|
Nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ những vị thánh thân, vì họ đã yêu mến Thiên Chúa đến cùng. Trong số những vị thánh ấy, không ít những vị thánh trẻ cùng trang lứa với chúng ta. Thán phục các ngài, nhưng đồng thời mỗi người trẻ lại tự hỏi không biết mình có khả năng yêu mến và đi theo Chúa giống như các ngài không?
Một thực tế là con người có khả năng nhận biết và đáp lại tiếng Thiên Chúa mời gọi. Chẳng hạn ta có thể nhận biết Thiên Chúa nơi chính Đức Giêsu, nơi Giáo Hội, trong Kinh Thánh, trong lương tâm, bằng lý trí, với những kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cầu nguyện, v.v. Nếu như những con đường nhận biết này vốn khó khăn, thì kết quả theo sau đó là lời mời gọi của Thiên Chúa muốn con người từ bỏ và đi theo Người lại càng thách đố hơn. Thầy Giêsu cũng kêu gọi nhiều người đến để nghe Lời Người. Họ ngưỡng mộ với biết bao phép lạ Người làm, tung hô Thầy với biết bao bài giảng tuyệt vời của Người. Nhưng khi Đức Giêsu mời gọi họ tiến vào con đường đau khổ của thập giá, chúng ta thấy có mấy người dám đáp trả lời mời gọi ấy. Các môn đệ cũng chạy mất dép!
Tuy nhiên người trẻ không mất đi niềm hy vọng để có thể đáp lại tiếng gọi của Người. Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh thật sống động trong Giáo Hội đang ngỏ lời với từng người trẻ. Trước lời gọi đó, người trẻ có thể trả lời Thiên Chúa thế nào khi Người nói với chúng ta? Một cách đơn giản Giáo Hội nói rằng: “Chúng ta trả lời Thiên Chúa khi chúng ta tin Người.” Hóa ra đức tin một lần nữa dẫn chúng ta đến hành động làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn “Tin là đi vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài.”
Trong tương quan ấy, người trẻ không sợ hãi để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa: Hãy theo Thầy. Thực ra những ai sợ lời gọi ấy cũng là lúc họ chưa thực sự tin vào Thầy Giêsu. Có người kể rằng anh hành khách kia run sợ khi đi đò qua sông. Anh sợ vì cho rằng bác lái đò không đủ tài năng để điều khiển con đò, anh nghi bờ bác tài lỡ có bất trắc, con đò sẽ chìm đắm, và khi ấy anh sẽ chết. Thực ra, với suy nghĩ ấy không chỉ anh sợ hãi mà anh còn xem thường bác lái đò. Cũng vậy, khi đi theo Thầy Giêsu nhiều người trẻ sợ mình gặp nhiều khó khăn thách đố. Họ sợ Thầy Giêsu vắng bóng khiến họ vỡ mộng lỡ làng. Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmau là ví dụ điển hình. (Lc 24, 13-35). Trong khi đó, Thầy Giêsu lặp đi lặp lại: “Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6, 16-21).
Nếu có dịp nào đó tham sự đại hội giới trẻ thế giới, hay cấp giáo phận, chúng ta thấy sức sống người trẻ thật mạnh mẽ biết bao. Họ thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa và ước mong có thể đón nhận những sứ mạng Chúa trao. Với tài năng và hoài bão, họ dám cộng tác với Thiên Chúa. Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018, nhận xét về người trẻ rằng: “Nhiều người nam nữ và nhiều bạn trẻ đã hy sinh cách quảng đại chính bản thân họ, thậm chí đôi khi đến mức tử đạo, vì tình yêu đối với Tin Mừng và sự phục vụ anh chị em của họ.”Ước gì lời nhận xét ấy cũng đúng một phần nào nơi những người trẻ Công giáo Việt Nam hôm nay! Thay vì run sợ dấn thân trên con đường của Chúa, người trẻ nài xin Thiên Chúa cho họ can đảm để từng ngày hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa. Nhờ đó, người trẻ thêm yêu mến và đi theo Thầy Giêsu thân thiết hơn.
Khi kết thân được với Thiên Chúa, người trẻ sẽ dễ nhận ra tiếng Chúa hơn và từ đó cũng đáp lại tiếng Người mạnh mẽ hơn. Thiên Chúa luôn trao cho mỗi người một sứ mạng cụ thể. Tuy vậy, nhiều bạn trẻ phản đối điều này vì dường như mình chẳng biết Chúa muốn gì nơi mình. Nếu đọc lại cuộc đời các thánh, chúng ta thấy các ngài dù với địa vị và thời cuộc nào, Thiên Chúa đã trao cho các ngài sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa bằng đời sống của mình. Không cần tới khi làm giáo hoàng, các linh mục hay tu sĩ, người trẻ mới đáp lại tiếng Chúa. Đừng quên rằng: “Tôi là một sứ mạng trên mặt Đất này; đó là lý do vì sao tôi hiện diện ở đây trong thế giới này.” (Thông điệp Niềm Vui Tin Mừng, số 273).
Một cách đơn sơ trong cuộc sống hằng ngày khi thức giấc, tôi thử hỏi Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Người muốn con làm gì trong ngày mới này?” Hãy nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa ngỏ lời trong tâm hồn mình. Bạn yên tâm, Thiên Chúa luôn có chương trình cụ thể mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác. Từ đó cuộc sống chúng ta tìm được hướng đi, tìm được ý nghĩa và sức sống vốn thường sôi sục trong trái tim người trẻ.
Khi ngỏ lời với người trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường chia sẻ rằng: “Chúng ta không phải chờ tới khi hoàn hảo rồi mới đáp lại Thiên Chúa mời gọi chúng ta, nhưng tốt hơn là hãy mở tâm hồn trước Tiếng gọi của Ngài.” Ước gì chúng ta tự dặn với lòng mình, hôm hay tôi đáp lại tiếng Chúa mạnh mẽ hơn hôm qua một chút, ngày mai sẽ quyết liệt hơn hôm nay một chút. Được như thế, người trẻ sẽ trở nên cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong môi trường sống này, trong xã hội và thế giới này.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