Năm ấy ngài là một trong những Giám Mục trẻ tuổi nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra Đức Hồng Y Charles Maung Bo còn là một tu sĩ dòng Don Bosco. Xin nhường lời cho Đức Hồng Y nhắc lại ơn gọi và nói về tầm quan trọng của việc giáo dục các tín hữu Công Giáo Myanmar dám loan báo Tin Mừng và giáo dục người dân tiến về nền dân chủ tự do.
Cha Sở của làng tôi – Monhla – một hôm sai tôi cùng với hai anh bạn khác đến một tu viện salesiano. Ngài là một tu sĩ dòng Don Bosco. Lúc ấy tôi là một chú bé rất cảm kích mỗi khi trông thấy Cha Sở cầu nguyện và đặc biệt lúc ngài dâng Thánh Lễ. Khi đến tu viện Mandalay ở Lafon tôi thật sự được lôi cuốn bởi các Cha và các Thầy dòng Don Bosco. Thêm vào đó, cử chỉ thân tình và lòng ưu ái quan tâm chăm sóc của Cha Bề Trên tu viện là một trong những lý do thúc đẩy tôi quyết định gia nhập Dòng Don Bosco.
Trong thời thơ ấu, hình ảnh hiền mẫu tôi chiếm trọn tâm trí tôi. Hoàn cảnh tôi cũng hơi hơi giống hoàn cảnh của Cha Thánh Gioan Bosco (1815-1888). Thân phụ tôi qua đời năm tôi mới lên 2 tuổi. Tôi là con út trong gia đình có 2 anh trai và 2 chị gái. Mỗi buổi tối chúng tôi cùng lần hạt Mân Côi chung rồi Mẹ tôi kể chuyện Các Thánh và các Phép Lạ của Các Thánh. Mẹ khuyên chúng tôi bắt chước gương Các Thánh để sống đúng ơn gọi của tín hữu Công Giáo. Mỗi buổi sáng thức giấc tôi đều trông thấy Mẹ tôi đang cầu nguyện bên cạnh tôi.
Về phần dòng Don Bosco thì Các Linh Mục Tu Sĩ đến Myanmar vào năm 1939. Năm 2014 chúng tôi mừng kỷ niệm 75 năm sự hiện diện của các tu sĩ Don Bosco tại Myanmar. Sau thời kỳ gặp khó khăn khủng hoảng vào năm 1965, hiện nay các Linh Mục tu sĩ Don Bosco phụ trách các giáo xứ, hoạt động mục vụ hăng say bên cạnh giới trẻ, đặc biệt trong lãnh vực tông đồ liên quan đến công tác huấn luyện. Ngày nay hơn bao giờ hết, Myanmar cần được giáo dục để tiến đến nền dân chủ tự do đích thật. Trong vòng một thế kỷ rưỡi, người dân Myanmar phải sống dưới sự kềm kẹp, bị áp bức trăm bề và bị khép kín trước thế giới bên ngoài. Giờ đây cánh cửa hy vọng đã mở, người dân cần được học hỏi về cách thức sống một nền dân chủ tự do đích thật. Người dân cần tìm gặp trở lại thế nào là ý nghĩa của sự tha thứ, sự hòa giải và một nền phát triển chân chính.
Người dân Myanmar có một tâm tình tôn giáo rất sâu xa. Họ thường kiên nhẫn, yêu chuộng bất bạo động và thực hành sự khoan dung. Họ rất quý trọng việc suy niệm và yêu thích sự thinh lặng. THIÊN CHÚA, Tôn Giáo và Các Vị Sư, Các Tu Sĩ là những ưu tiên chính yếu trong đời sống của người dân Myanmar.
Có một điểm tiêu cực đó là giới trẻ đã đánh mất sự khôn ngoan truyền thống. Họ muốn rời bỏ đất nước đi ra hải ngoại tìm kiếm việc làm để có được nhiều tiền. Thế nhưng giờ đây một số đông bạn trẻ nhận ra hoàn cảnh đáng thương đó nên tìm cách xây dựng cuộc đời trên những giá trị chân chính. Họ bắt đầu nhạy cảm trước nền dân chủ tự do, trước các nhân quyền và quyết tâm sử dụng khả năng cùng trí thông minh một cách nghiêm chỉnh.
Các tín hữu Công Giáo Myanmar rất sốt sắng và đạo đức. Họ thường xuyên đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và lãnh các bí tích. Nhưng họ lại không bao giờ tìm cách thông truyền Đức Tin Công Giáo cho người khác, đặc biệt là cho các phật tử. Họ chỉ sống đạo cho mình và không phải là những người loan báo Tin Mừng thực thụ. Vì thế, đối với tôi, có ba ưu tiên mà Giáo Hội Công Giáo cần phải dấn thân cách quyết liệt:
– Giáo dục trẻ em và người trẻ
– Giáo dục Đức Tin cho tất cả các tín hữu Công Giáo và khuyến khích họ dấn thân rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho mọi người sống chung quanh
– Phát triển xã hội và chính trị cho đất nước Myanmar thân yêu của chúng tôi.
… ”Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Isaia 42,1-4).
(”Il Bollettino Salesiano”, Rivista fondata da San Giovanni Bosco nel 1877, Aprile 2012, trang 22-23)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 25.02.2016)