Người khởi xướng “tiếng chuông tối”

nguoi khoi xuong tieng chuong toi - Người khởi xướng “tiếng chuông tối”

Thao thức xuyên suốt của linh mục Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh là làm sao để mỗi gia đình trở thành Hội Thánh tại gia. Trong gần 40 năm thi hành thánh chức và tại giáo xứ Xóm Chiếu (giáo hạt Xóm Chiếu) mà cha đang đảm nhận, giữa bao nhiêu mối bận tâm, cha luôn hun đúc ngọn lửa đức tin trong từng tổ ấm…

Tiếng chuông tối

9 giờ tối, chuông nhà thờ rung. Tiếng chuông vang xa cả một xóm đạo, dần dần như vô tình đi vào nền nếp sinh hoạt từng nhà. Cư dân Xóm Chiếu ắt quen thuộc với âm thanh này. Cha Giuse Maria lý giải: “Nhà nào có bận làm gì thì làm nhưng buổi tối, tôi cho kéo chuông để nhắc nhớ anh chị em sum vầy đọc kinh. Đơn giản vậy. Trong giờ họp mặt sau một ngày bận rộn, người ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, cha mẹ với con cái trò chuyện để lòng yêu mến gia tăng”. Thật ra thì vị mục tử khắc khoải điều này lâu rồi. Cha tâm niệm gia đình như một bệ phóng để con cái phát triển cả đức tin lẫn nhân bản, và giờ kinh tối có chỗ đứng riêng.

Năm 1995, khi về nhận xứ An Lạc (Tân Bình), cha cũng dành nhiều quan tâm đến việc giữ lửa yêu thương nơi các mái ấm nhỏ. Chuông nhà thờ nơi đây cứ tối tối là đều đặn vang lên. Chủ tịch HĐMVGX Xóm Chiếu, ông Trần Ngọc Đậu kể, nhờ đọc kinh hôm, các thành viên trong gia đình của ông thêm thắt chặt tình cảm. Ông tâm sự: “Không những thế, trong mục vụ, cha sở chăm lo cho đời sống xứ đạo về vật chất cũng như tinh thần, hơn hết là cha động viên anh em hăng hái việc Nhà Chúa. Xóm Chiếu như một đại gia đình ấm áp, chan hòa”. Ở Xóm Chiếu có đông đảo đoàn thể Công giáo. Họ đạo với bề dày hơn 160 năm lịch sử nên mọi sinh hoạt đã sẵn vào khuôn phép. “Về xứ gốc Nam này, tôi thấy an tâm vì bà con rất ý thức chuyện đạo. Tuy nhiên, thời nào có cái lo của thời ấy, giáo dân ta có nền tảng đức tin nhưng thể hiện trong bối cảnh hôm nay ra sao là nỗi lo lớn. Rồi với thế hệ trẻ, họ nghĩ gì về hôn nhân, về sống đạo khi mà ở xã hội này có quá nhiều cám dỗ”, cha Thịnh từng trăn trở như thế. Bởi vậy, trong bài giảng hay tài liệu sinh hoạt dành cho các hội đoàn, cha thường nhắn nhủ bà con giáo dân đem Lời Chúa vào cuộc sống gia đình, siêng năng thực hành sinh hoạt đạo đức. Cha xây dựng kiểu sinh hoạt rất riêng, đó là mời gọi các gia đình liên kết lần chuỗi Mân Côi. Theo đó, mỗi gia đình đọc một chục cộng với 19 gia đình khác hợp thành một nhóm. Cứ vậy, cả xóm đạo kết hợp với nhau trong bầu khí sốt mến.

“Giữ cái gốc”

Dẫn chúng tôi vào phòng truyền thống phía sau nhà thờ, cha xứ Xóm Chiếu chỉ rõ từng hình ảnh hoạt động của xứ đạo. Hội đoàn nào cha cũng dành nhiều tình cảm. Hơn 9.000 giáo hữu với 14 giáo họ, cha luôn có cách chăm lo, không để một nhóm hoặc khu giáo nào lẻ loi. Hằng năm, giáo xứ có chương trình “Về quê ngoại” với sự góp mặt của hầu hết các thành viên, từ cha sở đến những thành phần giáo dân. Về quê ngoại là hành trình về nguồn, viếng thăm các trung tâm hành hương như La Vang, Trà Kiệu. Chuyến đi dài hay ngắn tùy theo điều kiện hằng năm, nhưng cốt là giữ nhịp yêu thương mà hâm nóng nghĩa tình làng xóm. Cùng ăn, cùng ở, vị chủ chăn và đoàn chiên cũng hiểu nhau hơn. Rồi trong năm, cha cũng khuyến khích bà con đến vùng sâu, vùng xa thiện nguyện, nhất là kêu gọi lớp trẻ ra sức trong bác ái, tham gia Caritas. Trong mục vụ, cha chuộng truyền thống. Đối với cha, những tập tục sinh hoạt cổ xưa của giáo hữu phải được gìn giữ bởi lẽ đó là nét đẹp trải qua nhiều thế hệ. Hồi còn ở An Lạc quy tụ nhiều giáo dân gốc Bắc, cha tổ chức và khuyến khích duy trì các lễ nghi văn hóa giống quê cũ của bà con. Về xứ Nam bộ này, cha cũng giữ nhịp đạo đức bình dân mà người Công giáo miền Nam vẫn thực hành. Đến tháng Mân Côi, họ đạo kiệu Đức Mẹ quanh nhà thờ. Việc hát Kinh Cầu Đức Bà, hát Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu mà ở nhiều xứ khác ít thực hiện, thì ở đây cha vẫn đề nghị giữ trong các giờ kinh. “Giữ cái gốc là giữ cội nguồn, và để người sau còn biết mà lan truyền sự tinh túy đó…”, cha tâm tình.

Mỗi năm, cha mở 2 khóa giáo lý hôn nhân. Trong mỗi tiết dạy, cha đi sát vào thực tế, lắng nghe và chia sẻ với các cặp đôi về những băn khoăn, trở ngại. Trong Năm Gia đình, cùng với tinh thần chung của Giáo hội, cha cũng mời gọi người trẻ thường xuyên tham gia các lớp học hoặc các buổi sinh hoạt kỹ năng mà giáo xứ và Tổng giáo phận tổ chức. Vị mục tử đã ngoài sáu mươi, vậy mà dường như ngọn lửa tinh thần vẫn bừng cháy như thuở mới thụ phong linh mục. Vào mùa lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, cha quy tụ người trẻ tham gia diễn nguyện, khuyến khích các bạn thể hiện khả năng. Đồng hành với lớp trẻ cũng là cơ hội để cha nắm bắt tâm lý và định hướng cho các bạn.

Thụ phong linh mục năm 1979 dưới thời Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, suốt hành trình, ở mỗi xứ đạo kinh qua, cha Thịnh luôn gởi trọn tâm huyết cho đoàn chiên. Chính vì xem giáo xứ như một gia đình nên giữa cha sở và giáo dân thật gần gũi, không có ngăn cách. Như một người phục vụ, sống giữa cộng đoàn, cha yêu mến nhiều các giáo hữu của mình và nhận được tình cảm trọn vẹn của bà con.

Anh Nguyên

Exit mobile version