễ không?

eucharist - Người tự kỷ được rước lễ không?

Hỏi:Một người bạn của con có một đứa con tự kỷ, và linh mục giáo xứ địa phương ngần ngại cho nó rước lễ lần đầu. Điều này có đúng không? Các vấn đề như thế cần được giải quyết như thế nào? – E. K., Jerusalem.

Đáp: Trừ ra một vài trường hợp ngoại lệ, hầu như luôn có thể cho người mắc chứng tự kỷ và hầu hết các bệnh khác được rước lễ.

Trước hết, có một nguyên tắc giáo luật chung nói rằng các tín hữu có quyền lãnh các bí tích, và các vị mục tử buộc phải ban bí tích cho họ, trừ khi có một số trở ngại nghiêm trọng. Khuyết tật về tinh thần hoặc khuyết tật phát triển cơ thể chỉ cản trở quyền rước lễ trong các trường hợp cực đoan nhất mà thôi.

Do đó, Ðiều 213 của Bộ Giáo luật nói: “Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Hội Thánh, nhất là Lời Chúa và các Bí tích” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Khuyết tật tâm thần không là trở ngại cho việc lãnh nhận bí tích Rửa tội. Nó không phải là một trở ngại không thể vượt qua cho việc lãnh bí tích Thêm sức, và ngay cả các người không bao giờ đạt đến tuổi khôn cũng có thể và nên tiếp tục học khai tâm, và lãnh bí tích này. Các yêu cầu tối thiểu cho việc rước lễ lần đầu trong nghi lễ Latinh không đòi hỏi nhiều, và thường có thể dễ dàng kiểm chứng được.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã cung cấp các hướng dẫn phong phú về chủ đề này, bởi vì chúng phù hợp với các nguyên tắc giáo luật chung, và có thể được chọn dùng ở bất kỳ quốc gia nào: usccb.org .

Các đoạn giới thiệu của tài liệu này nêu ra tinh thần mà Hội Thánh phải đối mặt với vấn đề:

“Hội Thánh tiếp tục khẳng định phẩm giá của mỗi con người, và gia tăng kiến thức và sự hiểu biết về các ân ban và nhu cầu của các thành viên của Hội Thánh đang sống với khuyết tật. Tương tự như vậy, Hội Thánh nhận ra rằng mỗi cộng đoàn giáo xứ bao gồm các thành viên khuyết tật, và tha thiết mong muốn sự tham gia tích cực của họ. Tất cả các thành viên của Nhiệm thể Chúa Kitô đều được Thiên Chúa kêu gọi qua Bí tích Rửa tội của họ. Trước lời kêu gọi này, Hội Thánh tìm cách hỗ trợ họ tăng trưởng trong sự thánh thiện và khuyến khích tất cả trong ơn gọi của họ. Việc tham gia ân sủng các bí tích, và được nuôi dưỡng bởi ân sủng của các bí tích là cần thiết cho sự tăng trưởng này trên đường thánh thiện. Người trưởng thành và trẻ em khuyết tật Công Giáo, và gia đình của họ, tha thiết mong muốn tham gia đầy đủ và có ý nghĩa vào đời sống bí tích của Hội Thánh.

“Về vấn đề này, khi ban hành ‘Hướng dẫn sửa đổi và mở rộng cho việc Cử hành các Bí tích cho Người khuyết tật’ (Guidelines for the Celebration of the Sacraments with Persons with Disabilities), Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mong muốn nhắc lại những gì đã nói trong các tuyên bố mục vụ trước đây về vấn đề này:

“Điều cần thiết là rằng tất cả các hình thức phụng vụ là hoàn toàn có thể tiếp cận được với người khuyết tật, bởi vì các hình thức này là bản chất của sự ràng buộc tinh thần gắn kết cộng đoàn Kitô giáo với nhau. Sự loại trừ các thành viên của giáo xứ khỏi các cử hành này của đời sống Hội Thánh, thậm chí bằng cách bỏ qua cách thụ động, là phủ nhận thực tại của cộng đoàn đó. Khả năng tiếp cận là còn đi xa hơn so với xa cách thể lý với các tòa nhà giáo xứ. Việc cung cấp thực tế phải được thực hiện cho người Công Giáo khuyết tật, để họ tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể và các cử hành phụng vụ khác”.

