Một hình ảnh đẹp và đáng ngưỡng vọng trong nền văn hóa Việt
Tại Valencia, Tây Ban Nha, Đức Bênêđictô XVI can đảm gióng lên tiếng thanh la giữa một thế giới đang nỗ lực đảo lộn toàn bộ giá trị truyền thống về hôn nhân và gia đình.
“Gia đình là cấu trúc đơn nhất trong kế hoạch Thiên Chúa…, là nền tảng căn bản của xã hội… Gia đình hình thành do cuộc hôn nhân bất khả ly giữa người nam và người nữ. Theo bản chất người nam và nữ được hình thành cho nhau và cho thế hệ tương lai”.
Và cũng tại đất nước này, ly dị được chấp nhận dễ dàng và nhanh chóng. Phá thai được xem là hợp pháp hợp luật. Hôn nhân đồng tính luyến ái đang được xem là đạo luật tiên tiến của xã hội tiến bộ. Một khủng hoảng về chân tính của gia đình. Đúng thế! Đây chính là những cơn cuồng phong ồn ào làm xáo trộn những giá trị truyền thống về gia đình. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn, và tai họa hơn là những cơn sóng ngầm rất êm ả, nhưng cũng thật mạnh mẽ đang xoáy mòn những trụ cột gia đình. Một trong những sóng ngầm đó là vai trò làm mẹ trong gia đình đang bị nền kinh tế thị trường tước bỏ, bị xã hội hạ giá, và bị chính người phụ nữ hôm nay từ khước.
Xã hội hôm nay khi đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội, đấu tranh cho quyền bình đẳng và tự do người phụ nữ, một cách nào đó đang né tránh hay phủ nhận vai trò chính yếu và bất khả thế của người phụ nữ trong gia đình: vai trò làm mẹ. Xem như vai trò này làm giảm thế lực người phụ nữ trong xã hội, và dồn ép người phụ nữ vào môi trường gia đình nhỏ bé chật chội.
Người nữ và nữ tính
Mục tiêu chính yếu của nữ tính là thể hiện vai trò người phụ nữ. Thế nhưng thật không dễ định nghĩa và minh định vai trò này. Một vấn nạn hiện sinh được nêu lên: Người phụ nữ trọn hảo có nhất thiết phải bao gồm các phẩm tính làm mẹ?
Simone de Beauvoir, với khóe nhìn chủ nghĩa hiện sinh, muốn phá tan mọi ràng buộc của phụ nữ và đẩy mạnh tiến trình tự do cá nhân. Bà mạnh mẽ kết án các phụ nữ bận bịu suốt ngày chăm sóc con cái là những “ký sinh trùng” của xã hội.
Ngược lại, Karol Wojtyla (sau là Đức Gioan Phaolô II) dựa trên quan niệm nhân loại học hiện tượng luận lập luận như sau: hành vi cá nhân mạc khải yếu tính hiện hữu người, và mỗi cá nhân sẽ nhận diện người anh em qua hành vi thái độ của họ. Mỗi hành vi của người tự do đều mang một hiệu năng sáng tạo, phát triển nhân vị cá nhân, đồng thời cộng tác và hoàn thành công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Như thế, chân tính nữ giới phải bao gồm những diễn tả độc đáo và chuyên biệt của nữ tính thể hiện qua nếp sống, hành vi, và thái độ riêng; dĩ nhiên, trong đó có chức năng sinh sản và vai trò làm mẹ.
Người phụ nữ toàn diện
Thật quá hạn hẹp khi gói gọn vai trò làm mẹ trong việc sinh sản và từng ngày bú mớm. Bản chất làm mẹ chính là nguyên lý soi rọi mọi lãnh vực sống người phụ nữ, là một nguyên lý nội tại gắn liền với nữ tính, được hình thành và phát triển theo chiều hướng nữ ngay khi sự sống mới được thiết dựng trong cung lòng người mẹ. Helene Deutsch sau bao năm nghiên cứu tâm lý con người, đặc biệt nữ giới, đã phải thốt lên: “Nơi con người, không một cấu tố nào đứng biệt lập khỏi cấu tố khác. Chính thế, người là một hữu thể quá phức tạp nhưng đầy hấp dẫn”.
Những nghiên cứu cơ thể học chứng minh bản năng và trực quan làm mẹ hình thành ngay từ giai đoạn đầu phát triển phôi thai. Cấu trúc não bộ phụ nữ cũng được hình thành khác biệt với nam giới. Nhà di truyền học Anne Moir cho rằng não bộ phụ nữ phát triển mạnh về tương giao cá nhân và cảm xúc, giúp nữ giới hướng đến nhiều hệ tương giao khác nhau. Thí nghiệm cho thấy các bé gái nhậy cảm hơn khi sờ chạm. Con gái xuất sắc hơn con trai khi nắm bắt các vấn đề liên quan đến hệ cảm xúc. Các trẻ nữ thích chơi với người hay những đồ chơi hình tượng người như búp bê, trong khi con trai lại mê xe cộ, máy móc, đất cát… Điều đó chứng minh ngay từ thuở nhỏ, các trẻ nữ đã chất chứa những tiềm năng cho vai trò làm mẹ.
Tâm lý gia Erik Erikson thực hiện một thí nghiệm với các loại đồ chơi trẻ em nhằm tìm hiểu chiều kích không gian giữa trẻ nam và nữ. Kết quả cho thấy trẻ nữ ưa thích vùng không gian nội tại, có khuynh hướng hướng nội hơn ngoại tại, thích đặt mọi sự vật vào vùng không gian tĩnh lặng yên bình. Erikson giải thích hiện tượng này như một diễn tả rõ nét về khác biệt giới tính, đặc biệt vai trò làm mẹ của phụ nữ.
Cấu trúc sinh học của người phụ nữ từ thuở đầu được thiết dựng với vai trò tiếp nhận sự sống, cung cấp một môi trường thật hoàn chỉnh cho sự sống mới hình thành và triển nở ngay trong chính mình. Bộ ngực người phụ nữ được thiết dựng để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và tạo mối giao cảm gia đình. Các cấu tố gien và hóc-môn cũng gắn liền với cấu trúc cơ thể học người phụ nữ tạo nên giới tính nữ chuyên biệt. Theo đó, gầy dựng mái ấm và nuôi dưỡng “tha nhân” chính là đặc tính căn bản của người phụ nữ. Truyền thống văn hóa Việt nam cũng như hầu hết mọi nền văn hóa trên thế giới qua bao thời đại dành cho người mẹ một chỗ đứng cao cả trong gia đình:
Mẹ hiền như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.
Daphne de Marneffe, nhà phân tâm học và chuyên viên tâm lý phụ nữ, dựa vào kinh nghiệm bản thân chân nhận bản năng làm mẹ thực sự gắn liền với nữ giới. Bà tự thú “mỗi lần phải rời nhà công tác xa đôi ba ngày, tôi cảm thấy sợi dây vô hình lôi kéo tôi mau quay về nhà càng sớm càng tốt. Tôi không thể rời xa các trẻ của tôi lâu”.
Lời tự thú trên có vẻ mâu thuẫn với nhu cầu phụ nữ hôm nay đang dõi tìm chân đứng cao trong xã hội, xem như nét diễn tả toàn hảo của giới nữ hiện đại. Nhiều phong trào phụ nữ đang nỗ lực xóa bỏ vai trò làm mẹ ra khỏi yếu tính phụ nữ bằng cách đòi mội vai trò và vị trí tương xứng trong xã hội nhân danh nghề nghiệp, và nhường vai trò chăm sóc cho người khác. (Cụ thể, “người khác” cũng chính là những phụ nữ khác). Di sản văn hóa Việt nam tán dương “công, dung, ngôn hạnh” trong môi trường gia đình như thước đo nét đẹp người phụ nữ. Hôm nay, thước đo công-dung-ngôn-hạnh mang chiều kích mới rộng mở hơn nơi cộng đồng xã hội, và thường loại trừ vai trò làm mẹ nơi gia đình. Rõ ràng, cần một cán cân quân bình giúp người phụ nữ đạt đến trọn vẹn hữu thể mình. Nét trọn vẹn tính của hữu thể được Wojtyla khai triển sắc nét như sau:
“Con người trọn vẹn không chỉ giới hạn qua nét hiện diện cá nhân với tất cả đặc tính thể lý và tâm lý cá biệt của nhân vị. Người là một hệ thống tương giao hỗ tương với các cá thể khác và với toàn xã hội. Như thế, con người trọn vẹn không ở thể tĩnh, nhưng bao hàm bản chất năng động”.
Theo đó, người phụ nữ được kêu mời trọn vẹn hóa chính mình với tư cách nữ tính, trở thành tác nhân tự do hành động theo hướng bản chất nữ của mình. Nếu khả năng làm mẹ là một phần thực tại thể lý của phụ nữ, liên kết chặt chẽ với mọi góc cạnh tâm lý tâm linh của chủ thể người, làm sao người nữ có thể đạt đến trọn vẹn khi cố loại bỏ thiên chức làm mẹ ra khỏi cuộc sống mình?
