Người ta vẫn thường nói “ Vô tri bất mộ”, không biết không yêu mến. Theo gương cha thánh Eymard người đã nhận ra hồng phúc Chúa Giêsu Thánh Thể tặng ban cho chính mình, để rồi ngài thốt lên “ Chúa đã gọi tôi phục vụ Thánh Thể, cho dù tôi bất xứng ” mà lập ra Hội Dòng Thánh Thể, cũng như cả cuộc đời của ngài là “ ước ao thắp lửa Thánh Thể khắp mọi nơi”, nhất là khi ngài xác tín “ Có Chúa Giêsu Thánh Thể, là có tất cả ”.
Chính bởi cảm nhận sâu sắc này, mà ngài đã mời gọi được rất nhiều người dõi bước theo ngài, để có cùng một đam mê Chúa Giêsu Thánh Thể như ngài.
Trong số những người theo bước chân cha thánh Eymard có cha cố Phêrô Nguyễn Châu Hải, tuy rằng cho đến hôm nay, ngài đã về bên Chúa Giêsu Thánh Thể được 01 năm rồi, nhưng ảnh hưởng của cha cố vẫn còn ghi đậm dấu ấn những nơi ngài hiện diện cũng như nơi nhiều tâm hồn trong những lần có dịp gặp cha trao đổi về việc sống đạo đức, đặc biệt là gương cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, cũng như những sách vở ngài để lại, trong số đó có nhiều sách viết về việc cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.
Đời sống linh mục là một đời sống tế lễ hằng ngày qua thánh lễ, trong thánh lễ luôn đụng chạm tới Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng khi gặp được vị thánh được mệnh danh là “ Tông đồ Thánh Thể ” thì cha cố như là “cá gặp nước” để rồi có thể nói được cha cố là người “ say yêu Thánh Thể”. Đúng thật là như thế, từ khi trở thành tu sĩ Thánh Thể, cha cố cũng trải qua biết bao thăng trầm chẳng khác gì Đấng Tổ Phụ. Nhưng cho dù cuộc đời có ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh…thì cha cố không bao giờ quên Chúa Giêsu Thánh Thể. Chẳng những không quên mà còn tìm cách để Chúa Giêsu Thánh Thể ghi đậm dấu ấn trên rất nhiều người.
Vào những ngày cuối đời, tuổi già sức yếu, phải di chuyển bằng xe lăn hay phải có người phụ giúp, cha cố vẫn không quên Chúa Giêsu Thánh Thể, có lúc đến cùng với anh em trong cộng đoàn trong giờ cầu nguyện trước Thánh Thể theo thường lệ, và cũng có lúc thinh lặng một mình để suy niệm. Để ai nhìn thấy cũng đều nhận ra là như Chúa Giêsu Thánh Thể đã đi vào trong con người, trong tim trong máu của cha cố để chẳng nói, chẳng hát và có khi chẳng nhìn lên Thánh Thể được như ngày xưa… mà vẫn nhận ra như là có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở bên cạnh, đang ở trong con tìm nhỏ bé của cha cố
Sở dĩ cha cố có một niềm tin vững mạnh như thế là nhờ cha cố có cùng một cái nhìn như Đấng Tổ Phụ ngày xưa. Quả thật là như thế, khi đọc tác phẩm đầu tay của cha cố viết về “ Cha thánh Eymard Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể ” cứ tưởng như là cha cố đang có mặt trong cuộc đời của cha thánh Eymard từng bước, từng giai đoạn, từng cả biến cố nữa vậy.
Kể ra cũng thật là lạ, cha cố đã lượm lặt từ 2.000 trang tài liệu cỡ lớn do nhiều tác giả thời danh biên soạn cùng với bút tích của cha thánh mà cha cố đã đúc kết lại thánh cuốn sách hơn 250 trang, không mỏng cũng chẳng quá dày, nhưng ai đã bắt đầu đọc rồi thì muốn đọc ngay, đọc nhanh cho tới hết. Vì qua lối văn bình dân, gần gũi với đời thường của mọi con người, để cho ai đọc cũng có cảm tưởng như là mình cũng có trong đó vậy.
Cha cố chẳng có tham vọng gì lớn lao như cha cố đã bày tỏ trong cuốn sách: “ Tôi không cố ý nêu lên một tấm gương để lôi kéo bạn đọc bước theo đường của người mà nên thánh, vì ai cũng có con đường riêng Chúa đã ban cho tùy theo khả năng, hoàn cảnh, tính tình của mỗi người…”
Vậy mà, với cuốn sách chỉ kể lại từ lúc cha thánh sinh ra, lớn lên, cho tới ngày lập thành Dòng Thánh Thể, và công việc đang tiến hành tốt đẹp đã phải dừng lại vào lúc Chúa gọi ngài về Nước Trời. Đơn giản vậy thôi, thế mà lại gói ghém một ý nghĩa thật là sâu xa: “Hướng mọi người về mầu nhiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, một nhiệm tích làm trung tâm cho tất cả các nhiệm tích khác. Nêu lên một sức sống căn bản của Giáo Hội. Và cũng là một nguồn phân phát sinh lực cho mọi hoạt động của Giáo hội. Cuối cùng là một phương thế cần thiết giúp ta nên thánh mà không một đấng thánh nào có thể bỏ qua.”
Với những ý nghĩa đầy giá trị đó, làm cho ai đọc tác phẩm này cũng đều nhận ra một điều gì đó thật là gần gủi với bản thân của mình. Vì lối diễn tả thật là bình thường, đi từ chuyện này sang chuyện khác như một cuốn phim được quay chậm, làm cho ai cũng hiểu được diễn tiến của sự việc, đi từ dưới tới chuyện lên trên hay từ nơi này sang nơi khác. Ai đọc tới đâu cũng hiểu câu chuyện đó muốn nói gì và cũng làm cho đương sự đang đọc dễ nhập vai và ước muốn mình cũng được như thế.
Qua đó cho thấy, nếu bản thân cha cố không cảm nhận thì làm sao có thể viết lại được như thế cũng như giúp người khác hiểu được cha cố muốn nói gì về một vị thánh trước một mầu nhiệm quá cao siêu đến như vậy, mầu nhiệm Chúa Giêsu Thánh Thể. Để khi gấp sách lại ai cũng thấy cảm động trong sự tấm tắc khen “ đúng là một vị thánh của Chúa Giêsu Thánh Thể”.
Có lẽ như cha cố đã cảm nhận để rồi cha cố một lòng một dạ bước theo cha thánh cho tới cùng, nay cha cố cũng hằng mong muốn người khác có những cảm nhận tương tự, mà trở nên một hình ảnh sống động của cha thánh Eymard trước Chúa Giêsu Thánh Thể trong cuộc sống hôm nay.
Thiên Quang sss