Sau khi hoàn tất học trình nơi trường bách khoa, đáng lý anh Jean-Marie ghi danh vào trường quốc gia hành chánh. Nhưng rồi một tai nạn xảy ra trong lúc tập dượt cho cuộc tranh tài lực sĩ đã khiến mọi sự đảo lộn hết. Anh quyết định trở thành Linh Mục Salésien, theo gót thánh Gioan Bosco để phục vụ những người trẻ gặp khó khăn và để đồng hành với các bạn trẻ giúp họ triển nở Đức Tin Công Giáo. Xin nhường lời cho Cha Jean-Marie Petitclerc.
Từ thơ ấu tôi đã nghĩ đến chuyện làm linh mục. Nhưng tôi chôn vùi ước nguyện linh thiêng này dưới các đam mê dành cho việc học nơi bậc trung học cũng như nơi trường bách khoa. Tôi cũng bị các môn điền kinh của lực sĩ lôi cuốn. Tôi lao mình vào các cuộc tập dượt để thắng giải trong các cuộc tranh tài. Đối diện với các đòi hỏi khe khắt của các cuộc thao luyện đáng lý ra tôi phải cẩn trọng canh chừng về tiết nhịp sống. Thế nhưng cuộc đời sinh viên xuân trẻ ngay nơi khu phố la-tinh giữa lòng thủ đô Paris khiến tôi quên hết mọi chuyện. Tôi ham hố rất nhiều sự: muốn học hành giỏi giang, muốn trở thành lực sĩ nổi tiếng và muốn vui chơi thỏa thích. Tôi muốn là chàng trai thời đại cuồng điên đúng nghĩa của nó!
Thế rồi, chuyện phải đến đã đến. Trong một cuộc thao luyện ở Colombes, nơi tôi đoạt giải vô địch dành cho nước Pháp, tôi bị gãy xương. Thật là khốn khổ: từ đây khởi đầu cho một cực hình lớn lao. Trong vòng 18 tháng, tôi gần như hoàn toàn không thể nào bước đi. Tôi phải trải qua nhiều cuộc giải phẫu. Có một lúc một ý tưởng kinh hoàng xuất hiện: có lẽ rồi đây tôi sẽ không bao giờ còn có thể sử dụng đôi chân như một người bình thường nữa. Tôi đau đớn tự hỏi: ”Mình sẽ làm gì cho cuộc đời mình đây?” Cho đến lúc ấy, tôi đã trải qua một cuộc sống đong đầy thành công. Mọi sự như tươi cười chào đón tôi. Con đường sự nghiệp thênh thang đang mở rộng trước mắt: có lẽ tôi sẽ lao vào chính trường. Thế mà giờ đây xuất hiện những tháng ngày lê thê đau đớn, một cuộc dừng chân bất ngờ trong cuộc chạy đua đã bất thình lình đặt tôi trước những vấn nạn chính yếu của cuộc đời.
Chiếc thang các giá trị trong phút giây hoàn toàn bị đảo ngược. Những gì đối với tôi thật là quan trọng trước khi tai nạn xảy ra giờ đây bỗng rơi xuống hàng thứ yếu. Rồi khi xem xét lại lộ trình đã trải qua tôi cũng cùng lúc nhận thức rằng quả thật tôi đã rất yêu thích những hoạt động bên cạnh giới trẻ trong phong trào Hướng Đạo hơn là những cuộc chuẩn bị khắc nghiệt để bước vào trường quốc gia hành chánh.
Một hôm, thật ”tình cờ” – nhưng có đúng là có chuyện ”tình cờ” xảy ra trong cuộc sống thiêng liêng hay không? – tôi ”tình cờ” đọc tiểu sử cuộc đời thánh Gioan Bosco (1815-1888). Ngài là Linh Mục. Tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm về ơn gọi của tôi trong thời thơ ấu. Ngài là nhà giáo dục. Tôi nhớ lại mình rất yêu thích nhiệm vụ huynh trưởng của Hướng Đạo. Thánh Gioan Bosco cũng có chiều kích chính trị: Ngài từng giữ vai trò cố vấn cạnh bộ trưởng nội vụ của thành Piemonte ở miền Bắc nước Ý về những vấn đề liên quan đến việc ngăn ngừa giới trẻ lộng hành, phá phách, du côn và mất dạy. Vị Linh Mục người Ý này đúng là bản tổng hợp nhiều nguyện vọng khác nhau của tôi! Và chính trên giường bệnh viện mà tôi quyết định quy hướng cuộc đời tôi và đặt các bước chân của tôi theo sát các vết chân của thánh Gioan Bosco!