Từ Tương Giao “Anh-Em” Đến Tương Giao “Mẹ – Con”
Wojtyla khẳng định khi không đạt được cảm nghiệm về tha nhân trực tiếp, chúng ta vẫn có thể nhận biết người anh em như một cái Tôi khác. Tương giao này tạo ra một kinh nghiệm tròn đầy về chính bản ngã mình.
“Anh” sẽ giúp “Em” khám phá và khẳng định “Em” rõ nét hơn, và ngược lại. Tương giao “Anh-Em” càng sâu đậm bền chặt, càng làm rõ nét trách nhiệm hỗ tương lẫn nhau.
Từ tương giao “Anh-Em” phát triển tương giao “Mẹ-Con”. Người mẹ và đứa con cảm nghiệm niềm vui bất tận khi hiện diện bên nhau, một thứ “tiếng sét ái tình” khác. Nhờ tương giao này, chân tính cả hai mẹ con cùng phát triển. Daphne de Marneffe nhận ra nhiều phụ nữ khởi đầu làm mẹ thấy mình thực sự có giá trị trong đời. Một vùng trời ánh sáng chiếu tỏa cuối con đường hầm. Một khả năng nhậy bén hơn, uyển chuyển hơn, sáng tạo hơn nơi chính bản ngã mình. Một niềm vui thỏa mãn sâu xa giúp mình vươn tới.
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã phải công nhận nghề làm mẹ quả là công việc nhiêu khê, phức tạp:
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Công việc này không thể tính bằng con số, mức lương, hay thời gian chấm công. Nhiều phụ nữ hôm nay trong nền kinh tế thị trường thường cảm thấy mình giá trị hơn và được trọng vọng do mức lương cao, do vai trò chót vót trong xã hội. Công việc của người mẹ không dựa trên những gì đang có hay đạt được, nhưng là một chuyển biến chính bản ngã mình. Quả là một thách đố với suy nghĩ đương thời. Nghề làm mẹ mang một tiềm năng chuyển biến người phụ nữ sâu xa và lâu bền, khác hẳn với các nghề ăn lương trong xã hội. Các cô giữ trẻ không thể có cùng tương giao tình cảm sâu lắng như các bà mẹ với con mình. Theo phân tích của Karol Wojtyla về tương giao “Anh-Em”, khi “Em” cảm nghiệm tương giao cận gần với “Anh” như một đối vật, chủ thể “Em” sẽ khám phá ra chủ thể tính chính mình với một sắc thái mới mẻ hoàn toàn. Cũng thế, “Mẹ” sẽ nhận diện chủ thể tính chính mình trong vai trò làm mẹ với những đường nét tuyệt hảo riêng. Nhờ đó, người phụ nữ đạt đến sự tự thành toàn và tự khẳng định mình theo đúng bản ngã Tôi của người phụ nữ.
Linh Đạo Làm Mẹ
Khi đề cập đến người phụ nữ trọn vẹn, không thể không đề cập đến chiều kích thiêng liêng của người nữ. Trước tiên, cần trở về với ý tưởng căn bản về ơn ban bản ngã chính mình. Lời cầu của thánh Phanxico Assisi đang vang vọng:
… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
… Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Như thế, ơn ban dành cho người anh em nhưng lại làm phong phú người trao ban và thiết dựng mối tương giao người-người. Thần học gia Hans Urs von Balthasar xem “nụ cười người mẹ” là lời “Xin Vâng” can đảm, chấp nhận sự hiện hữu của con mình vì chính thiện ích của con. Người mẹ thương yêu con mình chính là gieo rắc những hạt giống yêu thương vào cuộc sống con để con cảm nhận tình thương mến và triển nở một tình yêu mới lan trải đến người anh em bên cạnh. Thông điệp Mulieris Dignitatem (Về Phẩm Cách và Ơn Gọi Người Phụ nữ, 1988) tiếp tục khẳng định:
Người phụ nữ khám phá chính mình qua ơn ban bản ngã riêng. Ơn ban chấp nhận đứa con và đưa nó vào đời gắn liền với khế ước hôn nhân. Vai trò làm mẹ do đó gắn liền với cấu trúc nhân vị phụ nữ và với chiều kích cá nhân của ơn ban (63-64).
