Tôi từng thấy nhiều người bạn không dám ghi nhận mình là người Công giáo trong một số giấy tờ hành chính; hoặc hiếm khi nói cho chúng bạn biết mình là người có đạo. Thực sự, sau những lời tuyên xưng ấy có thể kéo theo những điều rắc rối hoặc phức tạp về sau. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net 05.11.2018)
Có một thời nhà trường không “ưa” gì đạo Công giáo, không thích những học sinh theo tín ngưỡng này, vì họ cho rằng đó là đạo của kẻ ngoại bang. Thời đó người ta xem tín hữu Công giáo là “công dân hạng 2”. Tạ ơn Chúa vì thời ấy đã chìm vào quên lãng. Như vậy, hệ lụy thứ hai người trẻ có thể đối diện đó là phải giải thích hay chia sẻ với chúng bạn như thế nào về Đức Tin của mình, nếu các bạn ấy hỏi. Hơn nữa, nếu tuyên nhận tôi tin vào Thiên Chúa, thì cuộc sống của tôi phải “ăn khớp” với những lời dạy của Thiên Chúa. Theo đó thi sĩ Paul Claudel đề nghị rằng: “Chỉ nói về Chúa Kitô nếu có người đòi hỏi bạn. Nhưng bạn hãy sống thế nào khiến cho người ta đòi hỏi bạn nói về Người.”
Chúng ta nhớ lại Giáo Hội nhắc bảo rằng: “Khi diễn tả Đức tin, ta không nói những lời trống rỗng, nhưng là nói một thực tại.” Nghĩa là nói về một Đấng Hiện Hữu, có thật và chi phối cuộc sống nhân loại. Cụ thể là gì? Một trong những điều ta có thể nói về Đấng mà chúng ta tin nơi Kinh Tin Kính mà chắc người trẻ Công giáo nào cũng thuộc, ít là nhớ vài tín điều trong đó! Đó là nội dung và kho tàng của Đức Tin Công giáo. Bởi thế mà chàng thanh niên Augustinô thốt lên rằng: “Ước mong Kinh Tin Kính như là tấm gương để bạn soi. Bạn hãy nhìn bạn trong đó: để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên bố là bạn tin không. Bạn hãy vui mừng mỗi ngày về đức tin của bạn.” Nền tảng của những lời tuyên xưng này có từ thời Chúa Giêsu, khi Người truyền dạy các môn đệ rửa tội cho những ai tin. Họ phải công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
Những điều cụ thể trong Kinh Tin Kính liên hệ đến người trẻ, chúng ta sẽ chia sẻ với nhau trong những dịp tới. Ở đây chúng ta trân nhận với nhau rằng chỉ có lời tuyên xưng thuyết phục khi người đó yêu mến Chúa Giêsu thực sự, hiểu biết những lời dạy của Người và biết cách chia sẻ niềm tin ấy với tha nhân. Thực tế cho thấy, khi trò chuyện với một ai có trải nghiệm về Thiên Chúa, họ trình bày, giới thiệu Thiên Chúa một cách sống động và dễ thuyết phục người ta. Hay nói như Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” Dĩ nhiên, phần công đầu quan trọng nhất phải kể đến ơn Chúa Thánh Thần. Chính Người mới khơi gợi lên trong chứng nhân những lời của Thiên Chúa, soi sáng cho người đối diện những chân lý nhiệm màu.
Người trẻ từng trải nghiệm rằng, nói về Thiên Chúa dường như không dễ chút nào. Họ đùn đẩy sứ mạng ấy cho hàng giáo sĩ hay các tu sĩ. Tuy nhiên, tinh thần ấy là chốn chạy, đầu hàng trước một Lời mời gọi khẩn cấp của Thiên Chúa. Trong khi đó, chính Thầy Giêsu khuyến khích các tông đồ, trong đó có nhiều người trẻ như chúng ta: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6,20) và “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Hay gần đây nhất, ĐGH Phanxicô thách thức người trẻ rằng: “Đức Kitô sẽ làm gì nếu Ngài ở vị trí của tôi?” Một cách mạnh mẽ nhất, Giáo Hội khi hướng về người trẻ, Mẹ Giáo Hội mong các bạn trẻ, qua phép rửa của mình, hãy cùng nhau nhận lãnh sứ mạng đem Tin Mừng cho hết mọi người. Một khi tuyên xưng đức tin bằng cả cuộc sống của mình, người trẻ hy vọng rằng lời tuyên xưng ấy luôn cao quý trước mặt Thiên Chúa và con người. Một tượng đài cho lời tuyên xưng ấy vốn rất gần gũi với người trẻ Việt Nam, đó là chân phước Anrê Phú Yên. Chúng ta muốn bắt chước ngài.
Một người bạn khác giúp người trẻ lên tinh thần để tuyên xưng đức tin đó là chàng trai Giê-rê-mi-a (về sau là một tiên tri lớn sống vào những năm 626 TCN). Anh ấy kể rằng có lần Đức Chúa phán: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” Dĩ nhiên lời ấy quá sức đối với một người trẻ như Giê-rê-mi-a. Anh ấy từ chối vì: “Ôi ! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” Rồi Đức Chúa phán với chàng trai trẻ ấy rằng: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.[..] Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi.” (Gr1, 1-19). Vậy là từ đó Giê-rê-mi-a đi khắp đó đây kêu gọi người ta hãy trở về và tin vào Đức Chúa. Anh ấy đã thành công!
Chúng ta không dám nhận mình là Giê-rê-mi-a của thời đại hôm nay. Tuy nhiên Lời Chúa vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn mỗi người trẻ lên đường làm chứng cho Thiên Chúa. Ước mong người trẻ cộng tác với Thiên Chúa, để Thiên Chúa thánh hóa và chỉ bảo. Chúng ta tin rằng mỗi người trẻ Công giáo tuyên xưng đức tin của mình một cách tự nhiên và sống động với bạn bè, gia đình và tha nhân.