Sau thời gian chữa trị và kết thúc học trình nơi trường bách khoa, tôi bỏ rơi chương trình ghi danh vào trường quốc gia hành chánh. Tôi đến gõ cửa Tu Viện Các Linh Mục tu sĩ Salésiens – hội dòng do thánh Gioan Bosco thành lập vào năm 1859 – chuyên về ngành giáo dục giới trẻ nơi học đường cũng như nơi các khu phố có nhiều vấn đề về giới trẻ côn đồ. Tôi trở thành Linh Mục và nhà giáo dục giới trẻ từ hơn 30 năm qua. Tôi hoạt động rất nhiều với niềm vui cùng với đam mê đôi khi quên bẵng chuyện chăm sóc chính mình. Năm 2012 lúc đang ráo riết chuẩn bị cho năm học sắp bắt đầu, tôi bị một cú đứng tim phải nhập viện cấp cứu. Với khoảng cách 40 năm, tôi sống lại những ngày nhập viện trong thời xuân trẻ. Từ một người năng động tôi trở thành người bất động nằm im trên giường bệnh.
Rất có thể có người cho rằng tôi là kẻ quá hoạt động. Nhưng không phải như vậy. Tôi là một người chiêm niệm ngược đời. Tôi thích đắm chìm trong thinh lặng. Tôi thích nghiền ngẫm Lời Chúa. Tôi tin rằng người ta không thể hành động nếu trước đó không cầu nguyện. Thánh Gioan Bosco hành động như người cầu nguyện và cầu nguyện như người hành động.
Giới trẻ ngày nay rất cần tình yêu và sự trìu mến. Mỗi người trẻ là một kho tàng và nếu họ không biết thì chính chúng ta phải mặc khải cho họ biết. Trở thành người chuyên chở ”hy vọng” cũng có nghĩa là người mặc khải tài năng. Khi Đức Chúa GIÊSU bảo chúng ta phải trở thành ”muối” và ”ánh sáng” thì có nghĩa là Người muốn chúng ta phải làm nổi bật hương vị và vẻ đẹp của người khác. Giới trẻ ngày nay cần gặp được những người trưởng thành đích thật. Những người lớn biết nói với người trẻ rằng: ”Tôi cần bạn” giống như Đức Chúa GIÊSU đã nói với các môn đệ: ”Thầy cần các con để xây dựng Nước THIÊN CHÚA”. Nhiều bạn trẻ trở thành ”vấn đề” cho người khác – đặc biệt là cho cha mẹ – thay vì là những ”cơ may” cho người khác. Ước gì các người trưởng thành dám nói với người trẻ rắng: ”Các bạn thật sáng giá trước mắt chúng tôi!”
Ngày nay, các bậc cha mẹ và ông bà Công Giáo rất đau khổ trong vấn đề truyền đạt Đức Tin cho con cháu. Đúng ra vấn đề không hẳn ở chỗ: ”Con cháu chúng ta không còn đến nhà thờ nữa” cho bằng ở chỗ: ”Con cháu chúng ta không còn tỏ ra niềm khao khát thiêng liêng nữa”. Trong Phúc Âm bản văn diễn tả thích hợp nhất vấn đề truyền đạt Đức Tin chính là dụ ngôn người gieo giống: Matthêu chương 13 câu 1-23. Trong phạm vi giáo dục, có một phần vấn đề truyền đạt Đức Tin: người trẻ phải đâm rễ nơi gia sản gia đình, văn hóa và tôn giáo trong đó người trẻ được dưỡng dục. Nhưng đề nghị Đức Tin cho con cháu cũng có nghĩa là đồng hành cuộc triển nở Đức Tin tiến về một mới mẻ đôi khi khiến cho chúng ta ngỡ ngàng. Người trẻ không có cùng cảm nghĩ và tin như cách thức chúng ta tin. Vậy thì hãy để cho người trẻ có những sáng tạo của chúng. Chúng ta tháp tùng chúng và nhất là phải nêu cao gương sáng cho chúng. Chúng ta phải sống điều chúng ta tin.
… ”Kẻ quyến rũ người ngay thẳng theo đường xấu thì chính nó lại sa vào hố nó đào, nhưng người sống vẹn toàn sẽ thừa hưởng hạnh phúc .. Phúc cho người luôn luôn biết sợ, còn kẻ cứng lòng sẽ gặp phải tai ương .. Người sống thanh liêm sẽ được cứu thoát, kẻ ăn ở quanh co sẽ sa vào hố bẩy .. Người trung tín được dư đầy phúc lành, kẻ muốn mau giàu sẽ không thoát khỏi hình phạt .. Ai bố thí cho người nghèo sẽ chẳng hề túng thiếu. Còn ai cứ nhắm mắt làm ngơ sẽ phải chịu bao lời nguyền rủa” (Châm Ngôn 28,10/14/18/20/27).
(”Prier”, l’aventure spirituelle, N.350, Avril 2013, trang 14-17)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt