Người tách khỏi hoặc khước từ vâng phục Giáo Hội có ơn Chúa Thánh Thần?

Trả lời:

Câu nói trên của thánh Irênê trong cuốn Chống các Lạc giáo, quyển III, chương 24 cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo Hội của Chúa Kitô với Thần Khí và, vì thế, với ân sủng của Thiên Chúa. Câu nói này diễn tả chân lý Giáo Hội là phương thế duy nhất và phổ quát mà Thiên Chúa dùng để hiện thực hóa ơn cứu độ nhân loại.

Điều 751 trong Bộ Giáo Luật định nghĩa các khái niệm lạc giáo (gồm những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhưng ngoan cố chối bỏ hay nghi ngờ một số chân lý mặc khải), bội giáo (gồm những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhưng chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo) và ly giáo (gồm những người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhưng từ chối phục quyền Đức Giáo Hoàng hay không hiệp thông với các thành viên của Giáo Hội dưới quyền của Ngài). Điều luật này nằm trong phần nói các tín hữu phải vâng phục lời dạy của Huấn Quyền Giáo Hội. Điều luật này không phán quyết những người này có còn thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô hay không, nên ta không thể phán đoán ngay rằng họ mất ơn Chúa Thánh Thần.

Trong Giáo Hội Học, khái niệm Giáo Hội của Chúa Kitô và khái niệm Giáo Hội Công Giáo không hoàn toàn đồng nhất với nhau, tuy rằng Giáo Hội Công Giáo là sự tiếp diễn, nối dài ở trong lịch sử của Giáo Hội mà Chúa Kitô thiết lập. Công đồng Vaticano II nói rõ: Trong hoàn cảnh cụ thể của thế giới này, Giáo Hội của Chúa Kitô “lập hữu” trong (subsistit in) Giáo Hội Công Giáo (x. Lumen Gentium 8).

Số 17 của tài liệu Dominus Iesus của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rõ hơn là những nhóm (lạc giáo hay ly giáo) còn giữ Bí Tích Truyền Chức Thánh và Bí Tích Thánh Thể thành sự thì vẫn là các giáo hội địa phương thực thụ. Giáo Hội của Chúa Kitô vẫn hiện diện và hoạt động trong các giáo hội đó, tuy họ không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Còn những ai thuộc các nhóm mà không có hai Bí Tích trên thành sự thì vẫn hiệp thông với Giáo Hội cách nào đó, tuy không hoàn hảo, bởi vì họ đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.

Vậy chúng ta thấy những người lạc giáo, bội giáo hay ly giáo vẫn có thể (nếu thuộc các trường hợp mà Dominus Iesus, 17 nêu ra) còn thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô (tuy không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo).


Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, SJ

Exit mobile version