Đức Gioan Phaolô II qua thông điệp trên công nhận thách đố lớn lao đối với các bà mẹ đang muốn tiến tới sự trọn vẹn, cả trong thực tại thể lý lẫn tâm linh. Tuy nhiên vai trò làm mẹ đem lại cho người phụ nữ nhiều lợi thế vĩ đại khác: Vai trò làm mẹ giúp người phụ nữ nhậy bén và cảm thông hơn với người anh em bên cạnh. Vai trò làm mẹ giúp người kết hiệp sâu xa hơn với mầu nhiệm cuộc sống, do mầm sống mới đang phát triển ngay trong cung lòng người mẹ. Người mẹ có thể cảm nghiệm một hữu thể mới ngay trong chính mình, “hiểu” bằng trực quan phụ nữ những gì đang chuyển biến ngay trong cơ thể mình. Nhờ đó, người mẹ phát triển tình yêu thương với hữu thể mới “trong chính tôi nhưng không phải tôi”, và tiếp tục triển nở tình yêu thương tới mọi hữu thể. Đây chính là nhân cách sâu xa người phụ nữ (65-66).
Xa hơn, Đức Gioan Phaolô II còn xác quyết vai trò làm mẹ tương quan với giao ước Thiên Chúa thiết lập với người. Qua Maria, Mẹ Thiên Chúa, ta nhận ra tương quan này rõ nét hơn. Mẹ tích cực chấp nhận thiên ý qua tiếng “Xin Vâng” đầy ý thức và tự do. Thái độ này ảnh hưởng sâu xa đến nếp sống thầm lặng của Mẹ. Đức Maria chiêm niệm ơn ban từ Thiên Chúa, giữ kín trong tâm lòng, và âm thầm chịu đựng khi tham dự vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Cùng với Con, Vua các vua, Đức Maria bày tỏ cho chúng ta chân lý phục vụ là cai trị, gục ngã là chiến thắng vinh quang, và hư vô hóa chính mình cho tình yêu lên ngôi. Mẫu gương Maria chính là động lực cho mọi phụ nữ trần thế đang nỗ lực hoàn thành nhân vị nữ tính chính mình.
Thông điệp Mulieris Dignitatem của Đức Gioan Phaolô II như lời đáp trả cho vấn nạn hiện sinh nêu trên. Ngài gọi vai trò làm mẹ là “bước theo Thánh Thần” và hướng người phụ nữ quan tâm hơn đến tha nhân, đặc biệt người đau bệnh, tàn tật, người bị bỏ rơi, các cô nhi, người già lão, trẻ em, người tù tội; nói chung, tất cả những thành phần bên lề xã hội (Mulieris Dignitatem, 74).
Đức Maria là mẫu mực cho các phụ nữ độc thân lẫn phụ nữ lập gia đình, vì chính Mẹ là người Mẹ đồng trinh. Đức Maria đã chứng minh qua cuộc sống mình nét trinh tiết và vai trò làm mẹ không hề loại trừ nhau hay giới hạn lẫn nhau. Ngược lại, “hai chiều kích trên, hay hai lối đường sống trong ơn gọi người nữ hỗ trợ và hoàn hảo hóa lẫn nhau” (Mulieris Dignitatem, 62).
Qua “Thư Gửi Các Phụ Nữ” (1995), Đức Gioan Phaolô II công nhận vai trò góp phần quan trọng của nữ giới trong thời đại chúng ta, bất luận là bà mẹ, bà góa, hay phụ nữ độc thân. Người phụ nữ, theo ngài, đang góp phần tăng trưởng nền nhân bản xã hội. Hình ảnh người phụ nữ giúp thế giới gần nhau hơn, và tương giao người-người nên trung thực và chân thực hơn.
Khi nhìn người phụ nữ bằng khóe nhìn kinh tế sản xuất, so sánh vai trò phụ nữ với mức lương hàng tháng, với chức vụ xã hội hay nghề nghiệp; xã hội hôm nay đang đánh mất thực thể thiêng liêng cao cả của phụ nữ bao gồm tình yêu hướng tha cao cả, niềm vui khôn tả của sẻ chia và trao ban, nét đẹp vừa lộng lẫy vừa dịu dàng của nữ tính, tâm hồn hướng nội âm thầm trong chiêm niệm… Tất cả là hoa trái của vai trò làm mẹ chấp nhận và nuôi dưỡng một hữu thể nhân vị mới trong đời.
Hòa nhịp với lời mời gọi của Đức Bênêđictô XVI tại Valencia, Tây Ban Nha, nhằm xây dựng một gia đình vững mạnh theo đúng truyền thống và giá trị của Thánh Kinh, người phụ nữ hôm nay rất cần sự đỡ nâng và và đường hướng linh đạo cụ thể để đạt đến sự tự khẳng định và tự thành toàn. Tình yêu mẫu tử cần được ơn ban và các giá trị thiêng liêng vun xới để ngày càng đạt đến chân tính tròn đầy của chủ thể tính nữ qua các hoạt động nuôi dưỡng nhân vị và đưa nhân tính đạt mức “trọn hảo như Cha Trời là Đấng Trọn Hảo” (Mt. 5, 48)?
G.B. Vũ Đức Bảo