Liên quan đến Bí tích Thánh Thể cho người gặp khó khăn về tinh thần và các vấn đề khác, tài liệu này nói như sau:

“21. Bí tích Thánh Thể là bí tích mạnh mẽ nhất, mà trong đó chính Chúa Kitô được chứa đựng, dâng hiến và tiếp nhận, và nhờ đó, Hội Thánh không ngừng sống và lớn lên. Đó là đỉnh cao và là nguồn gốc của mọi sự thờ phượng và cuộc sống Kitô giáo, biểu thị và ảnh hưởng đến sự hiệp nhất của dân Chúa, cung cấp sự nuôi dưỡng tinh thần cho người nhận và đạt được việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể là trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu.

“22. Cha mẹ hoặc người giám hộ, cùng với các mục tử, phải nhìn thấy rằng trẻ em, khi đã đạt đến tuổi khôn, phải được chuẩn bị chính xác và được Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng càng sớm càng tốt. Các mục tử phải cảnh giác, để đừng cho đứa trẻ nào đến dự tiệc Thánh mà không đạt được việc sử dụng tuổi khôn, hoặc xét thấy rằng các em này là không đủ tuổi khôn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là rằng tiêu chuẩn để rước lễ là giống nhau đối với người khuyết tật trí tuệ và khuyết tật cơ thể cũng như mọi người, cụ thể là người đó có thể ‘phân biệt thân mình của Chúa Kitô với thức ăn thông thường’. ngay cả khi sự công nhận này được chứng minh thông qua cách thức, cử chỉ hoặc sự im lặng tôn kính hơn là bằng lời nói.

Các mục tử được khuyến khích tham khảo ý kiến với cha mẹ, các người thay thế cha mẹ, nhân viên giáo phận phụ trách các vấn đề khuyết tật, nhà tâm lý học, nhà giáo dục tôn giáo và các chuyên gia khác để đưa ra phán quyết của họ. Nếu xác định rằng một giáo dân khuyết tật chưa sẵn sàng lãnh nhận bí tích, thì cần phải hết sức cẩn trọng trong việc giải thích lý do cho quyết định này. Các trường hợp nghi ngờ nên được giải quyết theo hướng có lợi cho người Công Giáo là có quyền lãnh nhận bí tích. Sự tồn tại của một khuyết tật không được coi là không đủ điều kiện để một người được rước lễ.

“23. Do ý nghĩa tối quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của tín hữu, và trước các tiến bộ y học và công nghệ, vốn ảnh hưởng đến người Công Giáo khuyết tật, các câu hỏi mới đã được đặt ra về việc rước lễ, và các trường hợp trước đây là hiếm thì nay trở nên phổ biến. Các giáo sĩ và các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ cần được khuyến khích làm quen với nhu cầu của giáo dân của họ. Trong nhiều trường hợp, sự thích nghi đơn giản có thể là rất hữu ích và nên được tất cả mọi người thực hiện ở cấp giáo xứ.

“24. Người Công Giáo nào, thường cần được nuôi dưỡng qua các ống cho ăn, được khuyến khích rước lễ, giống như tất cả các tín hữu Công Giáo. Chúa Kitô hiện diện trong bí tích dưới mỗi hình, và việc rước lễ có thể được nhận dưới một mình hình bánh hoặc hình rượu. Vì sự hiện diện đầy đủ của Chúa Kitô và ơn thánh hóa của Người được tìm thấy ngay cả trong phần nhỏ nhất của Bánh đã truyền phép, hoặc chỉ trong một giọt rượu truyền phép, nên quy định rước lễ qua miệng vẫn là như đối với các người sử dụng ống cho ăn, do đó không cho rước lễ qua ống cho ăn. Đối với các người rước lễ như vậy, thường nên đặt một hoặc một vài giọt Máu Thánh trên lưỡi. Các giáo sĩ và thừa tác viên mục vụ được khuyến khích sử dụng các hướng dẫn này, và tham khảo ý kiến bác sĩ, thành viên gia đình và các chuyên gia khác tùy theo từng trường hợp cụ thể, để xác định làm thế nào các người sử dụng ống cho ăn có thể tận dụng hoa trái dồi dào của việc Rước lễ. Sự hướng dẫn đặc biệt cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ nên được cung cấp theo yêu cầu.

