Người thay đổi cuộc đời trẻ khiếm thính tại Uganda

nguoi thay doi cuoc doi tre khiem thinh tai uganda - Người thay đổi cuộc đời trẻ khiếm thính tại Uganda

Thoạt nhìn, Rannah Evetts, một cô gái trẻ với mái tóc hung đỏ đến từ Texas, Mỹ chỉ mới học xong trung học phổ thông, dường như không thể là một người để Chúa trao gởi sứ mệnh nhiều bất trắc tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền Ðông Phi. Nhưng Ngài đã chọn cô.

Rannah Evetts là tân tòng, được rửa tội vào năm cuối trung học, sau khi cô tìm thấy sự bình yên từ khi được biết đến Thiên Chúa. Và trong tim cô luôn có tình yêu dành cho châu Phi. Sau khi vừa tốt nghiệp bậc trung học, tình yêu đó trỗi dậy, cùng với động lực là Lời Chúa dạy sống hết mình vì tha nhân, Rannah lên đường sang Uganda. Cô gái trẻ người Mỹ làm tình nguyện viên trong 7 tháng tại dự án thành lập trường học dành cho trẻ em khiếm thính ở thủ đô Kampala.

Evetts đã rất kinh hoàng khi tận mắt nhìn thấy cách đối xử với những trẻ em bị khiếm thính ở đây, điều cô đã báo cáo trong dự án trường học của mình ở Texas. Cô từng thấy một cậu bé bị cột chặt vào cây, giống như “thú cưng” của gia đình, bị cho ăn thức ăn thừa, côn trùng, thậm chí là cả phân.

Tại đất nước của Evetts, cộng đồng thường được cung cấp những kiến thức để hỗ trợ người khuyết tật, chẳng hạn người nghe kém hoặc không nghe được thường dễ bị cô lập. Trẻ em khiếm thính ở Mỹ được học hành tử tế, có thể giao tiếp bằng thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu) và những người xung quanh đều hiểu khiếm thính là tình trạng suy giảm khả năng nghe, nhưng không ảnh hưởng đến giá trị phẩm giá của một người.

Evetts đỡ đầuu cho một em khiếm thính tại Uganda

Nhưng tại Uganda, do thiếu kiến thức và nhiều nơi còn chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của các bộ lạc, cùng với mê tín dị đoan, nên trẻ khiếm thính bị xem là một lời nguyền và là nỗi xấu hổ của gia đình. Những trẻ này bị xem như “đồ vật” và bị hắt hủi, không được đến trường vì hầu hết các gia đình đều cho rằng các em không thể học được. Vì sự nghèo đói trầm trọng, nhiều ngôi làng gần nơi Evetts tham gia thành lập ngôi trường đặc biệt, những trẻ khiếm thính có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực và mại dâm rất cao.

Evetts đã trình bày với linh mục địa phương và Ðức cha Sanctus Lino Wanok, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Lira (Uganda) rằng cô sẽ mở một trường Công giáo cho trẻ khiếm thính. Vào năm 2016, khi cô 21 tuổi, được sự cho phép của Ðức cha Wanok, trường Thánh Francis de Sales dành cho trẻ khiếm thính được thành lập tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền tây bắc Uganda. Với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân tại giáo xứ nơi quê nhà Texas, Evetts không chỉ đón chào 50 trẻ vào học văn hóa mà còn dạy giáo lý cho các em. Một linh mục địa phương đã học ngôn ngữ ký hiệu để có thể “lắng nghe” các em xưng tội.

Trong suốt thời gian ở đó, Evetts thực sự xúc động khi chứng kiến sự chuyển đổi khó tin của những đứa trẻ đã trải qua quá nhiều bất hạnh được đưa vào trường nội trú, và nhận được giáo dục và yêu thương. Các em không chỉ được tôn trọng, mà còn được giải thoát ra khỏi bóng tối, một thứ bóng tối mà chính Evetts còn sợ hãi. Bản thân cô cũng có quá khứ đau buồn, từng sống cô lập vì bị lạm dụng tình dục từ nhỏ, nhiều năm bị trầm cảm, ghê sợ bản thân và có ý định tự tử. Giờ đây, Evetts đã nhìn thấy rõ mục đích sống của mình và cô đáp lại lời mời gọi trong sâu thẳm trái tim để phục vụ cho những đứa trẻ khiếm thính mà Thiên Chúa giàu lòng từ ái đã trao phó.

Ngôi trường mang lại niềm hy vọng cho những tuổi thơ bất hạnh

Trường khiếm thính Thánh Francis de Sales hiện dạy 47 học sinh tiểu học, 4 học sinh trung học và 6 người trưởng thành. Evetts đã rơi nước mắt khi nói về nhiều học sinh không được nhận vào vì thiếu phương tiện phục vụ. Năm ngoái, trường đã hết sức tiết kiệm khi chỉ chi tiêu khoảng 3.600 USD/tháng (hơn 83 triệu đồng) cho mọi hoạt động, từ dạy học đến lo bữa ăn cho học sinh. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh còn kém, và còn nhiều học sinh bị bệnh do nguồn nước ô nhiễm, và chế độ ăn uống không đầy đủ.

Hiện tại Evetts đang ưu tiên cho các vấn đề về vệ sinh, nước sạch và cung cấp thực phẩm tốt hơn cho các em nhỏ. Ðức Tổng Giám mục Wanok cũng đã tặng trường hơn 9 hecta đất nhằm mở rộng thêm. Cô gái trẻ người Mỹ đang từng bước xây dựng trường nội trú cho 300 trẻ, trong khuôn viên có cả nhà thờ, nhà dành cho nhân viên và cả khu trồng trọt.

Thiện Tâm (theo Aleteia)

Exit mobile version