“25. Người Công Giáo mắc bệnh Celiac (không dung nạp gluten) hoặc các điều kiện khác, vốn làm cho họ không dung nạp gluten, nên tạo cơ hội để rước một mảnh nhỏ của Bánh Thánh thông thường, và ý thức chọn rước Bánh Thánh có hàm lượng gluten thấp, hoặc chỉ rước hình rượu mà thôi. Trong trường hợp không dung nạp gluten và rượu, nước nho ép (mustum) cũng có thể là một lựa chọn, với sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền địa phương. Các giáo sĩ và các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ cần phải nhận thức được khả năng lây nhiễm chéo và các vấn đề liên quan, để lên kế hoạch cho rước lễ thật an toàn cho người Công Giáo không dung nạp gluten. Thí dụ, chén thánh được trao cho người không dung nạp gluten không được chứa một chút nào của Bánh Thánh, và bánh lễ có hàm lượng gluten thấp không bao giờ được xen kẽ với bánh lễ thông thường. Bởi vì mọi người có thể cảm thấy tự tin trước viễn cảnh cần sự sắp xếp đặc biệt cho việc rước lễ, sự nhạy cảm mục vụ trong lĩnh vực này là đặc biệt quan trọng.

“26. Khi các người Công Giáo được rửa tội là người thường xuyên rước lễ nhưng lại bị bệnh giảm trí nhớ (Alzheimer), hoặc chứng mất trí nhớ liên quan đến tuổi già, sẽ có một giả định ủng hộ khả năng cá nhân để phân biệt giữa Rước lễ và thức ăn thông thường. Việc cho họ rước lễ nên tiếp tục càng lâu dài càng tốt, và các thừa tác viên được kêu gọi thực hiện chức năng của họ với sự kiên nhẫn đặc biệt. Nếu việc nuốt trở nên đặc biệt khó khăn, các quyết định liên quan đến việc tiếp tục rước lễ có thể được xem xét lại. Quyết định mục vụ này được đưa ra theo từng trường hợp cụ thể, với sự tham khảo ý kiến cá nhân, những người gần gũi nhất với người ấy, bác sĩ và cha xứ”.

Nhiều giáo phận lớn có một văn phòng phụ trách người khuyết tật và các nhu cầu đặc biệt. Các văn phòng này có thể hỗ trợ phụ huynh và các cha xứ trong việc giải quyết các nghi ngờ và cung cấp giải pháp. Ngay cả khi các văn phòng như vậy không tồn tại, phụ huynh không nên sợ phải chạy đến với giáo phận, nếu giáo xứ không thể giải quyết.

Kinh nghiệm rộng hơn ở cấp giáo phận thường sẽ tiết lộ các khả năng mà linh mục giáo xứ không nhìn thấy được. Đại đa số các linh mục muốn phục vụ giáo dân của mình, nhưng có thể do dự nếu họ sợ bất kỳ nguy hiểm nào đối với sự thánh thiêng của Bí tích Thánh Thể. Mặc dù đây là một khả năng, như các tài liệu trên đây nói, nó thường có thể được giải quyết.

Trong số các cơ sở dịch vụ khác, Loyola Press đã tạo ra một chương trình chuẩn bị bí tích đơn giản cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt: loyolapress.com . Trang sản phẩm của nó trích dẫn Hướng dẫn Quốc gia cho việc Huấn giáo của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ (the National Directory for Catechesis by the USCCB): “Tất cả các người khuyết tật được rửa tội có quyền học giáo lý đầy đủ, và xứng hưởng các phương tiện để phát triển mối tương quan với Chúa”.

Nguyễn Trọng Đa

(vietcatholic 09.04.2019/ Zenit.org 9-4-2019)

Exit mobile version